Những thiên đường du lịch lao đao giữa đại dịch
Diễn biến khó lường của Covid-19 gần đây dường như giáng đòn mạnh hơn vào hy vọng khôi phục ngành du lịch của Indonesia hay Thái Lan.
Trong bối cảnh các nền kinh tế khắp thế giới lao dốc vì Covid-19, một số nước Đông Nam Á cố gắng khắc phục tình hình bằng cách thúc đẩy ngành du lịch. Bên cạnh việc khuyến khích du khách nội địa, họ còn tính đến phương án tạo “bong bóng du lịch”, có nghĩa là hợp tác với những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm nCoV thấp để tạo điều kiện du lịch thuận lợi hơn cho người dân của họ.
Hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali ban đầu dường như kiểm soát Covid-19 tốt hơn so với những khu vực khác của Indonesia, vùng dịch chết chóc nhất Đông Nam Á, nơi hiện ghi nhận gần 197.000 ca nhiễm nCoV và hơn 8.100 người chết. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại Bali đột ngột tăng vọt sau khi hòn đảo tái mở cửa phục vụ du lịch nội địa hồi cuối tháng 7.
“Hoạt động du lịch trong nước ngày càng nhộn nhịp là một yếu tố quan trọng khiến số ca nhiễm nCoV tăng”, tiến sĩ Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, nhận định. Tình hình phức tạp buộc chính quyền phải hoãn vô thời hạn kế hoạch tái mở cửa Bali cho du khách nước ngoài từ tháng 9.
Các sĩ quan nhắc nhở du khách đeo khẩu trang tại Badung, tỉnh Bali, Indonesia, hôm 3/9. Ảnh: Reuters.
Mặc dù Ketut Suarjaya, người đứng đầu cơ quan y tế Bali, phản bác lại rằng du lịch nội địa không phải nguyên nhân gây ra tình trạng số ca nhiễm tăng đột biến, những người khác vẫn coi diễn biến dịch tại hòn đảo là hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm từ việc tái mở cửa quá sớm.
Video đang HOT
Các nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế cộng đồng cho biết việc du khách đổ tới Bali không chỉ làm tăng khả năng lây truyền nCoV từ những khu vực khác tại Indonesia, mà còn phơi bày rõ những thiếu sót trong cuộc chiến chống đại dịch là công tác xét nghiệm và truy vết tiếp xúc yếu kém.
Giới chuyên gia chỉ ra một yếu tố khác có thể đã khiến tình hình nghiêm trọng hơn là sự xuất hiện của D614G, biến chủng mới của nCoV được cho là lây lan mạnh hơn nhiều so với chủng gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc. Biến chủng này cũng hiện diện tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Philippines hay Singapore.
Hôm 4/9, Bali ghi nhận kỷ lục 196 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ, đồng thời đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới liên tục tăng. Số ca nhiễm được báo cáo hàng ngày tại hòn đảo trung bình tăng gần gấp ba trong 6 tuần qua, trong khi số trường hợp tử vong tăng gấp đôi cùng khoảng thời gian.
Kamil, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Bali, cho biết anh đang hạn chế hoạt động buôn bán, nhưng vẫn phải cố gắng không quá lo lắng. “Tôi phó mặc cho Thượng đế, bởi chúng ta không thể đoán trước tương lai. Tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ là vận hành doanh nghiệp theo các hướng dẫn y tế”, anh nói.
Vào quý II năm nay, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, kinh tế Indonesia ghi nhận sự suy giảm tăng trưởng quý. Nền kinh tế Bali thậm chí bị tụt lại nhiều hơn gần 11% so với những nơi còn lại của đất nước.
Thái Lan, nơi chi tiêu của du khách nước ngoài chiếm hơn 11% GDP vào năm ngoái, còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ sự sụp đổ của ngành du lịch, dù nước này kiểm soát Covid-19 tốt hơn Indonesia. Nền kinh tế Thái Lan hồi quý II cũng bị giảm sút nghiêm trọng nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Hôm 3/9, Thái Lan ghi nhận ca nhiễm nCoV trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 100 ngày, khiến nước này phải hoãn kế hoạch hợp tác tạo “bong bóng du lịch” với một số quốc gia hồi tháng 8.
Yuthasak Supasorn, người đứng đầu Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), cho biết kế hoạch thận trọng tái mở cửa thiên đường du lịch Phuket cho du khách nước ngoài nhiều khả năng cũng sẽ bị hoãn cho tới sau thời điểm dự kiến ban đầu là ngày 1/10. Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng kế hoạch vẫn được tiến hành khi châu Âu bước vào mùa đông, cũng là mùa du lịch cao điểm của Thái Lan.
Tại Indonesia, bất chấp viễn cảnh tương lai mờ mịt và niềm hy vọng mong manh, Kamil cho biết anh vẫn giữ thái độ tích cực, chừng nào cửa hàng của anh còn mở cửa.
“Có thể một khách hàng nào đó sẽ tới”, Kamil nói.
Thủ hiến Australia xin lỗi về cụm dịch từ du thuyền
Thủ hiến bang NSW xin lỗi vì không ngăn người nhiễm nCoV từ du thuyền Ruby Princess xuống Sydney hồi tháng ba, gây ra đợt bùng dịch nghiêm trọng.
"Bài học đã không được rút ra kịp thời. Một lần nữa, tôi chân thành xin lỗi thay cho tất cả những cá nhân và cơ quan đã phạm phải sai lầm", Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian nói với các phóng viên ở Sydney hôm 17/8.
Cuộc điều tra về đợt bùng phát Covid-19 liên quan tới du thuyền Ruby Princess tuần trước kết luận rằng giới chức NSW đã mắc sai lầm "không thể bào chữa" khi cho phép khoảng 2.700 hành khách, trong đó 120 người cảm thấy không khỏe, rời du thuyền vào trung tâm thành phố Sydney hôm 19/3. Giới chức NSW khi đó cho rằng du thuyền Ruby Princess có rủi ro nCoV thấp, trước khi phát hiện một số hành khách và thủy thủ nhiễm virus.
Cuộc điều tra cũng cho thấy khoảng 914 ca nhiễm ở NSW có thể liên quan tới cụm dịch từ du thuyền Ruby Princess, chủ yếu là từ các hành khách. Thủ hiến Berejiklian đặc biệt gửi lời xin lỗi tới 62 người bị lây nCoV từ một du khách trên thuyền.
"Tôi không thể tưởng tượng sẽ ra sao khi bạn hoặc người thân yêu của bạn tiếp tục bị ảnh hưởng và chịu tổn thương từ hậu quả của sự việc này", bà Berejiklian nói thêm.
Thủ hiến bang New South Wales (NSW) Gladys Berejiklian tại Sydney hôm 23/2. Ảnh: Reuters.
Giới chức Australia hồi tháng 3 đã kêu gọi 2.700 khách trên du thuyền Ruby Princess tự cách ly và sớm liên lạc với chính quyền sau khi phát hiện 4 người dương tính với nCoV.
Lãnh đạo cơ quan y tế bang New South Wales Brad Hazzard khi ấy cho biết việc Ruby Princess xuất hiện ca nhiễm rất đáng lo ngại. "Mối lo ngại rất lớn là những hành khách đó đã rời Ruby Princess mà không biết gì về các ca dương tính nCoV trên du thuyền họ đi", Hazzard nói.
Australia hiện ghi nhận hơn 23.500 ca nhiễm và 421 ca tử vong do nCoV, ít hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác. Sau khi mắc sai lầm trong xử lý cụm dịch trên Ruby Princess, Australia tiếp tục có những sai sót trong quản lý khách sạn dành cho người cách ly ở Victoria, khiến nước này trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Viện phát triển vaccine Covid-19 ít được biết đến của Nga Khi Nga cấp phép vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhiều sự chú ý đổ dồn về Viện Gamaleya - cơ sở điều chế vaccine. Một số người bày tỏ nghi ngờ về tốc độ của Nga, chỉ ra rằng các công ty dược phẩm của Nga tương đối nhỏ, Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya...