Những thói quen giao tiếp xấu khiến teens mất điểm
Bạn thử ngó xem mình có đang mắc lỗi giao tiếp nào trong số các thói quen xấu dưới đây nhé!
Đứng rung đùi, cười nói văng cả ngọc
Chẳng lạ gì khi thấy cảnh tượng nhiều teen đứng nói chuyện nhún nhảy đôi chân! Không chỉ thế, các teen đa phần không chú ý đến bộ dạng của mình lúc nói chuyện, cứ vào chuyện là quên hết mọi thứ. Bằng giọng điệu hồ hởi của mình, nhiều teen chẳng ngại hét toáng lên giữa chốn công cộng, thậm chí trong lớp học, nhà sách, thư viện.
Nhiều teen cho rằng nó chẳng xấu, đó chỉ là cách thể hiện hơi “quá kích” một tí nhưng… chân thật. Nhưng teens thử đặt mình vào vị trí của người đối diện, khi thấy đối phương la lên giữa nơi công cộng, ai cũng nhìn. Hay thấy bạn của mình cười cười nói nói… văng cả nước bọt thì chắc chắn là điểm trừ phải không nào?
Hết gãi đầu, gãi tai lại cắn móng tay
Đây là một trong những thói quen khó bỏ của teen, nhiều teen có thói quen này khi còn bé tí. Dù biết rằng không tốt, nhưng một số teen vẫn coi nhẹ và giữ thói quen ấy đến lớn.
Video đang HOT
Hành động gãi đầu, gãi tai hay cắn móng tay được đánh giá chỉ dành cho những người thiếu tự tin về bản thân. Thật vậy, nhiều teen có thói quen mỗi khi bối rối hay bí lù là… cho tay vào miệng cắn. Thói quen này vừa mất vệ sinh vừa khiến người khác mất cảm tình. Còn chưa kể đến việc gãi đầu gãi tai, lâu lâu còn… rơi cả gàu thì chẳng hay chút nào.
Biểu hiện sự không vừa lòng một cách thái quá
Không bằng lòng trong cuộc nói chuyện, nhiều teen biểu hiện khó chịu ra mặt. Teen chẳng phân biệt lớn bé, già trẻ và đôi khi chưa rõ ai đúng ai sai, cứ thấy không thích là hằn học. Thường thấy nhất là những biểu hiện dùng giằng phản đối. Tiếp theo đó là bắt đầu cao giọng và nói kiểu… không muốn trả lời. Riêng các teengirl lại rất hay bĩu môi hay liếc xéo. Những hành động ấy của teen thậm chí là cố tình để người ngoài chỉ nhìn vào là đủ bít… mình không vừa lòng.
Những biểu hiện này chẳng hay chút nào teen ạ. Nó sẽ là điểm trừ cực kì lớn và cực kì gây phản cảm với người đối diện. Tất nhiên, chẳng ai thích khi lời mình nói ra lại bị người khác phản bác bằng thái độ như vậy. Không chỉ thế, người lớn đánh giá rất thấp những teen có thái độ thiếu tiếp thu. Dù có không hài lòng, teen cũng cần bình tĩnh để trình bày quan điểm của mình. Như vậy sẽ tốt hơn là… tốn thời gian để tỏ vẻ khó chịu ý.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Châm ngôn: “Tui luôn đúng, tui chẳng bao giờ sai”
Chuyện bất đồng quan điểm giữa người này với người kia nhiều như cơm bữa. Chẳng ai luôn luôn đồng ý với quan điểm của người khác, chỉ có cái họ nói ra hay không và biểu hiện như thế nào. Nhiều teen chẳng ngại nói thẳng vào mặt người đối diện rằng, ý kiến của họ thật vớ vẩn và bắt đầu lên lớp. Họ luôn cứ giữ khăng khăng quan điểm rằng: “Tui luôn đúng, tui chẳng bao giờ sai.”
Không tiếp thu và không lắng nghe quan điểm khác khiến teen gây mất cảm tình nghiêm trọng, nhất là khi teen giao tiếp trong cộng động, hay đi làm cùng người khác. Chẳng ai thích nhân viên của mình là một người… nói chẳng nghe. Hay nếu có làm sếp thì cũng chẳng ai chịu được một vị sếp bảo thủ không biết nghe ý kiến của người khác. Nhất là với người yêu thì lại càng cấm kị khi cái tôi của đằng ấy quá to, phải không?
Chửi tục và lôi những gì xấu của đối phương ra mỉa mai
Qúa tức giận trong lúc phân bua người đúng kẻ sai, nhiều teen văng tục. Đó cũng là cách nhiều teenboy cho rằng cho hả giận. Còn đối với các teengirl, các nàng lại hay thích nói mỉa nói mai, nói xiên nói xỏ để đằng kia tức.
Teens nghĩ rằng đó là cách hạ gục đối phương, nhưng thực sự chẳng phải vậy. Nó chỉ khiến người nghe thêm tức tối và nhất định phải cãi lại để bảo vệ mình. Trừ khi gặp những người hiền lành, họ không thích cãi lại. Nhưng thực sự cách nói chuyện mỉa mai thì chẳng ai thích cả. Ngay cả bản thân teen cũng vậy, thử hỏi nếu có người văng tục khi nói chuyện hay nói móc nói khóe thì teen sẽ cảm giác như thế nào? Và liệu lúc ấy còn đủ giữ bình tĩnh để trò chuyện bằng miệng không hay còn… động cẳng tay, hạ cẳng chân?
Lôi tên của “phụ huynh” ra làm trò cười
Chẳng hiểu từ đâu, nhiều teen rất thích tìm tên của ông bà, cha mẹ của bạn bè ra để gọi. Thậm chí, nhiều teen bị “liệt” với cái tên của bố mẹ. Teen tìm đủ mọi cách để biết được. Nếu không hỏi han thì teen dò trong danh sách lớp, trong sổ điểm… chẳng hiểu để làm gì.
Nhiều teen cho rằng vậy… vui, có sao đâu? Nhưng thực sự đó là sự thiếu tôn trọng đối với phụ huynh hay gia đình của người khác. Rất nhiều teen đã bị liệt kê vào danh sách “bạn cấm chơi” của phụ huynh chỉ vì thói quen này.
Trong giao tiếp, dù là bạn bè thân đến đâu, teen cũng không nên nói chuyện quá đụng chạm và nhạy cảm. Như vậy sẽ khiến nhiều người cảm thấy tức giận, khó chịu, rồi hậu quả lại… ghét nhau đó. Các bạn nên cẩn thận nhé!
Theo PLXH