Những sự cố khi đặt vé tàu Tết qua mạng
Đã thanh toán nhưng ra ga in vé lại tiếp tục bị đề nghị đóng tiền, đặt chỗ thành công nhưng bị mất vé… là những sự cố khiến ít nhất 300 hành khách gặp phải trong những ngày đầu mua vé tàu Tết qua mạng.
Ghi nhận của VnExpress ngày 3/12, nhiều hành khách tập trung đến ga Sài Gòn để khiếu nại vì đã thanh toán tiền qua ngân hàng hoặc bưu điện nhưng không lấy được vé.
Ngồi chờ để được giải quyết từ sáng sớm, anh Chu Văn Hải, công nhân làm việc tại Bình Dương cho biết, anh đặt 8 vé khứ hồi Sài Gòn – Hà Nội qua mạng và thanh toán tiền qua bưu điện. Nhưng khi đến ga, anh chỉ nhận được 4 vé lượt vào và một vé lượt ra. Hoang mang vì sợ lỡ kế hoạch về quê ăn Tết của gia đình, anh phải xin nghỉ việc ở công ty, vượt 40 km đến ga Sài Gòn hỏi cho rõ thì được nhân viên ở đây giải thích rằng hệ thống không ghi nhận 3 vé lượt ra của anh.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Dũng đặt mua 3 vé về Quy Nhơn, song khi trả tiền thì chỉ thanh toán được 2, vé còn lại được nhân viên bưu điện giải thích là hết hạn thanh toán trong khi số vé trên được đặt cùng một thời điểm và được xác nhận đặt thành công.
Dù chưa đến ngày bán vé đại trà nhưng rất nhiều người tập trung về ga Sài Gòn. Ảnh: Hữu Công
Còn chị Cao Thị Oanh (ngụ quận 7) cho biết, ngày 1/12 chị lên mạng đặt thành công 3 vé đi Vinh ngày 14/2 (tức 26 tháng Chạp Âm lịch) và thanh toán tiền cũng được báo là thành công. Tuy nhiên, hôm sau chị nhận được email của ngành đường sắt kêu đi đóng tiền. “ Sao tôi đóng tiền thành công rồi lại kêu đóng tiếp?”, chị Oanh thắc mắc.
Cũng gặp sự cố tương tự, song người đàn ông ngụ quận Bình Tân tỏ vẻ khá bức xúc khi cho biết đã đặt mua 4 vé đi Thanh Hóa ngày 13/2 (tức 25 tháng Chạp Âm lịch) thành công, sau đó ra bưu điện thanh toán tiền vé. “Thế mà sáng nay tôi ra ga lấy vé thì bộ phận xuất vé bảo là chưa thanh toán tiền, từ chối đưa vé. Thế này lỡ hết kế hoạch của nhà người ta”, ông này nói.
Ông Phạm Công Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, những trường hợp đã thanh toán mà không lấy được vé là do đường truyền thanh toán ở các điểm bưu điện và ngân hàng bị nghẽn nên mã đặt chỗ chưa được cập nhật vào hệ thống cấp vé của ngành đường sắt. Khi người dân đến lấy vé hệ thống chưa cập nhật kịp nên nhà ga không thể in vé.
Trong khi đó, đại diện của FPT – đơn vị xây dựng hệ thống bán vé tàu điện tử – cho biết, các lỗi kỹ thuật liên quan đến đường truyền thanh toán sẽ được bộ phận kỹ thuật khắc phục trong ngày. Với những trường hợp chưa thanh toán được do bị lỗi kỹ thuật, hệ thống sẽ gia hạn thêm thời gian thanh toán.
Video đang HOT
Vị này cũng cho biết thêm, một số trường hợp phiếu thanh toán do nhân viên ở bưu điện hoặc ngân hàng viết tay khi đến ga lấy vé mà không được là do khi đó hệ thống thanh toán bị quá tải nên mã đặt chỗ chưa được gửi về hệ thống cấp vé. Ngoài ra, có thể do sau khi ghi phiếu thu xong các nhân viên bưu điện hoặc ngân hàng chưa cập nhật kịp mã đặt chỗ về hệ thống của ngành đường sắt nên khi người dân đến ga lấy vé mới xảy ra trường hợp không có.
“Thông thường khi hành khách thanh toán xong, mã đặt chỗ được gửi về hệ thống của ngành đường sắt, sau đó ngành đường sắt xác nhận rồi gửi lại cho ngân hàng hoặc bưu điện rồi nhân viên in phiếu đó cho người dân. Như hôm 2/12, khi hành khách đóng tiền buổi chiều, hôm sau mã đặt chỗ mới được chuyển về kho vé. Hành khách đến lấy vé sớm hơn thời điểm mã đặt chỗ chuyển về nên chưa có vé”, vị đại diện giải thích.
Ga Hà Nội cũng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự, ngoài ra nhiều hành khách bị mất vé, thậm chí đặt vé sai nhưng đã thanh toán.
Sáng 3/12 nhiều hành khách đến ga Sài Gòn để khiếu nại vì đã đặt vé thành công nhưng không lấy được vé. Ảnh: H.C
Liên quan đến những sự cố trên, trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lý giải, sở dĩ có việc hành khách đặt 8 vé nhưng chỉ lấy được 4 vé là do lỗi phần mềm đăng ký tự hủy do hành khách đã quá thời gian đặt vé theo quy định.
Theo lập trình, thời gian để hành khách lựa chọn và đặt vé là 10 phút, do mới sử dụng nên nhiều người thao tác chưa nhanh hoặc còn lưỡng lự khi lựa chọn giờ và chuyến tàu nên quá thời hạn này máy sẽ tự động hủy, dành cho người khác.
“Về việc này Tổng công ty đã làm việc với bên cung cấp phần mềm để căn chỉnh, đến hôm nay về cơ bản đã khắc phục xong, thời gian đã tăng lên 24 phút thay vì 10 phút như trước đây”, ông Hoạch nói.
Còn việc hành khách bị mất vé, hoặc đóng tiền qua bưu cục nhưng khi đến ga không nhận được vé, ông Hoạch cho biết, số này chỉ chiếm phần rất nhỏ và “chúng tôi đã chỉ đạo cho các ga gọi trực tiếp cho hành khách để giải quyết thấu đáo”, ông Hoạch nói.
Theo vị Phó tổng giám đốc, việc đặt mua vé tàu Tết qua mạng là một hình thức mới nên không thể tránh khỏi những vướng mắc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghe góp ý, phản ảnh từ phía hành khách để phục vụ một cách tốt nhất”, ông Hoạch nói.
Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, trong hai ngày đặt vé qua mạng, 92.000 người đăng ký thành công và thanh toán qua những phương thức khác nhau, trong số đó có hàng trăm người đến để trả vé. Nguyên nhân chính được cho là do nhiều người mua một vé nhưng đặt 2 hoặc đặt sai lộ trình sau đó không hủy được.
Bá Đô – Hữu Công
Theo VNE
Nhà ga đang tồn hàng nghìn vé tàu Tết
Nhiều năm trước, cứ gần Tết người dân lại chen chúc xếp hàng mua vé tàu về quê sum vầy cùng gia đình.
Sáng 16/1, quầy bán vé Ga Hà Nội vắng vẻ, nhân viên bán vé cũng chưa được huy động tối đa.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, cho biết thời điểm này của các năm trước vé tàu đã được bán hết. Nhưng năm nay tốc độ bán chậm hơn, hiện còn tồn 9.000 vé đi tất cả các ga ngày 20 - 22/1 và 29/1. Ngoài ra, còn 4.000 ghế phụ trên tàu Thống Nhất số chẵn trong các ngày cao điểm 20-23/1 đi các ga từ Quảng Ngãi trở ra. Chiều đi vào sau Tết còn 12.000 vé chủ yếu ở các ga từ Hà Nội đến Thanh Hóa vào TP HCM.
Theo ông Thành, nguyên nhân của tình trạng này có thể do các trường đại học cho sinh viên nghỉ chậm hơn, sau 23 tháng Chạp, thay vì tầm 19-20 tháng Chạp như các năm trước nên sinh viên chưa mua vé tàu về quê. Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn nên nhiều người làm ăn, sinh sống tại TP HCM không về quê dịp Tết.
Tốc độ bán vé tàu tại ga Hà Nội cũng chậm hơn năm trước. Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó ga Hà Nội cho biết, năm nay ga bán vé tàu Tết khá sớm và ngày nghỉ dài nên hành khách mua vé đi trải đều các ngày trước Tết. Tuy nhiên, lượng vé tàu đi chặng ngắn bán chậm hơn các năm trước, vé tàu sau Tết hiện còn khá nhiều.
Theo một số hành khách, giá vé tàu ngày thường đã khá cao, dịp Tết lại tăng thêm đến 10% nên họ có xu hướng chuyển đi máy bay giá rẻ hoặc ôtô đường dài. Thực tế, giá vé tàu TP HCM - Hà Nội dịp cao điểm 20 đến 29 tháng Chạp thấp nhất là 1,5 triệu đồng và cao nhất lên tới 2,1 triệu đồng, trong khi nhiều hãng xe chất lượng cao lấy giá khoảng 800.000 đồng - 1 triệu đồng, vé máy bay các hãng từ TP HCM ra Hà Nội cũng khoảng 2,3 - 2,8 triệu đồng một vé dịp trước Tết.
"Giá vé tàu Tết 1,8 triệu đồng, cộng với tiền ăn uống thì cũng gần bằng vé máy bay, trong khi phải ngồi tàu hơn 30 giờ, máy bay chỉ mất 2 giờ là đến Hà Nội. Ngày Tết đi lại phải khẩn trương nên tôi tính đặt vé máy thay cho đi tàu", anh Trung Dũng, cán bộ một công ty xây dựng cho hay.
Với các chặng ngắn, nhiều hành khách lại chọn ôtô thay cho tàu hỏa bởi chất lượng xe khách khá tốt, giá vé cũng không quá cao. Trên chặng Hà Nội - Vinh, vé tàu giường điều hòa lên gần 400.000 đồng, trong khi giá vé xe giường nằm điều hòa chỉ hơn 200.000 đồng.
Lý giải nguyên nhân tăng giá vé tàu dịp Tết, ông Nguyễn Văn Bính, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, cho biết giá vé tàu tăng 2-10% là do tăng thêm 7 đôi tàu chạy rỗng một chiều phục vụ hành khách dịp Tết, cũng như xe khách, tàu vận chuyển một chiều nên phải tăng giá vé đề bù đắp chi phí.
Đề cập tình trạng giá vé tàu ngày thường hiện cũng khá cao so với các phương tiện khác, ông Bính cho hay, giá vé tàu được xây dựng trên giá thành chi phí đầu vào như các phụ tùng toa xe không thể sản xuất trong nước, chi phí lao động phục vụ trên tàu khá lớn, không thể cắt giảm. Bên cạnh đó, mỗi năm ngành đường sắt phải bù lỗ 90 tỷ đồng cho 5 đoàn tàu địa phương, trong khi chỉ tuyến Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - TP HCM là có lãi.
"Với giá vé tàu hiện nay, ngành đường sắt rất khó cân bằng thu chi, thậm chí là thu không đủ chi", ông Bính nói.
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát đầu vào như nguyên vật liệu, nhân lực.. để tính toán lại giá vé tàu và so sánh với các phương tiện vận tải khác. Tỷ trọng đường sắt ngày càng giảm, trong khi các lĩnh vực khác đều tăng.
Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết ngành Đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu: "Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt luôn nghĩ mình không phải doanh nghiệp mà là Bộ Đường sắt nên trong cách làm việc, mối quan hệ chưa thực sự thay đổi, vẫn nghĩ mình là cơ quan quản lý nhà nước".
Theo ông Thăng, ngành đường sắt phải cạnh tranh với hàng không khi giá vé tàu Hà Nội - TP HCM là 1,9 triệu mà đi trong 30 giờ, trong khi vé máy bay giá rẻ chỉ 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, sắp tới có hàng loạt đường bộ cao tốc sắp hoạt động như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng thì đường sắt sẽ phải cạnh tranh với vận tải đường bộ.
Theo Xahoi