Những sự thật không đẹp đằng sau “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
Nữ tác giả “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” – Laura Ingalls Wilder vừa cho ra mắt một cuốn sách khác viết về những sự thật không đẹp đằng sau vẻ nên thơ của miền thảo nguyên viễn Tây từng được nhắc đến trong “Ngôi nhà nhỏ”.
Lần đầu được xuất bản tháng 11/2014, cuốn “Pioneer Girl” (tạm dịch: Cô gái miền viễn Tây) đã thể hiện cách nhìn chân thực về đời sống của những người dân ở miền Tây nước Mỹ hồi thế kỷ 19 khi đi khai hoang mở đất ở nơi thời tiết khắc nghiệt và điều kiện thiên nhiên không nhiều ưu đãi.
Trước đây, nữ tác giả Laura Ingalls Wilder đã nổi tiếng với loạt tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ” với những câu chuyện được lãng mạn hóa, lý tưởng hóa về một cuộc sống nơi miền quê thanh bình, yên ả và những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng thú vị về đời sống gia đình, đời sống cộng đồng của những người đi khai hoang lập ấp ở miền Tây.
Nếu loạt tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ” để lại dấu ấn đẹp đẽ, êm dịu trong lòng độc giả thì “Cô gái miền viễn Tây” lại là tác phẩm có thể làm thất vọng những ai từng muốn tin vào cuộc sống tươi đẹp, thanh bình của gia đình Ingalls.
Cuốn “Cô gái miền viễn Tây” vừa được xuất bản là bản thảo gốc của tác giả Laura Ingalls, bản thảo này được giữ nguyên vẹn, không biên tập lại khi đem xuất bản.
Đại diện nhà xuất bản chia sẻ: “Chúng tôi quyết định giữ nguyên bản thảo này, bởi nó rất gần gũi với đời sống thực tế của những người đi tiên phong trong phong trào khai hoang ở miền Tây hồi thế kỷ 19. Chúng tôi muốn khắc họa một bức tranh chân thực đằng sau những viễn cảnh tươi đẹp từng được kể trong loạt tiểu thuyết Ngôi nhà nhỏ“.
Tác giả Wilder viết cuốn “Cô gái miền viễn Tây” năm 1930, trong cuốn này, nữ nhà văn đã kể lại chi tiết 16 năm di chuyển liên tục của gia đình Ingalls với bối cảnh là các bang miền Tây nước Mỹ như Kansas, Missouri, Wisconsin, Minnesota và Iowa.
Những thu nhận của nữ nhà văn trong giai đoạn này đã trở thành cơ sở để bà viết bộ tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ” về sau (xuất bản từ năm 1932-1943).
Loạt 11 cuốn tiểu thuyết có tựa chung “Ngôi nhà nhỏ” đã khắc họa một bức tranh nên thơ, tuyệt đẹp về đời sống của những người tiên phong trong công cuộc khai hoang. Trong khi đó, cuốn tự truyện lại khắc họa sự khổ cực, thậm chí bạo lực trong đời sống khốn khó của những con người này. Đây mới chính là thực tế của đời sống miền viễn Tây thế kỷ 19.
Gia đình Ingalls khi đó rất nghèo, họ luôn lâm vào cảnh túng quẫn và thậm chí còn không có nhà, phải đi thuê. Vì vậy, nhiều khi cha của nữ nhà văn đã “chai mặt” không chịu trả tiền nhà. Có những lúc cả gia đình phải khăn gói lên đường lúc nửa đêm để khỏi phải trả tiền thuê tháng cuối.
Video đang HOT
Trong cuốn tự truyện có kể về một người đàn ông, sau khi say xỉn đã khiến bản thân bị bỏng nặng chỉ vì châm một điếu thuốc. Hay như chuyện cô bé Laura Ingalls đang chăm sóc cho một người phụ nữ đau ốm, thì chồng của bà này suýt… cưỡng hiếp cô bé. Laura Ingalls đã chạy thoát được sau khi cố gắng chống trả. Những câu chuyện như vậy không xuất hiện trong loạt tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ”.
Loạt tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ” của Laura Ingalls Wilder – tác giả cũng đồng thời là nhân vật chính dẫn dắt xuyên suốt tác phẩm – đã được chuyển thể lên màn ảnh nhỏ hồi năm 1974. Bộ phim dài hơn 200 tập là một trong những loạt phim truyền hình thành công nhất của Mỹ.
Loạt truyện và phim truyền hình đã được nhiều thế hệ độc giả và người xem yêu thích. Sức hút của “Ngôi nhà nhỏ” chưa bao giờ vơi cạn. Đối với nhiều người Mỹ, Laura Ingalls và những câu chuyện của bà đã tạo thành một phần tuổi thơ của họ.
Số lượng cuốn “Cô gái miền viễn Tây” bán ra đã bất ngờ tăng vọt sau khi nhiều tờ báo của Mỹ viết những bài bình luận về cuốn sách này. Hiện giờ, cuốn sách đang nằm trong top những sách bán chạy của công ty bán lẻ trực tuyến Amazon, trong tuần qua đã có thời điểm tác phẩm vươn lên vị trí đứng đầu.
Lượt in đầu tiên 15.000 ấn bản đã nhanh chóng bán hết trong vài tuần. Lượt in tiếp theo 15.000 bản cũng đã hết và hiện giờ đang là lượt in thứ 3 với 45.000 ấn bản.
Đương thời, cuốn “Cô gái miền viễn Tây” không tìm được nhà xuất bản, vì vậy, nữ nhà văn đã phải chỉnh sửa lại, loại đi những câu chuyện thực tế trần trụi để biến nó thành loạt tiểu thuyết dành cho thiếu nhi với phong cách “cổ tích giữa đời thường”, trong đó có cuốn “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” rất nổi tiếng.
Loạt tiểu thuyết dành cho thiếu nhi đã loại bỏ rất nhiều thực tế không đẹp về cuộc sống của gia đình Ingalls và những người hàng xóm cùng sống trên thảo nguyên, nhiều nhân vật đã được hình tượng hóa, trở nên đẹp đẽ hoàn hảo.
Bích Ngọc
Theo Dantri/ AFP
Bí ẩn cuốn nhật ký "chỉ được công bố khi con tôi đã chết"
Những bí ẩn bủa vây xung quanh những cuốn nhật ký của nữ nhà văn Anh từng giành giải Nobel Văn học - Doris Lessing - sau khi bà qua đời. Di chúc của bà yêu cầu rằng những cuốn nhật ký phải được giữ kín chừng nào con đẻ của bà còn sống.
Yêu cầu của bà Doris Lessing ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm và tò mò đối với những cuốn nhật ký, không biết trong đó có những nội dung gì khiến bà chỉ cho phép công bố rộng rãi sau khi con đẻ của bà đã qua đời...
Sinh thời, nữ nhà văn từng có một đời sống tình cảm khá "phong phú, đa dạng", từ lâu, người ta cũng đã biết rằng bà không thuận hòa với các con của mình. Vì vậy, quyết định khác thường của bà đối với việc công bố nhật ký đã làm dấy lên nhiều sự tò mò. Nữ nhà văn đã qua đời ở tuổi 94 hồi năm 2013, để lại một điền trang trị giá 3 triệu bảng (hơn 96 tỉ đồng).
Nữ nhà văn Doris Lessing yêu cầu rằng các cuốn nhật ký của bà phải được giữ kín chừng nào con của bà còn sống. Sinh thời, bà Lessing có 3 người con, 2 người con của bà đã qua đời.
Những cuốn nhật ký của nữ nhà văn, theo di nguyện, được giữ kín bởi một người bạn lâu năm - tiểu thuyết gia người Anh Jenny Diski.
Chỉ có người viết tiểu sử đã được bà tín nhiệm - Michael Holroyd - được phép tiếp cận với những cuốn nhật ký này. Tuy vậy, dù được bà Lessing chủ động đề xuất thực hiện cuốn tiểu sử viết về cuộc đời bà, nhưng ông Michael Holroyd, hiện đã 79 tuổi, cho rằng mình quá lớn tuổi để có thể đảm đương một cuốn sách như vậy.
Ông Michael cho rằng: "Có thể bà Doris Lessing đã nghĩ những cuốn nhật ký có thể làm tổn thương một số người và bà ấy thấy việc đó là rất không nên...".
Bản thân ông Michael cũng chưa đọc những cuốn nhật ký đó nhưng ông cũng đoán nội dung của những cuốn nhật ký có thể chứa đựng những câu chuyện nhạy cảm về gia đình, về đời sống tình cảm của bà, và bà sợ rằng sẽ khiến con mình buồn khổ nếu những câu chuyện này được công bố rộng rãi cho công chúng.
Theo ông Michael, một cuốn tiểu sử viết về cuộc đời bà Doris Lessing cần phải được thực hiện trong giai đoạn sung sức nhất của bút lực, vì vậy, sẽ có một người viết tiểu sử khác đảm nhận nhiệm vụ thay ông.
Trước đây, bà Doris Lessing chưa từng đưa ra bất cứ giới hạn nào về nội dung của cuốn tiểu sử viết về cuộc đời bà, thậm chí, bà còn cho phép cuốn tiểu sử đó chứa đựng những trích dẫn từ các cuốn nhật ký của mình.
Trong sự nghiệp viết văn, bà Doris Lessing đã sáng tác 54 cuốn tiểu thuyết và trở thành người lớn tuổi nhất từng nhận giải Nobel hồi năm 2007 ở tuổi 88. Tuy ra điều kiện đối với việc công bố những cuốn nhật ký, nhưng bà Lessing không đề cập gì tới việc liệu một cuốn tiểu sử có trích dẫn những nội dung trong nhật ký có được phép xuất bản khi con bà vẫn còn sống hay không.
Vừa qua, ông Ian Patterson (66 tuổi) - chồng của nữ nhà văn Anh Jenny Diski - người đang giữ gìn những cuốn nhật ký, chia sẻ rằng: "Bà Doris Lessing viết ra tất cả mọi suy nghĩ của mình về mọi chuyện xảy ra trong đời sống, vì vậy, bà ấy không muốn mọi người biết quá sớm. Bà ấy là một phụ nữ khá khó tính".
Bà Doris Lessing thời trẻ.
Bà Lessing từng trải qua hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Trong mối quan hệ với các con, bà đặc biệt gặp trắc trở với hai người con đầu có được từ cuộc hôn nhân thứ nhất (1939-1943) với một công chức nhà nước, trong thời kỳ bà còn sống ở đất nước Nam Phi - Rhodesia.
Khi kết thúc cuộc hôn nhân đầu tiên, bà đã chia sẻ rằng lý do là bởi bà muốn trốn chạy khỏi "sự nhàm chán không thể chấp nhận của đời sống nơi đây". Khi trở về Anh, bà đã để hai người con nhỏ ở lại sống với cha. Về sau, ba mẹ con có hàn gắn lại mối quan hệ nhưng không bao giờ được thực sự thân thiết. Người con trai cả của bà đã qua đời năm 1992 ở Zimbabwe.
Nói về việc làm mẹ, bà Lessing có những quan điểm khá "gây sốc": "Từ lâu, tôi đã thấy mình quả là dũng cảm, thực sự chẳng có gì đáng ngán hơn là làm một phụ nữ thông minh nhưng lại phải dành quá nhiều thời gian để chăm sóc trẻ nhỏ. Tôi thấy mình không phải người tuyệt vời trong sứ mệnh nuôi con. Nếu phải làm vậy, tôi sẽ chìm ngập trong rượu hoặc trở nên trầm cảm mất".
Ngay cả với nữ nhà văn Jenni Diski - một người bạn học của người con trai út, sau này đã trở thành bạn văn chương của bà Lessing - giữa họ, đôi khi cũng xảy ra những giai đoạn căng thẳng. Khi Jenni Diski mới 15 tuổi, bà Lessing đã cho phép Diski dọn tới sống ở nhà mình.
Trong khi quan niệm xã hội còn khá khắt khe ở thập niên 1940-1950, thì đời sống tình cảm của bà Lessing ở giai đoạn này lại vô cùng "phong phú", thực tế, bà vẫn duy trì những mối quan hệ ngoài luồng trong cả hai cuộc hôn nhân ngắn ngủi của mình. Khi làm mẹ đơn thân, bà lại càng phóng túng hơn.
Bà Lessing nhận giải Nobel Văn học
Khi qua đời, bà Lessing để lại 100.000 bảng (hơn 3 tỉ đồng) cho con gái Jean Cowen (71 tuổi) - người con duy nhất còn đang sống của bà, hiện đang ở Cape Town, Nam Phi. Bà cũng để lại số tiền tương đương cho nữ nhà văn Jenny Diski (67 tuổi) và một người bạn có tên Christopher Couch.
Con gái bà - Jean Cowen cho rằng: "Mẹ của tôi đã sống một cuộc đời khá phức tạp. Bà ấy là con người phi thường nhất tôi biết. Di chúc của bà thực tế chưa phản ánh được sự hào sảng của bà trong các mối quan hệ với những người xung quanh. Tôi từ lâu đã biết bà rất coi trọng việc viết nhật ký và chúng tôi đã không được phép đọc nhật ký của bà từ rất lâu, thực tế đó không phải điều gì quá khổ sở".
Khi được trao giải Nobel Văn học năm 2007, nữ nhà văn đã dược tôn vinh là "người viết sử thi với những trải nghiệm của nữ giới, đầy tính nghi hoặc, lòng nhiệt huyết và sự khôn ngoan, chín chắn". Tại Việt Nam, những cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Doris Lessing vẫn chưa được các dịch giả chuyển ngữ.
Bích Ngọc
Theo Dantri/ Daily Mail
Ở nơi cô quạnh nhất thế gian Nằm lẻ loi trên sông, chót vót trên vách đá hoặc trốn ra tận thảo nguyên bao la, hẻo lánh, những ngôi nhà đơn độc nhất hành tinh dường như không bao giờ muốn đón khách đến thăm. 1. Chủ nhân duy nhất của cả hòn đảo Là công trình kiến trúc duy nhất trên một hòn đảo ở xứ sở Iceland, nhìn...