Những số phận ‘bị treo’ sau giọt axít
Ước mơ trở thành nhà giáo của Nhân bị trở ngại?
Hai năm bị tạm giam ở trại không dài nhưng nó đã “lấy mất” những ký ức đẹp tuổi thanh xuân của Nhân, Đại và Thuận. Số phận ba chàng trai này bị treo “lơ lửng” khi vụ án liên quan đến họ có dấu hiệu “chìm”.
Ngược dòng thời gian…
Vụ án bắt nguồn từ việc tranh chấp quyền sử dụng khu ao Cầu Nẩy, Thanh Oai, Hà Tây (cũ). Những hộ gia đình thầu ao để thả cá đã xô xát với những người tự ý san lấp, lấn chiếm ao trái phép. Nguyễn Trường Đại (SN 1982), Nguyễn Văn Nhân (SN 1985), Nguyễn Đức Thuận (SN 1985) – đều trú tại Thanh Mai, Thanh Oai; bên thầu ao – bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Theo VKSND tỉnh Hà Tây (cũ) cáo buộc, ngày 15-2-2004, Đại dùng axít hắt vào mắt gây bỏng và mù lòa cho anh Phạm Văn Dũng (thương tật 66,8%). Nhân, Thuận thì hành hung anh Phạm Văn Hùng khiến anh này mất 15,4% sức khỏe.
Ngày 21-7-2005, phiên sơ thẩm lần thứ nhất, TAND tỉnh Hà Tây (cũ) đã tuyên phạt Đại 8 năm tù, Thuận 30 tháng tù và Nhân 24 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Lúc này, Nhân và Thuận đang là sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa, Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (cũ). Họ kêu oan và HĐXX phúc thẩm ngày 16-9-2005 của TANDTC đã tuyên huỷ án sơ thẩm của TAND tỉnh Hà Tây để điều tra lại.
Video đang HOT
Mấu chốt của vụ án là ở bị hại Phạm Văn Dũng. Anh Dũng được xác định tổn hại 66,8% sức khỏe do bị hắt xít. Nhưng, suốt quá trình tố tụng, các cơ quan chức năng không làm rõ được ai hắt axít, hắt ở đâu và bằng dụng cụ gì. Sau ba tháng, CQĐT mới có quyết định trưng cầu giám định thương tật cho anh Dũng và kết quả giám định này có nhiều điểm mâu thuẫn. Điểm đáng ngờ, bị hại bị thương nặng ở mắt nhưng trưa hôm xảy ra ẩu đả, anh Phạm Văn Dũng vẫn xông vào bệnh viện đòi “trị” người nhà ông Thuần (bên thầu ao) đang nằm trong phòng cấp cứu. Thương tật nặng nhưng anh Dũng chỉ điều trị trong viện năm ngày rồi về nhà tiếp tục nghề hàn xì.
Thời gian rảnh, Thuận giúp bố sửa lại đường điện trong nhà
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai (ngày 6 đến 7-8-2007), các bị cáo tiếp tục khẳng định không có mặt tại khu vực ao Cầu Nẩy khi xảy ra xô xát. HĐXX – TAND tỉnh Hà Tây (cũ) đã tuyên Đại, Nhân, Thuận không phạm tội “Cố ý gây thương tích” và yêu cầu chính quyền địa phương, các trường đại học khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Như vậy, sau gần hai năm bị tạm giam, Đại, Nhân, Thuận trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng niềm vui chưa dứt thì tòa phúc thẩm – TAND TC lại tuyên huỷ bản án trên. Tòa nhận định, CQĐT đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự khiến vụ án phải xử đi, xử lại. Ngày 24-6-2008, CA tỉnh Hà Tây (cũ) có Bản Kết luận điều tra số 49 khẳng định, Đại, Nhân, Thuận phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
“Lơ lửng”…
Theo Bản Kết luận điều tra vụ án số 49 ngày 24-6-2008 của CQĐT – CA tỉnh Hà Tây (cũ), sáng 15-2-2004, Đại, Nhân, Thuận thấy Phạm Thị Đấu, Nguyễn Thị Minh Đức, Đỗ Thị Nụ cãi chửi nhau với những người san lấp cát ở khu vực ao Cầu Nẩy. Cả ba đã mang tuýp sắt, xẻng đuổi đánh anh Phạm Văn Dũng, Hà Huy Trọng, Phạm Văn Hùng làm những người này bị thương. Đại, Nhân, Thuận đã khiến anh Hùng tổn hại 15,4% sức khỏe.
Có thể thấy, bản kết luận này đã gạt bỏ một số hành vi cho ba thanh niên. Trước đây, CQĐT và VKSND tỉnh Hà Tây (cũ) khẳng định, Đại hắt axít vào mặt anh Dũng làm tổn hại 66,8% sức khỏe. Nhưng trong kết luận này, CQĐT cho rằng: “Anh Dũng khai Đại, Nhân, Thuận vung tay phụt axít vào mặt, mắt gây tổn hại 66,8% sức khỏe. CQĐT tiến hành xác minh nhưng không làm rõ được ai là người phụt axít vào mặt anh Dũng. Mặt khác, nguồn gốc axít gây thương tích cho nạn nhân cũng không được làm rõ. Vì thế, không đủ căn cứ để xử lý”.
Theo đó, CQĐT đề nghị VKSND tỉnh Hà Tây (cũ) truy tố các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích”. Nhưng cho đến nay, chưa có ý kiến từ VKSND phê chuẩn kết luận này của cơ quan CA. CQĐT cũng không đình chỉ điều tra vụ án. Vụ án có dấu hiệu “chìm xuống”; điều đó đồng nghĩa với việc, số phận của Đại, Nhân, Thuận rơi vào thế “lơ lửng”. Đó cũng là lý do tại sao, ba thanh niên này lo lắng cho tương lai khi lý lịch của họ mang “vết” mà không được “gột rửa”!
… đeo bám những số phận!
Năm năm qua, ngôi nhà của bà Phạm Thị Đấu (mẹ của Nhân, Đại) vẫn tuềnh toàng như vậy. Nhà không có gì đáng giá, bà Đấu chỉ nâng niu tấm bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội của Nhân. Bởi, đó không chỉ là nỗ lực của cậu con trai mà còn là sự tự tin của Nhân trước sóng gió cuộc đời.
- Nhân: Mơ ước trở thành thầy giáo, em đã thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Khi vướng vào vòng lao lý, em thấy mình không đủ tự tin để đứng trên bục giảng. Em sợ, đến lúc nào đó, học sinh biết đến quá khứ của em và xì xào…
Nhân đã hoàn thành nốt chặng đường học dang dở. Không thể kể hết khó khăn khi chàng trai này làm sống dậy ước mơ của mình. Ngày bị bắt tạm giam, Nhân là sinh viên năm thứ nhất. Khi được TAND tỉnh Hà Tây (cũ) tuyên không phạm tội, Nhân trở lại trường. Những tưởng sau hai năm, Nhân sẽ được nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng, việc học kéo dài thêm một năm (học thêm 10 môn mới).
Ở lớp, Nhân ít nói, ngại tiếp xúc với bạn bè. Đó cũng là điều dễ hiểu vì những ngày tháng bị tạm giam đã khiến cậu bị suy nhược thần kinh. Dù thiệt thòi đủ đường nhưng Nhân vẫn nỗ lực học và nổi bật ở môn Đại sơ cấp, Lý thuyết số. Tháng 6-2010, Nhân hào hứng rời trường, trên tay cầm bằng tốt nghiệp. Nhưng cậu nhanh chóng thất vọng vì sợ không được “đứng lớp”. Tất cả cũng chỉ vì bản lý lịch…
- Nhân nói: Trong bản sơ yếu lý lịch nộp cho một trường THCS để xin ký hợp đồng, em đã trình bày rõ nhân thân của mình. Em giải thích tại sao quá trình học lại kéo dài từ năm 2003 đến năm 2010. Em hy vọng, mình sẽ được hiểu đúng và được bố trí dạy.
Nếu được ký hợp đồng làm giáo viên dạy môn Toán, lương tháng mà Nhân được hưởng cũng chỉ vẻn vẹn 730.000 đồng. Nhưng Nhân không muốn tìm việc khác vì khát khao của mình và cả của mẹ.
Nhắc đến bà Đấu, tôi còn nhớ như in hình ảnh bà trong lần gặp đầu tiên. Lúc đó, bà tiều tụy, thất thần và luôn đi lang thang. Nỗi xót xa của bà Đấu nhân đôi vì Đại (cậu con trai cả) cũng không thể thoát khỏi bản lý lịch. Giờ, bệnh suy nhược thần kinh vẫn âm ỉ, bà Đấu càng lo lắng khi số phận những đứa con của mình vẫn chưa rõ ràng.
Rơi vào tình trạng tương tự là Nguyễn Đức Thuận. Cách đây một năm, Thuận đã học xong Trường Cao đẳng Bách khoa. Nhưng nhân thân chưa rõ ràng, Thuận không thể có công việc ổn định. Chờ đợi các cơ quan tố tụng đưa ra phán quyết cuối cùng, Thuận tiếp tục học liên thông lên đại học. So với anh em Nhân, từ khi bị tạm giam, sức khỏe của Thuận sa sút vì bệnh lao. Trời đổ gió mùa thế này, Thuận lại lên cơn đau tức.
– Theo HĐXX sơ thẩm ngày 7-8-2007 của TAND tỉnh Hà Tây (cũ), các bị cáo không phạm tội “Cố ý gây thương tích” bởi các lẽ: – Thứ nhất, về hành vi phụt axít của Đại vào anh Phạm Văn Dũng: Lời nhận tội của Đại mâu thuẫn. Đại nói về hai địa điểm phạm tội khác nhau (khu ao Cầu Nẩy và trước nhà mình). Vậy, đâu mới là hiện trường thực sự? Còn anh Dũng lúc khai Đại, Nhân và Thuận đều vung tay phụt hóa chất vào mình, khi thì nói, có cả chị Đức (mẹ của Thuận) cầm súng bắn a xít vào mắt… Ngay cả vị trí đứng của các bị cáo, dụng cụ Đại, Nhân, Thuận dùng để phụt axít, anh Dũng cũng mơ hồ. Trong khi đó, các nhân chứng khai “lung tung”. – Thứ hai, về hành vi của Đại, Nhân, Thuận gây thương tích cho anh Phạm Văn Hùng, Hà Huy Trọng. Ở đây, có sự mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo, bị hại và các nhân chứng về số người tham gia đuổi đánh. Nhiều nhân chứng ban đầu không chứng kiến vụ việc, sau lại bảo có nhìn thấy các bị cáo và những người khác gây thương tích cho anh Hùng. Nhân chứng cho hay, anh Trọng bị đánh nhiều nên choáng, ngất. Nhưng, kết quả giám định thương tật của bị hại này chỉ là 0% (?). – Thứ ba, vụ án xảy ra ban ngày, có nhiều người chứng kiến nhưng sau hơn bảy tháng, CQĐT mới khởi tố bị can. Lời khai trong hồ sơ “vênh” nhau nhưng chưa được đối chất. Điều này chưa có đủ cơ sở quy kết các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”.