Những sai phạm tại PVTex: Sự dính líu của cựu TGĐ Vũ Đình Duy
Những sai phạm liên quan việc cố ý làm trái, buông lỏng quản lý, phê duyệt những gói thầu sai quy định và thay đổi nguồn gốc nhiều thiết bị quan trọng của ông Vũ Đình Duy và HĐQT Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí ( PVTex) đã khiến dự án đầu tư tới 7.000 tỷ đồng phải đắp chiếu nhiều năm sau đó.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, một trong số 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu của các đơn vị thuộc ngành công thương. Ảnh: Như Ý.
Cái chết được báo trước
Theo thông tin của PV Tiền Phong, cái chết của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ được dự báo khá sớm sau khi dự án đi vào hoạt động được ít lâu. Chỉ ít tháng sau khi nhà máy vận hành và phải liên tiếp dừng hoạt động, trong một báo cáo gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), lãnh đạo Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thừa nhận việc nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì đã đầu tư kiểu “đếm cua trong lỗ”, không lường được hết khó khăn khi lấn sân từ lĩnh vực dầu khí sang làm “công nghiệp phụ trợ” cho dệt may.
Đến tháng 10/2016, khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại PVTex, hàng loạt dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư mới chính thức được phát lộ.
Theo các kết luận thanh tra được công bố, các lãnh đạo PVTex đã không thực hiện thẩm định tổng mức đầu tư theo quy định mà phê duyệt trên cơ sở nghị quyết của PVN dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư một số khoản chi phí với số tiền hơn 700 tỷ đồng (hơn 38,7 triệu USD). Đặc biệt, sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC, PVTex đã không thực hiện đăng tải thông tin và phê duyệt kết quả đấu thầu, giá đề nghị trúng thầu cao hơn giá gói thầu được duyệt 20 triệu USD. Cùng với đó, khi ký hợp đồng EPC, lãnh đạo đơn vị đã ký bằng đồng USD nhưng thanh toán lại bằng tiền Việt và dẫn đến việc về sau này riêng tiền chênh lệch tỷ giá ngoại tệ đã lên tới gần 47 tỷ đồng.
Các sai phạm liên quan đến việc quản lý thi công dự án của HĐQT và Tổng giám đốc PVTex là ông Vũ Đình Duy cũng được chỉ rõ thông qua việc không tổ chức thẩm định khi phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng mức đầu tư, dẫn đến nội dung dự án không phù hợp, không đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể. Thậm chí ban lãnh đạo còn phê duyệt tổng mức đầu tư khi dự án thiếu chi phí vốn lưu động cũng như tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD. Các sai phạm này cũng được chỉ rõ là trách nhiệm liên quan đến Tổng giám đốc Vũ Đình Duy và HĐQT PVTex.
Video đang HOT
Thay đổi xuất xứ thiết bị từ Đức sang Trung Quốc
Trong khi thực hiện đấu thầu, HĐQT PVTex và ông Vũ Đình Duy đã phân chia dự án thành các gói thầu thiếu cơ sở, sơ tuyển nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt và trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị nhưng không thực hiện thương thảo trước. Đặc biệt, những thiết bị được thay thế xuất xứ đều thuộc diện cực kỳ quan trọng như dây chuyền thiết bị kéo sợi dún đã được thay đổi nguồn gốc từ Đức sang Trung Quốc với trị giá hơn 11,3 triệu USD. Hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in và thiết bị đóng bao cũng được chuyển từ Đức thành xuất xứ châu Âu với tổng giá trị 1,7 triệu USD.
Những sai phạm này đã dẫn đến việc về sau Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD tại PVTex đồng thời đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự xảy ra tại dự án nghìn tỷ này.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo của PVTex thừa nhận, đơn vị đang trong cảnh “hết sức tả tơi”. Máy dừng hoạt động, sản phẩm không có, dòng tiền bất động với số lỗ trên 3.000 tỷ đồng, tiền trả lãi vay ngân hàng tính bằng tiền tỷ liên tục gia tăng qua mỗi đêm. Số tiền ít ỏi của PVN và các cổ đông chỉ đủ để duy trì bộ máy, trả lương công nhân, lãnh đạo, kế toán, hành chính và cả bảo vệ.
Quá trình lãnh đạo của ông Vũ Đình Duy tại PVTex
Năm 2008, Hội đồng Quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng trong bối cảnh chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại toàn bộ đều đi vay. Sau một thời gian ngắn giữ chức Phó Tổng Giám đốc, ngày 14/7/2009, Hội đồng quản trị PVTex đã bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc thứ nhất Vũ Đình Duy (ông Duy sinh năm 1975, khi đó mới 34 tuổi) làm Tổng giám đốc. Sau 5 năm chèo lái PVTex (từ 2009 đến tháng 2/2014), ông Duy bị giáng chức xuống làm Phó Tổng giám đốc vài tuần sau khi lễ ký bàn giao nghiệm thu nhà máy. Sau khi rời khỏi công ty ít tháng sau đó, ông Duy để lại sau lưng khoản thua lỗ 2.000 tỷ đồng để về làm Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng.
(Theo Tiền Phong)
Đường thăng tiến của giám đốc công ty thua lỗ nghìn tỷ
Dù để thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng Vũ Đình Duy liên tục được thăng tiến và giờ "mất liên lạc".
Ông Vũ Đình Duy ngày còn đương chức.
Ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC KBC) và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can với 5 người, trong đó có Vũ Đình Duy (nguyên tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí).
Theo cơ quan điều tra, là tổng giám đốc một công ty làm ăn thua lỗ hơn nghìn tỷ đồng nhưng Vũ Đình Duy lại có đường quan lộ khá suôn sẻ.
Từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2014, Duy giữ chức Tổng giám đốc PVTex. Thời điểm này theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công ty thua lỗ 1.400 tỷ đồng. Dự án phải dừng vận hành từ giữa tháng 9/2015 do quá khó khăn về tài chính, dù Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có biên bản chấp thuận cho đơn vị này lỗ kế hoạch 3 năm đầu sau khi vận hành thương mại.
Ông Duy sau đó được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng; Phó cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương.
Đến tháng 4/2016, ông Duy được điều động về Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) và được bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, được phân công phụ trách trực tiếp một số lĩnh vực.
Dự án Xơ sợi Đình Vũ do Vũ Đình Duy làm Tổng giám đốc thời điểm 2009-2014 thua lỗ trên 1.400 tỷ đồng.
Trước thời điểm Thanh tra Chính phủ có kết luận về những sai phạm của dự án Xơ sợi Đình vũ thì ông Duy không còn đến Tập đoàn Hoá chất làm việc với lý do đi nước ngoài chữa bệnh.
Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất và của Tổ công tác của Bộ Công Thương, ông Vũ Đình Duy đã vắng mặt tại cơ quan từ ngày 24/10/2016. Vinachem đã cố gắng liên lạc với ông Duy nhưng bất thành.
Trong khi đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng cho biết, ông Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại.
Ngày 1/12/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định áp dụng hình thức kỷ luật "buộc thôi việc" với Vũ Đình Duy.
Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ với nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên khi đi vào sản xuất đã thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. Nguyên nhân dự án hoạt động không hiệu quả do các công ty nêu trên đã có nhiều vi phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng...
Bá Đô
Theo VNE
Truy trách nhiệm vụ lỗ ngàn tỉ của Xơ sợi Đình Vũ Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ. Ông Vũ Đình Duy Ngày 14-11, Văn phòng chính phủ có thông báo ý kiến kết luận của...