Những sản phụ bị ‘bỏ rơi’ vì nCoV
Mặc đồ bảo hộ tự chế từ mũ tắm và áo mưa, các thai phụ lo lắng ngồi chờ khám nhiều giờ tại bệnh viện Bắc Kinh vì sợ nCoV.
“Tôi thấy bất an lắm”, Vigor Liu, người phụ nữ sống ở Bắc Kinh đang mang thai đứa con đầu lòng được 5 tháng, cho biết khi ngồi chờ suốt ba tiếng tại bệnh viện. Sau khi thăm khám cho Liu trong 10 phút, bác sĩ khuyên cô: đừng đọc tin tức về dịch Covid-19 nữa.
Nhiều phụ nữ mang thai ở Trung Quốc cho biết họ có cảm giác bị bỏ rơi khi hệ thống y tế nước này quá tải vì tập trung đối phó với Covid-19, dịch bệnh đã khiến hơn 82.000 người nhiễm và ít nhất 2.800 ca tử vong.
Tại các bệnh viện, y bác sĩ khoa sản được tăng cường tới trung tâm ứng phó dịch và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc được chỉ định tiếp nhận điều trị người nhiễm nCoV. Khoa sản tại các bệnh viện, phòng khám tuyến dưới cũng phải tạm thời đóng cửa vì thiếu nhân viên.
Vigor Liu tại nhà riêng ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: NY Times.
Việc các bệnh viện dồn sức chống Covid-19 đã khiến nhiều thai phụ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những dịch vụ chăm sóc tiền sản cơ bản ở các cơ sở y tế Trung Quốc. Tin tức về những phụ nữ nhiễm nCoV sinh con khiến các sản phụ càng lo sợ sẽ truyền virus cho con, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy điều đó.
Nhiều phụ nữ cho biết sinh con trong thời gian dịch bùng phát là một trải nghiệm cô đơn và đôi khi thật đáng sợ, do bệnh viện thiếu nhân viên dẫn tới hạn chế về dịch vụ chăm sóc. Nhiều bà mẹ mới sinh không thể tiêm vaccine cho con bởi các tỉnh thành đã đóng cửa toàn bộ phòng khám. Việc thăm khám định kỳ cho trẻ cũng bị trì hoãn.
Giới chuyên gia cho hay cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đang đẩy lùi nỗ lực lớn của Trung Quốc trong vài năm gần đây nhằm khuyến khích phụ nữ sinh con để cải thiện tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và tránh nguy cơ về cuộc khủng hoảng dân số.
Tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, phụ nữ mang thai phải đối mặt với viễn cảnh đáng sợ về tìm nơi sinh con. Nhiều bệnh viện trong khu phố họ sống đã đóng cửa, phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động và không ai được phép rời khỏi thành phố vì lệnh phong tỏa. Nếu không có những tài xế tình nguyện, họ đã không thể đi khám thai định kỳ.
Mạng lưới tình nguyện viên ở Vũ Hán đang giúp nhiều phụ nữ tìm bệnh viện còn cung cấp dịch vụ chăm sóc trước và sau sinh. Nhóm tình nguyện, bao gồm tài xế và bác sĩ tâm lý, đang giúp hơn 600 phụ nữ mang thai và người mới sinh trong và xung quanh thành phố, với dịch vụ hỗ trợ 24/24 giờ.
Video đang HOT
Jane Hoang gần đây liên hệ với nhóm tình nguyện viên. Người mẹ 40 tuổi đang mang thai tuần thứ 17, nhưng bệnh viện quận nơi cô đăng ký khám đã không còn tiếp nhận phụ nữ có thai. Huang lo rằng nếu cô không tìm được bệnh viện sớm, cả hai mẹ con cô sẽ khó sống sót vì cô bị cao huyết áp và suy thận.
“Ngày nào tôi cũng lo rằng có khi nào con tôi sẽ chết ngay từ trong bụng. Tôi sợ nếu không sinh sớm, con sẽ không thể sống nổi. Gánh nặng tài chính cũng là điều khiến tôi lo lắng trong trường hợp tôi phải lọc máu hoặc ghép thận. Tôi còn lo lắng liệu có nên sinh con ra nếu con có dị tật hay không. Mỗi ngày tôi đều nghĩ về vô số điều như thế”, Huang nói qua điện thoại.
Jane Huang tự đo huyết áp tại nhà ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: NYTimes.
Ngay cả lúc bình thường, việc chuẩn bị mọi thứ trước sinh cũng là thách thức với nhiều phụ nữ Trung Quốc. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Trung Quốc còn nhiều thiếu sót, các bệnh viện thường xuyên quá tải với chỉ khoảng 1,5 bác sĩ trên mỗi 1.000 dân, chưa bằng một nửa so với Mỹ.
Phụ nữ mang thai phải tìm bệnh viện cung cấp dịch vụ thai sản và đăng ký sinh con ở đó. Nhưng bệnh viện mà một số người đăng ký giờ đã chuyển thành nơi điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV.
Những người khác có điều kiện kinh tế có thể chấp nhận bỏ hàng nghìn tệ để sinh con ở bệnh viện tư, nhưng những người không có khả năng chỉ biết trông chờ vào các bệnh viện công mà hầu hết đều rơi vào tình trạng thiếu y bác sĩ nghiêm trọng.
“Mọi người bình thường đã rất lo lắng rồi, nhưng nếu mang thai, bạn sẽ có thêm nhiều mối lo hơn”, Roberta Lipson, giám đốc điều hành United Family Healthcare, hệ thống bệnh viện tư nhân tại một số thành phố Trung Quốc, nói. Bà cho biết ngày càng nhiều phụ nữ từng dự định sinh con tại bệnh viện công ở Trung Quốc đã chuyển sang bệnh viện tư hoặc tìm hiểu thông tin này.
1.774 bệnh viện đã được chỉ định cho phụ nữ mang thai bị nhiễm nCoV ở Trung Quốc và đây là nơi mà phụ nữ mang thai khỏe mạnh muốn tránh xa. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc yêu cầu nếu phụ nữ đăng ký sinh con tại một bệnh viện mới được điều chuyển thành cơ sở điều trị virus, bệnh viện đó phải có “sự sắp xếp hợp lý sớm nhất có thể” cho họ.
Nhưng nhiều thai phụ không rõ chỉ thị này sẽ buộc họ phải sinh con tại một bệnh viện chỉ định điều trị người nhiễm virus hay được chuyển tới bệnh viện khác ngoài nơi đã đăng ký.
“Điều khó khăn là các bệnh viện khác nhau sử dụng nền tảng truyền trải thông tin khác nhau. Đối với phụ nữ mang thai, việc tìm kiếm thông tin từng bệnh viện là điều rất rắc rối”, Bin Tu, tình nguyện viên ở Vũ Hán, nói.
Chỉ riêng việc tìm kiếm thông tin về nCoV đôi khi cũng là chuyện không thể. Có bằng chứng cho rằng virus corona không truyền từ thai phụ sang con, nhưng việc thiếu thông tin khiến nhiều phụ nữ mang thai ở Trung Quốc thực sự lo sợ.
Đầu tháng 2, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin một em bé sơ sinh ở Vũ Hán bị nhiễm nCoV. Người mẹ cũng bị nhiễm bệnh, nhưng không rõ bé bị nhiễm nCoV từ trong bụng mẹ hay khi vừa sinh ra.
Trong khi giới chức Trung Quốc vẫn chạy đua kiểm soát dịch, những thông tin về nCoV ngày một ít đi, khi nhân viên y tế được yêu cầu không trao đổi với truyền thông. Do đó, phụ nữ phải chuyển sang các kênh thông tin không chính thức như nhóm chat hoặc diễn đàn trực tuyến để tìm kiếm lựa chọn và thông tin cập nhật về dịch bệnh.
Một số tìm lời khuyên về lỡ lịch hẹn khám, trong khi một số khác thắc mắc không biết virus có bay qua đường cửa sổ hay không. Những lời khuyên và mẹo vặt chống dịch được chia sẻ rầm rộ trên Weibo và WeChat, hai nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc.
Những người phụ nữ như Liu và Huang hiện đều phụ thuộc vào những “cộng đồng” trên mạng như vậy. Tuy nhiên, ngay cả những bà mẹ vừa sinh con cũng khó có thể an ủi được những phụ nữ sắp sinh này.
Một phụ nữ mang thai rời bệnh viện phụ sản ở Bắc Kinh. Ảnh: NY Times.
Zhang Chong vừa sinh đứa con thứ hai là một bé trai hôm 1/2 tại bệnh viện công ở Bắc Kinh. Bệnh viện thiếu nhân viên, một phần bởi họ bị mắc kẹt ở quê vì lệnh phong tỏa toàn thành phố, và đó là lý do khiến kế hoạch sinh mổ của Zhang bị hoãn lại một ngày. Không ai trong gia đình cô được phép vào cùng trong và sau khi sinh.
Zhang sau đó được chuyển tới một phòng với 40 sản phụ và em bé nhưng chỉ có hai y tế và hai hộ lý chăm sóc. Gia đình chỉ được phép tới thăm một tiếng mỗi ngày thay vì được phép ở bên cạnh cả ngày như bình thường. Chồng của Zhang đã định hối lộ bảo vệ bệnh viện nhưng không thành công, khi anh không thể tìm ra sự giúp đỡ nào khác để có thể ở bên vợ lâu hơn.
Đêm đầu tiên sau khi sinh, Zhang cho biết cô gần như không thể cử động. Con khóc đòi ăn nhưng không có ai bên cạnh để giúp cô. Trong 4 đêm ở viện, Zhang hầu như chỉ có một mình. “Tôi muốn bật khóc hơn 100 lần mỗi ngày”, Zhang kể.
Thanh Tâm (Theo NY Times)
Theo vnexpress.net
Số ca nhiễm nCoV ở Bắc Kinh tăng nhanh
Các ca nhiễm virus corona tăng nhanh tại hai bệnh viện Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại dịch bệnh có thể đang bùng phát tại thành phố này.
So với các thành phố khác, Bắc Kinh ghi nhận tương đối ít trường hợp nhiễm nCoV khi hôm qua mới có 396 ca nhiễm và 4 ca tử vong. Tuy nhiên, bệnh viện Fuxing hiện có ít nhất 36 người nhiễm virus corona, tăng đáng kể từ ngày 3/2, khi có thông báo 5 nhân viên y tế tại bệnh viện này dương tính với virus.
Bệnh viện Đại học Bắc Kinh cũng ghi nhận ba ca nhiễm mới, trong đó có một phụ nữ đã nhập viện từ trước cùng con gái và con rể, những người đã đến thăm bà sau khi du lịch Tân Cương trở về. Cặp vợ chồng được xác nhận dương tính với nCoV hôm 17/2, một vài ngày sau khi chính quyền Bắc Kinh thông báo tất cả người dân đến thủ đô đều phải tự cách ly 14 ngày hoặc chịu trách nhiệm pháp lý.
Quy định mới cũng yêu cầu những người trở về Bắc Kinh phải thông báo trước chuyến đi của mình cho nhà chức trách nơi họ sinh sống ở thủ đô. Giới chức Bắc Kinh hôm nay cho biết những người bay từ nơi khác đến thành phố và không ở bất cứ địa phương nào của Trung Quốc trong 14 ngày qua thuộc diện được miễn quy định.
Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang khi đi trên đường phố hôm 20/2. Ảnh: AFP.
Các biện pháp của Bắc Kinh dường như phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của giới chức nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh ở thủ đô, khi hàng triệu công nhân dần trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Kể từ khi công bố các biện pháp mới, chính quyền Bắc Kinh cũng tăng cường nỗ lực kiểm soát việc đi lại trong thành phố.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua hôm 17/2 cho biết nước này có thể quyết định lùi kỳ họp quốc hội dự kiến khai mạc đầu tháng 3 nhằm đối phó virus corona.
Trước Bắc Kinh, nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp mạnh tay nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tại Thượng Hải, người trở về thành phố cũng bị yêu cầu tự cách ly 14 ngày, chỉ được phép ra khỏi nơi cư trú để mua thực phẩm.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, từ tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 76.000 người nhiễm bệnh, hơn 2.200 người chết, chủ yếu tại Trung Quốc, Hôm nay, hơn 500 ca nhiễm virus corona mới được phát hiện tại các nhà tù trên khắp nước này, làm dấy lên lo ngại về các ổ dịch mới.
Ngọc Ánh (Theo NY Times)
Theo vnexpress.net
Chương Tử Di nhập viện cách ly sau khi trở về Trung Quốc Thông tin Chương Tử Di đang bị cách ly và phải nằm tại bệnh viện Bắc Kinh đã khiến nhiều người cho rằng Đại hoa đán bị nghi ngờ nhiễm virus Corona. Theo như trang giải trí Sina mới đăng tải và cho biết, sáng 10/2 Uông Phong cùng cô con gái đã xuất hiện tại một bình viện ở Bắc Kinh trong...