Những tiết lộ bất ngờ về ‘người tố giác’ Tổng thống Trump
New York Times dẫn nguồn tin thân cận cho biết “ người tố giác” các thông tin trong cuộc điện đàm của Tổng thống Trump là quan chức CIA.
Theo New York Times, người này từng có thời gian làm việc tại Nhà Trắng và quay trở lại CIA sau khi tố giác Tổng thống Trump. Luật sư của người này từ chối xác nhận thông tin trên, khẳng định việc công bố thông tin liên quan sẽ gây nguy hiểm cho thân chủ của mình và việc ẩn danh là quyền lợi chính đáng trong trường hợp này.
Trong khi đó, các đồn đoán ban đầu cho rằng “người tố giác” có am hiểu về luật pháp cũng như nắm rõ chính sách đối ngoại với châu Âu của Mỹ và chính trị Ukraine
“Vai trò của người tố giác, bao gồm uy tín và vị trí của ông ấy trong chính phủ là điều cần thiết để hiểu một trong những vấn đề quan trọng nhất mà đất nước phải đối mặt là Tổng thống có lạm dụng quyền lực hay không và Nhà Trắng có che đậy nó hay không?”, cây viết Dean Baquet của New York Times cho hay.
“Người tố giác” Tổng thống Trump được cho là một quan chức CIA. (Ảnh: Getty)
Ông này nói thêm rằng việc cung cấp thông tin của “người tố giác”, bao gồm các thông tin làm việc cho một tổ chức phi chính trị và khiếu nại dựa trên sự thân thuộc và hiểu biết về Nhà Trắng là để mọi người đánh giá độ tin cậy trong thông tin mà người này cung cấp.
“Nhà Trắng mới biết được rằng người này là một quan chức CIA”, Baquet cho hay.
Cả Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, CIA đều từ chối bình luận về thông tin bất ngờ mà New York Times đăng tải.
Người phát ngôn của quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Joseph Maguire cho biết việc bảo vệ “người tố giác” là ưu tiên cao nhất trong văn phòng hiện nay.
Video đang HOT
“Chúng tôi phải bảo vệ những can đảm, dám báo cáo các hành sai trái”, ông Maguire nói trong phiên điều trần hôm 26/9, cho biết thêm rằng ông không nắm được danh tính “người tố giác”.
Theo New York Times, trong thời gian làm việc tại Nhà Trắng, người tố giác hết sức quan ngại về việc Tổng thống Trump đang tìm cách gây áp lực với chính phủ Ukraine để thực hiện các cuộc điều tra mang lại lợi ích chính trị.
Người này không trực tiếp nghe cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine hồi tháng 7, nhưng được một số đồng nghiệp trong Nhà Trắng nói lại rằng họ chứng kiến Tổng thống lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân.
Một tuần sau cuộc gọi, người tố giác chuyển thông tin mà mình nghe được tới luật sư CIA là bà Courtney Simmons Elwood. Bà Elwood sau đó chuyển các cáo buộc tới Nhà Trắng, CIA và Bộ Tư Pháp Mỹ để xem xét.
Tuy nhiên, sau khi biết bà Elwood liên lạc với Nhà Trắng, người này kết luận CIA không xem trọng các cáo buộc của mình nên tiếp tục gửi nó cho Tổng thanh tra cộng đồng tình báo Michael Atkinson. Lời tố giác sau đó tới tay quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Joseph Maguire, nhưng ông này từ chối chuyển đơn khiếu nại của người tố giác cho quốc hội bất chấp quy định rằng đơn khiếu nại phải được gửi đi nếu được đánh giá là đáng tin cậy và khẩn cấp.
Không rõ vào thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump đã nắm được danh tính của người tố giác mình hay chưa, nhưng trong phát biểu mới nhất ông ví người này như gián điệp và rằng hình phạt đang chờ đợi trước mắt.
Theo New York Times, mặc dù ông Trump không đề cập nhưng hình phạt cho tội phản quốc và gián điệp có thể bao gồm án tử hình.
“Người tố cáo” trước đó khẳng định có ít nhất 6,7 quan chức chính phủ, bao gồm một số người làm việc cho Nhà Trắng có thể chứng minh cáo buộc của ông. Ông Atkinson đã phỏng vấn một số người và nhận thấy các tuyên bố của người tố giác là đáng tin cậy.
Các quan chức, sỹ quan và nhà phân tích từ cơ quan quân sự, tình báo và thực thi pháp luật thường xuyên làm việc tại Nhà Trắng. Thông thường, họ làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia hoặc giúp quản lý liên lạc, như cuộc gọi giữa tổng thống với các nhà lãnh đạo các nước.
Với trường hợp của “người tố giác” Tổng thống Trump, ông này được cho là không làm việc trong nhóm truyền thông xử lý các cuộc điện đàm giữa ông Trump với nguyên thủ các nước.
(Nguồn: NYT)
SONG HY
Theo VTC
Mỹ công bố bản khiếu nại bom tấn của người tố cáo ông Trump
Bản khiếu nại của người tố cáo ông Trump với các quan chức tình báo Mỹ về nội dung cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine được giải mật và công bố bởi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.
Theo CNN, bản khiếu nại từ người tố cáo tập trung vào những quan ngại của người này về việc Tổng thống Trump đã sử dụng quyền lực của mình để "chào mời sự can thiệp từ nước ngoài" vào cuộc bầu cử.
Người tố cáo cũng cho rằng luật sư riêng của ông Trump, cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, là "nhân vật trung tâm trong nỗ lực này".
Dòng tweet của tống thống Mỹ sau khi bản khiếu nại được Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố.
Ngay khi bản báo cáo được công bố, ông Trump viết trên Twitter hôm 26/9, tất cả bằng chữ in hoa: "PHE DÂN CHỦ ĐANG CỐ GẮNG ĐỂ HỦY HOẠI ĐẢNG CỘNG HÒA VÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ MÀ HỌ ĐẠI DIỆN. HÃY ĐỨNG CÙNG NHAU, CHƠI TRÒ CỦA HỌ, VÀ CHIẾN ĐẤU KIÊN CƯỜNG. ĐẤT NƯỚC CHÚNG TA ĐANG BỊ ĐE DỌA!".
Người tố cáo cũng cho biết các quan chức Nhà Trắng đã "cực kỳ băn khoăn" về nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine diễn ra vào ngày 25/7.
Bản khiếu nại cũng cho biết các luật sư Nhà Trắng khi đó đã ngay lập tức thảo luận về việc xử lý cuộc gọi này như thế nào, vì "có khả năng họ đã chứng kiến tổng thống lạm dụng quyền lực của mình để trục lợi cá nhân".
Trong những ngày sau đó, theo người tố cáo, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã can thiệp để "phong tỏa toàn bộ hồ sơ về nội dung cuộc gọi, đặc biệt là bản đánh máy từng chữ của cuộc gọi được thực hiện theo thông lệ bởi Phòng Tình huống Nhà Trắng".
"Chuỗi những hành động đó đã khẳng định với tôi rằng các quan chức Nhà Trắng hiểu được sức nặng của những gì đã diễn ra trong cuộc gọi", người tố cáo cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York hôm 25/9. Ảnh: AFP.
Người này cũng nói rằng ông được biết Tổng thống Trump đã chỉ thị cho Phó tổng thống Mike Pence hủy chuyến thăm Ukraine, vốn đã được lên lịch trình từ trước. Chuyến thăm này dự kiến diễn ra vào tháng 5 để dự lễ nhậm chức của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, thay vào đó ông Trump cử Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry dẫn đầu phái đoàn Mỹ.
Người tố cáo cho biết thêm ông có nghe từ các quan chức rằng Tổng thống Trump không muốn gặp trực tiếp ông Zelenskiy cho đến khi ông Trump thấy được ông Zelenskiy "chọn cách cư xử" như thế nào.
Theo người tố cáo, các quan chức Mỹ tỏ ra quan ngại về việc luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giulliani có những cuộc tiếp xúc với phía Ukraine. Người tố cáo cho rằng các quan chức Mỹ tin rằng Giulliani là người đưa tin giữa Tổng thống Trump và các quan chức Ukraine.
Bản khiếu nại cũng cho biết hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp ông Giulliani "trong một nỗ lực để 'hạn chế thiệt hại' với an ninh quốc gia". Các quan chức bộ ngoại giao cũng gặp gỡ lãnh đạo Ukraine để hiểu rõ về những thông điệp khác nhau mà họ nhận được từ các quan chức Mỹ và từ ông Giulliani.
Người tố cáo nói rằng Nhà Trắng đã phong tỏa các bản đánh máy nội dung cuộc gọi của ông Trump trong một hệ thống mã hóa bằng máy tính mà theo ông là vì mục đích chính trị chứ không phải để bảo mật các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo Zing.vn
Luận tội Tổng thống Mỹ: Quy trình thế nào và những ai từng bị luận tội? Trong lịch sử nước Mỹ, trước ông Trump, có rất nhiều nhà lãnh đạo từng bị "dọa" luận tội, nhưng chưa từng có ai bị kết tội và bãi nhiệm. Chủ tịch Hạ viện Quốc hội Mỹ, bà Nancy Pelosi, tuyên bố bắt đầu thủ tục luận tội Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Theo bà, hành động của nhà lãnh đạo...