Những status cảm động về thầy cô trên Facebook
Muốn được nghe tiếng trống trường, bài giảng năm xưa hay chui vào chiếc áo đồng phục rộng thùng thình… là cảm xúc của nhiều bạn trẻ trong ngày 20/11.
Facebook và diễn đàn mạng ngập tràn những lời chúc, lời tri ân gửi tặng thầy, cô giáo.
“Happy Vietnamese teacher’s day! 20/11, khoảng thời gian để hướng tới những người thầy, người cô với sự kính trọng và biết ơn sâu sắc – ngày tri ân người khai sáng! Xin kính chúc các thầy cô giáo, bố mẹ, anh chị và bạn đồng nghiệp những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc cho niềm nhiệt huyết với nghề sẽ mãi không bao giờ tắt trong mỗi chúng ta”, nickname Hạnh Hương viết trên facebook.
Xúc động khi ngày 20/11 tới, nickname maihuong_119 viết: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề gì cao quý bằng nghề dạy học. Chúc các thầy, các cô luôn mạnh khỏe, bình an, công tác tốt và có một gia đình hạnh phúc”. Angle Pham thì “gửi lời tri ân chân thành, sâu lắng tới những người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời chúng con”.
Trên facebook của mình, thành viên Lãng Tử Đơn Côi còn sưu tập nhiều bài thơ và lời chúc ý nghĩa về ngày Nhà giáo. “Nếu hỏi: ‘Thành công bắt nguồn từ đâu? Em sẽ trả lời rằng: ‘ Là cô – người đã mang đến cho chúng em kiến thức, hành trang bước vào đời” hay “Dốt kia thì phải cậy thầy/Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên/Con ơi ghi nhớ lời này/Công cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên”,trích facebook của Lãng Tử Đơn Côi.
Không chỉ facebook, trên diễn đàn hay forum các trường, những lứa học sinh đã ra trường đi làm xa không về dự mít tinh ngày 20/11 đều bày tỏ tiếc nuối. Diễn đàn của trường chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) “chật ních” lời chúc thầy cô sức khỏe.
Nhiều năm đã qua, Trí Nguyễn, cựu học trò trường chuyên Hùng Vương, không bao giờ quên khuôn mặt, giọng nói, dáng người của những thầy cô giáo đã dạy mình. “Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, con chúc các thầy cô luôn khỏe, gặp nhiều may mắn và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi khi nhìn thấy những lớp học sinh của mình lớn khôn và thành người”, Trí Nguyễn bày tỏ tấm lòng thành kính.
Những năm tháng của tuổi học trò “ám ảnh” nickname Hankoo cả giấc ngủ. Giờ đã ra trường đi làm nhiều năm nhưng thỉnh thoảng Hankoo vẫn mơ thấy mình bị gọi lên bảng làm bài tập Toán khiến anh “sợ quá, thức giấc luôn”. 20/11, tình cờ nghe lại những ca khúc về thầy cô, nickname trên lại nhớ ngày xưa da diết. Năm lớp 12, Hankoo làm “phát thanh viên” cho radio của trường. Rất thích mở nhạc tình yêu cho các bạn nghe nhưng sợ thầy cô la nên cậu mở mấy bài về trường lớp, nghe riết thuộc lòng rồi nghiền luôn.
Video đang HOT
Nickname Duong Phan Hoang lại chỉ cần nhìn thấy “nhiều nhóm bạn tụ tập đi thăm thầy cô” là lòng thấy nao nao. Tạt qua nhìn lại cổng trường cấp 2 một chút, Duong đành đợi đến đúng ngày 20/11 để được về thăm “u và các thầy cô cấp 3″. “Những ngày này mà không bị vướng bận gì, được về với thầy cô là nhất rồi còn gì! Ngày mai nhé D12 ơi!”, Duong Phan Hoang chia sẻ.
Cuộc sống bộn bề, công việc căng thẳng khiến leminhbaby “chút xíu” nữa là quên đi ngày để nói: “Em cảm ơn thầy cô”. “Hôm qua điện thoại về nói chuyện với nhóc vịt giời út. Nàng khoe mai em đi tập múa với các bạn để chuẩn bị 20/11. Vậy là mới nhớ ra lại sắp 20/11. 5 năm rồi… Ngày mai khăn gói quả mướp về quê thăm lại trường xưa, thầy cô giáo cũ. Không biết thầy cô còn ghét con bé học trò quậy vô đối này nữa không”, nickname tâm sự.
Được trở về thăm thầy cô trong ngày 20/11 là mong ước của bao thế hệ học trò. Ảnh: Tuấn Mark.
Để tri ân những người lái đò, Flexoffice kể câu chuyện về thầy và lớp mình. Trong trí nhớ của Flexoffice, lớp 11 của nickname ấy “quậy, phá nhưng mà vui”. Có lần bị giáo viên phê lớp ồn, thứ bảy sinh hoạt lớp thầy chủ nhiệm lôi ban cán sự lên hỏi nhưng không thành viên nào khai ai “đầu têu”.
Sau hai ngày “giận hờn vu vơ”, thầy vẫn quyết không nói gì với cả lớp, có gì thì ghi lên bảng. “Gần cuối tiết thầy vô tình ghi ví dụ trên bảng: ‘Hỡi đồng bào cá nước’. Lúc đầu không để ý nhưng sau mình phát hiện và đọc lớn ‘Hỡi đồng bào cá nước’, thế là cả thầy và trò cười ầm lên. Thầy hết giận còn trò hết sợ. Chúc cho thầy luôn khỏe và mãi là thầy của chúng em”, Flexoffice tâm sự.
Độc giả trên chia sẻ, giờ qua cái thời ấy rồi mới nhớ mới quý, lúc còn nhỏ thì chỉ muốn lớn nhanh để đi làm.
Cũng nhắc kỷ niệm thời cấp 3, nguyenson281288 nhớ đến cô giáo lần đầu tiên vào làm chủ nhiệm lớp mình. Cậu tỏ ra hối hận vì những trò đùa hay thái độ chưa đúng mực với cô giáo trẻ ngày ấy. “Hồi đầu bọn mình ghét giáo viên chủ nhiệm lắm vì cô vừa mới về trường, lần đầu tiên làm chủ nhiệm, lại còn vào ngay lớp chuyên nên bọn mình cũng không coi trọng lắm. Lúc đầu cũng có nhiều thái độ không tốt với cô nhưng sau thấy cô rất tốt và nhiệt tình vì lớp nên bây giờ ai cũng quý, năm nào lớp cũng đến thăm”, nguyenson281288 viết.
Ngoài những comment “khoe” ký ức đẹp một thời học trò, một vài bình luận lại chia sẻ nỗi buồn mỗi lần nghe bạn bè kể về thời THPT. “Nhắc đến 20/11, mình không về trường cũ nữa. Cấp 2 của mình bình thường, cấp 3 có hơi âm u. Mình biết ơn một cô giáo cấp 2 và một thầy giáo cấp 3. Điều thú vị là hai người này có nét rất giống nhau: dùng tâm để dạy học nhưng mà bằng hình thức bạo lực khiến mình có bị biến dạng chút chút”, yenbizz kể.
Không chỉ lời chúc, câu chuyện, nhiều diễn đàn còn tổ chức cuộc thi viết lại kỷ niệm đáng nhớ về thầy cô, mái trường hay những lời tri ân hay nhất về “người lái đò”.
Theo VNE
Ông giáo làng viết sử về Hoàng Sa
Một ông giáo làng ở Quảng Ngãi đã cất công lặn lội sưu tầm tư liệu soạn những bài giảng lịch sử sinh động về Hoàng Sa - Trường Sa cho học sinh trung học tỉnh nhà.
Đó là thầy giáo Trần Văn Vàng, giáo viên Lịch sử và Địa lý Trường THCS Đức Chánh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), người có hơn 30 năm đứng trên bục giảng.
Đi Lý Sơn tìm Hải đội Hoàng Sa
Thầy Vàng kể: "Đầu năm 2007, do thiếu tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương, Phòng Giáo dục đã giao tôi và một số giáo viên soạn tài liệu môn sử địa phương cho bậc THCS. Khi bắt tay vào việc tôi mới thấy mọi chuyện không đơn giản, nhất là vấn đề chủ quyền biển, đảo. Thông tin đại chúng tuy đề cập rất nhiều nhưng để chuẩn hóa những thông tin ấy và đưa vào trong bài giảng thế nào cho hợp lý là không phải dễ. Quảng Ngãi là quê hương của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa nên bài học lịch sử phải tâp trung vào chủ đề này. Cuối cùng, tôi cơ cấu bài giảng thành bài Nhân dân Quảng Ngãi với quần đảo Hoàng Sa và bắt tay vào thực hiện".
Lên khung chương trình xong, thầy Vàng đến Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi để tham quan, thu thập tư liệu. Song thời điểm ấy tư liệu về Hải đội Hoàng Sa ở Bảo tàng Quảng Ngãi chưa nhiều. Thầy Vàng vào các nhà sách để lùng sục nhưng vẫn không có. "Bí quá, tôi đánh bạo đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gặp các anh ở bộ phận nghiên cứu lịch sử Đảng địa phương để nhờ giúp đỡ. Tại đây, tôi tiếp cận được một số tư liệu như Dư địa chí tỉnh Quảng Ngãi, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Tập san Sử Địa cùng một số tài liệu mới về biển Đông" - thầy Vàng kể.
Thầy Vàng thức nhiều đêm để đọc, nghiền ngẫm. "Tư liệu đã có nhưng vẫn chưa đủ, bởi ở huyện đảo Lý Sơn, di tích về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa dày đặc mà không điền dã ở Lý Sơn thì không ổn" - thầy Vàng bộc bạch.
Thầy giáo Trần Văn Vàng cùng học sinh Trường THCS Đức Chánh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). (Ảnh: Võ Quý)
Thẳm sâu tiếng gọi "hùng binh"
Mùa hè năm 2007, lần đầu tiên thầy Vàng ra huyện đảo Lý Sơn để "mục sở thị" những điều ghi trong sách vở. Hành trang của chuyến đi chỉ là mấy bộ quần áo, chiếc máy ảnh cùng ba cuộn phim và một sổ ghi chép. Đên đảo, thầy Vàng nhờ người quen đưa đi thăm nhà các tộc họ tiền hiền trên đảo Lý Sơn, viếng mộ gió của các cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, ghé Âm linh tự - nơi thờ các hùng binh Hoàng Sa, đình An Vĩnh - nơi làm lễ tế đội Hoàng Sa trước khi xuất phát... Tại đất đảo, tình cờ thầy đã nghe những câu hát từ người mẹ ru con: "Mảng mùa tu hú kêu thanh/ Cá chuồn đã vãn, mà anh chưa về", "Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn. Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây" hoặc "Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về"...
Thầy Vàng xúc đông kể: "Qua câu hát mới hiêu những hùng binh Hoàng Sa ra đi biết mình khó có thể trở về, tự chuẩn bị cho mình những vật dụng như thẻ bài bằng tre, chiếu, dây mây để khi rủi ro, đồng đội bó xác trôi xuống biển, may đâu về lại quê nhà. Vì vậy, mình hiểu hơn hai chữ "hùng binh" mà vua Tự Đức đã dành cho những người lính Hoàng Sa".
Lại tham gia soạn sử cho câp tỉnh
Sau chuyến đi đảo Lý Sơn, thầy Vàng lại tiếp tục tìm tư liệu, nghe ở đâu có tư liệu mới là tìm đến hỏi thăm, xin phôtô đem về. Sáu tháng sau, thầy Vàng mới hoàn thành tập tài liệu soạn giảng bằng bản chép tay, đem đánh máy, scan hình ảnh đúng 63 trang giấy A4, trong đó có bài "Nhân dân Quảng Ngãi với đảo Hoàng Sa" được soạn công phu, kèm tư liệu, hình ảnh minh họa.
Tập tài liệu được chuyển về Phòng Giáo dục, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mộ Đức thẩm định. Tháng 1-2008, tại Trường THCS Đức Chánh, Phòng Giáo dục huyện tổ chức cho giáo viên dạy môn Sử cùng Ban Tuyên giáo Huyện ủy góp ý để thầy Vàng bổ sung, hiệu chỉnh. Đến tháng 11-2008, thẩm định xong, phòng tổ chức cho giáo viên Sử ở 15 trường THCS của huyện nghe thầy Vàng báo cáo về chương trình lịch sử địa phương do thầy biên soạn. Kết quả của những tháng ngày lặn lội điền dã, sưu tầm, soạn và báo cáo tập bài giảng ấy, thầy Vàng được bồi dưỡng 300.000 đồng. Thầy Vàng mang số tiền này đi khao đồng nghiệp.
Cuối năm 2011, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức biên soạn tài liệu địa phương về các môn Văn, Sử, Địa để giảng dạy ở các trường phổ thông. Thầy Vàng lại được chọn tham gia biên soạn.
Theo Võ Quý
Pháp luật TPHCM
Muôn màu du học sinh Việt tri ân cô thầy Dù đang giữa kỳ thi hay trong tiết trời giá lạnh, những cô cậu học trò Việt vẫn không quên dành những tình cảm chân thành nhất gửi tới các thầy cô giáo theo những cách đậm chất "du học sinh". DHS tại Trung Quốc: Nhớ ơn thầy cô Tại đất nước láng giềng Trung Quốc, dưới tiết trời -10 độ C, các...