Những sự kiện chính trị-xã hội đáng chú ý năm 2013
Chỉ còn gần 10 ngày nữa năm 2013 sẽ đi qua. Để có cái nhìn toàn cảnh, chúng tôi xin điểm lại những sự kiện chính trị – xã hội nổi bật nhất trong năm vừa qua.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam đã qua đời lúc 18h08 ngày 4/10/2013 tại Viện Quân y 108 (Hà Nội), thọ 103 tuổi. Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức vào 2 ngày 12/10 và 13/10. Lễ an táng Đại tướng được tổ chức tại Quảng Bình – Quê nhà Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ra đi mãi mãi
Trong lễ Quốc tang Đại tướng, hàng triệu người xếp hàng dài 40 km đường từ Nhà tang lễ ra đến sân bay. Trên suốt chặng đường tiễn đưa Đại tướng, người dân bật khóc, vẫy chào, gọi tên vị anh hùng dân tộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thông qua Hiến pháp (sửa đổi)
Sáng 28/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi).
Trong tổng số 488 ĐB Quốc hội, chiếm 97,99% tham gia biểu quyết, đã có 486 ĐB tán thành, chiếm 97,59%. Có 2 ĐB không biểu quyết, không có ĐB không tán thành.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59% ĐB tán thành.
Thiên tai tàn phá dữ dội
Trong năm 2013, bão, lũ lụt, triều cường đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà.
Trong đó, kinh hoàng nhất là siêu bão Haiyan (bão số 14). Trước khi đổ bộ vào Việt Nam, bão Haiyan đã tàn phá Philippines, khiến ít nhất 6.000 người chết. Khắp nơi tại miền Trung Philippines là khung cảnh hoang tàn, đổ nát, tang thương sau siêu bão.
Sau khi tấn công Việt Nam, siêu bão Haiyan khiến 13 người chết và 81 người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, cây cối gãy đổ hàng loạt.
Trước đó, cơn bão Nari (bão số 11) đổ bộ vào khu vực miền Trung – Tây Nguyên ngày 14/10 đã khiến 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và mất tích.
Bão lũ vẫn là nỗi kinh hoàng đối với người dân miền Trung
Video đang HOT
Bão Wutip (bão số 10) cũng là một cơn bão có sức tàn phá lớn, khiến 8 người chết, 199 người bị thương, gây thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh miền Trung,
Trong những tháng vừa qua, người dân TP.HCM cũng khốn khổ khi phải đối mặt với triều cường lịch sử. Nhiều tuyến đường, nhà cửa ngập sâu trong nước, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Rúng động án oan 10 năm
Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) đã bị bắt và kết án tù chung thân vì tội Giết người.
Trong thời gian ở tù, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn vẫn tiếp tục kêu oan. Thân nhân ông Chấn cho rằng hung thủ là Lý Nguyễn Chung.
Qua xác minh, vận động của các cơ quan tố tụng, mới đây, sau gần 10 năm vụ án xảy ra, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú. Chung khai nhận, chính mình đã giết chị Hoan để cướp tài sản. Ngay sau đó, ông Chấn đã được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày trở về sau 10 năm ngồi tù oan
Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã tái thẩm, đồng ý với kháng nghị của VKSND Tối cao và ra quyết định hủy cả 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm đối với vụ án Nguyễn Thanh Chấn để điều tra lại từ đầu.
Phanh phui sự thật về các nhà ngoại cảm
Sau khi chương trình “Trở về từ ký ức” của VTV phát sóng vào trung tuần tháng 10 phanh phui chiêu làm giả hài cốt liệt sĩ bằng xương động vật của nhà ngoại cảm rởm Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”), Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án, bắt giam vợ chồng Nguyễn Thanh Thúy.
Nhà ngoại cảm rởm Nguyễn Thanh Thúy
Ngoài Nguyễn Thanh Thúy, một số nhà ngoại cảm rởm khác cũng bị lật tẩy.
Sau phóng sự này của VTV, dư luận đã dấy lên nghi ngờ về khả năng tìm hài cốt liệt sĩ của các nhà ngoại cảm.
Cháy nổ kinh hoàng
Hàng nghìn vụ cháy nổ gây chết người và làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đã xảy ra trong năm 2013.
Hiện trường tan hoang sau vụ nổ nhà ông Phương “khói lửa”
Trong đó, vụ nổ kho pháo hoa ở Phú Thọ đã khiến 26 người tử vong, 98 người khác bị thương là vụ cháy nổ đau lòng nhất năm 2013.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều vụ cháy nổ khác cũng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình là các vụ: Nổ tại nhà ông Phương “khói lửa” (đương Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quân 3, TP.HCM) khiến 11 người chết; Vụ cháy tiệm vàng ở Quảng Ninh khiến 5 người thiệt mạng; Vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến địa điểm buôn bán lớn nhất tỉnh Hải Dương đổ sập một phần, thiệt hại ước tính lên đến 400 tỷ đồng; Và gần đây nhất là vụ cháy quán bar tại khu Zone 9, tại số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã khiến 6 công nhân tử vong.
Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2013, cả nước có gần 8.000 người chết, hàng chục nghìn người tàn phế do tai nạn giao thông. Tính trung bình, mỗi ngày trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 30 người chết, hàng trăm người bị thương, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Những du khách nước ngoài thường nói với nhau một câu: “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”.
Điển hình là vụ tai nạn 2 xe khách đâm nhau ở Khánh Hòa vào sáng 8/3 khiến 12 người thiệt mạng. Các vụ tai nạn như: Xe tải đâm vào xe máy ở Lâm Đồng khiến 6 người chết; Xe container tông xe khách ở Bình Thuận khiến 7 hành khách tử vong; Và vụ xe tải đã đâm trực diện vào xe khách tại Long An khiến 6 người trên xe khách chết tại chô… cũng khiến dư luận bàng hoàng.
Đặc biệt, chỉ trong 3 ngày tháng 6 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Khánh Hòa, Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu, cướp đi sinh mạng của 16 người.
Gần đây nhất là vụ tai nạn xe khách xảy ra tại Lào Cai vào ngày 25/10 khiến 7 người chết và 25 người bị thương.
Hiện trường vụ xe khách đâm vào vách núi tại Khánh Hòa khiến 7 người tử vong
Lãnh đạo công ty công tích lĩnh lương “khủng”
Chiều 26/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà ra thông báo kết luận về việc hàng loạt công ty nhà nước chi lương lãnh đạo cao bất thường. Vụ việc đã khiến dư luận bức xúc.
Trong khi lãnh đạo lĩnh lương hàng trăm triệu mỗi tháng, lương người lao động tại công ty cấp thoát nước TP.HCM chỉ vài triệu đồng
Cụ thể, lương của Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là 2,6 tỷ đồng/năm; Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng là 2,2 tỷ đồng/năm; Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn là 856 triệu đồng/năm; Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh là 759 triệu đồng/năm.
Dựa trên kết luận thanh tra, chiều 12/9, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chính thức công bố quyết định kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với các cá nhân, tập thể liên quan đến 4 DN công ích chi lương “khủng” cho lãnh đạo. UBND TP.HCM cũng chỉ đạo 4 DN công ích trên phải thu hồi ngay số tiền chi lương cho các lãnh đạo không đúng quy định để từ đó giải quyết đúng chế độ cho người lao động.
Theo Khampha
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lời giới thiệu cuốn lịch sử Quân khu 4
"Các đồng chí viết sử phải thể hiện cho được sự phong phú của loại hình đấu tranh, truyền thống vẻ vang của các địa phương Quân khu 4 để làm bài học kinh nghiệm đấu tranh sau này", Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sỹ Lực lượng vũ trang QK4 năm 1973 (Ảnh Bảo tàng Quân khu 4).
Lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn in rõ trong tâm trí Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4. Với anh, đã hơn 20 năm trôi qua nhưng lần đầu tiên gặp Đại tướng và cũng là lần duy nhất cứ ngỡ như mới diễn ra ngày hôm qua.
Năm 1992, khi đó Thượng úy Nguyễn Công Thành đang là trợ lý viết sử của Phòng lịch sử quân sự Quân khu 4 cùng đoàn cán bộ quân khu ra thăm Đại tướng. Món quà mà đoàn mang theo là cuốn sách "Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)". Đồng thời, đoàn cũng có nhiệm vụ đề nghị Đại tướng viết lời đề tựa giới thiệu cuốn "Lịch sử kháng chiến chống Mỹ xâm lược" mà Quân khu đang biên soạn.
"Khoảng 5h chiều đoàn chúng tôi mới được vào gặp Đại tướng. Tôi vẫn nhớ như in Đại tướng mặc bộ quần áo trấn thủ của những người lính Điện Biên nhanh nhẹn bước ra và ôm hôn tất cả các thành viên trong đoàn. Đại tướng nâng ly trà lên đề nghị mọi người thay rượu chúc sức khỏe "quê hương Khu 4". Đó là "chén rượu" ngon nhất trong đời tôi, ngon hơn cả rượu sâm-panh. Một cử chỉ hết sức thân tình khiến chúng tôi nhớ mãi", Đại tá Thành kể.
Lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ở trong tâm trí của những người làm công tác bảo tàng như đại tá Nguyễn Công Thành.
Tại cuộc gặp gỡ, Đại tướng nói về tầm quan trọng của địa bàn Quân khu 4, truyền thống đấu tranh, phong phú về loại hình đấu tranh của các địa phương Qk4, đặc biệt là vị trí hậu phương đối với cả nước và của cả Đông Dương. Đại tướng căn dặn: "Các đồng chí viết sử phải thể hiện cho được sự phong phú của loại hình đấu tranh, truyền thống vẻ vang của các địa phương QK4 để làm bài học kinh nghiệm đấu tranh sau này".
Trước đề nghị viết lời giới thiệu cuốn sách "Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước", Đại tướng vui vẻ nhận lời và hứa sẽ tự mình chấp bút. Buổi trò chuyện đã hết, ai cũng muốn được chụp ảnh kỷ niệm với vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng cứ ngại ngần không dám đề đạt. Hiểu rõ ước muốn của các cán bộ chiến sỹ trong đoàn, Đại tướng vui vẻ: "Các đồng chí Quân khu 4 cũng là người nhà, chúng ta cùng chụp một bức ảnh kỷ niệm". Được lời như cởi tấm lòng, các thành viên đoàn nhanh chóng chỉnh sửa lại quân phục. Đại tướng đi lên gác, lát sau đi xuống với bộ đại lễ và gọi đồng chí Trần Hồng sang chụp ảnh.
Ngày 12/10/1994, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết lời giới thiệu dài 5 trang giấy cho cuốn sách "Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)". Những nét chữ chân phương, rõ ràng, lời văn khúc chiết. Trong lời giới thiệu dài 5 trang giấy được viết tay này, Đại tướng đã khái quát một cách ngắn gọn và đẩy đủ nhất lịch sử truyền thống đấu tranh chống Mỹ cứu nước của lực lượng vũ trang, nhân dân Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lời giới thiệu viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cuốn sách "Quân khu 4 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975".
"Cuốn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Quân khu 4 đã ghi lại được phần nào những tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến trường, những thành công và thành tích chiến đấu và sản xuất dưới mưa bom lửa đạn, ghi lại phần nào những kinh nghiệm quý giá, để lại cho các thế hệ mai sau trong toàn quân và trong cả nước", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.
Đối với những người làm công tác di sản văn hóa như Đại tá Nguyễn Công Thành, lời căn dặn của Đại tướng luôn là một lời nhắc nhở trong quá trình làm việc, truyền thông để phát huy được các giá trị truyển thống qua các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, đặc biệt là các di sản quân sự. "Làm sao để phát huy các giá trị, những chiến công của bao lớp người đã làm nên cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện trên địa bàn, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên chiến trường Quân khu 4 anh hùng luôn là những trăn trở thường trực của những người làm công tác di sản quân sự chúng tôi", Đại tá Thành cho hay.
Gian trưng bày tư liệu, hiện vật quý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bảo tàng QK4
Bằng tấm lòng của người làm công tác di sản văn hóa và tình cảm của người lính đối với vị Tổng tư lệnh quân sự, cán bộ, chiến sỹ Bảo tàng Quân khu 4 đã dành một vị trí hết sức trang trọng trưng bày những hiện vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó có thể là chiếc đài, chiếc áo trấn thủ, chiếc ống nhòm hay những bức thư tay chỉ đạo công tác giao thông trên mặt trận Quân khu 4. Hiện tại, công tác sưu tập các kỷ vật của Đại tướng với quân dân Khu 4 vẫn tiếp tục được thực hiện. Đó là một cách tri ân của Đại tá Thành, của cán bộ chiến sỹ Bảo tàng và thế hệ trẻ Khu 4 đối với người anh Cả vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Dantri
Đi trên tuyến đường đẹp nhất Đà Nẵng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp Được HĐND TP Đà Nẵng thông qua trong kỳ họp vừa qua, tuyến đường ven biển nằm giữa đường Hoàng Sa - Trường Sa là một những con đường đẹp nhất tại Đà Nẵng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với chiều dài gần 7.500m, tuyến đường được đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua hầu hết các bãi biển...