Những tạo hình kinh dị của các ‘ma nữ’ Việt
Hai gương mặt đẹp của làng mẫu Việt đã có cùng tạo hình ma quái trong các bộ phim kinh dị.
Ngô Thanh Vân
“ Ngôi nhà trong hẻm” là bộ phim mới nhất mà “đả nữ” Ngô Thanh Vân sẽ tham gia. Trong phim, cô thủ vai Thuỳ – một người phụ nữ đẹp và có học thức. Đóng cùng với Ngô Thanh Vân là nam diễn viên Trần Bảo Sơn, người sẽ thủ vai chồng của Thuỳ. Tuy nhiên, trong loạt tạo hình của Ngô Thanh Vân mới ra mắt, hình ảnh của cô là một cô gái đầy ma quái trong hành động và cử chỉ, khác hẳn với lời giới thiệu ban đầu.
Đây là dự án phim đánh dấu sự trở lại của Ngô Thanh Vân sau một thời gian dài dành thời gian cho việc quản lí và điều hành công ty riêng, cũng như điều chỉnh những chiến lược hoạt động cho nhóm nhạc nam mà cô trực tiếp tuyển, huấn luyện và đỡ đầu. Hình ảnh người vợ “ma nữ” của Ngô Thanh Vân hứa hẹn sẽ tạo được nhiều dấu ấn bởi khả năng nhập vai và đòi hỏi sự biểu cảm của diễn viên rất lớn, khác rất nhiều với những vai diễn hành động trước đây của Ngô Thanh Vân.
Anh Thư
Anh Thư, chân dài từng được biết đến nhiều qua các bộ phim điện ảnh và truyền hình cũng có một vai diễn “ma nữ” khá ấn tượng trong bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc với tên Mười. Trong phim, Anh Thư thủ vai Mười, một cô gái bị phụ tình và bị hãm hại tới bước đường cùng. Chết trong sự sợ hãi tột cùng, cô mang theo cả hận thù để chờ ngày đáp trả những người đã gieo cho mình sự đau đớn cả khi sống lẫn khi chết.
Video đang HOT
Để thủ vai tốt trong phim, Anh Thư cho biết mình đã phải cố gắng rất nhiều vì trước đây, cô chưa từng có kinh nghiệm với các bộ phim kinh dị vốn đòi hỏi những yếu tố diễn xuất và khả năng khác với khi tham gia các bộ phim giải trí thông thường. Một điểm khác nữa, là cô phải diễn bằng đúng tư duy cá nhân của bản thân và không được học hành bài bản về kĩ năng diễn xuất như nhiều diễn viên chuyên nghiệp khác. Chính điều này giúp cho Anh Thư tạo được nét diễn tự nhiên từ sợ hãi tới những giây phút tức giận, hận thù trong hành động, ánh mắt, cử chỉ.
Elly Trần
Được biết đến với những bộ ảnh thời trang khoe lợi thế về hình thể, Elly Trần không chỉ là gương mặt thu hút với các tạp chí, các thương hiệu trò chơi trực tuyến, các đạo diễn cũng nhắm đến gương mặt của cô với những vai diễn khai thác tối đa ngoại hình quyến rũ để tăng thêm sức hút cho các vai diễn cô được mời thủ vai.
Tham gia bộ phim 3D Bóng ma học đường, Elly Trần thủ vai Nana Ly, là một hồn ma nữ sinh với khả năng biến hoá rất đa dạng. Khi sắp giết người, Nana Ly sẽ luôn hiện thân thành một thiếu nữ xinh đẹp, gợi cảm và bốc lửa nhằm làm nạn nhân xấu số không nghi ngờ để trở tay. Chia sẻ về vai diễn của mình, Elly Trần cho biết cô rất sợ độ cao nên khi phải đóng cảnh quay nhảy lầu, cô đã phải chế ngự sự sợ hãi của bản thân để không làm ảnh hưởng đến ê kíp. Sau nhiều lần thực hiện và sự hỗ trợ của các cascadeur thì Elly Trần đã có thể tự thực hiện vai diễn mà không nhờ diễn viên đóng thế.
Tâm Tít
Giữa hai thế giới là bộ phim thứ ba mà hotgirl Tâm tít có riêng cho mình sau 2 bộ phim Tiểu thư giao thông và Chạm vào quá khứ. Vai diễn hồn ma trong phim cũng là vai diễn mà theo Tâm tít cảm nhận là để lại nhiều cảm xúc và những ấn tượng sâu đậm. Tuy nhiên, mặc dù chia sẻ khá nhiều về vai diễn, và những chỉ bảo từ các diễn viên gạo cội, đoàn làm phim, khán giả theo dõi bộ phim không hoàn toàn cảm thấy thuyết phục vì Tâm tít xuất hiện quá ít trong các phân cảnh của phim, và vai diễn của cô chỉ lờ đờ qua lại chứ không có diễn biễn nào quá lớn để có thể đánh giá vai trò hay sức hút từ hồn ma mà Tâm tít thể hiện.
Với điện ảnh, Tâm tít vẫn còn là một gương mặt quá mới, và để thành công với các vai diễn hồn ma, không đơn thuần chỉ là một gương mặt đẹp. Tâm tít đã có riêng những trải nghiệm mới mẻ sau bộ phim điện ảnh, được làm việc trong một môi trường của những diễn viên chuyên nghiệp, những điều này sẽ giúp cô nhiều kinh nghiệm diễn xuất để thử sức và hoàn thành tốt các vai diễn sau này.
Theo VNN
Nhọc nhằn phim kinh dị Việt Nam
Phim kinh dị Việt Nam vẫn bị coi là nửa mùa, xem chỉ muốn... cười chứ không thấy sợ. Nhân ngày Halloween, cùng chúng tớ nhìn lại những chặng đường mà phim kinh dị Việt trải qua nhé!
Khởi đầu: Ít nhưng chất
Phim kinh dị Việt Nam xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20. Khi đó, từng có một vài bộ phim thực sự kéo người xem đến rạp như Lệ đá (1971), Con ma nhà họ Hứa (1973). Những năm 90 có hai bộ phim là Ngôi nhà oan khốc và Chiếc mặt nạ da người (đạo diễn Chánh Tín).
Ở thời kỳ đầu tiên này, đề tài trong phim kinh dị Việt Nam không quá xa lạ và khó hiểu. Lệ đá lấy ý tưởng ma nhập thân xác: người đã chết trở lại nhân gian tìm gặp người yêu. Con ma nhà họ Hứa là câu chuyện về cô gái bị bệnh hiểm nghèo. Ngôi nhà oan khốc lại là hình ảnh bóng ma của chủ nhân khuất núi đã lâu...
Bối cảnh chính trong phim "Con ma nhà họ Hứa".
Đề tài không thực sự mới mẻ nhưng những bộ phim trên vẫn thu hút khán giả đến rạp. Các tác phẩm này khiến người xem thực sự cảm thấy sợ hãi bởi nhiều cảnh quay mờ ảo, rợn rợn, âm u ở Đà Lạt (Lệ đá) hay hình ảnh cô gái đã chết vì bệnh phong, đi đi lại lại trong chính ngôi nhà của mình (Con ma nhà họ Hứa). Những kỹ xảo thời ấy kỳ thực đơn giản, không sở hữu màu phim đẹp hay hiệu ứng "mãn nhãn". Tuy nhiên, chính sự đơn giản, không cầu kỳ lại đem đến cho người xem nỗi sợ bản năng nhất.
Hành trình khán giả "đãi cát tìm vàng"
Gần đây, nhắc đến thể loại phim kinh dị Việt Nam, nhiều khán giả chỉ lắc đầu cười. Họ không trông chờ nhiều mỗi khi một dự án được công bố, dù nó được quảng bá rầm rộ đến đâu.
Sau thời kỳ đầu tiên, có khá nhiều bộ phim kinh dị ra đời như R-point (2004), Khách sạn không đèn(2005), Ngủ với hồn ma (2005), Oan hồn (2005), Thế giới huyền bí - Tình yêu bất diệt (2005), Người yêu ma (2007), Mười (2007), Đêm trong căn nhà hoang (2007), Suối oan hồn - Ngôi nhà bí ẩn (2007), Chết lúc nửa đêm (2008).
Trung bình một năm ra một phim, có năm đến ba, bốn phim (2005, 2007) không phải là ít. Thế nhưng, chúng hầu như không để lại ấn tượng trong lòng công chúng. Ngay cả những bộ phim có sự hợp tác của Hàn Quốc như Mười, R-point cũng không khá khẩm là mấy.
Poster phim "Mười".
Trong số những phim kinh dị giai đoạn 2004-2007, hai bộ phim Nhà tiên tri ảo (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng- tác giả Phạm Việt Phước) và Oan hồn (Victor Vũ) nhận được sự quan tâm hơn cả. Thậm chí Nhà tiên tri ảo còn nhận giải Ấn tượng tạiLiên hoan phim JVC Tokyo lần thứ 26. Tác phẩm được đánh giá khá cao nhờ ý tưởng sống thật, không hoang tưởng, không giáo điều và rất nhân văn.
Phim "Nhà tiên tri ảo".
Xem phim kinh dị ở Việt Nam, khán giả cứ như người "đãi cát" mà mãi chẳng thấy "vàng" đâu. Thế nên, những bộ phim sau này như Bóng ma học đường, Khi yêu đừng quay đầu lại, Giữa hai thế giới dù được công bố rầm rộ ngay từ khâu tiền sản xuất, với những thước phim đẹp liên tục được "nhá hàng", nhưng thái độ của công chúng nói chung vẫn rất dè chừng. Thì từ trước đến nay, ngoài những bộ phim cũ rích từ cách đây 4 thập kỷ, có mấy tác phẩm đủ "kinh" hay "dị" để làm khán giả sợ đâu. Và đúng như lo ngại của khán giả, phim thì xem chỉ thấy buồn cười (Bóng ma học đường), phim thì lại rất "nửa mùa" (Khi yêu đừng quay đầu lại).
Bách Du (Thanh Thức đóng) ngủ cùng ma.
Elly Trần cũng sắm vai ma trong "Bóng ma học đường".
Bóng ma học đường là phim chiếu Tết nhưng từ góc quay cho đến hóa trang, bối cảnh đều còn rất non. Lấy ví dụ ở khâu hóa trang: con ma trong phim - nhân vật gây sợ chủ yếu nhất thì lại có tạo hình quá tồi. Dường như, các chuyên viên trang điểm của Bóng ma học đường hơi quá tay khi biến Trùm Ma thành... chú hề gánh xiếc các ma nữ thì môi đen, môi bóng, mắt đậm như nhân vật trong một vở hài kịch nào đó.
Ma mà trang điểm quá đậm.
Phim lấy cảnh nóng để hút khán giả.
Những hình ảnh cơ bản tạo nên phim kinh dị là linh hồn, ma, máu không khí âm u, lạnh lẽo gợi cảm giác rờn rợn ánh trăng huyền ảo, mộng mị... Đó chỉ là yếu tố, còn sử dụng chúng như thế nào để tạo nên logic cho câu chuyện và cảm giác sợ hãi thật sự cho khán giả là cái tài của mỗi nhà làm phim.
Có điều, những nhà làm phim kinh dị Việt đôi khi rất gượng ép, làm một bộ phim có cảnh ma thì gắn mác phim kinh dị. Đó chính là lý do mang đến những sản phẩm "nửa mùa": nửa tâm lý, nửa kinh dị, khiến cho khán giả rối rắm trong "logic" mà tác giả tạo ra.
Tâm Tít thủ vai ma nữ trong "Giữa hai thế giới".
Phim kinh dị chưa bao giờ là thể loại dễ nhằn, ngay cả với các nhà làm phim Hollywood. Nó yêu cầu ý tưởng lạ, chỉ nghe kể qua khán giả đã muốn xem.
Trong khi đó, khả năng sáng tạo ở phim kinh dị Việt Nam không nhiều, quanh đi quẩn lại vẫn là ma. Ma sống trong nhà cố gắng báo hiệu cho người vợ mới về ông chồng vũ phu (Giữa hai thế giới) những câu chuyện chắp vá, vụn vặt về các linh hồn, dễ dàng tìm thấy trên mạng (Bóng ma học đường)... Thế nên đến tận bây giờ, khán giả vẫn chưa có một bộ phim kinh dị Việt nào thực sự "sợ" trong tâm đắc.
Sắp tới, bộ phim kinh dị nào sẽ chinh phục khán giả?
Đầu năm 2012, một loạt các phim kinh dị như Lời nguyền huyết ngải, Ngôi nhà trong hẻm, Bẫy cấp 3 sẽ ra mắt khán giả. Trong đó, Lời nguyền huyết ngải được kỳ vọng rất lớn bởi nó được dẫn dắt bởi đạo diễn lừng danh Bùi Thạc Chuyên. Những cảnh quay mới hé lộ của phim thực sự khiến người xem cảm thấy rợn tóc gáy và hiếu kỳ.
Tuy nhiên, liệu làng phim kinh dị nước nhà có tạo ra một tác phẩm đúng "chất" hay không, chúng ta phải chờ đến khi phim ra mắt mới có được lời giải đáp.
Theo PLXH
Phim Tết 2012: Phim Kinh dị "át vía" Chỉ tính riêng về số lượng, mùa phim Tết 2012 là năm lên ngôi của phim kinh dị. Phim kinh dị áp đảo Thể loại phim kinh dị vẫn luôn được coi là "mảnh đất mới" đối với nền điện ảnh nước nhà. Mặc dù những: Khi yêu đừng quay đầu lại, Bóng ma học đường, Giao lộ định mệnh, rồi Giữa hai...