Những sự cố hàng không nghiêm trọng tại Việt Nam
Cục Hàng không cho biết, đã có 4 sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam từ đầu năm đến nay, trong đó bao gồm cả lỗi điều hành bay, sự cố kỹ thuật và chở nhầm khách.
Sự cố gần đây nhất là cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6 khiến máy bay của Vietnam Airlines suýt va chạm với máy bay của Jetstar Pacific tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sự cố đã uy hiếp an toàn hoạt động bay nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tai nạn máy bay gây hậu quả thảm khốc.
Có ít nhất 4 sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra tại Việt Nam từ đầu năm đến nay
Hy hữu nhất từ trước đến nay là sự cố VietJet Air chở gần 200 hành khách đi Đà Lạt “nhầm” tới Cam Ranh hôm 19/6. Chuyến bay VJ 8575 chặng bay Hà Nội-Cam Ranh cất cánh đúng theo lịch bay được phê duyệt ban đầu và dự báo bay đã được Trung tâm điều hành bay quốc gia chấp thuận và hiệp đồng bay hàng không-quân sự, theo đúng kế hoạch bay không lưu đã được Cơ sở thủ tục bay Nội Bài chấp thuận và triển khai theo quy định.
Nhưng điều đáng nói là trên chuyến bay này lại là toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá của chuyến bay VJ8861 với hành trình Hà Nội-Đà Lạt. Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều phái bay của VietJet Air và cơ sở thủ tục bay thuộc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài không thực hiện đúng quy trình khai thác bay; Trung tâm điều hành khai thác bay của VietJet Air không thực hiện đúng quy định về triển khai kế hoạch khai thác.
Hôm 6/5, chiếc Airbus 330 mang số đăng ký quốc tịch VN-A371 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN780 từ Melbourne (Úc) về TPHCM đã phải đình chỉ cất cánh sau khi phát hiện cháy động cơ số 2 khi đang chạy đà. Vụ việc đang được cơ quan điều tra sự cố tai nạn tàu bay Úc (ATSB) tiến hành điều tra theo Công ước Chicago.
Sự cố rơi tấm ốp bảo vệ quạt làm mát phanh do không siết ốc đủ lực xảy ra với tàu bay A321, mang dấu hiệu đăng ký quốc tịch tàu bay VN-A397, thực hiện chuyến bay Đà Lạt – TPHCM ngày 26/3. Nguyên nhân gây ra sự cố do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng không tuân thủ quy trình bảo dưỡng.
Video đang HOT
Ngoài những sự cố nghiêm trọng nói trên, theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số sự cố được báo cáo tăng so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 28,5%); số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức E và D tăng hơn 33,3%; tuy nhiên số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, nghiêm trọng mức C và B giảm 2 vụ, tương đương 20%;
Ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân sự cố chủ yếu vẫn do các hãng hàng không liên quan đến công tác bảo đảm kỹ thuật (66 vụ, chiếm tỷ trọng 46% tổng số vụ); yếu tố con người-nhân viên hàng không giảm mạnh (14 vụ, chiếm tỷ trọng 9,7%);
Số lượng sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất đã giảm sâu (5 vụ so với 18 vụ trong cùng kỳ năm 2013), thể hiện sự tiến bộ về việc tuân thủ quy trình khai thác và quy trình bảo dưỡng tàu bay so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay đã gây ra 3/4 sự cố nghiêm trọng.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Rơi máy bay Algeria: Thảm họa mới nhất của ngành hành không thế giới
Lực lượng chức năng Algeria đang nhanh chóng tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay.
Liên tiếp trong mấy ngày qua, ngành hàng không thế giới liên tiếp phải đón nhận các tin xấu về các vụ tai nạn máy bay, với con số thương vong cao. Mới đây nhất là vụ tai nạn máy bay Algeria xảy ra ngày 24/7.
Hy vọng tìm thấy người còn sống sót hoàn toàn bị dập tắt đến sáng sớm 25/07, theo giờ Việt Nam, xác chiếc máy bay mất tích mang số hiệu AH-5017 của Hãng hàng không Algeria (Air Algerie) đã được tìm thấy ở Mali, gần biên giới với Burkina Faso.
Một chiếc máy bay của hãng hàng không Air Algerie (Ảnh: planespotters)
Toàn bộ 116 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đều đã thiệt mạng. Lực lượng chức năng Algeria đang nhanh chóng tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay và thu thập, nhận dạng thi thể các hành khách và phi hành đoàn.
Theo người đứng đầu đơn vị giải quyết khủng hoảng của Burkina Faso, Tướng Gilbert Diendiere, xác chiếc máy bay AH-5017 của Algeria đã được xác định ở vị trí cách biên giới Burkina Faso 50 km về phía Bắc, tại khu vực Gossi của Mali.
Theo nhà chức trách Burkina Faso, trong số các hành khách có 27 người Burkina Faso, 51 người Pháp, 8 người Lebanon, 6 người Algeria, 2 người Luxembourg, 5 người Canada, 4 người Đức, và công dân các quốc gia gồm: Cameroon, Bỉ, Ai Cập, Ukraine, Thụy Sỹ, Nigeria, Mali, trong đó mỗi nước có một công dân thiệt mạng. 6 thành viên phi hành đoàn đều là người Tây Ban Nha.
Chiếc máy bay gặp nạn thuộc sở hữu của hãng hàng không Swiftair có trụ sở tại Tây Ban Nha. Hãng điều hành các chuyến bay định kỳ, định hạn chở khách và hàng hóa tại Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông.
Nguyên nhân chiếc máy bay bị rơi hiện vẫn chưa được làm rõ. Các khả năng máy bay rơi do thời tiết xấu, bị khủng bố hoặc bị đánh bom cũng nằm trong diện điều tra.
Chiếc máy bay AH 5017 đã bị mất liên lạc với trạm không lưu chỉ sau 50 phút cất cánh khi đang trong hành trình bay từ Ouagadougou, Thủ đô Burkina Faso đến Thủ đô Algiers của Algeria. Trước đó, phi công của chiếc máy bay đã liên lạc với trạm không lưu ở Niamey vào lúc 8h30' để thay đổi lộ trình bay do gặp phải bão cát.
Trong khi đó, giới chức Pháp khẳng định chiếc máy bay này vượt qua đợt kiểm tra tuần trước ở Pháp trong tình trạng tốt, tuy nhiên không loại trừ khả năng trục trặc kỹ thuật. Cơ quan an toàn hàng không châu Phi và Madagascar (ASECNA) cũng cho biết đang tập hợp các yếu tố kỹ thuật từ kế hoạch bay, các đoạn ghi âm hội thoại giữa phi công và nhân viên kiểm soát không lưu, màn hình radar... để sàng lọc thông tin trước khi đưa ra kết luận.
Theo các nguồn tin: chiếc máy bay có vẻ đã bay qua khu vực đang ra giao tranh giữa các lượng phiến quân và quân đội Chính phủ Mali sau một cuộc đảo chính quân sự tại Mali hồi năm 2012.
Tổng thống Mali, ông Ibrahim Boubacar Keita đã ngay lập tức đến khu vực xảy ra tai nạn để chỉ đạo hoạt động điều tra. Trong một tuyên bố trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Giao thông Mali Mamadou Hachim Koumare cho biết: "Chiếc máy bay Algeria đã được tìm thấy trên lãnh thổ Mali. Do đó, Mali sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo cuộc điều tra. Chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan để thành lập một Ủy ban điều tra quốc tế. Tổng thống Mali sẽ liên hệ với các bên liên quan và ông cũng trực tiếp đến khu vực xảy ra tai nạn để bày tỏ sự chia sẻ mất mát đối với các hành khách và gia đình họ, cũng như chỉ đạo hoạt động điều tra".
Về phía Algeria, Bộ trưởng Bộ Giao thông Algeria Ama Ghoul ngay sau đó đã cho thành lập một ủy ban khủng hoảng khẩn cấp và triệu tập một cuộc họp với ủy ban này sau vụ rơi máy bay Algeria để xúc tiến điều tra vụ tai nạn và các vấn đề có liên quan.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Giao thông Algeria cho biết: "Công việc của Ủy ban khủng hoảng là phối hợp với các bên liên quan. Tổng thống nước Cộng hòa Algeria cũng đã theo dõi các diễn biến từ Ủy ban này".
Thông tin về vụ máy bay Algeria gặp nạn ngay lập tức gây kinh hoàng khi liên tiếp trong vòng hơn 1 tuần qua, ngành hàng không thế giới phải chứng kiến các thảm họa hàng không khi một chiếc máy bay dân dụng MH17 của Malaysia chở 298 khách bị bắn rơi ở Ukraine và mới đây nhất, tối ngày 23/7 vừa qua, máy bay ATR 72 của Đài Loan, Trung Quốc nổ tung làm 48 người thiệt mạng./.
Theo_VOV
Vụ rơi máy bay Đài Loan: Ngọn lửa bốc cao bằng ngôi nhà 3 tầng Các quan chức hàng không của Đài Loan đã có mặt tại hiện trường để bắt đầu tiến hành điều tra nguyên nhân thảm họa. Ngày 24/7, thân nhân các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Đài Loan đã có mặt tại Bành Hồ để lo hậu sự cho người thân không may thiệt mạng trong vụ tai nạn hàng không tồi...