Những tiếng kẻng ở Đồng Tâm
Hôm nay, không khí đã bớt ngột ngạt ở Đồng Tâm, một số ngả đường dẫn vào thôn Hoành người dân đã thu dọn chướng ngại vật, những khúc gỗ được dẹp gọn để ôtô có thể tiến sát cổng làng. Người dân đang ngóng chờ một cuộc đối thoại với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Nhưng trước đó, không khí đặc quánh sự hoang mang, đề phòng đã bao trùm nơi đây.
Sáng 21.4, nhà văn hóa thôn Hoành nơi giữ cán bộ, chiến sĩ đã được tháo dỡ phông bạt che chắn.
Đêm 19.4, ngủ ở thôn Hoành, chúng tôi thường xuyên nghe thấy những tiếng kẻng vang lên dồn dập trong đêm tối. Một thanh niên trong làng cho biết mỗi khi có việc cần bàn bạc hoặc phát hiện người lạ vào thôn không được phép, người dân sẽ gõ kẻng để thông báo.
Có ở thôn Hoành trong đêm, mới cảm nhận được không khí ngột ngạt, vội vã, dồn dập, hoang mang. Không khí đặc quánh sự đề phòng, nghi ngại với người lạ ở thôn Hoành. Dù được đại diện người dân đồng ý đưa vào làng nhưng chúng tôi vẫn gặp phải không ít những ánh mắt nghi hoặc của nhiều người.
Nhà văn hóa thôn Hoành – nơi các cán bộ đang bị người dân lưu giữ. Ảnh chụp ngày 19.4.
Để đi lại trong làng, chúng tôi luôn cần sự “trợ giúp” của người trong thôn và thường xuyên nghe câu hỏi “người mình à?” từ những người dân chưa quen biết. Chúng tôi cũng được người dân khuyến cáo không nên lại gần khu vực nhà văn hóa thôn Hoành – nơi đang giữ 20 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát, nếu không đi cùng những người có uy tín trong làng.
Người dân nơi đây nói rằng giờ đây họ nghi ngại, đề phòng bởi đã mất đi rất nhiều niềm tin ở các cán bộ cơ sở.
Trụ sở UBND xã Đồng Tâm những ngày qua vắng bóng cán bộ đến làm việc. Một người dân nói với chúng tôi trong chua chát: “Giờ nơi đây như không có chính quyền, chúng tôi có xảy ra chuyện gì ở chính quyền xã cũng không hay biết. Nếu các cán bộ xã không làm gì sai, việc gì phải sợ, họ cứ đến làm việc bình thường người dân có cản trở đâu”.
Chính ông Phạm Hồng Sỹ – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cũng đã thừa nhận: “Chính quyền địa phương hiện nay không điều hành được vì người dân không nghe, không tin nữa”. Còn ông Bùi Viết Hiểu – đại diện người dân thôn Hoànhcho biết: “Trên mạng người ta xuyên tạc ở thôn Hoành có bạo loạn, nhưng chúng tôi không hề bạo loạn, không bao giờ chống đối chính quyền. Mọi việc đều có căn nguyên của nó”.
Video đang HOT
Những khúc gỗ được người dân chốt chặn tại các ngả đường ngày 19.4.
Tối qua (20.4), những tiếng kẻng báo động đã không còn vang dồn dập ở thôn Hoành như những đêm trước. Có lẽ bởi ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã nói: “Bà con những ngày qua băn khoăn ban đêm sẽ có công an tấn công vào thôn. Tôi đang sống trong một nhà nước có chế độ tôn trọng người dân. Cá nhân tôi và thành phố cam kết sẽ không có chuyện này xảy ra”.
Sáng nay (21.4), tôi đã nhìn thấy được niềm tin được bắt đầu được nhen nhóm lại ở Đồng Tâm. Cũng sáng nay, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Mỹ Đức đã được người dân thả ra. Hy vọng, người dân Đồng Tâm – đồng tâm hiệp lực trong cuộc sống, trong lao động sản xuất, để mọi người cùng đồng tâm sinh sống ổn định, an lành.
Theo Danviet
Niềm tin đối thoại, không đối đầu ở Đồng Tâm
Sáng nay, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh được đưa ra khỏi nhà văn hóa thôn Hoành (Đồng Tâm) sau 6 ngày bị người dân giữ. Niềm tin về đối thoại, không đối đầu vẫn đang cháy bỏng thể hiện qua những khao khát của người dân Đồng Tâm, thể hiện qua những cam kết mà Chủ tịch Chung tuyên bố.
Tại cuộc họp với Đoàn công tác do ông Chung dẫn đầu tại UBND huyện Mỹ Đức tối qua (20.4), ông Phạm Hồng Sỹ - Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, sự việc xảy ra ở địa phương thời gian qua là "rất nghiêm trọng", ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, sinh hoạt địa phương. Cổng làng, trục chính vào làng bị dựng vật cản gây khó khăn đi lại. 38 cán bộ chiến sĩ bị người dân giam giữ. Nay mới thả 18 người, vẫn còn 20 người bị giam tại nhà văn hóa xã.
"Chính quyền xã có cử đại diện vào khu vực giam giữ, gặp gỡ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn để thuyết phục việc giam giữ như trên là không đúng pháp luật và cần sớm trả tự do cho họ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương hiện nay không điều hành được mọi việc vì dân không nghe, không tin" - ông Sỹ nói.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về Mỹ Đức chiều ngày 20.4. Ảnh: TTXVN
Niềm tin là cái mà bất cứ ai cũng đều mong mỏi, đều muốn vun đắp, dựng xây và hướng đến. Chỉ có niềm tin mới có thể làm con người xích lại gần nhau. Hiểu nhau, hợp tác, làm ăn, giải quyết công việc cùng nhau. Chưa kể cao hơn, để các quốc gia xích lại gần nhau, hợp tác, liên kết vì hòa bình, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore.
Vậy vì sao dân Đồng Tâm thiếu niềm tin về chính quyền cơ sở?
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ chính sách đất đai chậm được sửa đổi. Bên cạnh đó, việc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Nội chưa được triển khai thường xuyên với người dân.
Tại sao một tập thể đông đảo cá nhân công dân ở quy mô cấp xã đã phản kháng quyết định của chính quyền, rồi bắt giữ hàng chục người thi hành công vụ?
Theo người dân, bởi chính quyền xã Đồng Tâm đã không giải quyết được bức xúc, mong mỏi của người dân. Bởi sai phạm của bộ máy chính quyền xã Đồng Tâm kéo dài tới hơn 13 năm (2002-2015), với 8 cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý đất đai. Bởi mong mỏi "dân cày có đất" hợp pháp chưa được giải quyết...
"Mất lòng tin là mất tất cả". "Nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin". Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nhấn mạnh.
Và bây giờ niềm tin đó đang được nhân lên.
Người dân Đồng Tâm đã thả Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Mỹ Đức. Ảnh: VNE
Cụ Bùi Văn Nhạc (80 tuổi, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức) hồ hởi khi biết tin UBND TP.Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất đai tại xã Đồng Tâm mà Chủ tịch Chung tuyên bố tối 20.4: "Xem báo đài, truyền hình biết được tin này, bà con mừng lắm. Dù kết quả có như thế nào, chúng tôi cũng thấy mãn nguyện và cảm thấy đầy niềm tin".
Ông Nguyễn Văn Trác (xã Đồng Tâm), 75 tuổi cho biết: "Nếu nói đây là nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn cũng đúng, bởi chúng tôi đã gửi đơn tới các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa đồng ý với các câu trả lời. Việc Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ các vấn đề liên quan đến dự án này là điều ai cũng mong mỏi".
Ông Bùi Viết Hiểu (xã Đồng Tâm), 75 tuổi, thương binh 4/4, nói: "Việc UBND TP. Hà Nội trực tiếp thanh tra, kiểm tra toàn diện những vấn đề liên quan này sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất. Người dân sai đến đâu, chúng tôi sẽ chấp nhận hình thức xử lý đến đó; cá nhân nào chiếm dụng đất trái phép, cũng sẽ bị xử lý nghiêm như Chủ tịch Thành phố đã nói chiều 20/4".
Tại cuộc họp tối qua, Chủ tịch Chung cho biết: "Đoàn thanh tra sẽ lắng nghe, tiếp thu, tiếp nhận những kiến nghị của bà con trên cơ sở tài liệu đã có và bà con cung cấp để có kết luận đúng đắn nhất; giải quyết thoả đáng nhất tâm tư, nguyện vọng của bà con".
Tuy nhiên, ông Chung day dứt: Việc lập rào, dựng vật cản trên đường vào làng sẽ gây nguy hiểm cho chính bà con, nhất là các cháu. Tôi nắm được chính bà con ở Đồng Tâm cũng rất lo lắng về việc dựng rào, vật cản. Bà con nên tin chúng tôi, sớm bỏ rào cản, trả nốt cán bộ, chiến sĩ".
Sáng nay, người dân Đồng Tâm đã trả thêm một cán bộ tuyên giáo huyện. Sáng nay, người dân Đồng Tâm qua báo chí đã nhận lỗi vì giữ người trái phép. Ông Lê Đình Ba - một trong 4 người vừa được Công an TP.Hà Nội thả vừa qua cũng thẳng thắn nhận thức việc người dân đang giữ các cán bộ, chiến sỹ ở thôn Hoành là "trái phép" và mong muốn mọi việc sớm được giải quyết để cán bộ, chiến sỹ được về nhà, người dân sai đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó.
Ông Ba nói: "Chúng tôi rất mong mỏi được đối thoại với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, để chỉ rõ người dân chúng tôi đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào. Cán bộ sai đến đâu, người dân sai thế nào thì xử lý theo quy định pháp luật đến đó. Rất mong được đối thoại sớm để giải tỏa cho người dân".
Chỉ tiếc, giá như chiều qua, Chủ tịch Chung trực tiếp vào với dân tại xã Đồng Tâm. Bỏ cuộc đối thoại với bàn ghế, loa đài ... đã chuẩn bị sẵn tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức; để về với bà con tại xã Đồng Tâm.
Như ông Bùi Viết Hiểu tâm sự: Chúng tôi vẫn còn e sợ, thiếu niềm tin. Chỉ mong Chủ tịch về với dân tại xã để trực tiếp nhìn đồng ruộng của bà con. Trực tiếp chứng kiến, cảm nhận tâm tư nguyện vọng của người dân.
Cuộc đối thoại trực tiếp chưa diễn ra. Nhưng qua báo chí, nỗi niềm của người dân Đồng Tâm đã có thêm cơ hội giãi bày. Thông điệp và cam kết của Chủ tịch Hà Nội cũng đã đến với người dân. Niềm tin của người dân với chính quyền Hà Nội đã nhân lên. Niềm tin của chính quyền Hà Nội về người dân không đối đầu, không chống đối chính quyền cũng tăng cao.
Đêm qua, tại xã Đồng Tâm những tiếng kẻng báo động đã không còn vang dồn dập. Sáng nay, không khí nhộn nhịp đi học của các em học sinh, niềm vui của những người dân đã thể hiện trên nhiều khuôn mặt, lời nói.
Niềm tin về đối thoại, không đối đầu ở xã Đồng Tâm đã hiện hữu...
Theo Danviet
Dân Đồng Tâm trao thả Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức Ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức đã được đưa ra khỏi nhà văn hóa thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) và cho biết ông được bà con chăm sóc đầy đủ, cho ăn uống và không bị đánh đập hay đe dọa. Sự việc diễn ra lúc 9h sáng nay. Bà con xã Đồng Tâm làm...