Những thanh niên Hàn bỏ đại học đi làm thợ
Jang Dong-hae quyết tâm bỏ dở ngành tài chính ở trường đại học, công việc hứa hẹn vị trí làm việc trong những tập đoàn lớn, để đi học nghề điều dưỡng bất chấp bố mẹ phản đối.
Jang Dong-hae, 25 tuổi, trong giờ thực hành ở trường dạy nghề điều dưỡng Bucheon. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, sống trong một đất nước bị ám ảnh bởi việc phải tốt nghiệp đại học, quyết định 5 năm trước của Jang Dong-hae thực sự làm phụ huynh thất vọng. Thế nhưng, theo học điều dưỡng tại một trường cao đẳng cộng đồng của anh lại là quyết định đúng. Giờ đây, cả bố mẹ và anh đang vui vẻ với triển vọng dễ dàng tìm được công việc tốt.
“Lúc tôi định nghỉ học, bố mẹ hỏi: ‘tại sao con lại bỏ học để bắt đầu lại?’”, Jang nói, trong khuôn viên trường cao đẳng ở Bucheon, ngoại ô Seoul. “Tuy nhiên, sau khi thấy tỷ lệ tìm được việc làm trong ngành này cao hơn nhiều so với những ngành khác, họ lại ủng hộ và vui mừng vì quyết định đó”.
Xu hướng thay đổi ngành học ở Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thất nghiệp. Hồi tháng hai, hơn 11% những người ở độ tuổi 15 – 29 thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất kể từ cuối thập niên 90. Đến tháng 10, tỷ lệ này giảm đi đôi chút, còn 7,4 % nhưng vẫn hơn gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp chung.
Jang tự trả học phí ngành điều dưỡng bằng cách làm thêm kiếm tiền. Giống anh, ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc chuyển sang học nghề, thay vì đại học.
Hôm nay là ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng quốc gia của Hàn Quốc. Mọi công sở trì hoãn giờ đi làm, máy bay cũng buộc phải cất hạ cánh muộn hơn, trong vòng 35 phút đầu của kỳ thi, đảm bảo không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến phần thi nghe nói tiếng Anh.
Một bà mẹ lo lắng khi con bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc hôm nay tại Seoul. Ảnh: Reuters
Ở Hàn Quốc, cha mẹ thường hy sinh hết thời gian và tiền bạc, để đầu tư cho con thi đỗ đại học. Tuy nhiên, có một thực tế đáng ngạc nhiên là, số lượng sinh viên tốt nghiệp trung học và tiếp tục học lên đại học đã giảm từ 77% năm 2008 xuống 70,8% năm nay.
“Tham vọng của phụ huynh muốn cho con em học ở trường đại học hàng đầu đã lên tới đỉnh, và đang suy giảm”, Son Jong-chil, giáo sư kinh tế, đại học ngoại ngữ Hankuk, Seoul, nhận định. “Từng chút một, họ đang thay đổi suy nghĩ, rằng không phải ai cũng nên vào đại học”.
Video đang HOT
Kinh tế suy giảm, thị trường lao động khốc liệt và cạnh tranh, khiến những thí sinh đạt điểm đầu vào cao ở đại học cũng chưa chắc tìm được việc làm tốt trong tương lai như trước đây.
Quỹ Hy vọng Thanh niên do Tổng thống Park Geun-hye mới đưa ra là dấu hiệu cho thấy thanh niên Hàn Quốc đang phải đối mặt với quãng thời gian khó khăn. Quỹ này giúp tạo công ăn việc làm cho thanh niên, được khu vực tư nhân hỗ trợ như tập đoàn Samsung và Huyndai tháng trước đã quyên góp gói hỗ trợ 39 triệu USD.
Giáo sư ngành điều dưỡng đại học Bucheon, You So-young đánh giá, yêu cầu công việc đang ngày một cao hơn, khiến giới trẻ muốn tìm kiếm một việc khác phù hợp bản thân, nên nhiều người chuyển sang ngành điều dưỡng.
Dân số Hàn Quốc đang già hóa, có nhu cầu cao trong việc tuyển nhân viên chăm sóc người cao tuổi. Đó là lý do 88% sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng ở Bucheon tìm được việc làm.
Trong ba năm qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp trường nghề là 1.379 người, tăng 25%, theo Hội đồng giáo dục đại học và cao đẳng Hàn Quốc. Tuy chỉ là con số nhỏ so với tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng (356.000 và 214.000), nhưng vẫn cho thấy dự thay đổi trong tư duy của thanh niên.
“Tôi cho rằng, mình đã quyết định đúng”, Jang nói.
Một trợ giảng đang chuẩn bị cho tiết học ở trường điều dưỡng Bucheon. Ảnh:Reuters
Hồng Hạnh
Theo VNE
Chế độ một con ăn sâu bén rễ vào tâm trí người Trung Quốc
Ngay cả khi sống tại Mỹ, người gốc Hoa vẫn thường chỉ có một con vì lo ngại về vấn đề kinh tế và sợ làm phật ý cha mẹ tại quên nhà.
Li Yan sống ở An Huy, Trung Quốc, mang thai con thứ hai. Ảnh: Reuters
Ở một nơi xa xôi như tận Wisconsin, Mỹ, chính sách một con của chính phủ Trung Quốc vẫn in sâu trong tâm trí những người gốc Hoa, vốn đã lớn lên cùng chính sách đó, theo New York Times. Vì vậy, tiến sĩ Fuxian Yi giống như một kẻ lập dị giữa những người bạn Trung Quốc của mình vì ông có tới ba con.
"Nhiều người hỏi tôi rằng 'Sao ông lại có tận 3 đứa con vậy? 'Dũng cảm đấy. Tốn kém lắm'. Bởi vì họ chỉ có một hoặc hai con", Yi, một nhà khoa học tại đại học Wisconsin, chuyển đến Mỹ sinh sống từ năm 1999, kể.
Kể từ khi chính phủ Trung Quốc tuần trước thông báo có kế hoạch cho phép các cặp vợ chồng có hai con, nhiều bậc cha mẹ nói rằng họ không muốn có thêm đứa nữa do chi phí nuôi trẻ rất đắt đỏ.
Chính sách mới sẽ chưa có hiệu lực cho đến khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sửa đổi luật, Uỷ ban Y tế và Kế hoạch hoá Gia đình Quốc gia nước này cho biết nhưng không đề cập đến thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, dường như có điều gì đó ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng này hơn là vấn đề về kinh tế. Sau hơn 4 thập kỷ duy trì chế độ mỗi hộ gia đình chỉ một con để tập trung phát triển kinh tế, nhiều người dân giờ đây đánh giá thành tựu của gia đình thông qua thước đo kinh tế chứ không phải tình cảm.
"Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập 'văn hóa' một con", Lionel Jensen, giáo sư ngôn ngữ và văn hoá Á Đông tại Đại học Notre Dame, nhận xét.
"Kể từ giữa những năm 1980 và một lần nữa vào sau năm 1992, các cơ quan cấp cao của chính phủ, cũng như lãnh đạo bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, đã kêu gọi mọi người chú tâm vào việc phát triển kinh tế", ông Jensen viết.
"Làm giàu là vinh quang" và "bước chân ra biển thương trường" là những khẩu hiệu thuyết phục nhiều cá nhân và gia đình rằng, kiếm tiền là cách quan trọng để bảo đảm an toàn tài sản của mình, đồng thời đưa đất nước đi lên", ông nói.
Người Trung Quốc nhìn nhận rằng chỉ có một con là cách "thể hiện lòng yêu nước, tinh thần quyết đoán và hợp lý về mặt kinh tế", ông Jensen nói thêm.
Kết quả là, số lượng các cặp vợ chồng muốn sinh thêm con kể từ khi được cho phép vào năm 2013 là rất thấp (quy định này cho phép nếu vợ hoặc chồng là con một thì được phép sinh con thứ hai).
Đường dài
Vấn đề "trẻ ít, già nhiều" của Trung Quốc trở thành một câu hỏi hóc búa. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế khi số dân trong độ tuổi lao động giảm và chi phí chăm sóc người già tăng lên, khiến cho tiến sĩ Yi đưa ra một dự đoán táo bạo rằng trong khoảng hai năm, nhà nước sẽ phải từ bỏ hoàn toàn các quy định về kế hoạch hóa gia đình.
'"Sự thay đổi năm 2013 không đạt được những gì chính phủ muốn". "Chính quyền muốn có thêm khoảng hai triệu trẻ ra đời mỗi năm". Nhưng trong năm 2014, con số này chỉ dừng ở mức vài chục nghìn, và năm 2015 là khoảng 300.000 trẻ, theo ông Yi, tác giả cuốn sách có tên "Big Country With an Empty Nest" (tạm dịch Nước lớn với cái tổ trống), chỉ trích chính sách kế hoạch hoá gia đình của chính phủ.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2007 tại Hong Kong nhưng bị cấm phát hành tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 2013. Nó dự kiến sẽ được tái phát hành sớm bởi hội đồng in ấn quốc gia Trung Quốc.
Ngay cả người Trung Quốc sống tại Mỹ cũng thường chỉ có một con, ông Yi nói. Một lý do nữa là họ sợ cha mẹ không vừa lòng khi họ về thăm quê.
"Có một số người, nếu như họ mang thai đứa thứ hai, cha mẹ của họ sẽ hỏi 'tại sao con muốn có thêm một đứa nữa' và cha mẹ của những cặp vợ chồng đó sẽ khuyên họ đi phá thai", ông Yi nói.
"Tôi có những người bạn sinh con thứ hai ở Mỹ mà không dám nói với cha mẹ", ông kể.
Liệu rằng vấn đề này sẽ có sự thay đổi, có chăng là cần thời gian? 'Họ hiểu rằng rằng định nghĩa gia đình đã thay đổi", Jensen nói, ông cho rằng kinh tế vẫn sẽ là yếu tố mạnh mẽ trong việc ra quyết định trong một thời gian tới.
"Chính quyền sẽ còn phải đi một chặng đường dài nếu muốn thay đổi mô hình nhân khẩu của họ", ông Yi nói.
"Đó là hy vọng, và cũng là dự đoán của tôi. Tôi cho rằng trong khoảng hai năm, chính phủ sẽ cải cách chính sách dân số hoàn toàn. Đây sẽ là một khó khăn lớn với chính phủ, thậm chí là sự xấu hổ", ông nói. "Nhưng họ đã thực hiện quá nghiêm trong một thời gian dài. Vấn đề này, suy cho cùng, là chuyện cá nhân và gia đình".
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Lý do khiến Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29.10 thông báo bãi bỏ chính sách một con tồn tại trong suốt 35 năm qua ở nước này. Lý do thực sự của sự thay đổi này là gì? Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con được cho là vì lý do kinh tế - Ảnh: Reuters Với dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc...