Những thách thức đối ngoại bủa vây Donald Trump
Tổng thống mới đắc cử của Mỹ được dự đoán sẽ lên nắm quyền với một loạt thách thức đối ngoại mà ông phải giải quyết.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: NBC News
Nước Mỹ khi Donald Trump lên nhậm chức tổng thống vẫn là cường quốc kinh tế, quân sự quan trọng nhất thế giới. Song một Trung Quốc đang trỗi dậy và Nga hiện là những thế lực đe dọa làm thay đổi điều đó, theo NBC News.
Nga đang thử thách lòng kiên nhẫn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Trung Quốc lại tìm mọi cách mở rộng tầm ảnh hưởng tương xứng với tham vọng kinh tế. Mối đoàn kết giữa các nước châu Âu trong khi đó liên tục lung lay. Nền dân chủ bị thử thách. Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sinh sôi mạnh mẽ. Hiểm họa về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân chực chờ bùng phát. Tình trạng biến đổi khí hậu khiến băng tan ở Bắc Cực, làm lộ ra lục địa mới có thể chứng kiến cuộc tranh giành giữa các cường quốc.
Tất cả những thách thức trên đang chờ đợi chính quyền tổng thống Mỹ tương lai Donald Trump giải quyết. “Cẩn thận với các tuyên bố công khai và thể hiện rõ ràng hơn những cam kết của Mỹ trên toàn thế giới nên được xếp ở vị trí ưu tiên trong danh sách việc tổng thống tiếp theo cần làm”, cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng Zbigniew Brzezinski đưa ra lời khuyên cho Trump.
Tỷ phú Trump, người thực hiện một chiến dịch tranh cử tổng thống với mục tiêu “đặt nước Mỹ lên hàng đầu”, đồng thời giữ thái độ thỏa hiệp trước Tổng thống Nga Vladimir Putin, cần nhanh chóng thích nghi bởi ông hiện có rất ít kinh nghiệm về chính sách ngoại giao, giới chuyên gia nhận định.
Thách thức chờ đợi
Trump dường như sẽ khởi động công việc bằng cách đặt ưu tiên vào những mối quan tâm trong nước, song “thế giới sẽ gõ cửa”, gần như ngay lập tức, bắt đầu từ Syria, Nhà nước Hồi giáo (IS), Nga và Triều Tiên, cây bút Bill Neely của NBC News bình luận.
Ông Trump được thừa hưởng một nước Mỹ ít bị sa lầy trong chiến tranh hơn so với thời kỳ Tổng thống Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn can thiệp quân sự sâu ở một số khu vực. Năm 2016, Mỹ tiến hành không kích tại 7 quốc gia, từ Somalia tới Syria, và thực hiện không ít các chiến dịch đặc biệt trên toàn cầu.
Cử tri nói họ muốn tổng thống phải tập trung vào những vấn đề của nước Mỹ nhưng cũng quan tâm tới cuộc chiến chống IS, củng cố sức mạnh NATO và đảm bảo Mỹ luôn là cường quốc thế giới. Thỏa mãn tất cả mong muốn của cử tri là điều không dễ dàng.
“Ở một thế giới với nhiều bất ổn, cạm bẫy có thể xuất hiện tại bất kỳ đâu – Ukraine, Estonia, Kaliningrad, Triều Tiên, Biển Đông. Đồng minh ngày càng thiếu tin cậy. Anh đã mất đi ưu thế quân sự và lao đao bởi quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang chao đảo”, Neely đánh giá.
Châu Âu hiện chìm trong rắc rối, không chỉ vì Brexit mà còn bởi khủng hoảng tiền tệ và tốc độ tăng trưởng chậm, vì thế đang dần “đánh mất khả năng tư duy chiến lược”, nhà phân tích Philip Stephens nhận xét.
Tại châu Á, quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xích lại gần hơn với Trung Quốc về kinh tế và quân sự, đồng thời quay lưng với Mỹ cũng là vấn đề mà Trump cần xử lý sau khi nhậm chức.
Theo Neely, ông Trump phải đương đầu với một thế giới mà ở đó kẻ thù luôn tìm cách lợi dụng điểm yếu của nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung và nguy cơ về một cuộc chiến tranh mạng ngày một lớn dần lên.
Video đang HOT
Mỹ vẫn trong giai đoạn phục hồi sau suy thoái kinh tế. Sự chia rẽ và tâm lý hoang mang của người dân vì cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Chính vì thế, Neely cho rằng tổng thống Trump sẽ khó lòng tập trung cho các sáng kiến ngoại giao bởi ông còn quá nhiều mối bận tâm ở trong nước.
Mặt khác, rất nhiều thách thức ngoại giao mà Mỹ phải đối mặt có mối liên hệ với nhau. Nga và Iran đang tham gia sâu vào cuộc nội chiến Syria, hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đi ngược với mong muốn của Mỹ và đồng minh. Mọi giải pháp đối với chương trình hạt nhân Triều Tiên đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Và vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi sự tham gia từ tất cả các quốc gia.
Nhưng câu hỏi lớn nhất mà ông Trump phải giải quyết có lẽ là về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, Neely nhận xét. Ông sẽ phải xác định xem liệu Mỹ có còn muốn gánh vác trọng trách toàn cầu, và nếu có, Mỹ cần chuẩn bị chiến đấu với những gì.
“Bất ngờ là không thể tránh khỏi. Chúng thường đến sớm, như những gì cựu tổng thống Mỹ George W. Bush nhận ra vào ngày 11/9, gần 8 tháng sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng”, Neely nhấn mạnh, đề cập đến vụ khủng bố 11/9/2001.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Những quyết sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump
Sau khi nhậm chức, ông Trump sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề quan trọng cả đối nội và đối ngoại.
Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Ảnh: Atlantic Reporter
Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sau một cuộc bầu cử đầy kịch tính, trở thành một trong những ông chủ Nhà Trắng gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump sẽ phải đưa ra những quyết sách quan trọng đối với cả nước Mỹ và thế giới, theo Politico.
Đối phó với Hillary Clinton
Trong một cuộc tranh luận trực tiếp, Trump từng đe dọa nếu đắc cử ông sẽ bổ nhiệm một công tố viên để điều tra đối thủ Clinton vì bê bối sử dụng email thời bà còn làm ngoại trưởng Mỹ, thậm chí sẽ "bỏ tù" bà.
Thế nhưng, Trump lại thể hiện thái độ trái ngược trong bài phát biểu mừng chiến thắng, với giọng điệu thể hiện sự hòa giải. "Chúng ta nợ bà ấy một món nợ lớn về lòng biết ơn đối với sự phụng sự đất nước của bà", Trump tuyên bố.
Quản lý chiến dịch tranh cử của Trump cho hay họ "vẫn chưa thảo luận về vấn đề này" trong những ngày gần đây, và tân tổng thống vẫn còn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, Nhà Trắng từ chối bình luận về việc liệu Tổng thống Barack Obama có ban lệnh ân xá từ trước, như một biện pháp đề phòng, cho bà Clinton hay không.
Kết thúc sự nghiệp kinh doanh
Trump từng hứa hẹn sẽ chuyển giao tập đoàn kinh doanh bất động sản, sòng bạc của mình cho các con nếu đắc cử, nhưng luật pháp Mỹ không có điều khoản nào thực sự buộc ông phải làm vậy. Tổng thống Mỹ thường được miễn trừ khỏi phần lớn các quy định về xung đột lợi ích áp dụng với các quan chức Nội các.
Tuy nhiên, Trump chưa tiết lộ nhiều thông tin về việc liệu ông có kế hoạch tách mình khỏi Tập đoàn Trump hay không, và sẽ làm như thế nào. Ông cũng chưa có những lời trấn an người Mỹ về việc ông sẽ không hưởng lợi cá nhân từ các quyết sách của mình, hay không để chính sách đối ngoại bị tác động bởi mạng lưới kinh doanh rộng lớn của ông ở nước ngoài.
Chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran
Trump có giọng điệu nhẹ nhàng hơn so với các đối thủ khác trong đảng Cộng hòa về thỏa thuận hạt nhân với Iran, khi không tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận này trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Thay vào đó, ông sẽ tìm cách đàm phán lại về các điều khoản trong thỏa thuận. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ ý định của mình, khi tuyên bố: "Ưu tiên số một của tôi là mổ xẻ thỏa thuận thảm họa với Iran".
Iran rõ ràng là rất bất an khi ông Trump đắc cử. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm qua hối thúc tân tổng thống Mỹ tôn trọng thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước. Hồi tháng 8, Trump dùng một thuật ngữ trong ngành bất động sản để giải thích kế hoạch của mình với Iran: "Tôi rất giỏi xem xét hợp đồng và nếu tìm thấy những thứ không hay trong đó, tôi sẽ giám sát hợp đồng đó chặt đến mức họ không có bất cứ cơ hội nào".
Nhận lương tổng thống
Nắm trong tay khối tài sản có giá trị lên tới 10 tỷ USD, Trump sẽ là người giàu có nhất từng bước vào Nhà Trắng. Năm ngoái, tỷ phú tuyên bố sẽ "không nhận lương dù chỉ là một USD" nếu ông đắc cử.
"Tôi sẽ từ bỏ toàn bộ tiền lương tổng thống của mình nếu được bầu", Trump nói trong một đoạn video đăng trên tài khoản Twitter của mình. Mức lương của tổng thống Mỹ hiện nay là 400.000 USD một năm, ngoài ra tổng tư lệnh nước Mỹ còn được nhận các đặc quyền khác như chỗ ở miễn phí, tiền tiêu vặt, chi phí đi lại, khu nghỉ dưỡng tại Trại David và sử dụng chuyên cơ Air Force One.
Donald Trump và vợ con trong căn hộ sang trọng ở tòa tháp Trump. Ảnh: People
Xây tường biên giới với Mexico
Trump từng đưa ra tuyên bố gây sốc về việc xây bức tường biên giới dọc biên giới Mỹ - Mexico và buộc nước láng giềng phải trả chi phí cho việc này. Trump khó có thể thất hứa về chính sách này, nhưng không hề nói rõ ông sẽ làm thế nào để thực hiện điều đó, bởi chi phí ban đầu có thể lên tới 5,1 tỷ USD, chưa kể tiền giải phóng mặt bằng và duy tu bảo dưỡng.
Mexico cũng đã phản ứng rất dữ dội với ý tưởng bắt họ chi trả chi phí xây tường biên giới. Tuy nhiên, Trump hoàn toàn có thể hiện thực hóa ý tưởng này bằng cách thắt chặt quy định chuyển ngoại tệ về nước của cộng đồng người Mỹ gốc Mexico. Mất đi nguồn kiều hối quan trọng, Mexico sẽ phải có động lực ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.
Dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, Trump bác bỏ ý kiến cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa quân xâm lược Ukraine, vốn là nguyên nhân khiến Moscow hứng chịu lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Trong một cuộc họp báo sau đó, Trump tuyên bố ông sẽ "xem xét" khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận áp đặt với Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea, nhưng không đưa ra chi tiết. Hôm qua, truyền thông Nga dẫn lời cố vấn điện Kremlin Sergei Glazyev nói rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga dưới thời Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, dù Trump có cảm tình rất tốt đẹp với Putin, ông không có quyền đơn phương dỡ bỏ lệnh cấm vận với Nga, bởi chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền lực này.
Sống trong Nhà Trắng
Dù có tới 6 tầng, 132 phòng, 35 phòng tắm, Nhà Trắng vẫn khá nhỏ bé và có thể kém tiện nghi hơn so với Tòa tháp Trump mà tỷ phú đang ở. Nhà Trắng ở số 1600 Đại lộ Pennsylvania nhiều lúc cũng được mô tả là "chiếc lồng ngột ngạt" của tổng thống Mỹ, nơi ông chủ tòa nhà rất khó có thể giao lưu với những người bạn cũ và thường dân.
Tổng thống Obama thường than vãn về nỗi sợ bị vây kín, và thường ra ngoài đi chơi golf vào ngày cuối tuần và đi bộ vào những lúc rảnh rỗi ở khu vực quanh Nhà Trắng.
Nhiều người cho rằng Tổng thống Trump sẽ điều hành nước Mỹ từ khách sạn mới của ông tại tòa nhà Bưu điện Cũ gần Nhà Trắng. Tuy nhiên, Trump nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông sẽ "sống trong Nhà Trắng vì đó là điều phù hợp cần làm", dù việc đó không được quy định trong luật.
"Tôi sẽ hiếm khi rời khỏi Nhà Trắng vì có quá nhiều việc để làm", Trump nói với tờ The Hill hồi năm ngoái. "Tôi sẽ không phải là một tổng thống hay đi nghỉ mát. Tôi sẽ không phải là tổng thống thích nghỉ ngơi".
Khi được hỏi về phong cách trang trí Nhà Trắng khi dọn về đây ở, Trump nói rằng ông sẽ "cho nó tươi sáng lên một chút" nhưng không làm quá nhiều, vì "Nhà Trắng là nơi đặc biệt".
Trục xuất người nhập cư trái phép
Trump từng khẳng định sẽ cấm cửa người Hồi giáo vào nước Mỹ, sau đó rút lại tuyên bố này, khẳng định chỉ hạn chế những người đến từ các nước "có nguy cơ khủng bố". Ông cũng hứa hẹn sẽ trục xuất khoảng 2 triệu "kẻ tội phạm" nhập cư trái phép vào nước Mỹ trong ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra mập mờ về cách đối phó với khoảng 6,5 triệu người nhập cư nữa không nằm trong số này.
Sử dụng tài khoản Twitter
Các trợ lý của Trump từng không cho ông tiếp cận tài khoản Twitter trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, để ngăn chặn nguy cơ ông đưa ra những tuyên bố có thể hủy hoại cả nỗ lực tranh cử. "Tôi không cho rằng các bạn cần một tổng thống đăng Twitter tùy hứng. Bạn cần ai đó suy xét kỹ càng và được các trợ lý kiểm tra trước khi đăng", Chủ tịch Hạ viện New Gingrich từng bình luận về việc ông Trump đăng Twitter lúc 3 giờ sáng để chỉ trích đối thủ.
Khi được hỏi về việc sử dụng Twitter khi đắc cử, Trump nói rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ "hạn chế đi một chút". Thế nhưng, ông cũng không hề che giấu ý định của mình khi sử dụng mạng xã hội. "Anh biết đấy, nếu ai đó nói xấu tôi, tôi không thể không đánh lại. Khi có tài khoản Twitter trong tay, tôi có thể đăng vài dòng nói xấu lại họ", Trump tuyên bố.
Trí Dũng
Theo VNE
Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là thắng lớn cho Putin? Sau chiến thắng vang dội của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 8.10, ông chủ Điện Kremlin Vladimir Putin đã có một tổng thống hâm mộ ông ở Washington. Liệu điều này có thể giúp Nga khôi phục lại vị thế toàn cầu và giúp Moscow hàn hắn lại quan hệ với phương Tây hay không? Theo Foreign Policy,...