Những thương vụ bất thành của xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam
Trước khi MG ra mắt 2 mẫu SUV MG ZS và MG HS, đã có 3 cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam của nhiều hãng xe Trung Quốc nhưng đều thất bại.
Lifan 520 là mẫu xe đầu tiên của Trung Quốc đặt chân đến thị trường Việt Nam vào tháng 6/2020
Ba cuộc đổ bộ rầm rộ rồi ra đi lặng lẽ
Ngày 5/6/2006 tại Hà Nội, Tập đoàn Lifan (Trung Quốc) và Công ty Bảo Tân – Nhà phân phối chính thức xe ô tô Lifan ở Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt chiếc xe ô tô sedan Lifan 520, mở màn cho cuộc hành trình thâm nhập thị trường Việt Nam của các thương hiệu ô tô Trung Quốc.
Về ngoại hình, Lifan 520 có kiểu dáng hiện đại như những chiếc xe sản xuất tại thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ. Phía trong nội thất được bọc da sang trọng với các trang bị hiện đại như màn hình DVD tinh thể lỏng, túi khí dành cho tài xế.
Về động cơ, theo như giới thiệu, Lifan 520 sử dụng động cơ loại 1.6litre, 16valve đã từng lắp đặt vào những chiếc BMW Mini – Cooper trước năm 2004. Động cơ này tiêu thụ hết 5,64 lít xăng cho 100km và đạt tốc độ 90km/h.
Ngoài ra Lifan 520 còn được trang bị vành đúc hợp kim, phanh ABS và cả hệ thống cảm biến lùi, như các dòng xe sang trọng và hiện đại khác. Trong khi đó giá xe lại rẻ bất ngờ với giá gốc chưa tới 5.000 USD/chiếc.
Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, sau khi tính tất cả các loại thuế, chi phí… thì giá bán lên tới 16.500USD/chiếc (xe mới nhập khẩu nguyên chiếc, có thuế nhập khẩu là 90%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 50% và thuế VAT là 10%).
Trước khi chuyển sang sản xuất ô tô, Lifan được khá nhiều người dân Việt Nam chuộng bởi các dòng xe máy giá rẻ, chất lượng. Thế nhưng, sự lấn sân sang thị trường ô tô đã không gặt được thành công như mong đợi khi chỉ một thời gian ngắn, mẫu xe này đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam.
Tiếp nối Lifan, một thương hiệu ô tô Trung Quốc khác là Chery cũng quyết định đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2009 thông qua đơn vị Liên doanh ô tô Hoà Bình. So với Lifan, Chery chỉ tập trung vào phân khúc xe đô thị giá rẻ bằng mẫu Chery QQ3 với giá chỉ 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng thời bấy giờ).
Dù có giá bán rẻ nhất thị trường vào thời điểm đó nhưng do có ngoại hình sao chép thiết kế của mẫu xe Matiz/Spark của GM Daewoo nên Chery QQ3 không dành được thiện cảm của khách hàng Việt. Ngoài ra vì là thương hiệu mới, còn non trẻ nên nhiều người hoài nghi chất lượng, không dám mạo hiểm, dốc tiền mua xe.
1 năm sau đó, tháng 6/2010, liên doanh ô tô Hòa Bình tiếp tục giới thiệu thêm mẫu Chery Riich M1 với giá bán 288 triệu đồng. Dù được định vị ở tầm cao cấp hơn Chery QQ3 nhưng Chery Riich M1 cũng không để lại nhiều ấn tượng.
Cùng năm 2010, một mẫu xe Trung Quốc khác cũng vào Việt Nam đó là BYD F0 được phân phối qua FAuto 100% vốn trong nước. Giống như Chery QQ3, BYD F0 cũng có mức giá rẻ, chỉ hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, do kiểu dáng nhái với Toyota Aygo nên mẫu xe này cũng không được khách hàng đón nhận.
Video đang HOT
Dù có ngoại hình na ná những mẫu xe sang, lại được trang bị nhiều tiện ích hiện đại nhưng Zotye Z8 cũng không tạo được nhiều dấu ấn tại thị trường Việt
Đến năm 2011, Haima – thương hiệu ô tô Trung Quốc thứ 4 có mặt tại Việt Nam thông qua nhà phân phối Kylin-GX668. Do là hãng xe liên doanh với Mazda Nhật Bản nên các mẫu xe của thương hiệu này khá giống với các sản phẩm của Mazda.
Tại Việt Nam, Haima giới thiệu 4 dòng sản phẩm chính gồm Haima 2, New Haima 3, Haima 7 và Haima Freema. Khi mới ra mắt những mẫu xe này nhận được nhiều chú ý bởi thương hiệu xe Haima đã có bề dày lịch sử hai thập kỷ, là 1 trong những thương hiệu ô tô hàng đầu Trung Quốc nhưng giá bán lại khá bình dân và cam kết sẽ bảo hành chính hãng 3 năm (hoặc 30.000km), cung cấp tất cả các phụ tùng chính hãng Haima cho người sử dụng.
Tuy nhiên, dù có được những thiện cảm hơn những thương hiệu phía trên nhưng Haima cũng không tạo được dấu ấn tại thị trường Việt Nam, cho đến giờ gần như chỉ còn những mẫu xe đời cũ được bán lác đác trên mạng hoặc những đại lý ô tô cũ.
Năm 2012, thị trường xe Việt tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của cái tên MG Cars (Morris Garages). Đây là một thương hiệu xe đến từ Anh Quốc nhưng đã được Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) mua lại và các sản phẩm ô tô đều được sản xuất tại Trung Quốc. Thương hiệu MG được bán tại Việt Nam thông qua nhà nhập khẩu và phân phối CT Brothers Automobile chủ yếu là các mẫu xe sedan/hatchback cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, dù với danh tiếng là thương hiệu xe Anh Quốc song chỉ một thời gian ngắn sau, hãng xe MG cũng lặng lẽ rời khỏi Việt Nam do không thu hút được khách hàng Việt.
Năm 2018, các thương hiệu xe Trung Quốc mới như Zotye, Baic tiếp tục đổ bộ về Việt Nam đánh dấu đợt đặt chân lần thứ 3 của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam. Các mẫu xe đáng chú ý như Zotye Z8, BAIC Q7 và BAIC BJ40L có kiểu dáng “cóp nhặt” từ các thương hiệu xe sang Land Rover hay Jaguar, dòng xe SUV, nhiều tính năng và giá bán cạnh tranh dưới 800 triệu đồng. Mức giá này được đánh giá là rẻ hơn đáng kể so với một chiếc xe có cấu hình tương đương đến từ các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,…
Cho đến nay, những mẫu xe này vẫn có mặt tại Việt Nam nhưng số lượng không nhiều, được nhập về bởi những đại lý nhỏ và bán lẻ tẻ, không có đại lý độc quyền, chính hãng tại Việt Nam.
Showroom của MG Cars trong lần đặt chân đến Việt Nam đầu tiên năm 2012 hiện đang bỏ hoang
Liên tục thất bại ở thị trường Việt Nam vì đâu?
Bên cạnh lý do các mẫu xe Trung Quốc thường có kiểu dáng nhái những hãng xe nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,… khiến người sử dụng mất thiện cảm thì theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, nguyên nhân của sự thất bại bởi chính yếu tố khách hàng Việt chưa tin tưởng vào chất lượng của xe ô tô Trung Quốc.
Dù thiết kế và trang bị của các mẫu xe có thể hơn cả những xe Đức nhưng các xe Trung Quốc này chưa được bán ở thị trường châu Âu, châu Mỹ hay Nhật Bản là những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, chất lượng xe chưa được kiểm chứng, thương hiệu xe không có tiếng tăm nên thất bại là điều dễ hiểu.
Dù chứng kiến sự liên tiếp thất bại ở thị trường Việt Nam của những hãng xe Trung Quốc nhưng vừa qua, hãng xe MG Cars lại tiếp tục quay lại Việt Nam với sự ra mắt rầm rộ, công phu của 2 mẫu xe SUV là MG ZS và MG HS qua nhà phân phối là Tập đoàn Tanchong.
Dù chưa chính thức đến tay người tiêu dùng song qua những trải nghiệm tại buổi ra mắt xe, những giới thiệu của nhà sản xuất, nhiều khách hàng cho rằng, các mẫu xe này có trang bị chưa tương xứng với giá bán, thua cả đàn anh Zotye.
Cộng với những yếu tố khiến hầu hết các xe Trung Quốc bị thất bại ở trên, nhiều người quan ngại rất có thể, sự trở lại lần này của MG sẽ tiếp tục theo lối mòn thất bại.
Loạt SUV Trung Quốc mới sắp chen chân vào Việt Nam: Nhiều công nghệ, giá rẻ đấu xe Nhật, Hàn
MG và Hanteng là những hãng xe Trung Quốc "tấn công" thị trường Việt Nam trong quý III năm nay với các dòng sản phẩm SUV.
Sau nhiều năm vắng bóng, thương hiệu MG của Trung Quốc đã quay trở lại Việt Nam. Theo thông tin từ tư vấn bán hàng, MG có cùng nhà phân phối với Nissan. Fanpage chính thức của thương hiệu này cũng do đội ngũ Nissan Việt Nam tạo dựng với địa chỉ doanh nghiệp cùng "đại bản doanh" với liên doanh Nhật Bản. Hàng loạt tư vấn bán hàng Nissan cũng đang chào bán cả xe MG.
Hệ thống showroom của MG được cho biết đã xây dựng. Xe cũng đã có sẵn tại Việt Nam, chỉ chờ ngày ra mắt vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2020.
Không dàn trải sản phẩm, MG hiện tại tập trung vào đúng 2 dòng tại Việt Nam là HS và ZS. Đây cũng là 2 dòng xe chiến lược của MG tại một số thị trường khác.
MG HS và ZS nằm ở các phân khúc SUV/crossover đang được quan tâm nhiều tại Việt Nam hiện tại. HS thuộc phân khúc C, tương tự Hyundai Tucson, còn ZS ở phân khúc B, giống Hyundai Kona.
Theo thông tin rò rỉ ban đầu, MG HS chơi lớn với động cơ mạnh hơn tất cả SUV hạng C trên thị trường. Máy tăng áp 2 lít cho công suất 225 mã lực và mô-men xoắn 360 Nm, kết hợp hộp số ly hợp kép 7 cấp. Mẫu xe này còn có tuỳ chọn động cơ thấp hơn, chỉ 160 mã lực.
Trong khi đó, MG ZS chỉ sử dụng loại động cơ nhỏ, công suất 112 mã lực, mô-men xoắn 150 Nm, kết hợp số tự động vô cấp CVT.
Tiện nghi bên trong 2 mẫu xe này không thua kém bất cứ xe Nhật, Hàn nào cùng phân khúc, thậm chí cao cấp hơn, như đồng hồ kỹ thuật số 12,3 inch, màn hình 10,1 inch hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, cửa sổ trời toàn cảnh...
Giá xe chưa được công bố. Mức giá dự kiến cho MG ZS là khoảng 600 triệu và MG HS là khoảng 800 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với xe Nhật, Hàn cùng phân khúc.
Ngoài MG, một thương hiệu Trung Quốc khác cũng vừa xuất hiện tại Việt Nam là Hanteng. Theo dự kiến, 2 mẫu SUV của Hanteng sẽ ra mắt khoảng tháng 7/2020. Đơn vị phân phối còn có dự định đưa thêm về một vài mẫu SUV khác nữa. Hanteng không chỉ mới tại Việt Nam mà cũng là thương hiệu non trẻ ở quê nhà Trung Quốc, khi mới thành lập từ năm 2013.
Các mẫu SUV mới của Hanteng sắp được mở bán là X5 và X5 EV. Trong đó, mẫu X5 là xe động cơ xăng còn X5 EV là xe thuần điện - đối thủ cùng phân khúc xe điện VinFast sắp ra mắt.
Hanteng X5 nằm lấp lửng trong phân khúc giữa hạng B và hạng C. Bản nhập về Việt Nam có cấu hình 5 chỗ ngồi. Bản 7 chỗ hứa hẹn sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Cả 2 dòng xe X5 và X5 EV đều sử dụng động cơ nhỏ. Động cơ X5 là máy xăng 1,5 lít, công suất 115 mã lực và mô-men xoắn 215 Nm, kết hợp số tự động vô cấp CVT. Động cơ điện của X5 EV có công suất khoảng 137 mã lực và mô-men xoắn 260 Nm. Pin cho phép chạy lên tới 252 km sau 1 lần sạc đầy.
Tiện nghi trong xe khá đầy đủ khi so với mặt bằng chung, như màn hình giải trí lớn, âm thanh 6 loa, đề nổ nút bấm, phanh đỗ điện tử, điều hoà tự động, đèn/gạt mưa tự động, cửa sổ trời toàn cảnh...
Theo dự kiến, giá Hanteng X5 rơi vào khoảng hơn 600 triệu đồng - thấp hơn nhiều so với MG HS. Giá X5 EV chưa được tiết lộ.
Hãng xe Trung Quốc hé lộ MPV cạnh tranh Toyota Innova Hãng xe Trung Quốc - Wuling chuẩn bị trình làng mẫu xe MPV mang tên Victory với định vị cạnh tranh trong phân khúc với Toyota Innova. Wuling Victory 2021 có thiết kế kiểu MPV 7 chỗ ngồi Victory là 1 trong 4 dòng xe nằm trong tham vọng toàn cầu hóa của hãng xe Trung Quốc Wuling cùng với Hong Guang X...