Những sai phạm thiệt hại nghìn tỷ ở PVN và PVC
Ông Trịnh Xuân Thanh khi ấy đang làm tại Tổng công ty Sông Hồng được ông Đinh La Thăng cất nhắc đưa về làm Tổng giám đốc, rồi Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam ( PVC) và khiến cho đơn vị này gặp nhiều sóng gió, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Như Báo CAND đã đưa tin, liên tục trong những ngày 19, 20 và 21.12, Cơ quan CSĐT cùng Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố hơn 30 bị can trong 3 vụ án lớn liên quan đến ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây là 3 vụ án được dư luận cả nước thời gian qua rất quan tâm gồm: vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVN liên quan đến việc góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank và vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Chỉ đạo PVC nhận lại khoản đầu tư từ nhiều dự án thua lỗ
Theo kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC, ngày 24.10.2007, Bộ Công Thương có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình, gồm nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thủ tướng Chính phủ giao PVN làm đầu mối đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung của Trung tâm điện lực Thái Bình. Tháng 2.2008, PVN có quyết định giao cho PV Power thực hiện đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Tháng 7.2010, HĐTV PVN đã ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PV Power thuộc PVN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 31.500 tỷ đồng. Quá trình triển khai, thực hiện dự án các bị can đã cố ý làm trái nhiều quy định pháp luật trong việc lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng EPC, tạm ứng và sử dụng số tiền tạm ứng…
Với ý định làm ăn lớn, tháng 12.2007, ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn…, kể cả việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng đối với các công trình, dự án được Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện.
Ông Đinh La Thăng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, tình trạng tài chính của PVC lâm vào khó khăn. Báo cáo tài chính năm 2010 của PVC thể hiện tại thời điểm ngày 31.12.2009 toàn bộ tài sản ngắn hạn của PVC không đủ bù đắp nợ ngắn hạn, PVC không đảm bảo khả năng thanh khoản.
Năm 2010, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, thoái vốn của PVN, ông Đinh La Thăng chỉ đạo PVC phải nhận lại các khoản đầu tư từ các đơn vị của PVN, trong đó hầu hết là các khoản đầu tư tại các dự án đang gặp khó khăn về tài chính, dừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, kinh doanh thua lỗ… làm cho PVC tiếp tục bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng, thiếu vốn hoạt động và trả nợ gốc, nợ lãi ngân hàng.
Tháng 4.2010, ông Thăng đã thay mặt HĐQT PVN ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất ủy quyền cho PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu và được đồng ý.
Mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng ngày 18.6.2010, ông Thăng đã thay mặt HĐQT PVN ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị can Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án và chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới thực hiện việc ký hợp đồng số 33 về việc thực hiện một số hạng mục tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định.
Sau đó, ông Thăng tiếp tục chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC. Sau đó các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 119 tỷ đồng. Hành vi của bị can Đinh La Thăng phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ba lần vượt quyền đổ tiền vào OceanBank và mất trắng 800 tỷ đồng
Liên quan đến việc “đổ tiền” khoảng 800 tỷ đồng góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an, ông Đinh La Thăng đã không báo cáo Thủ tướng, không báo cáo Bộ Tài chính khi ký các quyết định rót tiền của PVN vào OceanBank.
CQĐT xác định, năm 2008 bị can Đinh La Thăng đã gặp Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank để thống nhất chủ trương PVN góp 800 tỷ đồng vào OceanBank. Số tiền góp vốn này được chia làm ba đợt. Ông Thăng không thông qua HĐQT PVN mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm việc góp vốn vào ngân hàng này, đồng thời ông Thăng cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.
Lần thứ nhất, khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, ngày 1.10.2008 ông Thăng ký Nghị quyết thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ năm 2008 của OceanBank từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, PVN góp 20% vốn điều lệ, tương đương 400 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào giữa năm 2010 ông Vũ Khánh Trường, thành viên HĐQT PVN (được ủy quyền của ông Thăng) đã ký Nghị quyết về việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ năm 2010 của OceanBank và PVN sẽ góp vốn bổ sung khoảng 300 tỷ để duy trì việc nắm giữ 20%.
Điều đáng nói, ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm đã thông qua Nghị quyết tăng vốn góp vào OceanBank từ tháng 5 nhưng phải 3 tháng sau đó, vào ngày 6.8.2010 ông Thăng mới trình Thủ tướng xem xét việc này.
Lần thứ ba, từ ngày 10.5.2011 đến ngày 18.6.2011, ông Thăng đi công tác nhưng đã ký sẵn quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn góp 20% của PVN tại OceanBank với số tiền 100 tỷ đồng. Sau đợt góp vốn thứ ba, tổng số vốn góp của PVN là 800 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ mới (4.000 tỷ) của OceanBank.
Kết quả điều tra xác định, trong những lần góp vốn đợt 1 và 2, việc PVN ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện trước khi có ý kiến của Thủ tướng. Trong lần góp vốn thứ 3, PVN không có văn bản báo cáo xin ý kiến Thủ tướng và Bộ Tài chính.
Việc ông Thăng làm trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tại OceanBank. Kết luận điều tra khẳng định ông Đinh La Thăng đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trịnh Xuân Thanh và vụ tham ô tiền tỷ
Theo kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây gậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC , bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng trái quy để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Ông Trịnh Xuân Thanh.
Cơ quan An ninh điều tra xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng.
Trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT PVC, bị can Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Bị can Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi 4 tỷ đồng. Trong vụ án này bị can Vũ Đức Thuận bị cáo buộc chiếm hưởng 800 triệu đồng.
Trong thời gian lãnh đạo PVC bị can Trịnh Xuân Thanh đã thống nhất với bị can Vũ Đức Thuận và một số thành viên Ban lãnh đạo PVC về việc yêu cầu các đơn vị thành viên góp tiền quỹ chuyển về văn phòng Tổng công ty cho lãnh đạo PVC sử dụng chi tiêu.
Khi có nhu cầu dùng tiền các bị can Thanh, Thuận có thể trực tiếp yêu cầu và nhận tiền từ các đơn vị thành viên hoặc giao cho bị can Bùi Mạnh Hiền, Chánh Văn phòng PVC làm đầu mối rồi yêu cầu các đơn vị thành viên chuyển tiền về cho Hiền quản lý. Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chỉ đạo viêc chi tiêu này không đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của Tổng công ty cũng như của các đơn vị thành viên.
Còn tại vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), theo kết luận điều tra, Trịnh Xuân Thanh và một số bị can khác là những người có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình Dương.
Nhóm của Thanh đã thông qua môi giới để gặp Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng) và một số đối tượng để ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m đất.
CQĐT xác định giá mua mà các bị can thỏa thuận thấp hơn mức giá PVP Land đã thỏa thuận đặt cọc (52 triệu đồng/m) tạo ra chênh lệch để chiếm đoạt cổ phần trị giá 87 tỷ đồng (trong đó có tài sản của Nhà nước). Giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt là 49 tỷ.
Theo kết luận điều tra, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận được Đinh Mạnh Thắng mời ăn tối tại đường Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội) để nhờ phê duyệt phương án cho thoái vốn dự án Nam Đàn Plaza. Sau khi nhận lời giúp, Đinh Mạnh Thắng đã cho lái xe chở đến nhà Thanh một vali tiền.
Kết luận điều tra xác định, từ những thương vụ chuyển nhượng trên, các bị can đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng chênh lệch, trong đó ông Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 14 tỷ, Đinh Mạnh Thắng chiếm hưởng 5 tỷ đồng, các bị can khác chiếm hưởng từ 2 đến 20 tỷ đồng.
PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank ra sao?
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank và mất trắng khi nhà băng này bị mua lại với giá 0 đồng. Trong phiên xử Hà Văn Thắm, đại diện của PVN đã xuất hiện. Nguồn: Zing
Theo Đào Minh Khoa (CAND)
Một bị can trong vụ án liên quan Trịnh Xuân Thanh bất ngờ tử vong
Quá trình công an điều tra vụ án "tham ô tài sản" đối với Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong thương vụ mua bán cổ phần bất động sản, bị can Đặng Sỹ Hùng - nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch Cty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) - đã bất ngờ tử vong.
Bị can Đặng Sỹ Hùng bất ngờ tử vong - ảnh chụp năm 2011 (Ảnh: Công an nhân dân)
Theo tài liệu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Đặng Sỹ Hùng (SN 1975).
Để khắc phục hậu quả của vụ án mà các đối tượng đã chiếm đoạt 49 tỉ đồng (theo cáo buộc của cơ quan điều tra), cơ quan CSĐT xác định, bị can Đặng Sỹ Hùng sau khi chết không có tài sản riêng. Tuy nhiên, gia đình bị can Hùng đã nộp lại cơ quan CSĐT số tiền hơn 13 tỉ đồng.
Trở lại với vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVP Land và Cty Cổ phần Minh Ngân mà cơ quan CSĐT đã đề nghị truy tố các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và các đồng phạm, cơ quan CSĐT cáo buộc trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại dự án Nam Đàn Plaza với giá thấp hơn thực tế, các đối tượng chiếm đoạt số tiền 49 tỉ đồng.
Bị can Đặng Sỹ Hùng, nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch Cty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land), cùng các cổ đông Cty Xuyên Thái Bình Dương ký Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng cổ phần với giá 52 triệu đồng /m2 đất, sau đó Hùng đã cùng Nguyễn Ngọc Sinh, Tổng Giám đốc PVP Land, lập Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 đất (chênh 18 triệu đồng/m2) rồi nhờ Thái Kiều Hương, Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần Đầu tư Vietsan tác động để Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty PVC; Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT PVP Land chấp thuận cho chuyển nhượng cổ phần để chiếm đoạt tiền chênh lệch giá.
Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội "tham ô tài sản" và đang bị cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố về tội danh trên.
Cơ quan điều tra xác định, qua thương vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản này, các đối tượng đã chiếm đoạt 49 tỉ đồng. Trong đó, Hùng đã nhận 20 tỉ đồng của ông Lê Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Cty Cổ phần Minh Ngân.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định Đinh Mạnh Thắng đã nhận 5 tỉ đồng; Trịnh Xuân Thanh nhận 14 tỉ đồng.
Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ông Thắng đã trả lại cho Hương 5 tỉ đồng. Lúc này, Trịnh Xuân Thanh cũng trả lại 14 tỉ đồng để Thắng đưa cho Hương.
Theo cơ quan điều tra, việc Thanh hoàn trả 14 tỉ đồng diễn ra sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Do tội phạm đã hoàn thành nên PVP Land vẫn bị chiếm đoạt số tiền này. Hành vi của Đinh Mạnh Thắng, Trịnh Xuân Thanh đã phạm tội "tham ô tài sản", trong đó Thắng đóng vai trò giúp sức.
Ngoài Thanh, Thắng bị khởi tố về tội "tham ô tài sản" còn có 6 đồng phạm khác gồm: Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc PVP Land; Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land; Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5; Nguyễn Thị Kim Thoa, cựu kế toán trưởng công ty 1/5; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, nghề môi giới; Thái Kiều Hương, nguyên phó tổng giám đốc công ty VietSan.
Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) cũng bị cáo buộc về tội tham ô tài sản với vai trò giúp sức.
Theo tài liệu cơ quan điều tra, điều bất ngờ trong bản lí lịch của Trịnh Xuân Thanh, bị can này từng có một tiền sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn giao thông vận tải; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác".
Năm 1987, Lê Hoà Bình cũng bị TAND TP Hà Nội phạt cảnh cáo về tội "Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải". Bình bị bắt, tạm giam ngày 7/9/2010 đến ngày 11/11/2014. Hiện Bình đang được tại ngoại.
Hiện vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVP Land và Cty Cổ phần Minh Ngân đã được cơ quan CSĐT hoàn tất và chuyển đến VKSND Tối cao để tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
Luật sư nào sẽ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh? Ngay sau khi được cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Trịnh Xuân Thanh trong vụ án "Cố ý làm trái..." và "Tham ô tô tài sản", Tiến sĩ, Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết, hiện sức khoẻ thân chủ của ông bình thường và chưa có cáo trạng truy tố....