Những tia sét có thể là nguồn gốc cho sự sống trên Trái Đất
Theo một nghiên cứu mới đây, hàng triệu tia sét có thể là khởi nguồn của sự sống trên Trái Đất.
Vào buổi sơ khai của Trái Đất, sét đánh vào đá núi lửa có thể đã giải phóng phốt pho. Ảnh: CNN
Một trong những thành phần quan trọng và cần thiết để hình thành sự sống chính là phốt pho. Khoảng 4 tỷ năm trước, khi Trái Đất còn đang ở trong giai đoạn sơ khai, vô số các vụ sét đánh xảy ra có thể là chìa khóa giải phóng lượng phốt pho cần thiết để đặt nền móng cho sự sống sinh sôi.
Theo ông Benjamin Hess, tác giả nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ), phốt pho là nguyên tố thiết yếu trong các phân tử đóng vai trò hình thành các cấu trúc tế bào cơ bản và màng tế bào. Thậm chí, nguyên tố này còn tạo ra phốt phát của DNA và RNA. Nhưng phốt pho rất khó xuất hiện trên Trái Đất sơ khai, khi chúng bị kẹt bên trong các quặng khoáng chất.
“Hầu hết phốt pho trên Trái Đất sơ khai bị mắc kẹt trong các quặng khoáng chất không hòa tan và không hoạt động, có nghĩa là chúng không thể được dùng để tạo ra các phân tử sinh học cần thiết cho sự sống. Sét đánh tạo ra cơ chế mới, giúp giải phóng phốt pho ở một dạng khác để nó có thể hình thành các hợp chất quan trọng cho sự sống”, ông Hess cho biết.
Từ lâu, người ta vẫn cho rằng các thiên thạch là nguồn cung cấp các nguyên tố cần thiết để sự sống xuất hiện trên Trái Đất. Các thiên thạch chứa schreibersite, một khoáng chất phốt pho có thể hòa tan trong nước. Khi có nhiều thiên thạch đâm vào Trái đất, các khoáng chất schreibersite từ chúng có thể đã cung cấp lượng phốt pho đủ để hình thành sự sống.
Tuy nhiên, sự sống đã bắt đầu từ 3,5 đến 4,5 tỷ năm trước, khi số lượng thiên thạch tác động đến Trái Đất là rất nhỏ. Khoáng chất Schreibersite còn xuất hiện trong một loại thủy tinh với cái tên là fulgurite, còn được gọi là thủy tinh hình thành khi sét đánh xuống mặt đất. Fulgurite đã được phát hiện có chứa phốt pho được giải phóng từ đá bề mặt, và nó có thể hòa tan.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sét có thể đã giúp xuất hiện những sinh vật sống đầu tiên trên Trái Đất. Ảnh: EPA
Video đang HOT
Sét cũng là một chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học khi nghiên cứu về sự sống trên Trái Đất thuở sơ khai, vì nó dẫn đến việc tạo ra các chất khí như nitơ oxit, cũng đóng một vai trò quan trọng trong nguồn gốc của sự sống. Ông Hess và các nhà nghiên cứu khác đã sử dụng nghiên cứu hiện có này để tìm hiểu tần suất xuất hiện của sét trên Trái Đất sơ khai.
Trên Trái Đất ngày nay, chúng ta chứng kiến khoảng 560 triệu tia chớp mỗi năm. Còn trên Trái Đất sơ khai, con số đó là từ 1 đến 5 tỷ mỗi năm, với 100 triệu đến 1 tỷ trong số đó đánh xuống mặt đất. Điều này có nghĩa là trong hơn một tỷ năm đã xuất hiện tới 1.000 tỷ lần sét đánh, qua đó giúp giải phóng rất nhiều phốt pho.
Sét phổ biến hơn trên Trái Đất sơ khai trong bầu khí quyển có chứa nhiều CO2. Ông Hess cho biết CO2 là một nhân tố làm tăng nhiệt độ toàn cầu, và nhiệt độ cao hơn gây ra các cơn bão sấm sét dữ dội và thường xuyên hơn.
Cách đây 4,5 tỷ năm, lượng CO2 đã tăng cao trên Trái Đất sơ khai sau khi một vật thể có kích thước bằng Sao Hỏa đâm vào Trái Đất để tạo ra Mặt Trăng.
Sự kiện này cũng giải phóng rất nhiều khí từ bên trong Trái Đất ví dụ như CO2, sau đó chúng bị giữ lại trong bầu khí quyển của Trái Đất và dẫn đến có nhiều sét hơn, ông Hess nói.
“Giả thuyết của chúng tôi về việc sét đánh đóng vai trò như một cơ chế quan trọng để tạo ra phốt pho phản ứng rất quan trọng đối với sự hiểu biết con người về khởi nguồn của sự sống vì các tính chất của sét không thay đổi theo thời gian”, ông Hess cho hay.
Hiểu được vai trò của sét đánh như một cách tạo ra phốt pho có thể sử dụng được có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái Đất. “Phát hiện của chúng tôi có thể áp dụng cho bất kỳ hành tinh nào có bầu khí quyển tạo ra sét”, ông Hess kết luận.
NASA sắp thử nghiệm thiết bị tạo ô-xy đặc biệt trên Sao Hỏa
Sau vài tuần nữa, tàu thăm dò Perseverance của NASA sẽ hỗ trợ dọn đường cho con người du hành trên Sao Hỏa trong tương lai với thiết bị tạo ô-xy đặc biệt.
Kỹ thuật viên từ từ hạ MOXIE vào bụng tàu thăm dò Perseverance. Ảnh: NASA
Theo trang livescience.com, thiết bị nhỏ này có tên Thí nghiệm Sử dụng Nguồn lực Bảo tồn nội vi Ô-xy trên Sao Hỏa (MOXIE).
MOXIE là một chiếc hộp màu vàng, to bằng hộp đựng bánh mỳ, có thể "rút" ô-xy quý giá từ bầu khí quyển độc hại trên Sao Hỏa. Hộp này được gắn bên trong khung gầm của tàu thăm dò Perseverance.
Chiếc hộp sẽ thực hiện thí nghiệm đầu tiên trên hành tinh ngoài Trái Đất về sử dụng nguồn lực bảo tồn nội vi, tức là dùng những gì sẵn có cho sứ mệnh thăm dò thay vì mang mọi thứ cần thiết từ Trái Đất lên.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từ lâu đã quan tâm tới thiết bị này và kêu gọi thực hiện thí nghiệm sản xuất ô-xy từ khi tàu Perseverance mới chỉ là ý tưởng.
Mặc dù các phi hành gia cần ô-xy để thở nhưng ô-xy còn cần thiết hơn với chất nổ đẩy rocket. Khi kết hợp với hydro, ô-xy đốt cháy trong một vụ nổ lớn để đưa rocket rời bệ phóng.
Ngoài chất nổ đẩy để giúp rocket rời Trái Đất lên Sao Hỏa, tàu vũ trụ mang theo con người tới hành tinh đỏ này sẽ cần từ 30.000 tới 45.000kg ô-xy để trở về. Các nhà khoa học có thể tìm cách gửi số ô-xy này từ Trái Đất lên Sao Hỏa nhưng nếu có thể tạo ô xy ngay trên Sao Hỏa thì sẽ rất tiết kiệm.
Ô xy được công nghệ MOXIE tạo ra có thể được đưa vào hệ thống hỗ trợ sự sống dành cho phi hành gia trên Sao Hỏa.
Sau khi tàu thăm dò hạ cánh trên Sao Hỏa vài ngày, nhóm phụ trách MOXIE đã thử nghiệm thiết bị này để xem nó có hoạt động hay không.
Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể để MOXIE tạo ô-xy trên Sao Hỏa, nhưng dự kiến thiết bị này sẽ hoạt động trong những tháng đầu tiên tàu thăm dò ở trên hành tinh đỏ.
Thiết bị MOXIE sử dụng công nghệ điện phân ô-xy rắn. Quá trình này gồm lấy một mẫu nhỏ không khí hầu như toàn CO2 trên Sao Hỏa. Sau đó, MOXIE sẽ làm nóng không khí lên 800 độ C và cho điện áp chạy qua. Nhờ đó, CO2 bị tách ra thành CO và O.
MOXIE sẽ không giữ lại ô-xy mà nó sản xuất. Thiết bị này chỉ đơn giản chứng thực rằng có thể tạo thành công ô-xy và sau đó sẽ nhả khí này trở lại khí quyển. MOXIE chỉ là nguyên mẫu nhỏ bằng 1/200 so với cỗ máy sẽ được sử dụng cho các sứ mệnh của con người trong tương lai.
MOXIE sẽ thực hiện nhiều lần thí nghiệm này trong một năm của Sao Hỏa để đảm bảo có thể hoạt động dưới nhiều điều kiện thời tiết, dù là ngày hè nóng bức, đêm đông lạnh giá hay trong những cơn bão bụi.
Hình ảnh minh họa tàu Perseverance trên Sao Hỏa. Ảnh: NASA
Phiên bản to gấp 200 lần của MOXIE sẽ là thiết bị quan trọng trong sứ mệnh đưa con người trên Sao Hỏa. Mặc dù công nghệ của MOXIE hoạt động trên Trái Đất nhưng do đây sẽ là thứ mà phi hành gia cần để tồn tại, nên thử nghiệm công nghệ trên Sao Hỏa là điều rất quan trọng.
Các nhà khoa học NASA tin rằng MOXIE sẽ đóng vai trò lớn giúp con người thám hiểm Sao Hỏa. Ông Eric Daniel Hinterman, thành viên nhóm MOXIE, nói: "Tôi sẽ dành cả sự nghiệp để đưa con người lên Sao Hỏa. Nếu chúng tôi không đưa được con người lên Sao Hỏa trong đời này, tôi sẽ rất thất vọng".
Trong khi đó, thăm dò Perseverance đã có tháng đầu tiên bận rộn trên bề mặt Sao Hỏa. Từ miệng núi lửa Jezero, điểm hạ cánh ngày 18/2, tàu Perseverance đang làm các công việc liên quan địa chất, chụp ảnh khu vực xung quanh và phân tích mẫu đá gần đó.
Theo kế hoạch, phải vài tháng nữa tàu thăm dò mới thực hiện các thí nghiệm khoa học chính. Hiện tại, các kỹ sư tiếp tục thử các thiết bị khoa học và chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên trên Sao Hỏa của trực thăng mà tàu mang theo. Sau đó, tàu sẽ triển khai một loạt công cụ gồm đầu khoan, camera chụp gần và nhiều cảm biến hóa học để tìm dấu hiệu sự sống cổ xưa trong đá Sao Hỏa.
10 sự thật về nước và tình trạng thiếu nước trên toàn cầu Báo cáo phát triển nước thế giới năm 2021 cho rằng nhiều người lãng phí nước vì họ thường chỉ nghĩ đến giá trị của nó về mặt tiền tệ, mà không tính đến giá trị thật sự của nước, vốn còn bao gồm cả những lợi ích về sức khỏe và văn hóa khó có thể đo lường được. Dưới đây là...