Những thành phố có nguy cơ biến mất
Biến đổi khí hậu đã đặt nhiều thành phố trên thế giới vào một cuộc chiến không cân sức để giành lấy sự sống. Nếu những hành động bảo vệ môi trường không được thực hiện nhanh chóng và quyết liệt, không bao lâu nữa, những thành phố dễ bị tổn thương sẽ chỉ còn là lịch sử.
Thủ đô Malé của Maldives, cao 3m so với mực nước biển (Ảnh: Guardian)
Cả thế giới đang phải đối mặt với những mối đe dọa kinh hoàng của thiên nhiên. Những thảm họa bão lụt, sóng thần, núi lửa, động đất xảy ra ngày một thường xuyên hơn, với sức tàn phá ngày càng khủng khiếp hơn.
Nếu không kể đến các thảm họa như núi lửa, bão lụt hay động đất thì nước và cát là hai yếu tố tự nhiên quyết định việc một thành phố bị coi là “dễ tổn thương”, có nguy cơ cao bị phá hủy hoặc tệ hơn là biến mất hoàn toàn.
Video đang HOT
Điển hình cho điều này là thành phố Venice của Italy, một trong những nơi thấp nhất thế giới. Một thế kỷ trước nơi đây đã từng phải hứng chịu 10 trận lụt mỗi năm do nước biển dâng cao. Giờ đây, với sức công phá khủng khiếp của tự nhiên, con số này đã tăng lên gấp 10 lần ở những khu vực thấp nhất trong thành phố.
Thế nhưng, nước biển dâng không phải là tất cả nguyên nhân khiến một thành phố bị coi là “dễ tổn thương”. Trong trường hợp của Venice, việc khai thác công nghiệp ở các khu vực xung quanh thành phố đã tác động đến các lớp đất, khiến thành phố này bị “hạ thấp” tới 20cm từ năm 1950 đến năm 1970.
Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng đang bị lún khoảng 2cm mỗi năm. Nhưng điều này chưa là gì so với thủ đô Jakarta của Indonesia, nơi mỗi năm bị lún từ 10-20cm. Trong 3 thập kỷ qua, thành phố này đã “chìm” khoảng 4m – một con số đáng báo động đối với sự sống còn của người dân địa phương.
Về vấn đề này, thành phố Miami (Mỹ) đang phải đối mặt với khó khăn gấp nhiều lần so với 2 thành phố trên. Khu nghỉ dưỡng Florida nằm trên mực nước biển chưa tới 3m trong khi bão đổ bổ với tần suất ngày một tăng với sức tàn phá ngày càng lớn. Hơn nữa, Miami được xây dựng trên nền đá vôi xốp, vì vậy nước biển rất dễ xâm thực, xâm nhập mặn vào hệ thống cung cấp nước ngọt và phá hủy cơ sở hạ tầng của thành phố. Bất chấp những sự thật đau lòng này, chính quyền địa phương không thừa nhận rằng Miami là thành phố dễ bị tổn thương và một ngày nào đó thành phố này sẽ bị hủy hoại hoàn toàn.
Thành phố Venice của Italy hứng chịu 100 trận lụt mỗi năm (Ảnh: Guardian)
Trong khi đó, các thành phố cảng lại phải đối mặt với một nguy cơ khác: xói lở bờ biển. Thành phố Jabonga ở Philippines đã phải hứng chịu những trận ngập lụt khủng khiếp gấp 4-5 lần trong những năm gần đây. Người dân Maldives thì đang tìm cách để sinh sống ở một vùng đất mới trước khi quần đảo của họ chìm hoàn toàn dưới nước biển.
Thực tế cho thấy không chỉ có các thành phố ven biển lo sợ sẽ bị “biến mất”. Thị trấn Korla, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc đang phải chiến đấu với bão cát, trung bình 40 ngày một năm. Ước tính, mỗi năm khu vực Tân Cương bị sa mạc hóa khoảng 300.000 hecta. Một khi các nguồn tài nguyên tại Korla, cụ thể là dầu mỏ, bị khai thác hết, khu vực này sẽ bị cô lập và nhanh chóng biến mất dưới những lớp cát.
Còn tại châu Phi, sa mạc Sahara đang mở rộng với tốc độ 30 dặm một năm, đe dọa các khu vực ở miền Bắc Mauritania. Trong 20 năm qua, khu vực xung quanh Chinguetti đã bị sa mạc hóa hơn 1 triệu mét vuông, khiến dân số vùng này giảm từ 20.000 người hồi giữa thế kỷ 20, nay chỉ còn lại vài nghìn người.
Quá nhiều nước gây ra lũ lụt, còn không có nước sẽ gây ra hạn hán. Rancho Mirage và Mendota đang ở trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ canh tác, trồng trọt. Điều này khiến cho sự tồn tại của những khu vực này trong tương lai là vô cùng mong manh.
Trong khi đó, các khu đô thị của Mỹ lại đang lo đối phó với “giặc lửa”. Từ năm 1953 tới năm 2014, đã có tới 800 thảm họa cháy rừng lớn được ghi nhận tại nước này, khiến nước Mỹ mất đi một diện tích rừng khổng lồ. Tương tự như vậy ở Australia, một số khu nghỉ dưỡng ở Victoria và các vùng ngoại ô thành phố Melbourne đã được đưa vào danh sách 52 điểm cháy rừng dễ bị tổn thương nhất do hạn hán kéo dài. Một vụ cháy rừng có thể không hủy hoại hoàn toàn một thành phố, nhưng nó sẽ khiến người dân không thể lưu lại tại đây. Dần dần, những khu vực này sẽ bị bỏ hoang và đó là một trong những nguyên nhân khiến đây trở thành những thành phố dễ bị tổn thương bởi thảm họa thiên nhiên.
Dù ít hay nhiều, mọi thành phố trên thế giới đang dấn thân vào một cuộc chiến sống còn để tồn tại trước sự tàn phá của thiên nhiên. Con người không thể dự báo trước những thảm họa và cũng không thể ngăn được chúng. Tất cả những gì con người có thể làm là hạn chế tối đa những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra. Nếu những hành động bảo vệ môi trường không được thực hiện nhanh chóng và quyết liệt, thì không bao lâu nữa, những thành phố dễ bị tổn thương được nhắc tới trên đây sẽ chỉ còn là lịch sử.
Nhật Minh
Theo Dantri/Guardian