Những sự cố đình đám làng bóng đá Việt năm 2014
Bóng đá Việt có một năm sôi động với nhiều sự kiện nối tiếp nhau gây bão trong dư luận, trên các phương tiện truyền thông.
Tháng 2: Ba chấn thương rùng rợn ở ‘Võ-League’
Đinh Văn Ta và cú kungfu ở sân cỏ V-League. Ảnh: KL.
Ngay đầu năm ở vòng 5, sân cỏ V-League nhuốm màu bạo lực sau khi tiền vệ Đinh Văn Ta (Rodrigo Mota) có tình huống đạp thẳng chân trái vào ngực Danny David. Kết quả, tiền đạo CLB Đồng Tâm bị rạn xương sườn nghỉ dài hạn. Đinh Văn Ta bị treo giò 5 trận, phạt 15 triệu đồng.
Tiếp đó, sau tình huống cản phá Anh Tuấn (HAGL), tiền đạo Bruno của Than Quảng Ninh bị gãy chân. Hình ảnh cổ chân anh bị bẻ gập trên sân và lăn ra đau đớn khiến nhiều fan sốc. Sau đó không lâu, Bruno chia tay đội bóng vùng than.
Ở vòng 7 V-League, hậu vệ Đình Đồng của CLB SLNA có tình huống đạp bóng rợn người khiến Anh Hùng của CLB An Giang gãy chân, nhập viện khẩn cấp và mổ lắp lại xương. Hùng nghỉ một năm. Đồng bị treo giò tương ứng một năm (khoảng 28 trận), phạt 20 triệu đồng. Đình Đồng mới mới được giảm án và sẽ tái xuất ở V-League 2015.
Tháng 4: Mạnh Dũng đi tù vì cầm đầu nhóm cá độ, bán độ ở Ninh Bình
Tiền vệ Mạnh Dũng cúi đầu nhận án tù. Ảnh: MH.
Nhóm 9 cầu thủ CLB Ninh Bình bị đưa ra ánh sáng sau khi tham gia cá độ, bán độ trận đấu của đội nhà gặp CLB Kelantan ở AFC Cup với số tiền 850 triệu đồng. Sự việc gây rúng động khi người đứng đầu là cựu đội phó U23 Việt Nam Trần Mạnh Dũng. Dũng “con” người duy nhất bị tuyên án 30 tháng tù, các cầu thủ còn lại hưởng án treo. Hình ảnh trước vòng móng ngựa của nhóm cầu thủ gây đau xót cho ai yêu bóng đá Việt.
Tháng 7: Bắt nhóm cầu thủ Đồng Nai cá độ, làm độ tại V-League
Cầu thủ Đồng Nai che mặt viết tường trình. Ảnh: MH.
Dư luận tiếp tục bị sốc khi cơ quan an ninh tung mẻ lưới, tóm gọn nhóm 6 cầu thủ của CLB Đồng Nai tham gia dàn xếp tỷ số trận đấu giữa Đồng Nai gặp Than Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả với giá trị hơn 300 triệu đồng. Đội trưởng Đồng Nai Phạm Hữu Phát được xem là cầm đầu nhóm cầu thủ tham gia gồm Long Giang, Niệm Tiến, Kiên Trung, Đức Thiện, Thế Sơn. Hiện nay, trừ Hữu Phát, các cầu thủ còn lại được cho tại ngoại, chờ ngày triệu tập để xét xử.
Video đang HOT
Tháng 10: Công Phượng và đồng đội thua sốc 0-6 trước U19 Hàn Quốc
Trận thua 0-6 trước Hàn Quốc giúp U19 Việt Nam biết mình đứng ở đâu. Ảnh: KL.
Đang hừng hức khí thế từ giải U19 Đông Nam Á tại Mỹ Đình, thầy trò ông Giôm bất ngờ khiến fan sốc toàn tập khi thua U19 Hàn Quốc tới 0-6 ở trận mở màn vòng chung kết U19 châu Á. Thất bại này khiến bầu Đức áy náy, tự nhận lỗi và xin rời khỏi đội để tránh áp lực và vì thấy “mình cứ xuất hiện là đội thua”. Trong năm 2014, U19 Việt Nam còn nhận cú sốc khác không kém là thua U19 Nhật 0-7 tại sân Thống Nhất vào đầu năm.
Tháng 12: CĐV Việt Nam bị nhóm hooligan Malaysia hành hung
CĐV đổ máu trên sân Shah Alam. Ảnh: LT.
Trên sân Shah Alam, tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước chủ nhà Malaysia ở bán kết lượt đi AFF Cup 2014. Nhưng trên khán đài, máu đã đổ khi nhóm hooligan Malaysia nhảy sang khu vực CĐV Việt Nam để hành hung. Máu và nước mắt đã đổ trên gương mặt người Việt trong đêm chiến thắng. Ngay sau đó, nhà chức trách Malaysia ráo riết lôi những kẻ quá khích ra ánh sáng để trừng trị.
Tháng 12: Tuyển Việt Nam mất vé chung kết và bị nghi ngờ bán độ
Tuyển thủ Việt uất ức sau khi bị loại khỏi bán kết. Ảnh: TN.
Chỉ ít ngày sau niềm vui chiến thắng trước Malaysia, fan Việt sốc nặng khi đội bóng thua chính đối thủ này 2-4 ngay tại Mỹ Đình, qua đó mất tấm vé vào chơi chung kết tưởng cầm chắc trong tay. Làng bóng chao đảo khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát biểu “mời cơ quan điều tra vào làm rõ trận đấu”. Bóng ma bán độ ở bóng đá Việt Nam lại hiện về.
Tháng 12: HLV Miura gây sốc
HLV Miura phát biểu gây sốc với VFF và bóng đá Việt. Ảnh: TN.
HLV có vẻ ngoài thư sinh, điềm đạm nhưng bất ngờ làm nóng những ngày cuối năm bằng phát biểu trên tờ báo Nhật Bản. Trong đó, ông kể ra nhiều điểm hạn chế, thói quen xấu của bóng đá Việt và phần nào xã hội Việt như “V-League là giải đấu kinh khủng, cầu thủ không chịu chạy, giải đấu tổ chức qua loa, nhân viên VFF đi làm muộn, về sớm, tài xế lái xe 5 lần vi phạm đều được tha vì có ông ngồi trong xe…”. Những phát biểu của ông vào tháng 10 nhưng nay mới công bố rộng rãi ở Việt Nam. Nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng đa phần ủng hộ sự “dũng cảm” của ông thầy người Nhật Bản.
Theo VNE
10 chuyện bi hài năm 2014 của bóng đá Việt Nam
Thầy chỉ đạo 'đá gãy chân' đối thủ, 'thần linh' không giúp được tuyển Việt Nam hay đội bóng về nhà quên đá chung kết.
1. Thầy chỉ đạo trò 'đá gãy chân', 'nghỉ không đá'
HLV Võ Quốc Ninh gây sốc với chỉ đạo 'đá gãy chân'. Ảnh: ST.
Ở sân chơi U15 quốc gia, sự việc bi hài diễn ra khi HLV Võ Quốc Ninh của CLB Kiên Giang la hét, thúc giục các học trò đá gãy chân đối thủ cũng được, lấy bao nhiêu thẻ cũng được. Cầu thủ Đồng Tháp, khán giả, giám sát trận đấu rất bức xúc trước sự thiếu kiềm chế của ông Ninh. Sau đó, vị HLV này nhận án phạt tạm đình chỉ hai trận và phạt ba triệu đồng.
Cũng ở sân chơi này, tại vòng chung kết, HLV Nguyễn Tý của U15 Khánh Hòa có chỉ đạo "không đá nữa, ra ngoài" nhằm phản ứng trọng tài.
2. 'Thần linh' không giúp được thầy trò HLV Miura
'Thần linh' cũng không giúp ích cho tuyển Việt Nam ở AFF Cup. Ảnh: TN.
Trước trận gặp Malaysia trên sân Mỹ Đình, tuyển Việt Nam được các quan chức VFF liên tục tới khách sạn, cùng ăn cơm trưa động viên. Trước giờ bóng lăn, một lãnh đạo của VFF tiết lộ với cả đội về may mắn đang đứng về phía Việt Nam khi vị này đi cúng ở sân Mỹ Đình thì nén hương không tàn ngay mà cong đều, dù có gió khá to.
Tuy nhiên, hàng loạt sai lầm ở hàng thủ khiến tuyển Việt Nam mất vé dự chung kết. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không giấu nỗi bức xúc và tuyên bố "mời cơ quan điều tra vào cuộc".
3. Đi chơi đêm, HLV trẻ đánh hội đồng tài xế
2014 là năm dính đến nhiều tai tiếng liên quan HLV trẻ. Cuối tháng 7, HLV Vũ Hồng Việt cùng trợ lý Lê Quang Kiên của U17 Hà Nội T&T đánh hội đồng tài xế taxi Nguyễn Hữu Phi vì mâu thuẫn khi đi đường. Sự cố xảy ra nửa đêm sau khi trận chung kết U17 quốc gia giữa Hà Nội T&T và PVF diễn ra tại Huế. Sau khi nhận lỗi và hòa giải, đền bù thiệt hại cho tài xế taxi, hai HLV của U17 mới được cùng đội trở về Hà Nội để tiếp tục nhận những án phạt nội bộ.
4. Đội Huế về nhà, 'quên' đá trận chung kết
Các thành viên đội bóng đá Huế quay lại Nam Định để đá chung kết. Ảnh: FBNV.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc vừa diễn ra, đội bóng đất cố đô bất ngờ nhận thông tin mình vào đá trận chung kết khi đang... ở nhà. Lập tức, thầy trò HLV Nguyễn Đức Dũng tập trung trở lại để bay ra Nam Định ngày 13/12, chuẩn bị trận chung kết diễn ra ngày 15/12. Ở trận chung kết, Nghệ An thắng Huế 4-0 và giành HC vàng Đại hội. Trước đó, đội bóng tính toán bị loại khi khả năng thi đấu trận cuối cùng rất thấp.
5. VFF hủy vé máy bay sau trận thua sốc
VFF tự tin đội tuyển chơi trận chung kết lượt đi trên sân Thái Lan nên làm đơn gửi Tổng cục TDTT để có 36 vé máy bay cho cả đội sang Thái Lan trước khi có trận bán kết lượt về gặp Malaysia. Nhưng trên sân Mỹ Đình, thầy trò HLV Miura thua 2-4 và mất vé dự chung kết. Kịch bản nằm ngoài tính toán buộc VFF mất tiền hủy vé. Không những vậy, nhiều tuyển thủ cũng hủy vé khi đã mời người thân qua Thái Lan vừa du lịch, vừa xem bóng đá.
6. Sân Ninh Bình mất 15 triệu đồng vì y tế
Trong 5 vòng đầu tiên, sân Ninh Bình bị ban tổ chức giải phạt ba lần mỗi lần 5 triệu đồng vì lỗi "không có xe cứu thương và bộ phân y tế để cấp cứu kịp thời các trường hợp chấn thương của cầu thủ nếu có". Ở trận đấu với Đồng Tâm trên sân nhà, Đinh Văn Ta của Ninh Bình đạp Danny rạn xương sườn. Đội khách Đồng Tâm không chỉ phẫn nộ cho cầu thủ, ức vì bị gỡ hòa mà còn ca thán lực lượng y tế nơi đây có những hành vi không đẹp khi Danny bị chấn thương. CLB Ninh Bình hiện tạm ngừng hoạt động.
7. Bầu Đức tự nhận 'nặng vía'
Sau trận thua kinh hoàng 0-6 của U19 Việt Nam trước U19 Hàn Quốc, bầu Đức tự nhận lỗi về mình và xin rút lui khỏi đội chỉ sau một trận ngồi ghế trưởng đoàn. Ông cho rằng mình không mê tín nhưng cả 6 trận có ông trên sân, đội U19 toàn nhận kết quả thua. Sau khi ông rút lui vì tự nhận "nặng vía", U19 thoát khỏi áp lực, chơi khởi sắc hơn.
8. Sân Thống Nhất liên tục mất điện
Tháng 10, sân Thống Nhất (TP HCM) khiến đội khách mời U23 Bahrain và khán giả "hết hồn" khi dàn đèn tắt ngấm. Trong năm qua, sân Thống Nhất có đến 4 lần mất điện, gồm hai lần ở giải nữ châu Á, một lần tại vòng chung kết U15 quốc gia và trong trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và U23 Bahrain. Khi trời mưa, nhân viên sân vận động thường phải tát nước ở khung thành do hệ thống thoát nước xuống cấp.
9. 'Ép dùng Công Vinh, tôi xin nghỉ ngay'
Khi hợp đồng 8 tỷ đồng giữa Công Vinh với Bình Dương chưa ráo mực, HLV Lê Thụy Hải dội gáo nước lạnh bằng tuyên bố "Đây là hợp đồng do lãnh đạo ký chứ không phải ý kiến của tôi. Nếu lãnh đạo ép dùng Công Vinh, tôi xin nghỉ ngay". Sự việc trên khiến CV9 cũng ngượng ngùng, lãnh đạo CLB cũng "đỏ mặt tía tai" và bắt ông Hải giải trình.
10. Đơn viết tay xin tạm ngừng ra sân
Đầu tháng 7, nhóm 14 cầu thủ gồm 4 ngoại binh của CLB An Giang đình công sau khi cùng ký vào đơn xin tạm ngừng lao động viết bằng tay. Lý do nhóm cầu thủ này "vùng lên" là CLB không trả tiền chuyển nhượng và lương như hợp đồng. Mọi việc chỉ được giải quyết khi lương, thưởng được đội bóng tạm ứng một phần. Tuy nhiên, An Giang vẫn xuống hạng và giải tán.
Theo VNE
Thu nhập tiền tỷ của cầu thủ Việt năm 2014 Nhiều trụ cột của Bình Dương, Công Vinh hay Bửu Ngọc, Minh Tuấn đều đút túi số tiền khủng trong năm nay. Bóng đá Việt không còn cảnh hào nhoáng như cách đây vài năm nhưng đây vẫn là môi trường giúp nhiều cầu thủ trở thành tỷ phú thông qua các hợp đồng, tiền lương, thưởng... Chức vô địch V-League giúp các...