Những thực phẩm tốt và không tốt cho người bị bệnh thận
Chế độ ăn uống của bạn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thận. Nếu bị bệnh thận, bạn hãy lưu ý khi tiêu thụ các thực phẩm sau đây nhé.
Hầu hết chúng ta thường không mấy chú ý đến sức khỏe của các bộ phận bên trong cơ thể, bao gồm cả thận. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, thận là một bộ phận vô cùng quan trọng, nó có chức năng chính là lọc chất độc trong máu ra khỏi cơ thể. Bởi vậy, khi chức năng thận suy giảm thì chất độc bị tích lũy lại sẽ gây bệnh. Ngoài ra, nếu thận không sản xuất đầy đủ hormone sẽ gây ra rối loạn chức năng các cơ quan khác trong cơ thể.
Điều này không những đe dọa sức khỏe của thận mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Khi chức năng thận suy giảm, một số triệu chứng có thể xuất hiện như sưng phù (chân, quanh mắt), mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần… Lúc này, người bệnh cần có biện pháp để giảm gánh nặng cho thận bằng cách kiểm soát lượng muối vào cơ thể, hạn chế thức ăn giàu đạm, thức ăn chứa nhiều kali.
Chế độ ăn uống của bạn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của thận.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Ảnh minh họa
Khi bị bệnh thận, hãy tránh tiêu thụ các loại thực phẩm sau:
- Quả bơ: Mặc dù loại quả này chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn rất có lợi cho tim mạch nhưng nó lại không phải là loại quả mà người mắc bệnh thận nên ăn nhiều. Hàm lượng kali trong quả bơ khá cao nên nếu ăn nhiều sẽ tăng gánh nặng cho thận. Vì vậy, nếu bạn đã được chẩn đoán bị bệnh thận thì tốt nhất nên tránh loại quả này. Trong trường hợp thận của bạn khỏe mạnh thì cũng không nên ăn quá nhiều.
- Chuối: Loại quả này cũng chứa một lượng kali rất cao nên nó cũng nằm trong danh sách thực phẩm không tốt cho người bị bệnh thận.
- Thịt bò: Bạn vẫn biết rằng thịt bò tốt cho sức khỏe, trừ trường hợp bạn bị bệnh gout. Nhưng thực tế, nếu bạn gặp vấn đề ở thận, bạn cũng không nên ăn nhiều thịt bò. Lượng protein trong thịt bò có thể quá cao so với “sức chịu đựng” và xử lý của thận. Do vậy, hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết lượng thịt bò bạn có thể ăn là bao nhiêu.
Video đang HOT
- Sữa: Những người bị bệnh thận cần phải giảm tiêu thụ lượng sữa và các sản phẩm từ sữa (bao gồm sữa chua, pho mát, bơ…). Các sản phẩm này thường có nhiều phốt pho mà hàm lượng phốt pho trong cơ thể quá nhiều có thể gây suy thận, đau tim và những bệnh liên quan tới xương.
- Nội tạng động vật: Trong nội tạng của bất kì loại động vật nào cũng đều có hàm lượng purine cao. Nếu ăn nhiều nội tạng động vật, thận sẽ gặp khó khăn trong việc thải lọc ra tất cả các chất thải, protein, purine… Điều này có thể gây ra bệnh gout, sỏi thận và về lâu dài sẽ dẫn tới suy thận.
- Khoai tây: Hàm lượng kali trong khoai tây khá cao vì vậy nó cũng không phải là thực phẩm tốt cho người gặp trục trặc ở thận. Nếu bạn có ý định ăn khoai tây, tốt nhất hãy ngân khoai tây chưa gọt vỏ trong nước trong ít nhất hai giờ trước khi chế biến.
- Cà chua: Cũng giống như khoai tây, cà chua có chứa nhiều kali nên cũng không tốt cho người bị bệnh thận. Tuy nhiên, cà chua không thể ngâm trong nước như khoai tây, vậy nên, nếu bị bệnh thận, bạn hãy tránh xa loại thực phẩm này. Ngoài ra, bạn cũng khỗng nên ăn nhiều để tránh tăng áp lực cho thận.
Nên ăn những thực phẩm có lợi cho thận. Ảnh minh họa
Các loại thực phẩm có lợi cho thận:
- Các loại ngũ cốc: Ngũ cốc nguyên hạt được coi là tốt cho thận vì nhiều lý do. Nó có thể giảm cholesterol và thay thế lượng calo bị thiếu hụt trong cơ thể nên đảm bảo năng lượng cho bạn. Điều này càng quan trọng hơn nếu bạn bị bệnh thận vì khi thận hoạt động không tốt tức là thận không thể xử lý protein để tạo thành calo và năng lượng cho cơ thể. Điều này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng kiệt sức ở nhiều bệnh nhân bị bệnh thận.
- Nước ép quả anh đào: Đối với những người có chức năng hoạt động của thận bị suy giảm thì uống nước ép quả anh đào sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Thức uống này có tác dụng giảm axit uric và giảm viêm nên có thể giảm gánh nặng cho thận khi phải lọc thải các chất trong máu.
- Bắp cải: Hàm lượng vitamin K, vitamin C, chất xơ, vitamin B6 và axit folic… trong bắp cải rất cao. Vì vậy mà bắp cải được coi là thực phẩm giúp thanh lọc máu và thải độc cho thận rất tốt.
Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước. Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước, thận và máu của bạn sẽ không hoạt động tốt, thận sẽ không thể tạo ra các áp lực nước đủ lớn để đẩy các chất thải thông qua đường tiết niệu để ra ngoài cơ thể.
Theo VNE
Đi tiểu nhiều lần có phải bệnh thận?
Thưa bác sĩ, em năm nay 24 tuổi. 3 tháng nay em cứ đi tiểu thường xuyên 30 phút một lần. Xin hỏi đó là triệu chứng bệnh gì? Hiện tại em đang uống thuốc bổ thận, như thế có đúng không? (Khatran).
Ảnh minh họa: Thehealth.
Trả lời:
Chào bạn,
Trước tiên, tôi xin làm rõ một số ý sau, việc tự trả lời các ý này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình huống đi tiểu nhiều lần của mình:
Thứ nhất: 30 phút một lần có phải là tiểu nhiều không?
Nhìn chung, lượng nước tiểu sẽ phụ thuộc vào lượng nước nhập, tổng lượng xuất sẽ xấp xỉ bằng tổng lượng nhập. Nước nhập bao gồm nước uống, nước giải khát như nước ngọt, bia rượu nước có trong thức ăn... Nước xuất ra khỏi cơ thể bao gồm mồ hôi, nước bọt, nước mắt, nước tiểu, nước trong phân... Trong đó, nhiều nhất là nước tiểu, kế đến là mồ hôi, nước bọt.
Trong một số tình huống, nước xuất có thể gia tăng như khi uống các chất lợi tiểu (bia rượu, trà, cà phê, thuốc lợi niệu), và có thể giảm khi bị các bệnh lý gây mất nước như tiêu chảy, nôn ói...
Thận sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cân bằng lượng nước cho cơ thể, đảm bảo không thừa và không thiếu, thông qua việc tăng giảm lượng nước tiểu của chúng ta. Ví dụ, nếu đổ mồ hôi nhiều, hay tiêu chảy mất nước nhiều, thận sẽ ưu tiên giữ lại nước, và ngược lại, nếu uống nhiều nước, thận sẽ tăng lọc để thải bớt nước ra khỏi cơ thể.
Do vậy, trước một trường hợp khai báo có đi tiểu nhiều lần, câu hỏi đặt ra là: Tổng lượng nước xuất nhập là bao nhiêu?
Bình thường, mỗi ngày một người sẽ tiểu từ 1,2 đến 1,7 lít nếu là nam giới và từ 1,1 đến 1,5 lít nếu là nữ. Tiểu nhiều là khi tiểu trên 2 lít với điều kiện nghỉ ngơi trên giường, lượng nước nhập trong 24 giờ không nhiều quá (trung bình khoảng 1,5 đến 2 lít), không dùng thuốc lợi tiểu, ăn uống bình thường.
Tiểu nhiều có thể do sinh lý như uống nhiều nước, uống các chất lợi tiểu, do các thuốc lợi tiểu ở thận (thuốc trợ tim, thuốc huyết áp) cũng có thể do bệnh lý như viêm nhiễm ở thận, bệnh thận mãn, đái tháo đường, đái tháo nhạt...
Thứ hai: Đây là tiểu dắt hay tiểu nhiều lần?
Tiểu dắt hay tiểu rắt là tình trạng đi tiểu nhiều lần trong một ngày, mỗi lần lượng nước tiểu rất ít, có khi chỉ vài giọt. Người bệnh mới đi tiểu xong lại có cảm giác mắc tiểu, khi đi tiểu lại thấy khó đi. Tiểu nhiều lần thì số lần đi tiểu tăng nhưng số lượng nước tiểu mỗi lần là bình thường hay nhiều, người bệnh rất dễ đi tiểu.
Bình thường, một người đi tiểu khoảng 4 đến 8 lần một ngày, mỗi lần khoảng 250-300ml nước "xả ra". Khi lượng nước tiểu tích ở ngưỡng này, bàng quang đầy sẽ cho cảm giác mắc tiểu và dẫn đến phản xạ mở cơ vòng để giải phóng nước tiểu.
Trường hợp tiểu rắt do bàng quang có tổn thương, nhất là ở vùng cổ bàng quang, khối cơ vòng sẽ bị kích thích dù với một lượng nước rất ít nên gây ra tình trạng đi tiểu rắt. Các bệnh lý liên quan thường là do viêm nhiễm vùng đường tiểu dưới, từ bàng quang, niệu đạo, tiền liệt tuyến... vì vậy, tiểu rắt thường kèm với triệu chứng tiểu buốt. Người bệnh tiểu rắt thường bị buộc phải thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm.
Trường hợp tiểu nhiều lần với lượng bình thường hoặc tăng lên có thể gặp với người bị bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường), hay đái tháo nhạt. Lúc này nguyên nhân do thận tăng bài tiết nước tiểu trong các bệnh lý đó.
Như vậy, quan sát số lần đi tiểu và lượng nước tiểu mỗi lần sẽ giúp ta xác minh triệu chứng này.
Tình huống mà bạn đưa ra chưa đủ thông tin để xác định đây có thực sự là bệnh lý hay vẫn nằm trong giới hạn bình thường, vì thậm chí stress cũng gây rối loạn đi tiểu. Tuy nhiên, việc tăng số lần đi tiểu như bạn mô tả cũng là một biểu hiện đáng quan tâm. Bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng, xét nghiệm chức năng thận là những xét nghiệm thường quy, đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả trong việc đánh giá chung về sức khoẻ của hệ bài niệu.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ
Theo VNE
Người béo bụng dễ mắc bệnh thận Cân nặng dư thừa tích tụ quanh vùng bụng có liên quan đến nguy cơ tăng cao bị mắc bệnh thận, theo một nghiên cứu mới. Người có thân hình trái táo thường trông tròn trịa với vòng eo lớn. Dáng vẻ này có thể là kết quả của việc dư cân hay phụ nữ sau khi sinh nở. Các nghiên cứu trước...