Những thông điệp chính từ chuyến thăm Ukraine bất ngờ của Tổng thống Mỹ
Chuyến công du Ukraine không báo trước của Tổng thống Joe Biden cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài và tâm điểm trong chính sách châu Âu của Mỹ dịch chuyển sang phía Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), chụp ảnh cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) trong chuyến thăm không báo trước tới Kiev ngày 20/2/2023. Ảnh: AP
Theo tờ Tagesspiegel.de (Đức), Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/2 đã có chuyến thăm bất ngờ lần đầu tiên tới Kiev với tư cách là nguyên thủ quốc gia và gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo phân bổ gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD khác cho Ukraine.
Về mặt chính thức, ông Biden chỉ được thông báo là sẽ đến Ba Lan với bài phát biểu nhân dịp 1 năm xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Bối cảnh hiện tại cho thấy chuyến thăm chớp nhoáng tới Ukraine của Tổng thống Biden muốn truyền tải một số thông điệp sau:
Thứ nhất, Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài. Rõ ràng là nếu nhà lãnh đạo Mỹ nhận thấy bất kỳ cơ hội nào về một giải pháp thương lượng trong những tháng tới, thì ông đã không chấp nhận rủi ro an ninh trong chuyến đi tới Kiev.
Như vậy, thông điệp của ông Biden có lẽ là: Moskva sẽ không nhượng lại các vùng lãnh thổ đã sáp nhập. Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lại lãnh thổ bằng quân sự nếu họ không chấp nhận thực tế hiện tại. Khi hành động như vậy, Ukraine sẽ có phương Tây và cường quốc hàng đầu là Mỹ đứng về phía họ.
Video đang HOT
Thứ hai, chuyến đi với mục tiêu kép Kiev/Warsaw cho thấy tâm điểm trong chính sách châu Âu của Mỹ đã chuyển từ Tây sang Đông. Mức độ thành công của Nga như thế nào trong tương lai sẽ phụ thuộc vào quyết tâm của phương Tây. Đồng thời, các đối tác phía Đông của NATO đang nhận được sự chú ý hơn từ Mỹ so với những đồng minh Tây Âu.
Dự kiến ông Biden có bài phát biểu quan trọng về cuộc xung đột ở Warsaw. Tại Ba Lan, Tổng thống Biden cũng sẽ gặp những nhà lãnh đạo của Bulgaria, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Romania và Slovakia. Các lãnh đạo của Đức, Pháp hay Anh không có tên trong danh sách gặp của ông Biden lần này.
Hiện các đồng minh và đối tác ở phía Đông của châu Âu đang được coi là những quốc gia tiền tuyến của phương Tây. Cả EU và Tây Âu đều không thể tự đảm bảo an ninh. Những nước này đang đặt niềm tin vào Mỹ.
Tuy nhiên, sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ hơn nữa về sự đoàn kết và thống nhất của phương Tây nếu Mỹ và Ba Lan mời Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Warsaw.
Thứ ba, chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Biden tới Kiev cho thấy ông không coi việc ủng hộ Ukraine là một vấn đề đối nội đầy rủi ro trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 đang đến gần. Thậm chí, ông Biden có thể “ghi điểm” với động thái này.
Đảng Cộng hòa hiện bị chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa biệt lập của Donald Trump, những người muốn Mỹ hành động và viện trợ ít hơn cho Ukraine và những người có quan điểm cứng rắn truyền thống, vốn kêu gọi viện trợ quân sự thậm chí còn lớn hơn. Do đó, ông Biden xuất hiện ở Kiev như là một tổng thống có sự kết hợp quyết tâm với tầm nhìn.
Thứ tư là thông điệp liên quan đến những tác động địa chính trị của vấn đề viện trợ cho Ukraine. Mỹ và phương Tây nói chung sẽ đi ngược lại các giá trị nếu họ không đứng về phía người Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Đồng thời, họ không muốn Trung Quốc nhận thấy lợi ích địa chiến lược của nước này trong hợp tác với Nga. Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo về việc Trung Quốc có thể hỗ trợ vũ khí cho Nga. Phương Tây có lẽ muốn Bắc Kinh ở vị trí trung lập, cũng vì lợi ích của Ukraine.
Nga cảnh báo mối quan hệ với Moldova rất căng thẳng
Theo hãng tin Reuters, Điện Kremlin ngày 20/2 cảnh báo quan hệ của Nga với Moldova "rất căng thẳng" và cáo buộc các nhà lãnh đạo Moldova theo đuổi chương trình nghị sự chống Moskva.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters
Quốc hội Moldova tuần trước đã thông qua một chính phủ thân phương Tây mới khi chính quyền trước đó từ chức hàng loạt sau nhiều tháng bê bối chính trị và kinh tế.
Chính phủ mới do Thủ tướng Dorin Recean đứng đầu đã tuyên bố sẽ theo đuổi con đường thân châu Âu, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa khu vực Transnistria - khu vực ly khai giáp Ukraine được Moskva hậu thuẫn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Nga đang hành động "có trách nhiệm" đối với các lực lượng gìn giữ hòa bình mà nước này đóng quân ở khu vực ly khai trên và cảnh báo Moldova không nên làm căng thẳng thêm tình hình.
"Mối quan hệ của chúng tôi với Moldova vốn đã rất căng thẳng. Giới lãnh đạo Moldova luôn tập trung vào mọi thứ chống Nga, họ đang rơi vào trạng thái cuồng loạn chống Nga", ông Peskov nói.
Tổng thống Moldova Maia Sandu - cũng như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - cho biết hồi đầu tháng này rằng, họ có "thông tin tình báo cho thấy Nga đang âm mưu đảo chính để 'lật đổ' chính quyền Moldova và gieo rắc hỗn loạn ở đây".
Tổng thống Moldova Maia Sandu hôm 13/2 đã cáo buộc Nga "lên kế hoạch sử dụng những kẻ phá hoại gây bất ổn, ngăn nước này gia nhập EU và lợi dụng nước này trong cuộc xung đột với Ukraine".
Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phủ nhận những tuyên bố của bà Sandu là "hoàn toàn vô căn cứ và vô lý". Moskva cũng nổi giận trước khả năng Moldova - nằm giữa Ukraine và thành viên NATO là Romania - gia nhập EU.
Moldova - cùng với Ukraine - năm ngoái đã được cấp tư cách ứng cử viên để gia nhập EU, đặt nước này vào bước đầu tiên của một quá trình kéo dài nhiều năm.
Xung đột Nga - Ukraine: Thách thức từ việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Kiev Mặc dù chiến đấu cơ F-16 có năng lực vượt trội trong không chiến nhưng về bản chất, có một số hạn chế trong việc chuyển giao F-16 cho Ukraine. Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. Ảnh: RSS Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi chuyển giao máy bay chiến đấu cho...