Những sự thật “động trời” về thuốc kháng sinh
Một nhà vi trùng học hàng đầu tuyên bố, lượng thuốc kháng sinh chúng ta hấp thu từ thịt và các sản phẩm bơ sữa có thể là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện bí ẩn của hàng loạt bệnh dịch thời hiện đại, chẳng hạn như bệnh tiểu đường thời thơ ấu, hen suyễn…
Ngoài đường uống trực tiếp, thuốc kháng sinh đang âm thầm xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua dư lượng tồn đọng trong các thực phẩm chế biến từ thịt, trứng, sữa của động vật chăn nuôi. Ảnh minh họa: Alamy
Cho tới hiện tại, quan ngại chính về thuốc kháng sinh là, việc lạm dụng chúng trong y học hiện đại đang tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2011, mỗi năm ở riêng châu Âu đã có 25.000 người chết vì các nhiễm trùng do những vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây ra.
Tuy nhiên, đây không phải là lo lắng duy nhất về thuốc kháng sinh. Theo nhà vi trùng học hàng đầu người Mỹ, tiến sĩ Martin Blaser, ngày càng có nhiều bằng chứng về việc thuốc kháng sinh khiến con người phát phì.
Thuốc kháng sinh làm tăng hấp thu clo, “vỗ béo” người
Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, ông Blaser cho biết, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, các nhà nghiên cứu nông nghiệp đã tiến hành tìm hiểu xem liệu thuốc kháng sinh streptomycin có thể làm giảm tỉ lệ tử vọng ở những con gà nuôi nhốt hay không.
Khi cho những con gà con mới 1 ngày tuổi sử dụng liều cao loại thuốc kháng sinh mới này, họ kinh ngạc phát hiện, họ đã tạo ra một dòng “siêu gà” mới. Những con gà con này không chỉ thoát khỏi những căn bệnh thường tấn công chúng, mà trong 4 tuần còn lớn gấp đôi những cá thể cùng lứa không được dùng streptomycin.
Vào thời điểm đó, người ta vẫn chưa rõ tại sao thuốc kháng sinh mới, vốn được sản xuất để chống vi khuẩn, lại có ảnh hưởng như vậy, nhưng không ai dừng lại để nghiên cứu. Đột phá đã nhanh chóng được ngành công nghiệp chăn nuôi khắp thế giới ứng dụng để tăng năng suất.
Tuy nhiên, hiện nay, gần 70 năm sau, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, thuốc kháng sinh trong thịt mà chúng ta ăn đang “vỗ béo” chúng ta như trâu bò, lợn, gà và cừu bị ép dùng thuốc để tăng trọng, làm lợi cho các trang trại. Những loại biệt dược này thậm chí có thể là căn nguyên dẫn đến đại dịch béo đang càn quét các nước phát triển.
Một trong những thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào năm 1951 từng hé lộ, 10 đứa trẻ sinh non ở Italia, được cho dùng thuốc kháng sinh chlortetracycline hàng ngày đã nặng cân hơn 8% so với những đứa trẻ không dùng thuốc.
Trong cuộc nghiên kéo dài từ năm 1991 – 2006, tiến sĩ Blaser và các cộng sự đã theo dõi tình trạng sức khỏe của 14.500 phụ nữ và con cái của họ. Các chuyên gia nhận thấy, những đưa trẻ sử dụng thuốc kháng sinh trong 6 tháng đầu đời cũng béo hơn nhóm còn lại.
Video đang HOT
Ông Blaser lí giải, mỗi người chúng ta là nơi dung chứa một “quần xã vi sinh vật” quy tụ tới hơn 100 ngàn tỉ vi sinh vật “thân thiện” với trọng lượng tổng cộng có thể lên tới 2kg. Thuốc kháng sinh có thể thay đổi sự cân bằng phức tạp của môi trường bên trong cơ thể người này, dẫn đến sự biến đổi cách cơ thể xử lý đường và chất béo, khiến chúng ta hấp thu nhiều calo hơn.
Thuốc kháng sinh âm thầm xâm nhập cơ thể người từ thức ăn
Điều đáng lo ngại là, theo tiến sĩ Blaser, không chỉ do con người sử dụng trực tiếp, thuốc kháng sinh đang âm thầm xâm nhập vào cơ thể chúng ta thông qua thức ăn, đồ uống.
Một nghiên cứu công bố năm ngoái trên tạp chí Frontiers in Public Health khẳng định, sự gia tăng chứng béo phì nhanh chóng ở Mỹ trong 20 năm qua thực tế bắt nguồn một phần từ việc đông đảo người dân tiếp xúc lâu dài với một lượng nhỏ thuốc kháng sinh đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của họ trong cùng thời gian.
Các chuyên gia nhận định, khi động vật được cho dùng thuốc kháng sinh, một số biệt dược này có thể vẫn tồn tại trong những sản phẩm chế biến từ cơ thể chúng, như thịt, trứng, sữa, … và đi vào bữa ăn của mỗi hộ gia đình.
Chẳng hạn như, thịt và sữa ở Mỹ và châu Âu có thể được phép chứa tới 100 microgram tetracycline (một kháng sinh phổ rộng cũng dùng cho người) trong mỗi kg thực phẩm. “Điều này đồng nghĩa, một đứa trẻ uống 2 cốc sữa/ngày sẽ tiêu thụ khoảng 50 microgram mỗi ngày, hết ngày này sang ngày khác”, ông Blaser lấy ví dụ.
Và sự tích lũy kháng sinh suốt thời gian dài được cho có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ vi sinh vật bên trong cơ thể chúng ta, dẫn đến những thay đổi có khả năng làm phát sinh bệnh tật, cũng như làm trầm trọng hóa tình trạng trỗi dậy của các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Theo Vietnamnet
VN "chiếm huy chương vàng về lớn thuốc kháng sinh vì dùng thuốc vô tội vạ"
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, nước mình chiếm huy chương vàng về lờn thuốc kháng sinh vì dùng thuốc vô tội vạ, nhất là ở trẻ con.
Nếu nghĩ lạm dụng thuốc là chuyện chỉ có ở các nước thừa thuốc, thừa tiền thì lầm.
Vào hai thập niên trước, lúc nền kinh tế không khủng hoảng, khi nạn thất nghiệp chưa là gánh nặng của toàn xã hội, nước Đức được các quốc gia khác ở châu Âu đặt cho cái tên vừa khen vừa trách là "kho dược của thế giới" do số lượng thuốc men dư thừa ở nước này.
Hiện nay, tuy kinh phí dành cho y tế rõ ràng vẫn đang thâm hụt đến độ khâu nào cũng phải thắt lưng buộc bụng, ở Đức vẫn đang có không dưới 70.000 mặt hàng dược phẩm, trong số đó gần 40% là thuốc chỉ bán theo toa.
Đáng nói hơn nhiều, theo tiếng kêu báo động ai oán của hiệp hội dược phẩm ở Đức, là tình trạng người dân dùng thuốc quá nhiều, mặc dù thầy thuốc bên đó bị các hãng bảo hiểm y tế trói tay thật chặt để không thể biên toa hào phóng như bên mình.
Bệnh thêm vì thuốc
Vì dùng quá nhiều dược phẩm từ nhiều hãng sản xuất khác nhau nên thầy thuốc có muốn cũng không thể kiểm soát phản ứng tương tác bất ngờ giữa các loại thuốc trong một toa thuốc. Một mặt, các hãng thuốc có mong cũng không thể thực hiện mô hình xét nghiệm để kiểm định phản ứng bất lợi của sản phẩm gà nhà với mấy chục ngàn dược phẩm khác.
Mặt khác, thầy thuốc cho dù có tận tâm cách mấy cũng khó lòng trở tay cho kịp nếu người bệnh bên cạnh toa thuốc của thầy này lại dùng thêm toa của bác sĩ chuyên khoa khác. Đừng quên là hầu như ngày nào ở Đức cũng có thêm vài loại thuốc mới thuộc loại bán không cần toa trong các cửa hàng kinh doanh với sức khỏe.
Ai cấm nổi bệnh nhân cần tìm đâu đó một chút hy vọng? Nói chi chuyện uống trật, người dân nước Đức đã bao lần xôn xao chuyện chết toi vì uống đúng thuốc, như trường hợp bệnh nhân mất mạng sau khi nhỏ mắt theo đúng toa thuốc của bác sĩ nhãn khoa, chẳng qua vì trong thuốc nhỏ có hoạt chất ảnh hưởng trên huyết áp trong khi bệnh nhân đang uống thuốc hạ huyết áp theo y lệnh của bác sĩ tim mạch. Hậu quả của hai mặt giáp công khiến tim ngừng đập!
Lạm dụng thuốc ở xứ mình chắc chắn đang và sẽ tiếp tục là vấn nạn của sức khỏe cộng đồng.
Không đục nước khó béo cò
Không kể đến kinh phí cả tỉ euro phải mất hằng năm vì chi phí điều trị hậu quả của lạm dụng thuốc, đáng lo hơn nhiều là số tử vong ở Đức vì phản ứng tương tác bất lợi do dùng nhiều thuốc cao gấp bốn lần số nạn nhân mất mạng vì tai nạn giao thông. Đó cũng là động cơ khiến ngành dược ở Đức đã từ nhiều năm mạnh dạn vận động mọi người tìm cách giới hạn mức độ nguy hại của việc lạm dụng thuốc bằng một số biện pháp cụ thể như:
- Hoàn chỉnh chức năng kiểm soát phác đồ điều trị chuyên khoa thông qua sự can thiệp của bác sĩ gia đình để tránh tình trạng múa gậy vườn hoang của thầy thuốc.
- Cải thiện chức năng tư vấn của nhà thuốc, đồng thời với giải pháp thống kê vi tính tất cả dữ liệu liên quan đến thói quen dùng thuốc của mỗi bệnh nhân để y sĩ đoán kịp thời can thiệp khi phát hiện dấu hiệu lạm dụng thuốc theo kiểu một toa dùng cả năm.
- Tăng cường biện pháp thông tin giáo dục y tế trên phương tiện truyền thông đại chúng để người bệnh góp phần kiểm soát công việc của thầy thuốc.
- Giới hạn việc lạm dụng liệu pháp đặc hiệu thông qua biện pháp hội chẩn bắt buộc của các thầy thuốc chuyên khoa, thay vì mạnh ai nấy chữa, phước chủ may thầy.
Trông người mà ngẫm đến ta
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nước mình có mặt trong danh sách dùng thuốc quá nhiều nếu tính trên bình quân đầu người.
Đó là chưa kể đến các mặt hàng đông dược, thực phẩm chức năng đang thả nổi vì thiếu biện pháp chế tài. Lạm dụng thuốc ở xứ mình chắc chắn đang và sẽ tiếp tục là vấn nạn của sức khỏe cộng đồng vì thử hỏi có bao nhiêu:
Người bệnh tự động mua thuốc không cần y lệnh của thầy thuốc?
Bệnh nhân đang "bị" điều trị cùng lúc bởi nhiều thầy thuốc chuyên khoa không hề hội ý với nhau?
Người mua thuốc chưa bao giờ được tư vấn về liệu trình, liều lượng và tác dụng phụ ở nhà thuốc?
Khách hàng mua thuốc chỉ được bán theo toa nhưng không cần toa vì nhà thuốc thuận mua vừa bán?
Toa thuốc có cả chục loại thuốc đặc hiệu được dùng năm này qua tháng khác mà không cần tái khám?
Thực phẩm chức năng được quảng cáo cường điệu như thần dược trị bá bệnh dù chưa hề được xác minh tác dụng qua nghiên cứu theo tiêu chí thực nghiệm?
Sản phẩm Đông dược theo kiểu "gia truyền" được chào hàng tràn lan theo kiểu đa cấp dù không ai biết rõ hư thực thế nào, độc tính ra sao?
Sức khỏe phải gắn liền với túi tiền. Đừng quên là người dân xứ mình vẫn chưa có thu nhập bằng người Đức. Ấy thế mà số dược phòng ở TP.HCM nhiều hơn ở Frankfurt! Ấy thế mà nhiều loại thuốc, nhất là thực phẩm chức năng có giá bán cao hơn bên Đức! Càng nói về bệnh, về thuốc ở xứ mình càng "nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào"!
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Pháp luật TPHCM
5 nguyên nhân không ngờ gây bệnh tiêu chảy Đôi lúc bạn bị tiêu chảy mà không rõ tại sao. Dưới đây là một số nguyên nhân bạn ít ngờ tới có thể gây kích thích ruột khiến bạn bị tiêu chảy: 1. Ăn nhiều chất ngọt nhân tạo Chất ngọt nhân tạo được tìm thấy trong nhiều sản phẩm không đường gồm kẹo cao su, kẹo, thuốc ho, đồ uống thể...