Những sát thủ tuổi teen
Nhà trường xa lánh, gia đình khắt khe, nhiều đứa trẻ đã quyết định “chơi tới” để trả thù bằng nghiệp sát thủ.
Tân “sô” bộc bạch: “Bạn bè trong giới gọi em là Hắc Chu Quy vì người em đen như cột nhà cháy và trên lưng xăm hình quỷ, kẻ canh giữ linh hồn. Sống bằng nghề đâm thuê chém mướn này hên xui lắm anh ơi. Nếu thành công nhiều vụ, có số má thì sau này sẽ đỡ khổ hơn”.
Nói đoạn, nó kéo áo lên để lộ những vết sẹo sau nhiều trận đổ máu. Nhìn thân hình cao lêu nghêu, nét mặt già sạm, không ai ngờ Tân chỉ mới 17 tuổi. Nhà Tân ở quận 4 (TP HCM), mồ côi mẹ từ bé, cha cưới vợ khác. Tân buồn bã vì mẹ kế bạc đãi, cha ruột thờ ơ, sang nhà cậu nương nhờ. Từ đó, nó bỏ bê việc học theo nhóm bạn “Nicolai” tung hoành ở khu Xóm Chiếu.
Một giang hồ nhí bị công an bắt ngay sau khi giết người ở quận 10, TP HCM
“Nghiệp”
Sau một hồi lưỡng lự, Tân kể lại lần chém người đầu tiên: “Lúc đó em 14 tuổi, đại ca ra lệnh “xử” một thằng ở quận 2 vì tội thiếu tiền mà đòi làm cha. Em cùng ba người bạn phóng xe vào khu nhà trọ ở đường Trần Não. Một người rú ga đợi sẵn, một người gõ cửa kêu ra, còn em thì chém. Vừa thấy đối tượng là xả mã tấu tới tấp”.
Sau lần đó, Tân cắn môi nhớ lại: “Em bắt đầu tập làm quen với cảm giác gan lì bằng cách chặt ngón tay và nằm im không khóc. Em tự thề với lòng rằng sẽ trở thành sát thủ để rửa nhục”. Rồi những lần “phê” thuốc lắc, những buổi nhậu thác loạn, Tân lấy con dao bấm luôn mang theo người để rạch tay, rạch ngực cho máu chảy ròng ròng trước mắt bạn bè để chứng tỏ. Tiếng dữ đồn xa, Tân được giới anh chị tin dùng, sẵn sàng trao nhiều “hợp đồng” đâm thuê chém mướn nặng ký để mưu sinh. Bốn năm qua, Tân đã đụng độ trên dưới 50 lần, nhiều đứa bạn bị chết trẻ, tù tội, còn Tân sứt đầu mẻ trán, lủi thủi hết quận này sang quận khác để tránh thù oán giang hồ.
Cũng theo Tân “sô”, trong những tháng ngày theo “nghiệp”, Tân đã qua lại với nhiều tay anh chị mua bán “hàng nóng”, “hàng trắng” và am tường mọi ngõ ngách của chúng.
Tân kể: “Năm ngoái, em đã cắt gân chân một người trên đường Tú Xương. Vài ngày sau mới biết bị nhầm, người bị hại chỉ là anh bán vé số dạo hiền lành, chị vợ sinh con trong bệnh viện. Sau vụ đó em bỏ trốn về Đồng Tháp tính làm lại cuộc đời, nhưng liên tục nhận được lời nhắn nhủ từ các đàn anh: chết là lối thoát cho mày!”.
Không quen cuộc sống khó khổ, không bỏ được cơn nghiện, Tân trở lại Sài Gòn tiếp tục sống qua ngày đoạn tháng. Lần cuối gặp Tân cũng là lúc nó thu xếp mấy bộ đồ ra đi, nó chỉ nói: “Em không biết về đâu, nhưng phải đi thôi. Đêm đến gặp toàn ác mộng bị đuổi giết, sợ lắm. Nếu có thể quay lại tuổi thơ, em sẽ cố gắng học hành để có cuộc sống đơn giản như bao người khác. Bây giờ không còn kịp nữa rồi, anh ơi!”.
Video đang HOT
“Có nhiều giải pháp để phần nào giải quyết vấn đề này, nhưng trước hết các gia đình cần quan tâm đến con cháu mình. Nuôi dạy con cái trưởng thành là nhiệm vụ đương nhiên của các bậc cha mẹ, mỗi bậc cha mẹ phải nhận thức một cách khá đầy đủ và sáng suốt rằng con cái trưởng thành là nhiệm vụ số một trong cuộc đời. Ngoài sự quan tâm của gia đình, nhà trường…, ta nên tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, giáo dưỡng và giáo dục”
Không bơ vơ bụi đời như Tân, N.V.H. xuất thân trong một gia đình có “máu mặt” và khá giả ở ngoại ô Sài Gòn. Chị gái là một hoa khôi trong làng chơi, buôn bán “hàng trắng” và kết thân với rất nhiều tay anh chị. Mẹ H. là thầu đề, trùm chơi hụi và cho vay nặng lãi. Một người bạn của H. tiết lộ: “Nó sinh năm 1994 với ẩn danh là Hero vì được giang hồ nhí tôn xưng làm anh hùng, và cũng là trung gian điều phối heroin trong giới trẻ. Nó bỏ học từ năm lớp 7 để lao vào con đường phạm pháp. Hero đình đám với nhiều vụ xử nhau cỡ bự ở Q.Tân Bình, Gò Vấp. Dù có tiếng là sát thủ nhí máu lạnh, nhưng thật ra bên cạnh H. có nhiều đàn anh trợ giúp nên không ai dám đụng vào”.
Gần đây hai chị em của H. đã bị công an truy nã vì tội tàng trữ, buôn bán heroin và hiện giờ không ai biết họ trôi dạt về đâu.
“Đại ca 007″
Đêm nọ, tại một quán nhậu trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), hai giang hồ nhí lao vào chém một người khách nhỏ tuổi. Nhanh như điện giật, nạn nhân hất văng chiếc bàn lên đỡ, xoay người tung hai cước thật mạnh vào hạ bộ đối phương rồi cầm chai bia vỗ tiếp vào đầu. Thấy đối phương gục ngã, cậu bé khoác lên người chiếc áo sơmi đen, lấy trái cà chua trong túi quần ra nhai bỏm bẻm, ung dung bước ra đường Nguyễn Đình Chiểu đón taxi trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người.
Ngồi bàn kề bên là một nữ sinh của một trường THPT ở quận 3 tỏ ra hiểu biết khi kể lại: “Thằng đó năm nay 16 tuổi, bị nhiễm phim Nhiệm vụ bất khả thi của Hollywood, sát thủ ngậm củ cà rốt trong phim là thần tượng của nó. Nếu trong phim sát thủ luôn mang theo củ cà rốt thì nó biết tạo “phong cách” riêng bằng cách ít nói, mặt lạnh và nhai cà chua. Nó siêng năng luyện tập võ thuật, suốt ngày lang thang xem có ai bị ăn hiếp để ra tay như chàng sát thủ trong phim. Nó tự xưng là “sát thủ Tomato”. Vì tính chơi ngông nên nó bị nhiều băng nhóm nhí trùm bao bố đánh cho tơi tả. Nhưng nhờ biết lấy tiền gia đình chung chi hào phóng nên vẫn nghêu ngao lòng vòng các trường THPT ở quận 3 để lấy uy”.
Cũng theo cô nữ sinh này, Tomato bị đuổi học từ năm lớp 8, khắp trường ai cũng biết. Mới đây, giới giang hồ nhí lại biết đến Tomato với nickname mới là “Gà con”, cắt tóc ba phân, mỗi tháng nhuộm một màu theo một nhân vật trong phim Người trong giang hồ của Hong Kong. Một thời gian dài “Gà con” làm sát thủ ở học đường và cầm đầu một nhóm giang hồ, qua lại với nhiều tay chơi nhí khác ở chợ Bà Chiểu. Suốt ngày “đại ca 007″ này tụ tập đàn em vào bar, đua xe, đánh lộn rồi nghĩ ra nhiều trò quái đản ở các khu vực lân cận trường học.
Ông Hoàng Ngọc Ẩn, nhà ở quận 4, là người đã nhiều lần chứng kiến, ra tay ngăn cản những vụ thanh toán giữa đám giang hồ nhí, tâm sự: “Chứng kiến cảnh giang hồ nhí “lấy số”, đâm chém nhau mà tôi rợn người bởi sự tàn bạo, mạnh tay của bọn nhỏ”. Ít ai biết ông Ẩn là người từng có số má trong giới anh chị với biệt danh “đại ca Teo”, sống giang hồ từ năm 11 tuổi. Nhưng sau những ngày tháng u tối, ông đã “gác kiếm”, tìm vui trong hoạt động xã hội.
Ông thở dài: “Tôi đã bị nhiễm HIV/AIDS và không còn sống được bao lâu. Tuổi trẻ suy nghĩ chưa tới đã cuốn tôi theo lối sống thích chứng tỏ, thích ra oai, cái gì tôi cũng làm, trò gì tôi cũng biết, lúc hối hận thì đã muộn màng. Tôi sắp chết nhưng vẫn lạc quan yêu đời, làm những điều có ích cho xã hội. Tại sao các cháu còn trẻ không biết quý trọng cuộc sống? Là một người từng lầm lỗi, tôi chỉ muốn nói với các cháu rằng hãy dừng lại khi chưa quá muộn, đừng làm đau buồn người khác và hủy hoại cuộc đời mình nữa”.
Theo Tuổi Trẻ
Những cái chết vì 'đại bàng' trong trại giam
Gương mặt cha mẹ nạn nhân dúm dó khi nghe các hung thủ khai hành vi giết con mình trong trại giam. Từng lời tái hiện cuộc sống nghiệt ngã chốn lao tù của những can phạm "mâm dưới" như những nhát dao cứa lòng.
Sau phiên xử, những "đại bàng" tuổi teen này lên xe về trại.
Chưa ngớt buồn phiền vì đứa con trai theo chúng bạn cướp vé số của người bán dạo và bị công an quận 9 (TP HCM) bắt, gia đình Tân bàng hoàng khi nhận được tin con chết trong trại giam giành cho tội phạm chưa thành niên vì bị các bạn tù đánh đập.
Suốt phiên xử ngày 14/9, người cha chốc chốc lại đưa khăn quệt vội những dòng nước mắt trên gương mặt hốc hác. Kế bên, người mẹ không còn sức ngồi vững, bà gục hẳn trên vai chồng.
Trước vành móng ngựa, 6 bị cáo mặt còn búng ra sữa đùn đẩy nhau. Bằng giọng rành rọt, Nguyễn Minh Nghĩa khai nhận, ngày Tân mới vào đã bị "trưởng buồng" bắt ngồi trên bồn cầu (nơi camera trại giam không quan sát được) cho những người khác thay nhau đấm đá. Đây là màn "chào phòng" được áp dụng cho người mới bị bắt giam. Sau đó, Tân được xếp vào hàng "mâm dưới" cùng với 3 người nữa và phải hầu hạ mọi nhu cầu của những người "mâm trên".
Sau khi "trưởng phòng" được chuyển đi trại giam khác, Nghĩa được mọi người bầu làm "đại ca" vì có "thâm niên" cao nhất. Từ đó, "mâm dưới" chỉ còn Tân và một người khác. Do phải làm quá nhiều việc (lau phòng, rửa bát, giặt đồ, đấm bóp...) nên Tân thường bị ăn đòn.
Ngày 11/11/2008, trong phòng nhận được tờ báo viết về bộ phim "Bỗng dưng muốn khóc", Tân khẳng định với mọi người mình đã xem phim này rồi. Tuy nhiên, khi Nghĩa hỏi về các nhân vật trong phim, Tân cứ ấp a ấp úng. Cho rằng đàn em nói dối, Nghĩa cắt người đứng canh quản giáo rồi cùng những phạm nhân còn lại kéo Tân vào nhà vệ sinh thay phiên nhau đánh vào những chỗ hiểm trên người Tân.
Trong suốt 3 ngày, Tân bị hành hạ liên tục, thậm chí còn bị buộc dây vào chỗ kín và kéo chạy khắp phòng. Sáng 3/12, trong lúc phải "chăn kiến" (không cho kiến bò ra khỏi viên gạch, một hình phạt do Nghĩa tự nghĩ ra) thì Tân gục xuống vì kiệt sức.Được đưa đi cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng vào các vùng hiểm nên Tân đã chết.
Cả phòng xử xôn xao, nhiều ánh mắt ái ngại hướng về phía cha mẹ Tân đang gục vào nhau, nức nở.
"Đã giành hết thức ăn, bắt người ta hầu hạ lại còn tra tấn dã man. Ai cho các bị cáo có quyền được đối xử với người khác như thế?"
Vị chủ tọa đặt câu hỏi cho tất cả các bị cáo. Đáp lại, những gương mặt non choẹt đều bình thản cho rằng, đó là "luật" của phòng giam mà bất kỳ ai bước chân vào đây đều phải chấp hành. "Thấy trưởng phòng trước làm thế nào, bị cáo cứ thế làm theo nhưng không ngờ Tân chết. Bị cáo suy nghĩ chưa có tới...", Nghĩa trả lời.
Những lời sám hối muộn màng của các bị cáo lọt thỏm trong những tiếng thở dài của người dự khán. Nguyễn Minh Nghĩa và đồng bọn đã phải nhận từ 6 năm 3 tháng đến 15 năm tù về "cố ý gây thương tích" trong trường hợp gây hậu quả chết người.
Bùi Văn Kim Trọng trước vành móng ngựa.
Trước đó không lâu, cũng tại tòa án này, một vụ án tương tự được đưa ra xét xử. Tháng 5/2008, Bùi Văn Kim Trọng (19 tuổi) có hành vi "cố ý gây thương tích" nên bị tạm giam tại công an quận Bình Thạnh cùng với 24 can phạm chưa thành niên. Do đã từng "ăn cơm tù" về tội "cướp tài sản", Trọng nghiễm nhiên trở thành "nhị ca" và được liệt vào "mâm trên", có quyền được sai bảo, bắt các can phạm khác phải phục dịch mọi nhu cầu của mình và "đại ca".
Ngày 26/5/2008, thấy Thanh phục vụ "trưởng buồng" không tốt, Trọng lôi người này ra đánh cảnh cáo "để làm gương cho kẻ khác". Chiều hôm đó, do quá tức vì bị giành hết thức ăn người nhà gửi vào, lại bị đánh tơi tả nên Thanh tuyên bố sẽ tự tử bằng cách dùng khăn ướt đắp lên mặt cho đến chết. Biết việc, Trọng lôi Thanh ra đạp nạn nhân chết tại chỗ.
Bùi Văn Kim Trọng phải lĩnh án chung thân về tội "giết người".
Tương tự, ngày 18/9/2007, một thiếu niên khác cũng phải bỏ mạng tại buồng giam giành cho tội phạm trẻ trại giam Chí Hòa. Nguyễn Minh Giàu (18 tuổi) bị giam cứu tại đây về hành vi "cướp tài sản". Với bản tính lì lợm, dữ dằn, Giàu khiến các phạm nhân khác nể sợ. Một lần, Giàu bắt được một con thằn lằn. Y bỏ vào hộp nhựa và lúc nào cũng kè kè bên người. Buổi tối, khi vị "đại ca" ngủ, nhiệm vụ nuôi giữ con "thú cưng" này được giao cho hai đàn em là Tùng và Nhân. Do suốt ngày phải phục dịch những người "mâm trên", cả hai người này đã ngủ quên khiến con thằn lằn chạy mất.
Giàu bắt Tùng và Nhân ngồi xếp bằng trước cửa nhà vệ sinh rồi cứ thế đánh liên tục mặc cho các nạn nhân khóc lóc van xin.
Chưa dừng lại, Giàu sai một phạm nhân khác lấy ớt hiểm bắt hai đàn em phải nhai sống, nuốt nước và nhả bã ra ngoài. Không chịu nổi, Tùng vùng đứng dậy liền bị Giàu đấm đá cho đến khi bất tỉnh. Được đưa đi cấp cứu, nhưng Tùng đã chết tại bệnh viện. Một năm sau, tòa tuyên Nguyễn Minh Giàu 18 năm tù về tội "giết người".
Nạn đại bàng đánh chết người trong trại giam khiến không ít người đặt câu hỏi, đâu là trách nhiệm của những cán bộ quản giáo?
Theo Vnexpress