Những sự thật về “kẻ hút máu” mà dân cày Việt chưa biết đến
Xưa nay các NPH vẫn luôn bị người chơi ví với tên gọi “ kẻ hút máu”, tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ về họ, dẫn đến nhiều hiểu lầm đáng tiếc.
Thị trường game online nước nhà hiện tại có không dưới 10 NPH lớn nhỏ, thế nhưng phần lớn đều chưa được lòng người chơi. Thậm chí có một số doanh nghiệp còn thường xuyên bị liệt vào danh sách đen, bị chê bai không ngớt vì chất lượng phục vụ kém. Game thủ vẫn luôn gọi họ với cái tên rất đặc biệt là “kẻ hút máu”, âu cũng do bản chất đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Thế nhưng nếu không làm ở ngành game, hiếm ai có thể biết hết được những sự thật hiển nhiên trong quá trình vận hành một MMO. Từ đó dẫn tới nhiều hiểu lầm hoặc đòi hỏi hơi quá so với thực tế. Hãy cùng điểm qua một số câu chuyện như thế.
Game thủ bình thường hay hiểu nhầm nhiều thứ về NPH.
Làm game không có nghĩa được chơi game thoải mái
Nhiều nhân viên tại các NPH game thường kể lại rằng họ hay nhận được câu hỏi kiểu: “Làm ở NPH chắc chơi game suốt nhỉ?” hoặc “Làm ở đấy chắc nhàn hạ nhỉ, toàn chơi game là chính mà”. Quả thật đứng ở góc độ người bình thường thì họ hay có quan điểm rằng người làm game sẽ được chơi thoải mái trong giờ làm, ngoài ra… chẳng cần gì khác.
Tuy nhiên sự thật không phải như thế, mỗi doanh nghiệp đều có quy định về việc cho phép nhân viên chơi game vào giờ nào trong ngày. Dĩ nhiên đối với NPH thì chuyện này không đến nỗi quá khắt khe, nhưng cũng không phải là thả cửa cho muốn làm gì thì làm.
Chơi game thì thích nhưng bắt buộc phải chơi… quá nhiều thì lại khác.
Một số vị trí “phải” chơi game như GM tưởng chừng rất thoải mái vì cả ngày chỉ… chơi và chơi, nhưng đó lại là cơn ác mộng đối với nhiều người mới vào nghề. Đơn giản vì họ phải vừa vào game vừa theo dõi các hoạt động của khách hàng, thống kê và phân tích nhiều số liệu như tiền có lạm phát hay không, đồ có rớt ra quá nhiều hay không…
Ngoài ra, chuyện phải thức thâu đêm suốt sáng mỗi khi có dự án mới cũng là chuyện mà đội ngũ vận hành luôn gặp. Lúc này khái niệm chơi để thư giãn không còn thích hợp nữa mà là nghĩa vụ và trách nhiệm, thậm chí một số người còn không chịu nổi áp lực mà phải bỏ biệc, đơn giản vì chế độ đãi ngộ, lương lậu của GM luôn thấp mà lại vất vả.
Fix lỗi là chuyện nằm ngoài tầm với của NPH
Đối với bất kỳ game thủ nào, bắt gặp lỗi in-game cũng làm họ khó chịu. Những lỗi này có thể trải dài từ nhỏ nhặt như không nhặt được đồ, NPC biến mất… cho tới lớn hơn như vấn nạn hack, dupe đồ gây mất cân bằng… Dĩ nhiên lúc đó đối tượng bị kêu ca, phàn nàn luôn là NPH.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng những tựa game về Việt Nam hầu hết đều mua từ nước ngoài, NPH nội địa gần như không thể chỉnh sửa bất cứ thứ gì mà không hỏi ý kiến đối tác, thông thường khi một lỗi xuất hiện, nếu nó không quá lớn thì họ phải đợi tập hợp lại cho đủ số lượng cần thiết rồi mới gửi sang NSX để fix một thể.
Video đang HOT
Lỗi dupe đồ thường là vấn đề rất đau đầu mà NPH không thể giải quyết sớm.
Quá trình ấy rất mất thời gian, nhiều khi ngay tại NSX thì đội ngũ phát triển cũng đang bận bịu với dự án mới, họ không có người để đảm trách fix lỗi game cũ nên lại càng chậm chạp hơn. Đó là lý do vì sao mà dù một bug rất đơn giản nhưng NPH lớn nhất tại Việt Nam cũng bó tay trong nhiều tuần lễ.
Vấn nạn trên chỉ có thể khắc phục khi Việt Nam tự sản xuất được game, khi đó việc kiểm soát chất lượng sẽ dễ dàng và bớt nhiêu khê hơn bao giờ hết. Chẳng thế mà VTC Game, VNG hoặc FPT không tiếc khi chi hàng vài chục tỷ để xây dựng studio phát triển riêng.
Hiếm có chuyện “tuồn đồ” ra ngoài
“Ông quen với GM hả, bảo họ cho tôi ít đồ khủng với”, đó là câu cửa miệng của không ít game thủ khi biết bạn mình quen biết hoặc đang làm trong NPH nào đó. Họ nghĩ đơn giản rằng đã là người vận hành game thì muốn cho ai đồ gì cũng được, muốn tăng cho account nào đó bao nhiêu level cũng không sao.
Trái với nhiều người nghĩ, GM thường không thể can thiệp vào database game.
Thế nhưng sự thật hoàn toàn trái lại, tại các NPH lúc này chuyện GM hoặc nhân viên vận hành game có thể “tuồn đồ” ra chợ đen là điều cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi. Dĩ nhiên trước đây đã từng có vài phi vụ lớn, nhưng sau đó doanh nghiệp bắt đầu bảo mật tốt hơn, đưa ra nhiều hình thức quản lý thông minh hơn để ngăn chặn chuyện đó tiếp diễn.
Nhiều GM dù suốt ngày gắn bó với game nhưng họ hoàn toàn không có quyền can thiệp vào database, khâu kiểm soát lượng tài sản ảo ra vào trong một ngày cũng được thống kê thường xuyên để đối chiếu với doanh thu. Nếu có bất kỳ sai khác nào thì người chịu trách nhiệm sẽ bị phạt nặng hoặc đuổi việc.
Ai cũng có ngày nghỉ
Đối với game thủ nói chung, họ muốn chơi lúc nào cũng được và không bao giờ có khái niệm về một ngày nghỉ không động đến game trong tuần. Vì thế họ cũng đòi hỏi các NPH phải thường xuyên túc trực dù là ngày lễ quan trọng trong năm mà quên mất rằng các nhân viên tại đó cũng là “người trần mắt thịt” và cũng phải có ngày nghỉ ngơi.
Nghỉ cuối tuần là chuyện rất bình thường, dù là với người làm game.
Thông thường với đa số các NPH, nhân viên được nghỉ hai ngày thứ 7 và CN, chỉ có một bộ phận nhỏ là trực ban. Ngoài ra tất cả các khâu như update, truyền thông đều “khựng” lại vào cuối tuần, từ đó dẫn đến việc nhiều gamer ca thán rằng vì sao không thấy ai quản lý trong ngày này, hoặc vì sao không thấy update sớm…
Dĩ nhiên, những biện luận trên chỉ có thể chấp nhận về mặt tình cảm, vì theo tính chất công việc thì người làm vận hành game không thể nghỉ ngơi khi khách hàng có nhu cầu. Điều này cũng giống như các tờ báo, các trang tin gần như không có khái niệm “nghỉ” vì nhu cầu đọc tin hàng ngày.
Big-update tốn tiền và công sức không kém game mới
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những lần tuyên bố big-update cho một MMO nào đó, một số NPH thường xuyên chậm trễ, bị gamer gọi là “câu giờ” và kêu ca không ngớt. Đơn giản vì mặc dù là big-update nhưng khâu chuẩn bị cho chúng rất vất vả và cũng tương đối… tốn tiền.
Đại diện một NPH từng tâm sự rằng số tiền mà họ phải bỏ ra cho một lần big-update không thua kém gì game mới, khâu dịch thuật rất mất thời gian và nhất là việc hỗ trợ cài đặt từ phía NSX lại không đạt yêu cầu. Phải biết rằng khác với khi mua game mới, phía NSX thường chỉ cử 1, 2 người sang Việt Nam để hỗ trợ update, nếu gặp đúng lúc họ đang thiếu người thì càng chậm hơn.
Big-update thường chậm trễ nếu NPH yếu kém hoặc muốn mặc cả giá quá nhiều.
Đó là chưa kể, thái độ coi thường của một số NSX với thị trường Việt, họ không mấy mặn mà nếu doanh thu của trò chơi không cao và sẽ chọn update cho một quốc gia nào đó trước rồi mới tính đến Việt Nam. Lúc này NPH lại phải thương lượng, trả giá đến hàng tháng trời.
Dĩ nhiên, phần lỗi ở đây vẫn thuộc về NPH vì nếu họ không hứa hẹn thì game thủ đã không mất công đợi chờ và cảm thấy hụt hẫng, tức giận khi không thấy game update đúng hạn.
Theo Game Thủ
Dân cày Việt đã qua thời ngây ngô và dễ tin người
Sau nhiều năm chinh chiến và gặp phải không ít lần chưng hửng, cộng đồng tín đồ ảo nước nhà đã dày dạn kinh nghiệm hơn rất nhiều so với trước, sẽ chẳng dễ dàng gì để "đùa" được họ.
Chặng đường 6, 7 năm trời phát triển của game online tại Việt Nam có thể vẫn chưa thể cải thiện được cái "chất" trong phong cách vận hành cũng như chơi game. Tuy nhiên dù sao nó cũng giúp các tín đồ ảo kinh nghiệm hơn thời 2003-2004 rất nhiều.
Giờ đây không phải cứ sử dụng "đòn gió" trong công tác quảng cáo hay vận hành là các NPH có thể dễ dàng ru ngủ khách hàng. Hãy cùng tìm hiểu những lý do vì sao dẫn tới điều này.
Game thủ Việt tuy ý thức còn kém, nhưng đã "khôn" hơn trước nhiều.
Mở mang dần với game ngoại
Cách đây vài năm, tỷ lệ game thủ trong nước tiếp xúc với MMO nước ngoài còn khá khiêm tốn, chủ yếu do chất lượng đường truyền ra quốc tế còn kém và cấu hình máy tại các quán internet không kham nổi đồ họa 3D. Ngoài ra, do chủ yếu các game online tại thị trường Châu Âu thu phí giờ chơi còn tại Châu Á thì ngăn cách về ngôn ngữ nên việc gia nhập lại càng khó khăn hơn.
Lúc bấy giờ gần như có sự cố gì in-game là các NPH có thể nói ngay là do "đối tác", có phiên bản mới mà thờ ơ không cập nhật thì cũng chẳng ai biết, hoặc giá cả vật phẩm muốn đặt bao nhiêu thì đặt. Thậm chí, các món đồ, trang bị cũng có thể "fix" đi một chút để phục vụ cho quá trình buôn bán dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, giờ đây khi cộng đồng game thủ gắn bó với hàng ngoại nhiều hơn, có người chơi cả hai phiên bản Việt Nam và nước ngoài nên họ biết rất rõ sự chênh lệch ấy. Đơn cử như trường hợp CFrút mất 5 viên đạn bị phát hiện trước đây, hay Atlantica, Xích Bích, Tru Tiên chậm update đều được chỉ rõ ngay tức khắc trên diễn đàn.
Nguồn tin tức dồi dào hơn
Sự phát triển thần tốc của các forum "trung lập" về game kể từ khi GO cập bến cũng là nguồn thông tin cực kỳ quý báu cho người chơi. Khoảng năm 2005, 2006 trở về trước chủ yếu mảng offline chiếm gần hết diễn đàn lớn, thế nhưng hiện tại khu vực dành cho trò chơi trực tuyến luôn nóng hổi hơn cả, số lượng diễn đàn không phụ thuộc NPH tăng lên chóng mặt.
Diễn đàn là nơi trao đổi kiến thức tuyệt vời.
Chính việc các forum "trung lập" nở rộ đã dẫn tới việc các doanh nghiệp không thể "bưng bít" thông tin, rất nhiều vụ việc scandal đã được lôi ra ánh sáng như GM ăn cắp tiền ảo tuồn ra chợ đen, giải quyết chưa thấu đáo, làm việc tắc trách... bắt nguồn từ đây khiến gamer nắm được dễ dàng.
Hơn nữa, các diễn đàn này cũng là nơi bình luận về chất lượng game một cách thoải mái, đi vào thực chất và các topic thuộc dạng "PR" không thể sống nổi. Vì thế trò chơi hay dở ra sao thậm chí khi chưa về nước đã được phẫu thuật kỹ càng, người chơi chỉ cần vài phút tìm hiểu là đã nắm rõ như lòng bàn tay.
Fanpage FB và trang tin nở rộ cung cấp nguồn tin dồi dào.
Ngoài ra, sự góp sức của các phương tiện truyền thông, báo chí trong việc phản ánh tình hình thị trường cũng là thước đo tốt để đánh giá chất lượng vận hành của doanh nghiệp. Phản ánh và bức xúc của người chơi chỉ cần gửi đến là sẽ được điều tra phản ánh chân thực.
"Chai sạn" dần sau mỗi cú lừa
Đúng như người xưa đã dạy, có vấp ngã thì người ta mới trưởng thành, gamer Việt cũng vậy. Số lượng những lần họ "chưng hửng" sau 6, 7 năm lên tới con số khổng lồ mà không ai có thể thống kê nổi, chúng đã trở thành vết nhăn trong trí nhớ và tạo nên con mắt tinh tường hơn, sự đề phòng cao hơn và nhận định vấn đề chín chắn hơn.
Quá nhiều trang teaser giả khiến chúng nhạt dần.
Đơn cử như xu thế quảng bá sản phẩm bằng cách lập website teaser mới vừa xuất hiện cách đây hơn 1 năm nay đã gần như vô tác dụng với cư dân mạng. Hồi cuối năm 2009, FPT Online vừa tung ra trang web Tiếu Ngạo Giang Hồ đã gây xôn xao, sau đó Asiasoft với 5 quân bài ảo quảng bá choThiên Tử tiếp tục thành công, VNG cũng chơi trò này với Ghost Rider, tiếp đến VTC cũng dùng chiêu độc "Cửu Âm Chân Kinh"... nói chung là không thể kể hết.
Còn về chất lượng game, cách nhìn nhận của gamer cũng bắt đầu trực quan hơn rất nhiều, nếu như năm 2008 Chinh Đồ ra mắt và thành công nhờ khâu PR cực tốt, đưa một MMORPG không phải xuất sắc gì vượt qua mặt cả VLTK về doanh thu, thì nay mọi chuyện đã khác. Thất bại của Linh Giới, Danh Tướng, Tinh Võ, Thần Võ, Thiên Tử... đã cho thấy rõ "con mắt" nhìn của tín đồ ảo khác hẳn xưa.
Những tựa game 2D cũ kỹ bị đào thải nhanh chóng.
Nói chung, đánh lừa được gamer Việt Nam bây giờ không phải là chuyện dễ dàng, lời khuyên chung cho các doanh nghiệp đã, đang tồn tại và sắp ra mắt là hãy nói thật, làm thật thì họ mới có cơ hội thành công.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Xuất hiện "quan tài" chơi game khiến dân cày Việt sởn gai ốc Mới đây, một game thủ Gunny đã post trên lên diễn đàn hình ảnh về chiếc "giường đa năng" với tích hợp sẵn cả chăn, ga, gối, đệm cùng màn hình máy tính. Từ trước tới nay, thói quen sinh hoạt vô tổ chức của một bộ phận game thủ không những bị người ngoài đánh giá mà ngay cả những người chơi...