Những “sát thủ Windows” không làm tròn phận sự (Phần cuối)
Tiếp tục điểm qua những “ sát thủ Windows” đã thất bại trong việc kìm hãm sự phát triển của hệ điều hành này.
Hiểm họa: Netscape suýt chút nữa đã biến Windows trở thành một hệ điều hành lỗi thời.
Có thời điểm Microsoft đã đánh mất thị trường Internet vì để cho Netscape Navigator vượt mặt và trở thành cánh cửa dẫn đến Internet dành cho người dùng. Nguy cơ sẽ xảy đến khi mà các nhà phát triển ứng dụng quay ra viết phần mềm Web dành cho Navigator thay vì Windows.
Giải pháp: Microsoft xâm nhập thị trường Web và đánh bại Netscape với Internet Explorer, rồi tiếp tục quá trình định hướng Web.
Bill Gates nhanh chóng nhận ra điều này và lập tức hướng tất cả các sản phẩm của Microsoft về phía Internet, cụ thể là khả năng kết hợp với các trình duyệt web, Internet Explorer dành cho Windows. Netscape sau đó dần biến mất, và trong năm 2001 Internet Explorer đã chiếm tới 90% thị trường trình duyệt web. Điều này cho phép Microsoft tự do định hướng thế giới Web theo ý mình, và các nhà phát triển phần mềm phải buộc phải viết ứng dụng cho IE.
Nhưng Mozilla đã thừa hưởng lại di sản của Netscape và tạo ra Firefox, và rồi rất nhanh chóng trình duyệt này bắt đầu lấn sân IE. Gã khổng lồ trên Internet là Google nhanh chóng khai thác vùng đất ứng dụng trên Web, Microsoft tiếp tục đối mặt với các hiểm họa đến từ Gmail và Salesforce.com. Những năm gần đây, sự trỗi dậy của các thiết bị di động càng khiến cho các nhà phát triển phần mềm cố gắng viết ứng dụng Web dành cho tất cả các hệ điều hành.
Giờ Microsoft đã có trong tay HTML5 và JavaScript, chúng sẽ là một phần quan trọng để phát triển ứng dụng trên tablet dành cho Windows 8, các ứng dụng sử dụng công nghệ điện toán đám mây như Office 365.
Hiểm họa: Hệ điều hành Linux đe dọa sự tồn tại của Windows. Lợi thế đáng kể nhất của hệ điều hành này là mã nguồn mở và hoàn toàn miễn phí.
Giải pháp: Người dùng thích Windows hơn bởi dễ dùng và khả năng tương thích với nhiều ứng dụng và phần cứng khác nhau.
Linux quá phức tạp và không thể chạy được nhiều ứng dụng như Windows, giờ đây cả Microsoft lẫn cộng đồng Linux đều không mấy quan tâm đến hệ điều hành này.
Tuy nhiên Linux vẫn được dùng trên các máy chủ và nhiều thiết bị khác, nó còn là nền móng cho Android. (Hệ điều hành OS X của Apple cũng dựa trên một phiên bản của Unix là FreeBSD.)
Hiểm họa: Sony cho rằng PlayStation sẽ làm cho người dùng PC phải thèm muốn.
Video đang HOT
Ken Kutaragi, giám đốc mảng máy console của Sony quả quyết rằng Sony muốn biến PlayStation trở thành một chiếc PC với câu nói -”Một thế giới mới sẽ được tạo ra bằng bàn tay của PlayStation 2 trong những năm tiếp theo. Hiện tại đang là thời kỳ của PC, nhưng PlayStation 2 sẽ là một chiếc máy tính hoàn toàn khác.”
Giải pháp: Microsoft dành cả tỉ USD để tạo ra một dòng máy console của họ, ngăn chặn sức mạnh của Sony.
Xbox ra đời chậm hơn so với PS2 và chưa bao giờ theo kịp nổi doanh số của chiếc máy console nổi tiếng này. Nhưng năm 2005, Xbox 360 ra đời trước hẳn PS3 một năm và đạt được rất nhiều thành công, nó còn khiến cho Sony phải run sợ với các tính năng như Xbox Live và Kinect. Các máy chơi game console có thể chiếm được một phần thị trường game PC, nhưng ít nhất Microsoft cũng đã kịp nhảy vào khai thác thị trường này. (Microsoft đã tốn 9 tỉ USD để đầu tư cho chiến lược này.)
Trong khi đó tình hình kinh doanh của Sony bắt đầu vấp váp giống như những năm đầu thập kỷ, và Kutaragi rời công ty vào năm 2007.
Hiểm họa: AOL định biến Windows thành một cánh cửa dẫn đến thế giới online, không hơn không kém.
Điều này hơi khó tin, nhưng Gates với tầm nhìn xa của mình đã nhận ra được mối nguy hại mang tên AOL và dành hàng tỉ USD để phát triển dịch vụ MSN của mình. Âm mưu của AOL có thể mô tả như sau: người dùng sẽ mua Windows chỉ để sử dụng AOL, và một khi họ đăng nhập vào dịch vụ này, tất cả các hoạt động trên máy tính sẽ được làm việc trên AOL bao gồm gửi email, tin nhắn và làm việc với các ứng dụng.
Giải pháp: Sự phát triển của Web đã khiến ý tưởng này trở thành một giấc mơ xa vời.
Dịch vụ miễn phí AOL gặp phải những đối thủ cạnh tranh như Yahoo, Google và vô số những hãng khác. Microsoft cũng rất nhanh chóng tung ra MSN như là một tấm bùa bảo vệ họ trước những đòn tấn công này. AOL mua lại Time-Warner và kể từ đó đến nay, công ty liên tục xuống dốc.
Hiểm họa: iPad ngày càng lấn lươt PC
Quý trước, Ipad đã chiếm được 11% thị trường PC mặc dù nó chỉ mới xuất hiện khoảng 1 năm trở lại đây.
Giải pháp: Chưa rõ
Microsoft đang chơi một canh bạc lớn với Windows 8 để ngăn chặn iPad, đồng thời hệ điều hành này vẫn sẽ giữ những điểm mạnh vốn có. Liệu chiến thuật 2 trong 1 này có thể thành công hay không? Trong hội thảo BUILD chúng ta đã hiểu rõ hơn về nước đi này của Microsoft. Dự kiến cuộc chiến này sẽ diễn ra trong 3 hoặc 4 năm tới, đến lúc đó sẽ xác định được ai là kẻ chiến thắng.
Theo Bưu Điện VN
Những "sát thủ Windows" không làm tròn phận sự (Phần 1)
Trong suốt 15 năm thống trị thị trường PC từ phiên bản Windows 95, HĐH của Microsoft phải đối mặt với vô số kẻ vỗ ngực tự xưng là "Windows killer". Và không phải Windows killer nào cũng thành công.
Giả sử một ngày Windows bị khai tử, Microsoft có lẽ cũng sắp đến ngày tận diệt. Thực tế đấy đang dần dần hiện rõ hơn khi ngày nay nhiều người dùng quan tâm đến iPad hơn là những chiếc PC đắt tiền.
Đầu tuần vừa qua, Gartner lần thứ 3 trong năm nay hạ thấp chỉ tiêu PC tiêu thụ. Những hãng như HP, Acer đang bắt đầu đối mặt với việc dần dần bị loại bỏ ra khỏi thị trường. Doanh thu của Microsoft từ Windows trong 2 quý gần đây đã sụt giảm, và iPad chiếm được 11% thị phần PC.
Tại hội nghị BUILD tuần tới, Microsoft sẽ công bố chi tiết hơn về Windows 8, hệ điều hành lãnh sứ mạng đẩy lùi iPad nhưng vẫn phải giữ những nét đặc trưng đã làm nên thương hiệu Windows. Nhiều người nghi ngờ khả năng thành công của Microsoft. Có thể lắm, nhưng nên nhớ rằng Windows là một chiến binh từng trải, và với những nước đi thông minh nó đã chiến thắng rất nhiều trận chiến sinh tử.
Hãy điểm lại những đối thủ đã từng đe dọa sự tồn vong của Windows.
Hiểm họa: Macintosh cung cấp giao diện người dùng đầy đủ hơn so với Windows tại thời điểm nó ra đời. Máy Mac ra đời vào năm 1984, và 6 năm sau đó Apple liên tục thành công trong việc chiếm giữ lòng tin của người dùng, cho đến khi Microsoft đưa ra câu trả lời là Windows 3.0.
Giải pháp: Máy tính của IBM rẻ hơn, kết hợp với các thiết bị ngoại vi đa dạng hơn, chạy được nhiều ứng dụng, những ưu điểm này giúp cho Microsoft bắt kịp đối thủ.
Microsoft đã có rất nhiều nước đi thông minh để đẩy Mac ra khỏi thị trường. Họ phân phối MS-DOS rộng rãi và đảm bảo rằng hệ điều hành này có thể hoạt động trên nhiều phần cứng khác nhau, nhằm tạo ra sự cạnh tranh phần cứng và khiến giá của chúng được giảm xuống. Họ còn có lôi kéo được các lập trình viên xây dựng ứng dụng cho DOS và Windows.
Trong khi đó, phía Apple mất đi người thuyền trưởng tài ba là Steve Jobs, công ty liên tục bị thất thế trước đối thủ và phải đến hơn 1 thập kỷ sau, khi Steve Jobs quay trở lại thì Apple mới có thể vực dậy
Hiểm họa: Hệ điều hành OS/2 của IBM có một số điểm mạnh hơn so với Windows.
Microsoft và IBM cùng nhau tạo ra hệ điều hành DOS OS/2 và phân phối qua mạng lưới của IBM vào năm 1987. Nhưng cùng lúc đó Microsoft vẫn tiếp tục phát triển Windows, và rồi 2 công ty này đường ai nấy đi.
Năm 1992, IBM tân trang lại cho OS/2 đẹp đẽ và nhanh hơn so với Windows 3.0, nó có thể chạy 2 ứng dụng cùng một lúc và có giao diện 32-bit.
Giải pháp: IBM chẳng bao giờ có thể đuổi kịp Microsoft bởi xuất phát điểm của Windows là quá cao.
Microsoft cùng với hệ điều hành Windows 3.0 đã tạo được lòng tin nơi các nhà phát triển phần mềm, người dùng và đối tác, IBM đã không thể phá vỡ được mối liên kết này của họ. Hiệu năng hoạt động khi chạy ứng dụng DOS giả lập cũng là một điểm yếu của OS/2. Và cho đến khi Windows 95 ra đời thì nó bỏ xa các đối thủ và trở thành một hệ điều hành chuẩn mực.
Hiểm họa: General Magic tạo ra máy tính di động có tên Magic Cap.
Khởi điểm là một dự án của Apple, và rồi tách riêng với sự giúp đỡ của Motorola, Sony và AT&T. Thiết kế mang tính đột phá, sử dụng hệ điều hành nhẹ mang tên Magic Cap và hoạt động chủ yếu dựa trên kết nối mạng.
Rất nhiều các thiết bị của MagicCap được xuất xưởng vào năm 1994 khiến cho Bill Gates cảm thấy lo lắng và nhắc tới công ty này trong bài viết nổi tiếng có tên Internet Tidal Wave một năm sau đó.
Giải pháp: Chiếc Newton của Apple đã đánh bại General Magic và cũng tự chết dần, Microsoft sau đó mua lại những bản quyền sở hữu trí tuệ của hãng.
Apple cho ra mắt chiếc Newton trong cùng một khoảng thời gian đó (họ còn kiện General Magic vì đánh cắp ý tưởng), Newton cũng gây được nhiều tiếng vang với khả năng nhận dạng chữ viết tay. Trong khi Magic Cap không thể làm được điều này và lập tức trở nên lỗi thời. Hơn nữa thời điểm đó những nhà mạng vẫn chưa đủ khả năng về công nghệ để hỗ trợ họ, thế nên chỉ có một vài ứng dụng nhỏ lẻ được tung ra.
Công ty này dần dần sụp đổ, Microsoft tiếp nhận và mua lại những bản quyền sở hữu trí tuệ của hãng vào năm 1998.
Hiểm họa: Java cho phép nhà phát triển phần mềm tạo ra ứng dụng độc lập.
Sun đã biến Java thành một nền tảng rất nhẹ dành cho những thiết bị di động, nhưng đầu những năm 1990 dường như nó đã trở thành một cách để phát triển những ứng dụng chạy trên mọi loại máy tính. Điều này có thể ảnh hưởng tới Windows.
Giải pháp: Microsoft sử dụng chiến thuật vây bắt để vô hiệu hóa Java, và công việc kinh doanh phần cứng thất bát của Sun đã khiến hãng này tự sụp đổ.
Microsoft tạo ra một phiên bản giống với Java dành cho Windows. Và rồi cả 2 công ty này lao vào một cuộc chiến pháp lý, kết thúc với việc Microsoft trả cho Sun 1,6 tỉ USD và đăng ký được những bản quyền của hãng này.
Ngày nay Java vẫn tồn tại, nhưng Sun thì không. Sau khi công việc kinh doanh phần cứng của hãng sụp đổ, Oracle mua lại hãng này chỉ với một khoảng tiền rất nhỏ. Java hiện tại lại là một phần của Android (thế nên mới có chuyện Oracle kiện Google vì vi phạm bản quyền.)
Theo Bưu Điện VN