Những sự thực về quân đội Trung Quốc (Kỳ cuối)
Gần 2 năm trước (theo thông tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 26/10/2012), quân ủy Trung ương đã quyết định bổ nhiệm 4 cán bộ cấp tổng cục trưởng và đây là kết quả của sự thỏa hiệp giữa đương kim Chủ tịch quân ủy Trung ương Hồ Cẩm Đào, cựu Chủ tịch quân ủy Trung ương Giang Trạch Dân và Chủ tịch quân ủy Trung ương tương lai Tập Cận Bình.
Trong số 4 người kể trên đáng chú ý nhất là nguyên Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh Phòng Phong Huy được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội và có khả năng là Phó chủ tịch quân ủy Trung ương. Điều này chứng tỏ, bất cứ ai ngồi vào ghế Chủ tịch quân ủy Trung ương đều muốn chứng tỏ quyền uy, cũng như tạo dấu ấn đối với người kế nhiệm.
Từ quá khứ
Chủ tịch Mao Trạch Đông là người am hiểu lịch sử Trung Quốc, bản thân từng chỉ huy quân đội trong các thời kỳ, nên sau khi nắm quyền ông quyết không rời cương vị Chủ tịch quân ủy Trung ương, bất kể bị áp lực như thế nào. Dấu ấn của Chủ tịch Mao Trạch Đông in đậm trong tâm trí Đặng Tiểu Bình và ông đã thực hiện đúng phương châm này. Sự kiện 4/6/1989 tại quảng trường Thiên An Môn là minh chứng rõ nhất cho nhận định kể trên. Mặc dù đã lùi về tuyến sau, nhưng với tư cách Chủ tịch quân ủy Trung ương, ông Đặng Tiểu Bình vẫn ra lệnh cho tướng Dương Thượng Côn thẳng tay dẹp loạn tại quảng trường Thiên An Môn. Trước và sau sự kiện 4/6/1989, ông Đặng Tiểu Bình còn hạ bệ Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang và Thủ tướng Triệu Tử Dương sau khi 2 người này dám bỏ ngoài tai ý chỉ của Chủ tịch quân ủy Trung ương.
Mặc dù cũng giữ ghế Chủ tịch quân ủy Trung ương sau khi rời cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nhưng ông Giang Trạch Dân hầu như không tạo được dấu ấn đậm nét nào trong thời gian đảm trách vị trí này. Có lẽ rút kinh nghiệm của 3 người tiền nhiệm, nên ông Hồ Cẩm Đào đã bàn giao ngay cương vị Chủ tịch quân ủy Trung ương cho người kế vị Tập Cận Bình sau khi rút khỏi vũ đài chính trị. Đây được coi là cơ hội và điều kiện để Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy Trung ương Tập Cận Bình thực hiện những kế hoạch và chủ trương đã đặt ra.
Tên lửa Đông Phong 15B của Trung Quốc tham gia diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn
Giới phân tích chính trị cho rằng, dấu ấn và di sản của 4 người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình được gói gọn trong một câu: Tiếp tục giương cao ngọn cờ vĩ đại xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, tuân theo tư tưởng Mao Trạch Đông, thực hiện lý luận Đặng Tiểu Bình, quán triệt tư tưởng 3 đại diện Giang Trạch Dân và quan điểm phát triển khoa học Hồ Cẩm Đào.
Trong Sách Trắng quốc phòng công bố ngày 31/7/2012, Nhật Bản từng đề cập tới nguy cơ quân đội Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, khi ngày càng có nhiều tướng “diều hâu” trong quân đội tham dự Đại hội 18. Việc này diễn ra sau khi dư luận quan tâm tới tỷ lệ hơn 10% đại biểu tham dự Đại hội 18 đến từ lực lượng vũ trang, bởi trong số 2.270 đại biểu, có 251 đại biểu quân đội và 49 đại biểu công an, vũ cảnh. Chủ tịch Mao Trạch Đông từng tuyên bố “Súng đạn đẻ ra chính quyền” và câu nói này trở nên nổi tiếng đối với hậu nhân.
Tới hiện tại
Ông Christopher Johnson, nhà nghiên cứu thuộc trung tâm nghiên cứu CSIS ở Washington cho rằng, Chủ tịch quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình đã nắm chắc quyền kiểm soát quân đội sau khi chủ trì cuộc họp để đưa ra quyết định khai trừ đảng đối với nguyên Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu. Giáo sư chính trị học Joseph Cheng thuộc Đại học Hongkong phân tích, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình có thể đụng chạm đến các cựu lãnh đạo và họ sẽ hợp lực để gây sức ép trở lại. Nếu chiến dịch này thành công, đây sẽ là vũ khí răn đe của ông Tập Cận Bình đối với những ai muốn cản đường.
Theo chuyên gia về an ninh châu Á Brad Glosserman, tham nhũng trong quân đội Trung Quốc mang tính hệ thống, và những lợi ích chồng chéo nhau đã làm suy yếu khả năng của đội quân lớn nhất thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quân đội được hưởng quá nhiều đặc quyền cùng một khoản ngân sách khổng lồ nên tham nhũng càng dễ nảy sinh. Giới bình luận nhận định, việc lao vào kinh doanh khi lợi dụng sự chuyển đổi các xí nghiệp quân sự sang hoạt động dân sự đã khiến cho một bộ phận không nhỏ sỹ quan cao cấp quân đội rơi vào vòng xoáy tham nhũng.
Giới quân sự cho rằng, chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đã bước vào khâu cuối cùng sau khi Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn kế hoạch cải tổ với quy mô lớn cách đây gần 1 năm (tháng 11/2013). Ngay sau khi trở thành Chủ tịch quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình không những thông qua nhiều chính sách hiện đại hoá quân đội được thực thi dưới thời ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân, mà còn ủng hộ việc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa cũng như nâng cấp công nghệ của quân đội. Theo đó, cơ cấu chỉ huy của quân đội Trung Quốc gồm 4 bộ phận chính và 7 quân khu (sẽ được hợp thành 5 vùng tác chiến trong 5 năm tới); còn Hải quân, Không quân và Lực lượng tên lửa chiến lược được tăng cường hoạt động cùng những ưu tiên trong phân bổ ngân sách và nhân lực.
Ngày 9/7, trong buổi trả lời phỏng vấn với tờ Washington Free Beacon, chuyên gia quốc phòng Mỹ Bill Gertz cho rằng, quân đội Trung Quốc đang phát triển một thiết bị siêu thanh mới (thiết bị siêu thanh tốc độ Mach 10 hay 8.000 dặm/h, sau khi siêu vũ khí vượt âm Wu-14 được thử nghiệm hồi đầu năm 2014), với khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chống lại các mục tiêu đến từ Mỹ. Theo ông Bill Gertz, một bản vẽ thiết bị siêu thanh mới của Trung Quốc đã xuất hiện giống hệt với mô hình thử nghiệm X-43 của NASA.
Theo dự báo của nhiều nhà phân tích và các tổ chức trên thế giới, Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng 8%/năm) và GDP của nước này sẽ chiếm 28% tổng GDP toàn cầu vào năm 2060. Theo giới bình luận, 2014 không những được coi là năm bản lề đối với Trung Quốc, mà còn là một năm có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với quốc gia hơn 1,34 tỷ người bởi là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), là năm thứ 36 thực hiện chính sách cải cách mở cửa (1978-2014), năm thứ 23 thực hiện chiến lược tăng tốc kinh tế, năm thứ 22 chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Video đang HOT
Theo PetroTimes
Quân đội Trung Quốc chỉ đủ sức 'ăn quẩn cối xay'
TQ tự biện bạch không có lợi ích dầu mỏ lớn và không có nghĩa vụ với Iraq nhưng thực ra nếu muốn, Bắc Kinh cũng không đủ lực can thiệp.
Vừa qua, tổ chức tự xưng là "Nhà nước hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIS)" đã tàn sát 1700 binh sỹ Iraq giữa thanh thiên bạch nhật. Mặc dù kể từ sau khi Mỹ phát động chiến tranh Iraq để lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003, đổ máu và bất ổn đã liên tục xảy ra ở quốc gia này, nhưng 10 năm sau cuộc chiến tranh Iraq mới xuất hiện một vụ thảm sát đẫm máu bị toàn thế giới lên án như vậy.
Thời báo Hoàn Cầu khẳng định, tội lỗi của Mỹ ở Iraq đã rõ rành rành, thế nhưng có những thế lực từ Washington sốt ruột muốn đẩy mớ hỗn độn ở Iraq cho Bắc Kinh, vậy Trung Quốc có nên gánh vác và nếu muốn thì có gánh vác được không? Tờ báo này đưa ra nhận định, Trung Quốc không có lí do gì phải can thiệp vào Iraq.
Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu cũng phải thừa nhận một thực tế là Bắc Kinh cũng không có năng lực can thiệp quân sự tại những khu vực địa lý xa Đại Lục. Vì thế, đối với Trung Quốc, phát triển thêm năng lực tác chiến, đồng thời sử dụng các biện pháp tổng hợp, bảo vệ vững chắc lợi ích của nước này ở nước ngoài là vấn đề quan trọng mà Bắc Kinh hiện đang gấp rút xem xét.
Mô hình "Nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh"
Mỹ có thể đem quân vào Iraq xa xôi, bởi vì ở khu vực Trung Đông, Mỹ có rất nhiều đồng minh chi viện hậu cần và cung cấp căn cứ. Hơn nữa, các nhóm chiến đấu hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ và các liên đội không quân hùng mạnh có thể hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của lục quân dưới mặt đất, đây lại là điểm yếu nhất của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc theo đuổi "chính sách ngoại giao độc lập, không liên minh, liên kết" (trên thực tế là không nước nào muốn cho Bắc Kinh lập căn cứ quân sự ở nước mình) nên không hề có căn cứ quân sự nước ngoài ở khu vực Ấn Độ Dương và Trung Đông, vì vậy Trung Quốc không có cách nào tiến hành các hoạt động quân sự chống lại các tổ chức cực đoan bên trong lãnh thổ Iraq.
Nội chiến Iraq: Trung Quốc biến thành AQ từ bao giờ?
Đầu tiên, hải quân Trung Quốc không thể hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ tấn công các tổ chức cực đoan Iraq.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh chưa hề có khả năng tác chiến, giai đoạn hiện nay chỉ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và huấn luyện. Biên đội hộ tống tàu sân bay này cũng chưa hình thành năng lực tác chiến vì khu trục hạm Type 052C không có khả năng tấn công mặt đất và tàu hộ vệ Type 054A có khả năng chống ngầm rất kém và phạm vi hành trình ngắn.
Tàu khu trục phòng không Type 052C của hạm đội Đông Hải đang chuẩn bị xuất phát thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden
Hơn nữa, số lượng tiêm kích hạm không đủ, phi công vừa thiếu lại vừa yếu, J-15 lại đang bị nghi ngờ về khả năng chất tải vũ khí và nhiên liệu. Không có tàu sân bay sẽ khiến hải quân Trung Quốc không có năng lực tấn công theo chiều sâu trên mặt đất, đồng thời cũng không có khả năng kiểm soát không phận khu vực tác chiến.
Theo báo chí Trung Quốc, Xét về tính năng của J-15, trong trường hợp mang 2 loại vũ khí khác nhau (2 quả tên lửa không đối không, 4 quả bom dẫn đường laser hoặc bom dẫn đường bằng vệ tinh loại 250kg ), bán kính tác chiến của nó chỉ có thể đạt đến cự li khoảng 700km.
Khi xuất phát từ vịnh Ba Tư, tiêm kích hạm J-15 có thể bay tới phía bắc Baghdadd để thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất. Tuy nhiên, đến lúc nào tàu sân bay Trung Quốc có đủ khả năng tác chiến và lúc đó, làm thế nào để Liêu Ninh có thể hiện diện ở vùng vịnh này là vấn đề vô cùng khó.
Biên đội hộ tống Trung Quốc đến tiếp tế ở cảng Saudi Arabia
Thứ hai, Trung Quốc thiếu tàu cung ứng tổng hợp viễn dương, mặc dù tàu bổ trợ hậu cần thế hệ mới Type 903 liên tục được biên chế cho lực lượng hải quân, nhưng so với hải quân Mỹ vẫn có khoảng cách chênh lệch khá lớn, khiếm khuyết về năng lực cung ứng làm hạn chế số lượng triển khai lực lượng hải quân Trung Quốc tại khu vực Trung Đông.
Năng lực cung ứng tổng hợp viễn dương của hải quân Trung Quốc kém, dẫn đến hạn chế hành động quân sự ở nước ngoài của hải quân nước này. Để thực hiện các hoạt động hộ tống của hải quân tại vịnh Aden, quy mô biên đội đặc nhiệm của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương nhiều nhất cũng chỉ 3-4 tàu và phải vào tiếp tế ở các nước xung quanh, ví dụ như Saudi Arabia. Điều này là không thể trong thời chiến.
Sự xuất hiện của tàu tiếp tế tổng hợp viễn dương Type 903 làm rút ngắn khoảng cách năng lực tiếp tế viễn dương giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ, nhưng sự yếu kém về nền tảng khiến cho hải quân Trung Quốc vẫn còn một chặng đường rất dài, chưa đủ có khả năng triển khai khu vực xa chứ đừng nói là trên toàn cầu như hải quân Mỹ.
Trong ảnh là quân đội Mỹ vận chuyển quân bằng máy bay vận tải
Hiện nay, Trung Quốc đã biên chế 4 tàu bổ trợ hậu cần Type 903/903A. 2 chiếc đầu được biên chế năm 2004, 2 chiếc sau cùng được đưa vào sử dụng năm 2012. Hiện chiếc thứ 5 đã được hạ thủy. Mỗi tàu hậu cần type này có thể chuyên chở 10 - 11 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Thiết kế Type 903 của tương tự với 14 tàu hậu cầu T-AKE lớp Lewis and Clark đang được Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, tàu hậu cần lớp Lewis and Clark của Mỹ có lượng giãn nước hơn 40.000 tấn với lượng chuyên chở gấp đôi tàu hậu cần Trung Quốc. Hơn nữa, 14 tàu lớp Lewis and Clark của Mỹ chỉ là một phần trong số lượng tàu cung ứng của nước này.
Thứ 3 là hiện nay, tàu khu trục tên lửa phòng không Type 052C và tàu hộ vệ tiên tiến nhất Type 054A đều không có khả năng phóng tên lửa hành trình như các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ, vô phương tấn công vào sâu trong lãnh thổ Iraq giống như Mỹ đã từng sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk.
Tàu bổ trợ tổng hợp Type 903 của hải quân Trung Quốc (giữa)
Dù cho tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có khả năng phóng được tên lửa hành trình, nhưng xét về số lượng và năng lực tác chiến, vẫn không đủ để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến hiện nay. Hơn nữa, nếu chỉ có tàu khu trục, hộ vệ mà không có tàu sân bay làm nòng cốt, năng lực tác chiến bị hạn chế nhiều.
Tàu khu trục Type 052C và tàu hộ vệ Type 054A của hải quân Trung Quốc đều không có năng lực phóng tên lửa hành trình, mà khoảng cách theo đường thẳng từ Vịnh Ba Tư đến khu vực biên giới Iraq-Syria và miền trung Iraq - địa bàn hoạt động chủ yếu của ISIS vào khoảng 700-1000km, vượt xa phạm vi tấn công hai loại chiến hạm này.
Những điểm yếu này của Trung Quốc có thể được khắc phục khi họ đưa vào biên chế tàu hộ vệ hạng nặng, tầm xa Type 054B hoặc Type 055, cùng với khu trục hạm "Aegis Trung Hoa" thuộc Type 052D, có khả năng mang theo tên lửa hành trình tấn công mặt đất Đông Hải 10 (DH-10), có tầm phóng tới 1500km.
Không có loại chiến đấu cơ nào của Trung Quốc, kể cả H-6K đủ khả năng tác chiến tầm xa tận Iraq
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc mới chỉ có 1 chiếc tàu khu trục 052D mang số hiệu 172 Côn Minh được đưa vào trong biên chế nhưng thực tế nó vẫn đang phải chạy thử. Còn rất xa Trung Quốc mới có đủ 6 chiếc để có thể đảm bảo 1 biên đội tác chiến, 1 biên đội trực chiến.
Còn tàu hộ vệ thế hệ mới Type 054B hoặc 055 của Trung Quốc vẫn đang còn nằm trên giấy nên có thể khẳng định, thời gian để hải quân nước này hình thành biên đội tác chiến tàu sân bay hoàn chỉnh sẽ còn rất xa. Hơn nữa, 1 tàu sân bay không thể đảm nhận nhiệm vụ liên tục mà ít nhất phải có 2 chiếc trở lên thay nhau hoạt động và bảo dưỡng, nghỉ ngơi.
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, hiện nay, Trung Quốc, cần đẩy nhanh cơ cấu xây dựng biên đội tàu chiến Liêu Ninh, tàu khu trục tên lửa Type 052D, cùng với các tàu tiếp tế tổng hợp, tăng cường tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 để có được năng lực tiến hành các hành động quân sự quy mô nhỏ ở khu vực có lợi ích then chốt như Ấn Độ Dương, tây Thái Bình Dương
Giấc mơ căn cứ quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc
Nếu dựa vào không quân tấn công trực tiếp, tính theo đường thẳng, Iraq cách các căn cứ địa không quân phía Tây Trung Quốc khoảng trên 3000km, cho dù giải quyết được bài toán tác chiến xuyên biên giới qua lãnh thổ của nước khác, cũng vượt quá tầm bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
Nếu trong vòng 10 năm tới, nếu Trung Quốc có được các căn cứ ở nước ngoài như hiển thị trên bản đồ, như vậy sẽ giải tỏa được phần lớn những áp lực trong tiến hành các hoạt động quân sự nước ngoài.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là hiện nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với bối cảnh quốc tế hết sức nghiêm trọng trong khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, đang có tranh chấp chủ quyền trên những mức độ khác nhau với Nhật, Philippines và Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh này, làm sao Trung Quốc còn đủ sức lực để quan tâm đến Iraq nữa?
Tóm lại, phân tích từ góc độ địa - chính trị và quân sự, hải/không quân Trung quốc vô phương đảm nhận nhiệm vụ can thiệp vào Iraq. Vì vậy, Thời báo Hoàn Cầu đưa ra kết luận, trong thời gian tới, Bắc Kinh cần nỗ lực phát triển năng lực tác chiến hàng không mẫu hạm, tàu tiếp tế viễn dương và các phương tiện phóng tên lửa hành trình như tàu ngầm hạt nhân tấn công và khu trục hạm Type 052D...
Theo Đất Việt
Trung Quốc chi hơn 140 tỷ USD cho quốc phòng Quan chức Lầu Năm Góc nói Trung Quốc chi 145 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, cao hơn nhiều so với con số Bắc Kinh đưa ra. Hãng tin Reuters dẫn nguồn Lầu Năm Góc cho biết, số tiền khổng lồ nêu trên được Bắc Kinh chi cho các chương trình hiện đại hóa vũ khí gồm máy bay không người lái,...