Những thiên đường xuất khẩu súng đạn mới của Trung Quốc
Với lợi thế giá rẻ và ít điều kiện ràng buộc, vũ khí Trung Quốc đang có vị thế ngày càng lớn trong quân đội các nước châu Phi và Nam Mỹ.
Một hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng của Trung Quốc. Ảnh: Chinamil
Trong lễ duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh vào ngày 24/2, quân đội Peru sẽ trình làng những bệ phóng hỏa tiễn đầu tiên được nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên những hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng 120 mm Type 90 của Trung Quốc được trang bị trong quân đội Peru, đánh dấu vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh ở “thiên đường” xuất khẩu vũ khí Nam Mỹ.
5 năm gần đây, Trung Quốc đã bán cho quân đội Peru đạn hỏa tiễn và các phụ tùng cho bệ phóng BM-21 do Liên Xô sản xuất từ thập niên 1970. Đến năm nay, Trung Quốc bắt đầu cung cấp các vũ khí này cho các quốc gia Nam Mỹ, theo China Military Online.
“Lô hàng bệ phóng hỏa tiễn đa nòng 90B bán cho quân đội Peru do Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc sản xuất. Được phát triển từ giữa thập niên 1990, những bệ phóng hỏa tiễn này dùng để thay thế giàn phóng BM-21 của Nga và các biến thể tương tự”, tờ báo viết.
Thị trường Nam Mỹ đang ngày càng quan tâm đến các loại vũ khí, khí tài do Trung Quốc sản xuất, dần phớt lờ các nhà cung cấp truyền thống như Mỹ và Nga. Ngoài Peru, các nước khác như Argentina, Bolivia và Ecuador đều được cho là bắt đầu thể hiện sự quan tâm tới các vũ khí của Trung Quốc.
Báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm ( SIPRI) cho hay trong 5 năm từ 2009 đến 2014, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng tới 88%, biến nước này thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, trong đó có nhiều hệ thống vũ khí ngày càng phức tạp.
Theo báo cáo, Trung Quốc hiện chiếm 5% thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, với giá trị hơn 300 tỷ USD mỗi năm, vượt mặt các quốc gia buôn bán vũ khí lớn như Đức và Pháp, dù vẫn còn kém xa hai đối thủ là Mỹ và Nga.
Các công ty sản xuất vũ khí quốc doanh Trung Quốc đã trở thành những cái tên ngày càng nổi tiếng trong lĩnh vực quốc phòng, đóng góp tới 143% tăng trưởng xuất khẩu vũ khí trong 5 năm qua.
Thị trường xuất khẩu vũ khí truyền thống của Trung Quốc là các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, với hơn 68% lượng vũ khí xuất khẩu được bán tới Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Pakistan là đồng minh chính của Trung Quốc, và quan hệ quân sự mật thiết giữa hai nước thỉnh thoảng gây căng thẳng với nước láng giềng Ấn Độ, vốn đang tìm cách thúc đẩy nền công nghiệp vũ khí nước nhà.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc cũng đã tìm ra hai thiên đường xuất khẩu mới, đó chính là khu vực Nam Mỹ và châu Phi. Tại Châu lục Đen với nhiều quốc gia còn chìm trong bất ổn, vũ khí Trung Quốc đã tìm đường len lỏi được đến 18 nước trong năm qua, với các mặt hàng chính như xe thiết giáp, máy bay vận tải và huấn luyện, cùng máy bay không người lái.
Vũ khí Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước châu Phi. Ảnh:DefenseNews
Theo Wall Street Journal, tập đoàn Norinco của Trung Quốc là một trong những công ty quốc doanh dẫn đầu trong lĩnh vực mở rộng hoạt động xuất khẩu tới những “thiên đường” mới. Công ty này đã bán hàng loạt máy bay không người lái vũ trang cho Nigeria để chống lại phiến quân Boko Haram, đồng thời nhận cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí cho nhiều nước châu Phi khác.
Vũ khí giá rẻ mê hoặc Lục địa Đen
Dưới con mắt của các nhà lãnh đạo châu Phi, vũ khí Trung Quốc có rất nhiều lợi thế cạnh tranh: Chúng có giá tương đối rẻ, và được bán cùng rất ít những ràng buộc đi kèm, không giống như các vũ khí của phương Tây, theo bình luận viên Sam Nussey của Nikkei.
Đối với chính phủ các nước châu Phi có hầu bao hạn hẹp nhưng phải đối mặt thường xuyên với các mối đe dọa an ninh, vũ khí Trung Quốc có sức hấp dẫn rất lớn, đặc biệt là khi chúng thường đi kèm với các gói hỗ trợ thương mại và đầu tư lớn từ Bắc Kinh.
Trung Quốc đã xuất khẩu vũ khí tới châu Phi trong nhiều thập kỷ, nhưng chúng “chủ yếu là các bản nhái hợp pháp của vũ khí Liên Xô”, theo Bastian Giegerich, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) ở London. Hầu hết các vũ khí “khủng” của Liên Xô đều được Trung Quốc sao chép và cho ra đời phiên bản của riêng mình, chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59 rất giống với tăng T-54A, hay chiến đấu cơ Mig-21 được cải biến thành J-7 và được bán khắp châu Phi.
Thế nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi. “Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc phát triển những vũ khí có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn và xuất khẩu sang châu Phi”, Josep Dempsey, nghiên cứu viên tại IISS, cho biết. Đến nay, khoảng hai phần ba quốc gia châu Phi sử dụng vũ khí Trung Quốc, và tỷ lệ này đang tăng lên. Có 10 nước châu Phi bắt đầu đặt mua vũ khí Trung Quốc trong 10 năm qua, trong đó có Ghana, Sierra Leone, Angola và Nigeria.
Hồi tháng một năm ngoái, những bức ảnh về một máy bay vũ trang không người lái rơi xuống ruộng ở bang Borno, Nigeria, phía bắc châu Phi tràn ngập trên Internet. Đến tháng 6, một chiếc máy bay tương tự cũng bị rơi. Loại máy bay không người lái này được xác định là CH-3, phiên bản vũ trang của một loại máy bay được Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc sản xuất trước đó.
Những chiếc máy bay vũ trang không người lái này được quân đội Nigeria sử dụng để tấn công phiến quân Boko Haram, và công bố một video quay cảnh máy bay CH-3 thực hiện một vụ không kích vào căn cứ hậu cần của phiến quân hồi tháng hai năm 2015. Với cuộc tấn công này, Nigeria đã gia nhập nhóm ít nước, trong đó có Mỹ, Anh, Israel, Iraq và Pakistan, dùng máy bay không người lái để tấn công đối phương.
Trong lễ duyệt binh hồi tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã trình diễn nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa diệt hạm DF-21D, được coi là “sát thủ tàu sân bay”, mối đe dọa hàng đầu đối với hàng không mẫu hạm Mỹ. “Lễ duyệt binh cho thấy các vũ khí tân tiến không còn là độc quyền của các nước phương Tây nữa”, John Chipman, tổng giám đốc IISS, nhận định.
Theo các chuyên gia phân tích, giá thành rẻ là yếu tố chủ chốt tạo nên sức hấp dẫn cho các vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc. Nước này “thực sự đang phát triển các loại vũ khí chuyên dành cho xuất khẩu, không còn dành cho thị trường nội địa nữa”, Dempsey nói, và chỉ ra thực tế rằng nhiều loại vũ khí chưa bao giờ xuất hiện trong quân đội Trung Quốc lại đang được sử dụng rộng rãi ở châu Phi.
Máy bay huấn luyện K-8 do Trung Quốc sản xuất cất cánh từ sân bay của không quân Sudan. Ảnh: Wikipedia
Máy bay huấn luyện K-8 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hồng Đô chế tạo xuất hiện trong biên chế của quân đội nhiều nước châu Phi, từ Ai Cập cho tới Zimbabwe. Một loạt xe thiết giáp do Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc chế tạo cũng được quân đội các nước châu Phi sử dụng phổ biến.
“Trung Quốc là một trong số ít nước sản xuất những vũ khí mới cho thị trường này với giá rất hợp lý”, Dempsey cho biết. “Dù khả năng của chúng không được như vũ khí phương Tây, chúng lại thích hợp hơn với môi trường ở đó. Bằng cách này, Trung Quốc đã lấp đầy được thị trường ngách”.
Trí Dũng
Theo VNE
SIPRI: Mỹ đứng đầu xuất khẩu vũ khí, Việt Nam đứng 8 về nhập khẩu
Giao dịch vũ khí toàn cầu tăng lên trong 5 năm gần đây, từ 2011 - 2015, theo SIPRI. Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu vũ khí, kế đến là Nga và Trung Quốc. Việt Nam xếp thứ 8 về nhập khẩu vũ khí.
Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 về lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu - Ảnh: Không quân Mỹ
Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thuỵ Điển) ngày 21.2 công bố báo cáo về số lượng buôn bán vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015. Theo đó, số lượng vũ khí được buôn bán và trợ cấp tăng 14% so với 5 năm trước đó. Mỹ vẫn là nước xuất khẩu số 1, chiếm 33% tổng khối lượng giao dịch toàn cầu. Nga và Trung Quốc lần lượt xếp sau với 25% và 5,9%.
Vũ khí của Mỹ đã được xuất sang ít nhất 96 nước trong vòng 5 năm qua, 41% trong đó chuyển đến Ả Rập Xê Út và các nước Trung Đông. Giám đốc chương trình nghiên cứu chi tiêu vũ khí và quân sự của SIPRI, bà Aude Fleurant cho rằng trong khi các cuộc xung đột khu vực vẫn tiếp tục gia tăng, Mỹ vẫn giữ vị trí là nhà sản xuất vũ khí dẫn đầu toàn cầu với doanh thu lớn.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu cao cấp Pieter Wezeman của SIPRI cho hay, dù cho giá dầu giảm thấp, lượng lớn vũ khí vẫn được chuyển đến Trung Đông trong 5 năm qua.
Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng (tàu tên lửa lớp Gepard 3.9 do Nga đóng) của Hải quân Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
Nga giữ vị trí số 2 về xuất khẩu vũ khí nhưng mức độ đã giảm trong 2 năm 2014 và 2015, trùng với khoảng thời gian nước này bị phương Tây áp lệnh trừng phạt xung quanh tình hình Ukraine, theo AFP. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí từ Nga lớn nhất. Ấn Độ cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 14% tổng số lượng giao dịch, gấp đôi nước đứng thứ 2 là Ả Rập Xê Út. Trung Quốc xếp thứ 3 với 4,7%.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã vượt qua cả Pháp và Đức trong 5 năm qua (tăng 88% so với 5 năm trước đó) để chiếm vị trí số 3 về xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Phần lớn vũ khí Trung Quốc được bán cho các nước châu Á, và Pakistan là bạn hàng chính. Cùng khoảng thời gian này, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 25%, đánh dấu sự vươn lên của các sản phẩm "cây nhà lá vườn" Trung Quốc, theo SIPRI.
Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trong danh sách nhập khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015, chiếm 2,9% tổng khối lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tăng 699% so với 5 năm trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2006-2010, Việt Nam chỉ xếp vị trí 43 với 0,4%.
Nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam trong 5 năm 2011 - 2015 là Nga (93%) với 8 máy bay chiến đấu, 4 tàu tên lửa tấn công nhanh và 4 tàu ngầm trang bị tên lửa tấn công mặt đất. Số tàu chiến và tàu ngầm chiếm 44% tổng số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu, máy bay chiếm 37%. Báo Đức DW ngày 21.2 nhận xét rằng Việt Nam tăng chi tiêu quốc phòng để bảo vệ chủ quyền biển đảo và đối phó mối đe doạ từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Ông Obama rơi nước mắt khi phát biểu về súng Tổng thống Mỹ Barack Obama rơi nước mắt trong một bài phát biểu xúc động tại Nhà Trắng về vấn đề kiểm soát súng hôm 5-1. Được bao quanh bởi những người ủng hộ các biện pháp siết chặt kiểm soát súng đạn và thành viên gia đình các nạn nhân của bạo lực súng đạn, ông Obama nói: "Mỗi lần nghĩ về...