Những tảng đá sọc hổ vằn và bí mật quá khứ ở Ethiopia
Nghiên cứu mới về cao nguyên Ethiopia trong thời kỳ Băng hà cuối cùng giúp giải đáp những bí ẩn cổ xưa.
Những tảng đá sọc hổ vằn và bí mật quá khứ ở Ethiopia
Nếu con người muốn dự đoán tương lai của hành tinh này trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì phải hiểu rõ những gì đã xảy ra trên Trái đất trước đây, thậm chí hàng trăm nghìn năm trong quá khứ.
Nghiên cứu mới về Cao nguyên Ethiopia trong Thời kỳ Băng hà Cuối cùng là một trong những bước để thực hiện điều đó.
Là một phần của nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét các mẫu đá moraine đặc biệt ở Cao nguyên Sanetti, dãy núi Bale và Arsi, những tảng đá này từng được các sông băng cuốn đi.
Bằng cách nghiên cứu sự sắp xếp vật lý của chúng và đo mức độ phân hủy trong một đồng vị của clo, các nhà khoa học xác định rằng, các núi băng trong quá khứ không đồng bộ với các dải núi tương tự khác.
Nhà nghiên cứu Alexander Groos từ Đại học Bern ở Thụy Sĩ cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy các sông băng ở phía nam cao nguyên Ethiopia đạt mức cực đại trong khoảng 40.000 đến 30.000 năm trước, sớm hơn vài nghìn năm so với các vùng núi khác ở Đông Phi và trên toàn thế giới”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự nguội lạnh tương đối sớm và sự bắt đầu của sông băng có thể là do sự thay đổi về lượng mưa và các đặc điểm núi.
Nói cách khác, nhiệt độ không phải là động lực duy nhất liên quan đến sự di chuyển của sông băng trên khắp Đông Phi trong thời gian này. Những hiểu biết như vậy có thể giúp chúng ta hiểu điều gì có thể xảy ra tiếp theo và tác động đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái.
Đối với các sọc đá khổng lồ trên các tảng đá, mỗi sọc dài 1.000 mét, rộng 15 mét và sâu 2 mét, chúng chưa từng được nhìn thấy trước đây ở vùng nhiệt đới.
Alexander Groos cho biết: “Sự tồn tại của những sọc đá kỳ lạ này trên cao nguyên nhiệt đới làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên, vì địa hình băng với cường độ này trước đây chỉ được biết đến từ vùng ôn đới và vùng cực, có liên quan đến nhiệt độ mặt đất xung quanh điểm đóng băng”.
Các nhà khoa học cho rằng những đường sọc này là kết quả tự nhiên của quá trình đóng băng và tan băng định kỳ mặt đất gần chỏm băng, điều này sẽ kéo các tảng đá tương tự lại gần nhau.
Hiểu được sự thay đổi khí hậu ở các vùng nhiệt đới là rất quan trọng, đó là nơi thúc đẩy phần lớn sự lưu thông của khí quyển và đại dương trên thế giới. Có thể, những vùng núi này đã trải qua thời kỳ Băng hà cuối cùng theo nhiều cách khác nhau.
Nơi phụ nữ nong môi cả mét để kiếm chồng giàu, đàn ông đánh nhau đổ máu để kiếm vợ
Không chỉ là một bộ tộc bí ẩn, lâu đời, người dân sống tại đây cũng có những phong tục tập quán vô cùng độc đáo và kỳ lạ.
Bộ tộc Suri sống tại phía tây thung lũng Omo, Ethiopia, là một trong những bộ tộc lâu đời và bí ẩn nhất trên thế giới. Hầu hết người dân nơi đây vẫn sống dựa vào thiên nhiên, rừng núi, tách biệt hoàn toàn tới thế giới bên ngoài và không bị chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc sống hiện đại. Những phong tục văn hóa truyền thống của người Suri luôn là đề tài để báo chí và những nhiếp ảnh gia muốn khám phá.
Phụ nữ nong môi để kiếm chồng giàu
Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của phụ nữ Suri đó là nong môi. Nong môi hay còn gọi là xỏ khuyên môi, là hình thức cắt phần môi dưới, kéo dài nó ra để nong những chiếc khuyên làm bằng gỗ hoặc đất sét. Những chiếc khuyên này có nhiều kích thước khác nhau và thường càng ngày càng to ra theo độ tuổi trưởng thành. Có những phụ nữ Suri nong môi đến 50-60 cm, thậm chí là cả mét.
Những người phụ nữ Suri thường bắt đầu nong môi từ năm 12 tuổi hoặc một năm trước khi lấy chồng. Để làm được điều này, họ phải chấp nhận nhổ bỏ 2-4 răng ở hàm dưới. Mặc dù được quyền lựa chọn nhưng hầu hết đều đồng ý nong môi, bởi đây là truyền thống lâu đời và cũng ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa.
Đối với người Suri, việc phụ nữ nong môi được xem là một hình thức làm đẹp, đồng thời cũng là một cách để thể hiện vị thế trong xã hội. Những người phụ nữ nong môi càng to thì càng có cơ hội kiếm chồng giàu có. Trước đây, hầu hết phụ nữ người Suri, đặc biệt là những người đã lấy chồng, đều để ngực trần.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi một số người được tiếp cận với thế giới bên ngoài, một số cô gái Suri đã quyết định không để ngực trần, cũng không nong môi nữa.
Đàn ông đánh nhau đổ máu để kiếm vợ
Trong khi những người phụ nữ Suri phải trải qua đau đớn trong tục nong môi để kiếm được chồng thì những người đàn ông Suri cũng không hề dễ dàng trong việc tìm vợ. Tại đây, có một phong tục mang tên "Donga", tức là đánh gậy truyền thống, là một dịp lễ hội để đàn ông có cơ hội kiếm vợ.
Trong lễ hội Donga, những người đàn ông Suri sẽ chuẩn bị những chiếc mũ bảo hiểm tự chế và những cây gậy gỗ, sau đó chiến đấu với nhau. Truyền thống đánh nhau bằng gậy này không phải là hình thức mà là những cuộc chiến thực sự. Những người đàn ông mạnh mẽ lao vào đánh nhau, gây nên cảnh tượng hỗn loạn, thậm chí là đổ máu, đôi khi có thể dẫn tới thương tích nặng và tử vong.
Mặc dù cuộc chiến đấu luôn có một người làm trọng tài để điều tiết và ngăn chặn những hành vi nguy hiểm, tuy nhiên nó vẫn không thể tránh khỏi những nguy cơ tiềm tàng.
Thông thường, 2 người đàn ông sẽ chiến đấu với nhau thành từng cặp, cho đến khi tìm được một người duy nhất chiến thắng. Cuộc chiến này nhằm thể hiện sự nam tính, mạnh mẽ của đàn ông. Nhờ đó, người thắng cuộc sẽ được chọn người phụ nữ mình thích về làm vợ.
Bắt đầu từ năm 1994, lễ hội truyền thống Donga đã bị chính phủ Ethiopia ngăn cấm do quá bạo lực và nguy hiểm. Bên cạnh đó, nó còn liên quan tới những cuộc trả thù giữa làng này với làng khác chứ không chỉ đơn thuần là cuộc chiến giành vợ, thậm chí họ còn bắt đầu dùng súng để trả thù đối thủ. Tuy nhiên, một số bộ tộc người Suri vẫn tiếp tục duy trì phong tục này.
Người Suri rất thân thiện và sẵn lòng chào đón người lạ tới thăm, tuy nhiên lại trở nên vô cùng hung dữ và đáng sợ nếu có người xâm phạm tới đất đai hoặc gia súc. Những người đàn ông tại đây sẵn sàng chiến đấu để tranh giành quyền lợi.
Người Suri dùng chung ngôn ngữ với các nhóm dân tộc Chai và Timaga, được gọi là tiếng Surma. Rất ít người Suri biết rõ tiếng Amharic - ngôn ngữ chính thức của đất nước Ethiopia. Mỗi ngôi làng ở bộ tộc Suri thường có từ 25-4.000 người. Thông thường, người lớn tuổi nhất trong làng sẽ là tộc trưởng, dẫn dắt dân làng cả về hành động lẫn tâm linh.
Phát hiện bức tranh hang động lâu đời nhất thế giới tại Indonesia Theo một báo cáo công bố trên tạp chí Science Advances ngày 13/1, các nhà khảo cổ đã phát hiện một bức tranh vẽ trong hang động cổ xưa nhất thế giới tại Indonesia. Bức tranh vẽ một con lợn rừng, có niên đại từ cách đây tối thiểu 45.500 năm. Đây được xem là bằng chứng cho thấy thời điểm an cư...