Những thương hiệu tái xuất trên thị trường ôtô Việt Nam
Với nhà phân phối mới, Nissan, Renault, MG hay Jeep kỳ vọng tạo nên những điều mới mẻ ở Việt Nam sau quãng kinh doanh ảm đạm trước đó.
Dù không phải thị trường ôtô lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN) xét về quy mô tiêu thụ xe mới, Việt Nam thuộc nhóm đầu về tăng trưởng doanh số hàng năm. Trong 2019, người Việt mua 385.641 xe mới, tăng 9,5% so với 2018, chỉ xếp sau Myanmar (tăng trưởng 25%) nhưng lượng tiêu thụ xe ở quốc gia này khiêm tốn, nhỏ hơn 17 lần.
Sức mua còn lớn trong tương lai đưa Việt Nam vào hàng một trong những thị trường tiềm năng nhất ASEAN. Ôtô Nhật, Hàn, Mỹ, Đức, Pháp đều đã có mặt tại Việt Nam. Cạnh tranh giữa các hãng tạo ra sự đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng. Đáp ứng thị hiếu, Toyota, Honda, Mitsubishi, Hyundai, Mercedes đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ở chiều ngược lại, không ít cái tên trôi vào quên lãng, kinh doanh bết bát và âm thầm rút khỏi thị trường.
Trong 2020, thị trường ôtô Việt Nam đánh dấu sự trở lại của Renault, MG, Jeep, Nissan bằng việc bắt tay nhà phân phối mới.
Renault
Thông tin Renault quay lại Việt Nam xuất hiện từ khoảng tháng 4 nhưng dịch Covid-19 làm lu mờ mọi kế hoạch của hãng. Lô hàng Renault Kaptur, Arkana nhập khẩu nguyên chiếc từ Nga xuất hiện tại Hà Nội khi ấy trong quá trình làm thủ tục đăng kiểm.
Arkana, mẫu CUV kiểu dáng coupe sắp bán tại Việt Nam. Ảnh: Renault VN
Showroom trưng bày mới của Renault đã hoàn thiện tại quận 7, TP HCM. Thương hiệu Pháp sẽ đến tay khách hàng Việt thông qua CT Wearnes, công ty đang nắm quyền phân phối hàng loạt hãng như Bentley, Aston Martin, Lamborghini, Ducati. Dự kiến trong tháng 10, Renault sẽ chính thức hoạt động trở lại tại thị trường Việt Nam.
Talisman, mẫu sedan hạng D giá 1,5 tỷ đồng xuất hiện tại triển lãm ôtô Việt Nam 2016 là sản phẩm gần nhất Renault nhập khẩu về nước. Renault rút lui âm thầm khỏi Việt Nam cuối 2017 bằng việc nhà phân phối, công ty Auto Motors Vietnam tìm đối tác mới kinh doanh thương hiệu Renault.
Renault xuất hiện tại Việt Nam từ 2010. Cách định giá sản phẩm khá cao so với mặt bằng chung của thị trường đối với một thương hiệu phổ thông, thiết kế ít điểm nhấn dù mang mác xe châu Âu, doanh số Renault bết bát và dần mờ nhạt trên thị trường. Sự trở lại của Renault với nhà phân phối mới, được kỳ vọng sẽ có nhiều điểm tích cực. Peugeot, một hãng xe Pháp dưới mái nhà Trường Hải với định vị cận cao cấp hiện có doanh số khá tốt.
Nissan
Video đang HOT
Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Ôtô Việt Nam (VAD) thành lập chưa đầy một tháng, sẽ tiếp quản quyền phân phối thương hiệu Nissan tại Việt Nam từ 1/10. Điều này xua tan những lo ngại của khách hàng về dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng xe Nissan khi Tan Chong, nhà phân phối cũ của Nissan rời đi.
Cuối 2018, Nissan Nhật Bản thông báo kết thúc hợp tác với Tan Chong. Đối tác Malaysia mất quyền nhập khẩu và phân phối ôtô nguyên chiếc cũng như linh phụ kiện của Nissan tại Việt Nam từ 10/9/2019. Tuy nhiên, hai bên gia hạn thêm một năm để chuẩn bị các bước chuyển giao cũng như tìm nhà phân phối mới, trước khi VAD trở thành đối tác mới của tập đoàn Nhật.
Nissan X-Trail phiên bản lắp ráp tại nhà máy ở Đà Nẵng. Ảnh: Đức Huy
Các đại lý cũ của liên doanh Nissan-Tan Chong hiện giảm giá X-Trail và Sunny, trong đó mức giảm cao nhất khoảng 70 triệu cho mẫu sedan cỡ B. Xuyên suốt 2019 và những tháng qua trong 2020, hoạt động kinh doanh của thương hiệu Nissan cầm chừng và chủ yếu bán nốt những mẫu xe còn tồn. Riêng mẫu SUV hạng D Terra và xe bán tải Navara không có số liệu bán hàng.
Sau khi có nhà phân phối mới, thương hiệu Nissan được kỳ vọng sẽ hồi sinh tại Việt Nam. Một giám đốc đại lý tiết lộ, nhà phân phối mới muốn doanh số trong 2021 của Nissan tăng gấp ba lần so với 2020. Để làm được điều này, hãng sẽ bán khoảng 5 sản phẩm chủ lực, hoạt động marketing cũng sẽ được đẩy mạnh hơn.
MG
Kết thúc mối lương duyên với Nissan, Tan Chong bắt tay kinh doanh hãng xe Anh quốc MG (Morris Garages) từ tháng 7 bằng hai sản phẩm đầu tiên ZS và HS. MG hiện thuộc quyền sở hữu của công ty công nghiệp ôtô Thượng Hải, SAIC (Trung Quốc). Thương hiệu này hiện hoạt động khá mạnh tại Thái Lan và Indonesia.
Mẫu CUV cỡ B, MG ZS trong lần ra mắt hồi tháng 7/2020. Ảnh: Đoàn Dũng
MG vốn không xa lạ với khách hàng Việt khi từng xuất hiện hồi 2012 dưới quyền phân phối của CT Brothers Automobile, trụ sở trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Tuy nhiên chỉ vỏn vẹn vài tháng tiếp cận thị trường, MG âm thầm rút khỏi Việt Nam và sau 8 năm mới quay trở lại.
Trong thời gian đầu, Tan Chong bán xe ZS và HS, sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó từ tháng 11 sẽ chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Hãng đặt mục tiêu cuối 2020, đầu 2021 lắp ráp xe MG tại nhà máy của Tan Chong ở Đà Nẵng, nơi từng lắp các mẫu xe của Nissan.
Tại Việt Nam, Tan Chong còn phân phối các dòng xe Subaru nhập khẩu Thái Lan nhưng doanh số không cao.
Jeep
Thương hiệu Mỹ Jeep một lần nữa quay lại Việt Nam sau quãng kinh doanh đáng quên hồi 2009 dưới quyền phân phối của công ty cổ phần ôtô Đông Dương (IC Auto). Trụ sở khi đó đặt tại một tòa nhà trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM. Hãng sau đó âm thầm rút khỏi thị trường Việt Nam vì doanh số thấp.
Dòng SUV Wrangler bản Rubicon tại cảng Hiệp Phước, TP HCM. Ảnh: Vũ Cường
Jeep và nhà phân phối mới đang xây dựng đội ngũ bán hàng và showroom, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối 2020. Lô hàng hơn 10 chiếc gồm các mẫu SUV Wrangler và xe bán tải Gladiator đã cập cảng Việt Nam. Mức giá của hai dòng xe này, với nguồn gốc nhập Mỹ, không dễ để tiếp cận khách hàng số đông khi đều trên 3 tỷ đồng.
Ôtô Trung Quốc tấn công thị trường Đông Nam Á
Bên cạnh SAIC tại Indonesia, Geely tại Malaysia, hãng xe sản xuất SUV và bán tải lớn nhất Trung Quốc, GWM đầu tư gần 700 triệu USD vào Thái Lan.
"Hoạt động kinh doanh của GWM - Great Wall Motors (Công ty ôtô Trường Thành) bao gồm kế hoạch bán các mẫu SUV, xe bán tải vào đầu 2021, tương ứng khoản đầu tư gần 700 triệu USD và tạo ra 3.435 việc làm", Suriya Jungrungreangkit, bộ trưởng công nghiệp Thái Lan cho biết sau cuộc gặp với Zhang Jiaming, chủ tịch GWM phụ trách ASEAN. "Hãng kỳ vọng dây chuyền hoạt động sản xuất sẽ hoàn thiện vào khoảng quý IV/2020".
Sau khi mua lại nhà máy Rayong của General Motors (GM) hồi tháng 2/2020, GWM bắt đầu hoạt động kinh doanh của hãng xe Trung Quốc tại Thái Lan, công xưởng sản xuất xe lớn nhất Đông Nam Á (ASEAN). Trước đó, hãng này đã đầu tư nhà máy tại Malaysia.
Bên trong nhà máy Rayong GM ở Thái Lan thời còn hoạt động. Ảnh: Carscoops
Tương tự các hãng xe đồng hương, tham vọng của GWM không chỉ doanh số nội địa. "Chúng tôi sẽ mở rộng sự hiện diện tại ASEAN với Thái Lan là trung tâm sản xuất và xuất khẩu sang các nước trong khu vực, cũng như thị trường Australia", Liu Xiangshang, phó chủ tịch GWM phụ trách chiến lược toàn cầu, cho biết.
Nhà máy của GM được GWM mua lại nằm trong Khu vực công nghiệp bờ biển phía đông. Nhà máy lắp ráp xe công suất 180.000 xe/năm, nhà máy động cơ 120.000 đơn vị/năm. Tổng mức đầu tư là 1,4 tỷ USD. Lượng công nhân 1.900 người với 1.200 người ở nhà máy lắp ráp xe.
GMW cho biết công suất ban đầu của nhà máy tại Thái Lan khoảng 80.000 xe/năm. 45% thành phần linh kiện nội địa được hãng xe Trung Quốc sử dụng trong năm 2021 khi nhà máy bước đầu vận hành. Tỷ lệ nội địa hóa kỳ vọng tăng lên 90% trước 2025. Đây là cơ sở quan trọng để hưởng thuế ưu đãi 0% nếu xuất xe từ Thái Lan sang các quốc gia ASEAN theo Hiệp định thương mại ATIGA có hiệu lực từ 2018.
Cơ sở sản xuất ở Thái Lan là nhà máy thứ 6 của GWM trên quy mô toàn cầu sau Bulgaria, Iran, Malaysia, Nga và Senegal. Hãng có tham vọng sản xuất pin và động cơ điện, tấn công phân khúc xe hybrid, xe điện vốn được chính phủ Thái Lan khuyến khích bằng nhiều chính sách hỗ trợ giá.
MG HS, mẫu CUV bán chạy thứ hai phân khúc sau 8 tháng 2020, xếp trên Honda CR-V, Mazda CX-5 tại Thái Lan. Ảnh: Headlight Magazine
Lần đầu tư mạnh của GWM tại Thái Lan nằm trong xu hướng tăng cường sức ảnh hưởng của các hãng xe Trung Quốc tại ASEAN, lãnh địa xe Nhật Bản nắm ưu thế tuyệt đối nhờ số lượng thương hiệu và hiện diện từ lâu. SAIC, tập đoàn ôtô Thượng Hải đã có nhà máy sản xuất tại Indonesia, Thái Lan.
MG, hãng xe Anh thuộc quyền sở hữu của SAIC là thương hiệu con hoạt động mạnh nhất của hãng tại ASEAN. MG thông qua nhà phân phối Tan Chong (Malaysia) xuất hiện ở Việt Nam và bắt đầu bán xe từ tháng 7/2020, cũng có kế hoạch lắp ráp ở nhà máy tại Đà Nẵng từ cuối 2021.
Một hãng xe Trung Quốc khác cũng không muốn bỏ lỡ thị trường tiềm năng ASEAN là Geely. Tập đoàn sở hữu thương hiệu Volvo (Thụy Điển) mua 49,9% cổ phần hãng xe lớn nhất Malaysia, Proton hồi tháng 5/2017.
X50, mẫu xe thứ hai sau X70 được Proton phát triển từ nền tảng mẫu xe Geely. X50 là bản sao của Binyue, một mẫu CUV cỡ B tại thị trường đại lục. Ảnh: Paultan
Nhà máy của Proton bắt đầu lắp ráp các sản phẩm kiểu rebadge (mua bản quyền, đổi logo) từ xe Geely vào nửa cuối 2019. Hãng xe Trung Quốc muốn biến Malaysia thành trung tâm sản xuất dòng xe tay lái nghịch (vô-lăng bên phải), thâm nhập vào hệ thống phân phối địa phương cũng như các quốc gia ASEAN.
Từ 500 triệu đồng mua ôtô cũ 5 chỗ nào vừa trẻ trung vừa bền? Với 500 triệu đồng, nếu đang tìm kiếm một mẫu xe ôtô cũ 5 chỗ thiết kế hiện đại, trải nghiệm vận hành tốt, không gian tiện nghi thì những mẫu xe sau sẽ là lựa chọn hoàn hảo của bạn. Với mức tài chính 500 triệu đồng có rất nhiều lựa chọn thuộc dòng xe cũ hạng B, hạng C mẫu mã...