Những ‘thị trấn ma’ nơi tiền tuyến Ukraine
Với ông Vadim Lyakh, thị trưởng của thành phố Slovyansk nhộn nhịp một thời giờ đang chìm trong khói đạn, mỗi ngày cuộc sống nơi đây đều tẻ nhạt, vắng lặng.
Chướng ngại vật được dựng lên ở Slovyansk. Ảnh: WSJ
“Tôi thức dậy, xác minh thiệt hại do trận pháo kích mới nhất gây ra, kiểm tra binh sĩ đang bảo vệ thành phố và thăm dân thường có nhà cửa bị phá hủy”, ông Lyakh nói, “Ngày nào cũng vậy, một khuôn mẫu nghiệt ngã.”
Chiến sự đã biến các thành phố ở vùng Donbass, miền đông Ukraine thành những “thị trấn ma”. Khi các lực lượng Nga tiến sang phía tây, tìm cách đánh bật người Ukraine khỏi vị trí của họ và giành quyền kiểm soát miền đông đất nước, người dân hoảng sợ bỏ chạy lánh nạn.
Những làn sóng tị nạn này đang để lại phía sau những con phố trống trải và một sự im lặng chết chóc càng làm khuếch đại tiếng ồn ào của các cuộc bắn phá bên rìa thành phố. Nhưng nó cũng mang lại lợi thế cho cả hai bên: Nga có thể đẩy mạnh chiến lược bình địa mà tránh hoả lực rơi vào mục tiêu dân thường, còn Ukraine có thể tiến hành các trận chiến đô thị ác liệt, sử dụng khu dân cư làm nơi che chắn.
Thị trưởng Lyakh cho biết chỉ 1/4 dân số 100.000 người từ trước chiến tranh của Slovyansk còn trụ lại trong thành phố. Cùng với thành phố Kramatorsk gần đó, Slovyansk đang tự mình chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp xảy ra. Trước chiến tranh, thị trưởng Lyansk quản lý một đội ngũ 400 nhân viên để đảm bảo các dịch vụ của thành phố hoạt động trơn tru, giờ đây ông cho biết chỉ còn lại 50 người.
Vào đầu tháng 4, khi Nga rút lực lượng khỏi miền bắc Ukraine và tái tập trung chiến dịch quân sự vào vùng Luhansk và Donetsk ở phía đông, chính quyền hai khu vực Donbass này đã kêu gọi cư dân rời đi. “Các bạn cần phải sơ tán khi vẫn còn có thể”, Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói vào thời điểm đó.
Người tị nạn rời thành phố với ánh mắt đầy lo lắng. Ảnh: WSJ
Các chuyến xe buýt rời Slovyansk hàng ngày chở theo vài chục thường dân hy vọng tìm được nơi trú ẩn sau các cuộc giao tranh, và nhiều người không biết phải đi đâu. Trong một thành phố gần như hoang vắng, một địa điểm gần trung tâm trở thành nơi duy nhất nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng khi những người thân chia tay trong nước mắt.
Vitaly Kolesnichenko, một người hưu trí đang chờ rời đi trong tuần này, ngồi trên băng ghế với chiếc túi thể thao đựng đầy quần áo. Đêm 31/5, vợ ông ngủ một mình trên giường gần cửa sổ cho đỡ nóng. Bà bị tử thương vài giờ sau đó do sức ép từ một vụ nổ tên lửa lớn.
Thị trưởng Lyakh gần đây đã đến thăm nhà của một người mẹ sống với những đứa con trở thành người tàn tật ở một quận ngoại ô bị pháo kích. Ông hỏi tại sao họ không rời đi. Người phụ nữ đáp rằng họ không có tiền để sống ở nơi khác.
“Tôi đã nghe điều này hết lần này đến lần khác”, Lyakh nói. “Sẽ quá nguy hiểm nếu sơ tán những người không chịu rời đi vào giờ chót. Khi đó, họ sẽ chạy ra ngoài chỉ mặc độc cái quần và cầu xin chúng tôi đưa họ đi, chẳng nghĩ gì đến tiền bạc nữa”.
Một chiến hào mới được binh sĩ Ukraine đào ở Donbass. Ảnh: WSJ
Không có nước, khí đốt hoặc điện sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, những người trụ lại Slovyansk mỗi ngày phải đi lấy nước tại các máy bơm công cộng.
Video đang HOT
Những ngày gần đây, Oleh Yukhimchuk, một tay giang hồ, đã đi khắp thành phố cùng đồng bọn, trèo lên cửa sổ nhà những người dân bỏ đi. “Cơ hội ‘làm nghề’ đang bùng nổ”, Yukhimchuk nói với một nụ cười vô vị, “nhưng tôi chẳng muốn làm gì cả”.
Chiến tranh ngày càng ác liệt ở miền đông Ukraine. Giờ đây, khi dân thường rời Slovyansk theo một hướng, thì vũ khí đến từ hướng ngược lại. Dọc theo con đường đó, rải rác các trạm kiểm soát quân sự, từng đoàn xe tiến về tiền tuyến, mang theo vũ khí và trang thiết bị phức tạp và cũ kỹ, từ các loại pháo thời Liên Xô cho đến các khẩu pháo Bushmasters của Australia và lựu pháo M777 của Mỹ.
Lựu pháo được đưa tới Donbass.
Phương Tây đang tăng cường hỗ trợ. Hôm 6/6, Anh lần đầu tiên cam kết sẽ gửi tên lửa tầm xa tới Kiev. Đức đã đàm phán với Hy Lạp để chuyển giao xe bọc thép. Và tuần trước, Mỹ cho biết họ sẽ gửi một hệ thống tên lửa dẫn đường có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 76km.
Đại úy Oleksandr Taranushchenko, chỉ huy Tiểu đoàn Dnipro-1, đơn vị nắm giữ các vị trí quan trọng xung quanh Slovyansk và có hàng rào giao thông hào bao quanh, cho biết đơn vị của ông thường xuyên bị Nga pháo kích và đang rất cần vũ khí tối tân. Ông nói: “Bạn không thể chống lại xe tăng với một khẩu súng trường”.
Trong khi đó, thiệt hại của cuộc chiến Ukraine cũng tiếp tục tăng lên. Khi các đoàn xe chở vũ khí tiến về phía giao tranh, những chiếc ô tô mang số hiệu 300 – mã dành cho thương binh – đi theo hướng ngược lại. Những người lính buồn bã hút thuốc, đầu và chân tay quấn đầy băng gạc. Một số đang giẫm lên đám cỏ ven đường, được đánh dấu đều đặn bằng các biển chỉ dẫn nhỏ ghi chữ “mìn”.
Xác xe cháy rụi bỏ lại trên con phố hoang vắng. Ảnh: WSJ
Nhiều người bị thương được chuyển đến Kramatorsk, cách Slovyansk 16km – bệnh viện duy nhất trong vùng có máy quét CT còn hoạt động. Vào một buổi chiều gần đây, các tình nguyện viên đã đưa Oleksandr Kurden, người vừa bị pháo kích ở thị trấn Svyatohirsk gần đó, đến viện. Anh bị gãy xương đùi ở chân trái và mảnh đạn mắc ở bên phải, rên rỉ đau đớn khi được đưa vào máy quét.
Natalia Kolomyitseva, bác sĩ đã công tác 35 năm tại khoa chấn thương của bệnh viện Kramatorsk, cho biết kiến thức y khoa của bà đang được kéo dài bởi những vết thương do chiến sự. Ngay cả những nhân viên y tế có kinh nghiệm nhất của bệnh viện cũng đang chứng kiến số loại thương tổn mà họ chưa từng gặp trước đây, như mảnh đạn nằm sau mắt bệnh nhân hay xương sống vỡ thành nhiều mảnh nhỏ.
Còi báo động không kích đang là một phần khắc nghiệt của cuộc sống hàng ngày trên khắp Ukraine. Nhưng ở Kramatorsk, nơi chỉ còn lại 1/4 dân số trước chiến tranh là 220.000 người, tiếng rú không ngừng đã trở thành một thứ âm thanh nền.
Bà Olha Ponomaryova, cư dân sống trong tầng 5 của căn hộ chung cư tại Kramatorsk bị phá hủy trong vụ tấn công đêm 5/5, nói bà không có chỗ nào để đi và cũng chẳng còn quan tâm đến còi báo động. “Chẳng có vụ nổ nào khi còi vang lên. Chúng chỉ nổ ra khi im lặng”, bà nói.
Chiến tranh kéo dài, Ba Lan căng sức với người tị nạn Ukraine
Thị trấn Rzeszów đã chào đón hơn 100.000 người tị nạn Ukraine, tăng hơn một nửa dân số. Nhưng cuộc xung đột ở nước láng giềng vẫn chưa có hồi kết, và thành phố Ba Lan đang phải xoay sở cho những người tị nạn cư trú lâu dài.
Người tị nạn ở Rzeszów đang tạo thêm áp lực cho thị trường nhà ở vốn đã căng thẳng. Ảnh: Getty Images
Kể từ khi xe tăng Nga bắt đầu tiến vào Ukraine, khoảng 1 triệu người Ukraine đã bỏ chạy sang thành phố phía đông nam Ba Lan, nằm cách biên giới chỉ 100 km.
Là "bến đỗ" đầu tiên của hầu hết người Ukraine chạy trốn khỏi chiến tranh, Rzeszów đã chuyển sang chế độ khẩn cấp: Đội ngũ tình nguyện viên chào đón người tị nạn tại nhà ga bằng một bữa ăn nóng hổi; chính quyền địa phương đã biến khu phức hợp thể thao thành kho viện trợ nhân đạo và trung tâm mua sắm địa phương trở thành nơi trú tạm.
Elżbieta Sobusiak, người đồng sở hữu một nhà trẻ tư nhân nhỏ, cho biết cô được nhiều phụ huynh Ukraine tìm đến tới mức cô đã mở một nhóm mới - thuê một cô trông trẻ người Ukraine - để chăm sóc con cái cho họ.
"Nhờ những nỗ lực to lớn, thành phố đã không bị 'sập', không xảy ra lùm xùm gì, không trại tị nạn, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát," thị trưởng Rzeszów, Konrad Fijołek, nói với tờ Politico.
Nhưng bây giờ khi bầu không khí khẩn cấp đã qua đi, Rzeszów lại phải đối mặt với một thách thức mới: làm thế nào để hòa nhập xã hội cho những người quyết định ở lại.
Trong khi nhiều người tị nạn đã chuyển đến các thành phố khác ở Ba Lan hoặc các nước khác thuộc EU, hoặc quay trở lại Ukraine, nhiều người vẫn ở lại Rzeszów, gây thêm áp lực cho thị trường nhà ở vốn đã căng thẳng và ngân sách địa phương eo hẹp.
Người dân Ba Lan nhận giúp đỡ người tị nạn từ Ukraine. Ảnh: Getty Images
Rzeszów là một ví dụ điển hình về thách thức đối với các thành phố trên khắp đất nước Ba Lan. Trong số 3,2 triệu người Ukraine chạy sang Ba Lan, 2,2 triệu người sống ở các thành phố. Dân số thủ đô Warsaw của Ba Lan đã tăng 15%, ở Kraków tăng 23% còn ở Gdańsk là 34%.
Một cuộc thăm dò gần đây của tổ chức thăm dò độc lập ARC Rynek i Opinia, cho thấy 58% người Ukraine ở Ba Lan nói rằng họ có ý định ở lại chừng nào chiến tranh còn tiếp tục, trong khi 27% nói có kế hoạch ở lại mãi mãi.
Điều đó có nghĩa là chính quyền địa phương cần đưa ra các chiến lược dài hạn để hoà nhập người mới đến, bao gồm việc mở rộng các trường học và tạo việc làm mới - Marek Wójcik, một chuyên gia quản lý tại Hiệp hội các thành phố Ba Lan cho biết.
Ông Wójcik nói: "Ban đầu là việc đảm bảo an ninh cơ bản: viện trợ, thực phẩm, quần áo, căn hộ. Nhưng bây giờ chúng tôi đã chuyển sang giai đoạn thứ hai."
Nhờ cơ chế khẩn cấp do EU khởi xướng, những người tị nạn Ukraine có thể sinh sống và làm việc hợp pháp trên toàn khối. Họ cũng được hưởng các quyền lợi như công dân Ba Lan: bảo hiểm y tế, giáo dục công cộng miễn phí, trợ cấp cho trẻ em.
Ở cấp địa phương, thị trưởng Fijołek cho biết trọng tâm của ông là cung cấp cho người tị nạn việc làm, tiếp cận giáo dục và chỗ ở lâu dài.
Hầu hết sinh viên Ukraine đang kết thúc năm học của họ từ xa, nhưng nếu ở lại Ba Lan, họ sẽ phải hòa nhập vào hệ thống tiếng Ba Lan và học ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa là cần mở nhiều lớp học hơn và nhiều giáo viên hơn.
Người tị nạn Ukraine sang Ba Lan trong những tuần đầu chiến tranh. Ảnh: Reuters
"Chúng ta có thể vượt qua được năm học này... nhưng sau đó ta sẽ cần hành động thực sự", ông Fijołek nói.
Ông Wójcik, tại Hiệp hội các thành phố Ba Lan, cho biết các thành phố khác của Ba Lan cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Ông nói: "Có những thành phố có nhiều trẻ em mới đến mức cần phải xây thêm vài hoặc chục trường học và nhà trẻ.
Tại Warsaw, nơi có khoảng 100.000 người tị nạn Ukraine, "nếu tất cả trẻ em Ukraine muốn học [trực tiếp], thì chúng tôi sẽ cần cơ sở hạ tầng tăng gấp bốn lần để phục vụ người tị nạn trẻ tuổi", ông Wójcik bổ sung.
Vấn đề còn tồn tại khác là nhà ở. Trên khắp đất nước, người dân Ba Lan đã đón khoảng 700.000 người tị nạn vào nhà riêng của họ, và nhiều người tị nạn sống trong các căn hộ dùng chung tạm thời.
Những giải pháp ngắn hạn đó nói lên một vấn đề sâu sắc hơn: Thị trường cho thuê nhà ở tại hầu hết các thành phố của Ba Lan đã bão hòa - cầu vượt quá cung và giá cả đang tăng.
Theo ông Fijołek, ở Rzeszów, mọi bất động sản cho thuê đều đã có người thuê: "Chúng tôi đã hết chỗ".
Các thị trưởng Ba Lan không ngại công khai thực tế rằng họ cần nhiều tiền hơn để giải quyết vấn đề người tị nạn Ukraine. Trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, chính phủ Ba Lan đã thiết lập một quỹ khẩn cấp trị giá 500 triệu zoty (tương đương 109 triệu euro) để giúp đỡ chính quyền địa phương.
Thị trưởng Fijołek cho biết, khoản hỗ trợ đó vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt vì nó chỉ mới được phân phối từ từ. "Chúng tôi sẽ xem liệu có nhận được các loại tiền: cho trường học, cho chăm sóc xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng mới, cho giao thông, nhà ở", ông nói.
Nhưng chính phủ ở Warsaw cũng đang vật lộn để tìm nguồn tài chính để trang trải những chi phí phụ trội đó, và họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Liên minh Châu Âu.
Cho đến nay, Brussels đã phân bổ 144,6 triệu euro cho Ba Lan như một phần của quỹ giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn. Brussels cũng cho biết Ba Lan có thể khai thác 1,2 tỷ euro tiền chưa sử dụng từ quỹ "REACT EU".
Nhưng theo ông Paweł Szefernaker, Bộ trưởng Ba Lan chịu trách nhiệm về viện trợ cho Ukraine, chừng đó là "không đủ."
Hôm 1/6, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt kế hoạch phục hồi quốc gia của Ba Lan, theo đó nước này có thể nhận được khoảng 24 tỷ euro viện trợ không hoàn lại, 12 tỷ euro cho các khoản vay siêu rẻ. Động thái này dự kiến sẽ tăng cường khả năng của Warsaw trong ứng phó với dòng người tị nạn Ukraine.
Một số chính trị gia địa phương - trong số đó có Rafał Trzaskowski, thị trưởng Warsaw - đã kêu gọi EU gửi tiền trực tiếp cho chính quyền khu vực thay vì chính phủ quốc gia.
Ông Trzaskowski nói với các phóng viên ở Brussels sau cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, nếu việc gửi tiền đến các thành phố là không thể, thì Ủy ban nên đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt về cách phân bổ các khoản tiền mà họ cung cấp cho Ba Lan để đảm bảo rằng chúng không bị sử dụng sai mục đích.
Châu Âu chấm dứt một số chương trình phúc lợi dành cho người tị nạn Ukraine Một số chương trình phúc lợi, hỗ trợ người tị nạn Ukraine tại châu Âu sẽ hết hạn vào tháng tới. Người dân Ukraine sơ tán tránh chiến sự tới cửa khẩu Medyka, giáp giới Ba Lan ngày 27/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN Ngày 27/5, hãng tin RT (Nga) đưa tin một số chương trình phúc lợi, hỗ trợ người tị nạn Ukraine tại châu...