Những sự thật gây sốc khác xa trên phim ảnh ở Hàn Quốc
Khi phủ sóng khắp châu Á, phim truyền hình Hàn Quốc đã tô hồng, lý tưởng hóa về một xã hội đẹp đẽ, xa vời.
Khi làn sóng Hàn Quốc “xâm lăng” khắp châu Á, kéo theo đó là những ngôi sao giải trí sang chảnh, những bộ phim truyền hình dày đặc trai xinh, gái đẹp giàu có, sung túc đã tô hồng cuộc sống tại Hàn Quốc, biến quốc gia này trở thành biểu tượng của sự lý tưởng, thiên đường đáng ngưỡng vọng. Nhưng, đằng sau những thước phim gây bão, lại là những câu chuyện khác.
Khoảng cách giàu nghèo xa vời vợi
Năm 2012, khi ca khúc Gangnam Style ra đời và “làm mưa làm gió” toàn cầu, người ta đã bàn về tính trào lộng, về sự giàu có phủ ngập ở khu phố sầm uất Gangnam và cuộc sống nghèo đói đối lập ở ngay gần đó – khu ổ chuột lớn nhất Hàn Quốc có tên Guryong. Năm 2019, khi bộ phim ( Parasite) Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon Ho gây bão màn ảnh thế giới, công chúng một lần nửa phải nhìn thẳng vào khoảng cách giàu nghèo xa vời vợi ở Hàn Quốc.
Ký sinh trùng là bộ phim hiếm hoi dũng cảm xoáy sâu vào bản chất cái nghèo ở xứ kim chi. Có nhiều bộ phim Hàn khác cũng đề cập đến cái nghèo nhưng đa phần mới chỉ nói được cái vỏ hoặc chỉ dùng nó để làm nền cho một chuyện tình cổ tích nào đó.
Khu ổ chuột Guryong. Ảnh: The Guardian.
Sự chênh lệch giàu – nghèo tại Hàn Quốc đang có chiều hướng gia tăng. Đầu tháng 4/2019, Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố kết quả điều tra về phúc lợi tài chính hộ gia đình, trong đó bổ sung thêm một số chỉ số mới so sánh về chênh lệch thu nhập hộ gia đình.
Một trong các chỉ số mới được bổ sung là “tỷ lệ P90/P10,” tức tỷ lệ thu nhập của nhóm 10% có thu nhập cao nhất với nhóm 10% có thu nhập thấp nhất. Tỷ lệ này của Hàn Quốc là 5,79 lần (năm 2017), tăng so với mức 5,74 lần năm 2016.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) coi “tỷ lệ P90/P10″ là thước đo chính để đánh giá về sự bất bình đẳng thu nhập theo từng quốc gia. Tỷ lệ này tăng có nghĩa là bất bình đẳng về thu nhập cũng đang tăng. Điều này chứng tỏ tình trạng phân hóa giàu – nghèo tại Hàn Quốc đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Rất nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc phải sống trong cảnh cô đơn, đói khổ, phải tự mưu sinh. Ảnh: Financial Times.
Năm 2016, OECD thống kê có khoảng 50% người cao tuổi Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo đói, dù khi đó nước này đang là nền kinh tế phát triển thứ 4 châu Á và thứ 11 thế giới.
Phụ nữ – những “nô lệ” xinh đẹp
Những bộ phim tình cảm lãng mạn đã vẽ ra một bức tranh ngọt ngào về cuộc sống của phụ nữ tại Hàn Quốc. Trên thực tế, lối ứng xử lịch thiệp với nữ giới chỉ có trong phim hoặc mang tính hình thức. Đàn ông nước này quan niệm phụ nữ chỉ nên ở nhà nội trợ, chăm con.
Năm 2018, tờ CNN đăng tải một bài viết lý giải vì sao phụ nữ Hàn Quốc không muốn lấy chồng, sinh con. Phỏng vấn một cô gái tên Jan Yun Hwa, CNN nhận được câu trả rằng cô không chỉ thờ ơ với hôn nhân mà còn không muốn yêu đương. Cô lo ngại nguy cơ bị người yêu tung cảnh nóng để trả thù và nạn bạo hành gia đình. Khi được hỏi về cách nhìn của đàn ông với phụ nữ ở Hàn Quốc, Yun Hwa mô tả bằng hai từ “nô lệ”.
Năm 2015, Văn phòng Công tố Hàn Quốc (SPO) đưa ra số liệu chính thức về nạn bạo lực gia đình. Có đến 60% vụ bạo hành bị công tố viên từ chối vào năm 2015 và chỉ có 15,6% là thành công đưa ra xét xử. Tỷ lệ bạo lực gia đình tái phạm sau cảnh cáo tại Hàn Quốc tăng mạnh từ 7,5% năm 2008 lên 32,2% năm 2012.
Video đang HOT
Ngày 7/7, dư luận châu Á chấn động vì vụ chồng Hàn bạo hành man rợn người vợ Việt trong suốt 3 giờ đồng hồ.
Tại Hàn Quốc, trong hầu hết mọi cuộc xung đột, nếu không có bằng chứng rõ ràng, phụ nữ là đối tượng bị chỉ trích trước tiên. Điển hình là vụ ly hôn giữa Song Joong Ki và Song Hye Kyo gần đây. Mặc dù nguyên nhân chính xác dẫn đến việc cặp đôi đường ai nấy đi vẫn chưa được làm rõ, không ít cư dân mạng Hàn đã vội vàng mỉa mai và đổ lỗi cho Song Hye Kyo.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) gần đây cho thấy quốc gia này chỉ đứng thứ 115/149 về bình đẳng giới, kém hơn cả Việt Nam (77/149).
Không chỉ là nạn nhân của bạo lực và bị đối xử bất công trong gia đình, phụ nữ Hàn Quốc còn bị xem nhẹ tại nơi làm việc. Đứng trước cơ hội xây dựng sự nghiệp, họ lép vế hơn hẳn đàn ông. Những ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc như KB Kookmin Bank, KEB Hana Bank và Shinhan Bank từng bí mật loại bỏ hồ sơ của các nữ ứng cử viên và tự động nâng điểm thi tuyển đầu vào cho nam ứng viên.
Kpop và những trò biến thái, bóc lột sức lao động
Khán giả đã quá quen với hình ảnh những ngôi sao giải trí ăn mặc lộng lẫy, sống sang chảnh với vô vàn người hâm mộ vây quanh. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng và đẹp đẽ đó là những thác loạn cùng vấn nạn bóc lột sức lao động nhức nhối.
Công nghiệp giải trí của Hàn Quốc có thể xuất khẩu đến nhiều quốc gia, tạo ra sức mạnh văn hóa toàn cầu trị giá hàng tỷ USD. Nhưng những bê bối, thuốc phiện thời gian qua đã tạo ra cơn địa chấn chưa từng có, rung chuyển thế giới Kpop.
Trong một tuần của tháng 3, có tới 4 thần tượng Kpop nổi tiếng xin lỗi, tuyên bố rút khỏi showbiz sau khi lộ những cuộc trò chuyện trong nhóm chat. Họ lập thành một nhóm ca sĩ thân thiết, trong đó có Seungri (cựu thành viên Big Bang) trên mạng xã hội. Thay vì nói về âm nhạc hay vũ đạo, các chàng trai này chia sẻ video quan hệ, ảnh nhạy cảm với các cô gái. Họ thản nhiên nói về chuyện quay video bằng camera giấu kín.
Bê bối liên quan đến hiếp dâm, môi giới mại dâm và quay lén clip đồi trụy của Seungri và những người bạn hồi tháng 3 khiến làng giải trí châu Á sốc nặng.
Thần tượng tại Hàn phải trải qua quá trình tập luyện và đào thải khắc nghiệt. Chuyên gia văn hóa Jang Duk Hyun cho biết ở Hàn Quốc, các lò đào tạo được gọi là trại huấn luyện quân sự. Các thực tập sinh được tuyển dụng, kiểm soát, nhào nặn thành thần tượng hoàn hảo về giọng hát và cả ngoại hình. Hơn một thập kỷ qua, không ít nghệ sĩ đã lên tiếng tố cáo sự bóc lột của các công ty giải trí. Họ công khai cả bản hợp đồng cấm nghệ sĩ hẹn hò.
Theo CNN, các ngôi sao Kpop từ lâu đã được “bảo vệ chặt chẽ”, sống với hình tượng sạch phía sau sân khấu. Nhưng họ lại được yêu cầu phát hành những sản phẩm âm nhạc có yếu tố “phạm pháp”. Nhiều năm qua, khán giả đã quen với hình ảnh các ca sĩ nữ mặc gợi cảm, váy áo bó sát và thể hiện những động tác vũ đạo gợi dục trên sân khấu. Trong các MV của nhóm nhạc nam, vũ công nữ gợi cảm mê hoặc trước ống kính là điều không thể thiếu.
Học hoặc chết, nhiều bằng cấp quan trọng hơn nhiều tiền
Bên cạnh đó, bằng cấp, hình thức là điều kiện quan trọng nhất quyết định tương lai của một người tại Hàn Quốc. Ở Việt Nam, học đại học chỉ là một trong số những con đường dẫn đến thành công. Nhưng ở xứ kim chi, muốn có được một chỗ đứng trong xã hội, người trẻ chỉ được chọn giữa việc điên cuồng học hoặc ngay lập tức bị đào thải.
Tại Hàn Quốc, phụ huynh và học sinh cạnh tranh gay gắt để giành được một suất vào trường đại học danh tiếng. Họ cho rằng đó là lợi thế lớn nhất cho sự nghiệp giới trẻ sau này. Vì vậy, học sinh Hàn ôn thi đại học từ rất sớm, bắt đầu từ lúc 13-14 tuổi. Ngoài ra, họ còn đổ xô tham gia các lớp học thêm hay tìm gia sư kèm cặp. Học sinh bậc trung học ở Hàn Quốc thường đi học từ 8h30 sáng và trở về nhà vào lúc 11h đêm.
Năm 2015, chính phủ Hàn Quốc ước tính ngành dịch vụ gia sư có tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD. Thông thường khoảng 25% thu nhập của các bậc cha mẹ Hàn là dùng để lo tiền học cho con.
Phụ huynh Hàn Quốc cầu nguyện cho con cái đỗ đạt trong kỳ thi đại học tại đền Jogye ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP.
Chạy đua để học, cạnh tranh gay gắt để vào được trường danh tiếng nhưng trong 3 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn đã tăng mạnh, nhất là với những lao động có bằng đại học.
Tỷ lệ tự tử của nước này cũng tăng cao từ năm 2000 cho đến hiện tại với đối tượng trải khắp từ học sinh, sinh viên, người lớn cho đến người già, nữ giới cho tới nam giới. Số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy Hàn Quốc là một trong những quốc gia đứng đầu về tỷ lệ tự tử.
Theo zing.vn
Điệu nhảy ngớ ngẩn 'Gangnam Style' và sự cay đắng ở 'Ký sinh trùng'
Với "Gangnam Style" hay "Ký sinh trùng", người Hàn Quốc đang cho thế giới thấy khả năng gây bão đẳng cấp của họ.
Năm 2012, điệu nhảy ngựa Gangnam Style của rapper người Hàn, PSY (Park Jae Sung) làm "rung chuyển" thế giới. Ở khắp mọi nơi, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, người ta nói về Gangnam Style, người ta hát "Oppan Gangnam Style" (Anh có phong cách Gangnam) và nhún nhảy theo điệu nhảy ngựa trứ danh, như một cơn bão văn hóa.
Lời giễu nhại đằng sau một điệu nhảy tưởng như ngớ ngẩn
Ra mắt tháng 7/2012, MV Gangnam Style khi ấy khiến cả thế giới choáng váng với những con số nhảy vọt từng giờ về lượt truy cập. Điều gì hấp dẫn ở hình ảnh một rapper có phần thừa cân, quê mùa nhắc đi nhắc lại một điệp khúc "anh có phong cách Gangnam"?
Điệu nhảy Gangnam Style từng làm mưa làm gió của rapper người Hàn - PSY.
Gangnam là một góc của Seoul. Từ những năm 1970 thế kỷ trước, sự phát triển bùng nổ về kinh tế đã biến Gangnam trở thành một biểu tượng về sự xa hoa, giàu có ở Hàn Quốc. Giới siêu giàu đổ về đây biến Gangnam thành nơi tập trung của những biệt thự trong mơ, siêu xe, hàng hiệu xa xỉ.
Gangnam Style với hình ảnh một rapper thừa cân, ăn mặc quê mùa lòe loẹt, nhắc đi nhắc lại điệp khúc "anh có phong cách Gangnam", đã giống như một sự giễu nhại, đả kích lối sống trưng trổ, khoe mẽ của giới nhà giàu, xa xỉ ở Gangnam.
MV với những phân cảnh không ăn nhập, không theo kịch bản, lời bài hát đơn giản và điệu nhảy ngựa tưởng như ngớ ngẩn lại chứa đầy sức nặng của sự trào lộng. MV được yêu thích khắp thế giới. Những chính khách hàng đầu, những ngôi sao danh tiếng của châu Á, châu Mỹ cũng tập điệu nhảy ngựa để thể hiện mình đang bắt kịp xu hướng.
Đúng vào thời điểm Gangnam Style đang "làm mưa làm gió" khuấy đảo khắp thế giới, người ta đã bàn về tính trào lộng, về sự giàu có phủ ngập ở Gangnam và cuộc sống nghèo đói đối lập ở ngay gần đó, khu ổ chuột lớn nhất Hàn Quốc có tên Guryong.
Guryong được coi là biểu tượng của sự phân cách giàu nghèo ở xứ sở kim chi, đã tồn tại qua nhiều năm tháng. Nằm dưới bóng của khu xa xỉ Gangnam là rất nhiều mảnh đời cùng khổ, là những căn nhà dựng tạm tồi tàn, những phận người mưu sinh vất vả, những cuộc sống thiếu thốn tận cùng.
Ảnh chụp khu ổ chuột Guryong năm 2014 của The Guardian.
Cùng với cơn bão Gangnam Style, nhiều tờ báo danh tiếng thế giới đã đổ về khu ổ chuột Guryong để chụp ảnh, viết bài về những phận người nơi đây, cho thấy sự đối lập, khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo ở Hàn Quốc.
"Quận Gangnam giàu có rất nổi tiếng vì Gangnam Style. Đó cũng là khu mua sắm, cửa hàng, quán bar, hộp đêm và nhà hàng xa xỉ, nơi mà giới sao Hàn thường xuyên ghé qua. Nhưng ngay cạnh đó là một khu ổ chuột lớn nhất ở Seoul với những căn chòi dựng tạm bợ bằng những tấm gỗ và tấm bạt, là nơi trú ngụ của nhiều người nghèo", hãng AP so sánh.
7 năm sau, một tác phẩm điện ảnh với cách kể gây sốc về khoảng cách giàu - nghèo ở Hàn Quốc lại gây bão, đó là Ký sinh trùng.
Ký sinh trùng - một câu chuyện đầy ám ảnh
Ký sinh trùng - một tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho đang nhận cơn mưa lời khen từ giới mộ điệu điện ảnh thế giới.
Trên khắp những diễn đàn về phim, người ta vẫn xôn xao phân tích về ý tứ ẩn dụ của bộ phim Hàn Quốc đầu tiên giành giải Cành cọ vàng.
"Ký sinh trùng hay đến nghẹt thở, nhìn vào đâu cũng thấy ẩn dụ" - khán giả bình luận. Từ những chiếc tất trên dây phơi trước cửa nhà đến tảng đá của khát vọng và gánh nặng, hay trận mưa mà người giàu gọi là "phước lành", còn người nghèo thì ngập ngụa trong bi kịch. Tất cả đều khiến người quan tâm đến điện ảnh phải tốn "giấy mực" mổ xẻ.
Nhưng giữa rất nhiều ẩn dụ đắt giá đó, chi tiết xuyên suốt và gây ám ảnh hơn cả có lẽ là hình ảnh của những bậc cầu thang, cũng là biểu tượng cốt tủy trong thông điệp giàu - nghèo của tác phẩm.
Ông Ki-taek và vợ con mình sống trong căn nhà bán hầm.
Như nhiều đạo diễn của dòng phim nghệ thuật, Bong Joon-ho là người coi trọng chi tiết. Chi tiết cũng là thứ làm nên sự khác biệt tài hoa của Bong Joon-ho, làm nên dư âm ám ảnh khi phim hạ màn.
Hình ảnh cầu thang trong Ký sinh trùng là một dẫn chứng điển hình. Cầu thang, thứ vốn có thể bị coi là một hình ảnh "chết" nhưng qua sáng tạo của Bong lại thành chi tiết ấn tượng về thông điệp.
Cầu thang xuất hiện liên tiếp, từ đầu đến cuối trong Ký sinh trùng. Nhà ông Ki-taek (Song Kang-ho) với 4 thành viên nghèo khổ hay nhà ngài Park (Lee Sun-kyun) sang trọng đều có những cầu thang. Bản chất công dụng không khác biệt nhưng ý nghĩa biểu đạt thì hoàn toàn khác.
Nhà Ki-taek có hai cầu thang xuất hiện trong phim. Cầu thang đầu tiên được dùng để đi từ con ngõ nhỏ xuống nhà. Vì căn nhà ở tầng bán hầm, thấp hơn mặt đường nên cầu thang nhà Ki-taek nhằm mục đích đi xuống, xuống một nơi ẩm thấp và chật chội.
Cầu thang thứ hai nằm ở trong nhà và được dùng để đi lên toilet. Toilet cũng là nơi cao nhất trong căn nhà của Ki-taek. Đó là nơi duy cậu con trai cả Ki-woo (Choi Woo-sik) bắt được "wifi chùa", còn cô con gái Ki-jung (Park So-dam) có thể "lánh nạn" ngập lụt và hút một điếu thuốc.
Trái ngược với một gia đình mà bề mặt sống còn thấp hơn cả toilet, nhà ngài Park lại là những bậc cầu thang đi lên liên tiếp. Để bấm được chuông cổng nhà Park, cần phải đi lên cao. Và để vào được phòng khách nhà Park lại phải đi thêm những bậc thang nữa. Bởi vì, nhà Park nằm trên một sườn đồi rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh và cao hơn mặt bằng chung. Tất yếu cũng khác "một trời một vực" so với không gian nhà Ki-taek.
Rõ ràng, cầu thang là thứ thể hiện khoảng cách về thứ bậc và sự khác biệt trong cảnh sống của hai gia đình, một bên giàu có thượng lưu, bên kia nghèo khổ, tăm tối. Và có lẽ cũng rất khó để tìm một hình ảnh nào khác mang giá trị biểu đạt cho thông điệp tác phẩm tốt hơn, nếu không phải là những bậc cầu thang.
Bậc thang lên toilet được xem là một ẩn dụ trong phim.
Ngoài mang tính thông điệp về khoảng cách giàu - nghèo, hình ảnh cầu thang còn đóng vai trò làm nút thắt trong cấu trúc điện ảnh 3 hồi của Ký sinh trùng. Càng về sau, vai trò của cầu thang trong phim càng trở nên đắt giá.
Có người "lăn lông lốc" ở cầu thang và cũng có người đã chết ở cầu thang. Cầu thang trong Ký sinh trùng trở thành thứ chứng nhân cho mọi thứ: giàu nghèo, tình thương vợ chồng, gia đình, đạo đức lẫn những ác độc, sợ hãi của các "ký sinh trùng".
Không phải ngẫu nhiên người ta khen Bong Joon-ho dũng cảm dù câu chuyện về khoảng cách giàu nghèo vốn chẳng xa lạ trong điện ảnh. Nhiều bộ phim từng nói về đề tài này và đó cũng là thực trạng tồn tại ở bất cứ quốc gia nào.
Nhưng Bong Joon-ho đáng được khen ngợi vì công nghiệp giải trí Hàn Quốc nhiều năm nay đã xây dựng nên rất nhiều những mỹ miều, đẹp đẽ.
Những ngôi sao giải trí hào nhoáng, những bài hát, những bộ phim truyền hình dày đặc "trai xinh, gái đẹp" giàu có, sung túc đã tô hồng cuộc sống biến Hàn Quốc trở thành biểu tượng của sự lý tưởng, thiên đường, đáng ngưỡng vọng.
Ít ai biết, đằng sau sự phát triển như vũ bão của công nghiệp giải trí, đằng sau những tòa nhà xa hoa, tráng lệ vẫn là những góc tăm tối bế tắc, là những phận người, cảnh đời cùng khổ.
Theo zing.vn
100 năm điện ảnh Hàn: 6 điều có thể bạn chưa biết! Kỷ niệm 100 năm điện ảnh Triều Tiên nói chung và Hàn Quốc nói riêng diễn ra đúng lúc đạo diễn Bong Joon Ho mang về giải thưởng danh giá Cành cọ vàng đầu tiên cho điện ảnh xứ Kim chi tại Liên hoan Phim Cannes 2019 với bộ phim Parasite. Ông xem đây là quà tặng vô giá cho 100 năm điện...