Những tên phản diện thích nói đạo lý trên màn ảnh khiến khán giả tròn mắt
Thời kì mà nhân vật chính luôn đúng còn phản diện luôn sai đã ở phía xa lắm rồi, đến lúc vai phản diện lên tiếng thì khán giả chỉ có đổ gục.
Như một lẽ thường trên màn ảnh rộng từ trước tới nay, những nhân vật chính đại diện cho chính nghĩa ngời ngời còn phản diện thì luôn sai trái. Tuy nhiên, ranh giới này dần bị Hollywood xóa nhòa khi tạo ra những ác nhân có chiều sâu với lí tưởng đúng đắn, thậm chí khiến cả nhân vật chính phải thay đổi suy nghĩ.
1. Roy Batty trong Blade Runner (Tội Phạm Nhân Bản, 1982)
Hãy tưởng tượng bạn là một người máy sinh học được tạo ra để lao động khổ sai trên những hành tinh khắc nghiệt rồi kết thúc cuộc đời chỉ sau 4 năm ngắn ngủi để ngăn ngừa việc phát sinh cảm xúc. Nghe thôi cũng đủ thấy đáng sợ và Roy Batty ( Rutger Hauer) cùng đồng bọn chẳng sai trái gì trong việc bỏ trốn cả.
Trên thực tế, họ chỉ muốn tìm kiếm tự do để tận hưởng thế giới hoặc xin thêm vài năm tuổi thọ ngắn ngủi. Cuối cùng, những người nhân bản này lại bị săn đuổi không khác gì “chuột” bởi lực lượng Blade Runner như Deckard (Harrison Ford). Dĩ nhiên, Roy có lấy mạng người nhưng chính nhân loại lại là những kẻ hành họ trước. Đây cũng là lí do khiến Blade Runner trở thành một bộ phim kinh điển khi mọi ý nghĩa nhân sinh quan đều bị đảo lộn.
2. Frank Hummel trong The Rock (Nhà Tù Đá, 1996)
Trước khi trở thành “ông hoàng cháy nổ”, Michael Bay cũng có vài bộ phim không bị xếp hạng “thối” trên Rotten Tomatoes và The Rock là một trong số đó. Bộ phim xoay quanh hành trình giải cứu 81 du khách khỏi nhà tù The Rock của một cựu gián điệp Anh (Sean Connery) và chàng sĩ quan FBI mới vào nghề Stanley (Nicolas Cage). Những con tin kia là nạn nhân của của một cuộc nổi loạn do viên tướng Frank Hummel (Ed Harris) cùng các sĩ quan dưới quyền tổ chức.
Với những quả tên lửa chứa vũ khí hóa học, họ đe dọa và đòi chính phủ 100 triệu USD tiền chuộc. Thoạt nghe có vẻ xấu xa nhưng lí do ẩn sau hành động của Frank Hummel lại khiến khán giả phải suy ngẫm. Hóa ra, số tiền trên ông muốn dành cho gia đình những người lính dưới quyền đã ngã xuống nhưng bị nước Mỹ chối bỏ. Tinh thần chính nghĩa của Hummel càng bộc lộ rõ khi nhiều lần từ chối hại con tin hay phóng tên lửa vì mục đích chính của ông chỉ là đòi lại công bằng cho đồng đội mà thôi.
3. The Facility trong The Cabin in the Woods (Ngôi Nhà Gỗ Trong Rừng, 2011)
Video đang HOT
The Cabin in the Woods là một trong số ít những bộ phim kinh dị chặt chém đổ máu được giới phê bình đánh giá cao với số điểm 91% trên Rotten Tomatoes. Drew Goddard đã tạo ra chuẩn mực mới khi gom hết mọi cái tên đình đám của thể loại kinh dị lúc bấy giờ vào chung một tác phẩm.
Bắt đầu bằng hình ảnh một nhóm bạn đi nghỉ mát trong một căn nhà gỗ ở rừng sâu rồi vô tình đánh thức thế lực tà ác như hàng ti tỉ tác phẩm khác, The Cabin in the Woods gây sốc khi hé lộ hóa ra ma quỷ hay loạt hành động “thiếu não” của các nhân vật trong phim kinh dị từ trước tới nay đều do The Facility thực hiện.
Họ là một tổ chức có công nghệ cao và bí mật tạo ra những ngôi nhà ma ám để lấy mạng những nhóm sinh viên “xấu số” vô tình chọn nơi đây để nghỉ ngơi. Nhưng ngay khi gần kết thúc, bộ phim lại “bẻ lái” một lần nữa và giải thích hành động The Facility thực chất là buổi lễ hiến tế để các vị thần cổ đại tiếp tục say ngủ. Cuối cùng thì Trái đất lại diệt vong vì 1 đám “trẻ trâu” muốn kéo tất cả “chết chùm”.
4. Bertrand Zobrist trong Inferno (Hỏa Ngục, 2016)
Trong khi Thanos (Josh Brolin) được tung hô là phản diện “chất như nước cất” khi muốn giải quyết vấn đề dân số để giúp vũ trụ khỏi diệt vong thì chúng ta lại quên mất Bertrand Zobrist (Ben Foster) đã có ý tưởng này trước Infinity War tận 2 năm. Trong phần phim thứ ba về giáo sư Robert Langdon (Tom Hanks), Zobrist là một tỉ phú kiêm khoa học gia nổi tiếng.
Anh nhận ra rằng nếu dân số cứ tăng cấp số nhân như hiện nay thì chẳng mấy chốc Trái đất sẽ diệt vong vì quá tải. Ý tưởng của tay tỉ phú này là tạo ra một loại virus quét bay một nửa dân số và qua đó, giúp nhân loại tồn tại lâu hơn. Dĩ nhiên, những ai từng tranh cãi rằng Thanos đã đúng thì cũng sẽ chẳng có lí do gì để phản đối Zobrist cả. Và chuyện bùng nổ dân số thì các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta từ hàng chục năm nay rồi.
5. Erik Killmonger trong Black Panther (Chiến Binh Báo Đen, 2018)
Đâu phải khi không mà Erik Killmonger (Michael B. Jordan) lại được xem là một trong những phản diện hay nhất MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) chỉ sau Loki (Tom Hiddleston). Đúng là ban đầu, gã muốn cướp lấy ngôi vương Wakanda để trả thù cho cái chết của cha. Nhưng sau khi lên ngôi, nhân vật này lại có có lí tưởng lớn lao hơn hẳn khi muốn giúp những da màu trên thế giới thoát khỏi cảnh bị phân biệt đối xử.
Trong lời thoại, Erik ám ảnh bởi việc dân tộc mình bị bắt làm nô lệ năm xưa và cho đến nay vẫn không được hưởng những quyền cơ bản nhất. Trong khi đó, một quốc gia giàu mạnh như Wakanda lại ẩn mình trong bóng tối và bỏ mặc đồng bào. Cuối cùng, gã là một trong số ác nhân hiếm hoi thay đổi được vai chính dù cách làm có phần quá khích và bạo lực.
6. Orm trong Aquaman (Đế Vương Atlantis, 2018)
Ra mắt cùng năm, Aquaman của DC luôn bị đem ra so sánh với Black Panther bởi câu chuyện và nhân vật khá tương đồng. Giống với Erik, Orm (Patrick Wilson) có quyền thù ghét Arthur Curry (Jason Momoa) khi người anh cùng mẹ khác cha này là nguyên nhân khiến Atlanna (Nicole Kidman) bị xử tử. Nhưng trên hết, thứ mà gã muốn là bảo vệ quê nhà Atlantis khỏi những cư dân trên mặt đất.
James Wan đã khéo léo lồng ghép thông điệp môi trường vào trong bộ phim khi con người vốn đã xả quá nhiều rác thải xuống biển. May mắn cho chúng ta là loài cá chẳng biết phản kháng nhưng nếu dưới đáy đại dương là một chủng tộc hùng mạnh như Atlantis thì họ hoàn toàn có quyền nổi giận và gây chiến.
Theo ilike.com
'Escape Room': Phim kinh dị chuyển thể từ game mang tính giải trí nhưng khó trở thành một thương hiệu lâu dài
"Escape Room" (Căn Phòng Tử Thần) nhìn chung là một bộ phim hạng B mang tính giải trí cao và có nhiều ý tưởng mới lạ, nhưng không thực sự là bệ phóng chắc chắn để tạo dựng nên một thương hiệu thành công trong tương lai.
Escape Room là bộ phim kinh dị- giật gân của đạo diễn Adam Robitel sau phần tiền truyện Insidious: The Last Key được ra mắt cách đây đúng một năm. Robitel đã bỏ túi được kha khá số lượng tác phẩm đáng chú ý như The Taking of Deborah Logan, Paranormal Activity: The Ghost Dimension (chỉ viết kịch bản, không đạo diễn) và The Last Key (đạo diễn, không viết kịch bản) trước khi quay trở lại với nguyên tác gốc của Escape Room.
Bộ phim theo chân một nhóm sáu người đến từ mọi tầng lớp: sinh viên, nhân viên tạp hóa, cựu chiến binh, thương nhân, công nhân,... Tất cả cùng tập hợp tại thành phố Chicago để tham gia trò chơi căn phòng tử thần. Chiếc hộp giải đố được gửi đến cho mỗi người chơi với tổng giá trị giải thưởng lên đến 10.000 USD. Tuy vậy, cả nhóm nhanh chóng nhận ra trò chơi thực sự không đơn giản như thế.
Đây không phải trò chơi thoát khỏi căn phòng tử thần như thông thường mà thực chất là một canh bạc vô cùng mạo hiểm. Ở đó, người chơi hoàn toàn có thể mất mạng nếu như không tìm được được đáp án cho câu hỏi trong khoảng thời gian quy định. Sáu người chơi cũng nhận ra rằng mỗi căn phòng đều được trang bị công nghệ kỹ thuật hiện đại và ý thức được mình đang bị giám sát bởi "thế lực hắc ám" đã sáng tạo nên trò chơi này. Không còn sự lựa chọn nào khác, sáu người chơi đành liên thủ lại với nhau để tăng khả năng sống sót đối với mỗi chướng ngại vật cam go.
Trailer của Escape Room đã từng được nhận xét là hao hao Saw và The Cabin in the Woods. Khán giả sau khi rời rạp thì đều phải gật đầu công nhận Escape Room đã được truyền cảm hứng bởi các bậc tiền bối trong làng phim kinh dị. Như nhiều người đã biết, Escape Room được xây dựng dựa trên video game nổi tiếng cùng tên. Tuy không đủ kinh dị bằng Saw, không khai thác sâu về bản chất con người như The Cabin in the Woods, nhưng bộ phim vẫn đủ khiến khán giả phải tập trung theo dõi mạch phim bởi sự kịch tính và gợi trí tò mò cao.
Những căn phòng trong phim đều có rất sáng tạo, có phong cách đặc thù nên không gây nhàm chán cho người xem. Mở đầu buổi tiệc, trò chơi có vẻ nhẹ nhàng bằng căn phòng lửa đang nóng dần lên nhưng tất cả may mắn vượt qua. Tiếp sau đó là căn phòng băng giá buộc họ chống chọi với cái rét tột độ để tìm cách giải thoát, hay căn phòng bị đảo ngược hoàn toàn và dưới chân là vực thẳm. Tiếp sau đó, mọi thứ mở ra hoàn toàn là bế tắc và lưỡi hái tử thần càng kề cận hơn bao giờ hết với những người chơi còn đủ khả năng bám trụ.
Mặt hình ảnh của bộ phim xứng đáng nhận được điểm cộng, đặc biệt là khi kết hợp với phần nhạc nền rùng rợn đặc trưng của bộ đôi John Carey và Brian Tyler. Về phần xây dựng nhân vật, Escape Room "trang bị" cho các nhân vật những mô típ tính cách không còn quá mới mẻ, đi kèm với câu chuyện cá nhân đằng sau (thường là phải chịu đựng một chấn thương tâm lý nào đó trong quá khứ).
Câu chuyện phía sau các nhân vật cả chính lẫn phụ không nhằm mục đích gì khác ngoài ráp nối các căn phòng lại với nhau và làm tăng độ mức độ drama, kịch tính, nhưng đôi lúc không cần thiết lắm. Người thì có một phần cuộc đời được miêu tả khá chi tiết, người thì khiến khán giả còn chẳng biết đó là ai. Việc này khiến bộ phim khá dễ đoán và mất đi yếu tố bất ngờ. Dàn diễn viên của bộ phim không có tên tuổi nào quá nổi bật ngoại trừ Deborah Ann Woll( True Blood và series Netflix của Marvel), nhưng tất cả các diễn viên đều đã thể hiện trọn vẹn vai diễn của mình.
Kịch bản của Escape Room có chứa twist nhưng không thuộc diện quá "hack não", khán giả xem phim cũng dễ dàng cảm nhận được nhân vật nào sẽ đi "bán muối" trước hay nhân vật nào sẽ vượt qua mọi cửa ải và sống sót đến hết phim. Bộ phim sẽ khó làm vừa lòng những khán giả khó tính bởi mạch phim còn nhiều mặt hạn chế, nhịp phim không ổn định, lúc dồn dập nhồi nhét, lúc lại dài dòng, nhạt nhòa, dễ gây nhàm chán.
Trước nay, thể loại phim được dựng từ game thường không được đánh giá quá cao và đáng tiếc, Escape Room cũng không phải một trường hợp ngoại lệ. Nếu các nhà làm phim muốn thực hiện một series thành công như đã từng làm với Saw, phần kịch bản sẽ cần được đầu tư, chau chuốt kỹ lưỡng nhiều hơn và cuối bộ phim cũng nên để lại một bài học nào đó, chứ không chỉ dừng chân ở vị trí một game giải đố bạo lực.
Công bằng mà nói, với kinh phí chỉ 9 triệu USD, Escape Room của đạo diễn Adam Robitel là một bộ phim tương đối ổn nếu người xem chỉ muốn giải trí đơn thuần. Không chỉ khán giả nói chung mà các "mọt" phim kinh dị nói riêng hoàn toàn có thể chọn Escape Room để bán thời gian trong thời gian chờ đợi những tác phẩm hứa hẹn khác trong năm 2019.
Bộ phim Escape Room hiện đang được công chiếu trên các cụm rạp trên toàn quốc.
Theo saostar
Geoff Johns - cha đẻ của Aquaman rất mong đợi sự xuất hiện của Black Manta! Black Manta - kẻ phản diện chính trong "Aquaman 2" là một trong những nhân vật mà cha đẻ của tác phẩm này Geoff Johns cực kỳ yêu thích và mong đợi. Geoff Johns - cha đẻ của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trong vũ trụ điện ảnh DC Comics mới đây đã tiết lộ rằng ông rất mong đợi sự xuất...