Những sai lầm thường mắc phải khi sử dụng ô tô
Thiếu kiểm tra, chăm sóc động cơ khi xe chạy nhiều giờ liên tục, không chú ý quan sát giao thông trên đường, không thắt dây an toàn… là những lỗi thường mắc phải khi sử dụng xe ô tô.
Nhiều lái xe ít quan tâm hoặc quên lịch bảo dưỡng định kỳ do nhà sản xuất đề ra. Trong đó, có liên quan đến “nghĩa vụ” và “quyền lợi” của nhà sản xuất đã cam kết với khách hàng trong việc bảo hành phương tiện đối với từng dòng xe.
Sai lầm khi bảo trì
Không tuân thủ thay thế vật tư, dầu bôi trơn chính phẩm “API” theo khuyến nghị của nhà sản xuất (phân loại xăng hoặc dầu diesel). Nhà sản xuất luôn khuyến nghị định kỳ chuẩn cho điều kiện vận hành bình thường và có chú thích định kỳ rút ngắn cho các điều kiện bất lợi (đường xấu, mưa bão…).
Ngoài ra, người lái xe cũng cần lưu ý, thời điểm thay dầu phụ thuộc vào cả hai yếu tố là thời gian và quãng đường đi được. Nếu đổ loại dầu được khuyến nghị thay sau 10.000 km, nhưng vì lý do nào đó phải mất một năm mới đi đủ quãng đường đó thì dầu dầu cần được thay sớm hơn mà không cần đợi đến khi đủ km quy định. Vì mặc dù xe chạy ít, nhưng dầu lưu giữ trong động cơ lâu ngày cũng bị xuống cấp theo thời gian. Bên cạnh số km, nhà sản xuất cũng quy định nếu sau một năm mà xe chưa đạt số km quy định thì vẫn cần phải thay dầu động cơ.
Thiếu kiểm tra hay chăm sóc động cơ trong quá trình xe chạy nhiều giờ liên tục, xe chạy quá tải hoặc qua những đoạn đường ngập lụt, nước đã tràn vào khoang động cơ dẫn đến dầu bôi trơn bị biến dạng hoặc rò rỉ thiếu dưới mức quy định của “thước thăm” (dụng cụ để người lái xe kiểm tra mức nhớt cho phép của mỗi động cơ cho phù hợp) dẫn đến dễ mòn hỏng động cơ. Bởi nếu nước tràn vào, dầu nhớt sẽ chuyển từ màu xám nâu thành màu trắng đục và mất hết dầu khoáng, các phụ gia chống mài mòn, lúc này sẽ gây nhiều ma sát giữa các cổ góp trục khuỷu chính của động cơ.
Thay thế phụ tùng xe mà không tuân theo khuyến nghị bắt buộc của nhà sản xuất rất dễ dẫn đến hao mòn, hỏng hóc xe.
Sai lầm khi đang lái xe
Video đang HOT
Chủ quan, không chú ý quan sát giao thông trên đường. Các chuyên gia khuyến cáo, trong khi đang điều khiển xe chạy trên đường thì cứ 3 đến 5 giây, người lái xe phải liếc gương chiếu hậu một lần, có như thế mới chủ động được trước một số tình huống.
Lái xe lúc sức khỏe không đảm bảo, tinh thần mất tập trung do gọi điện thoại, thao tác xe không thành thạo, đùa giỡn với những người xung quanh. Ngay cả việc bật nhạc to, ăn uống và hút thuốc cũng làm người lái phân tâm.
Tư thế ngồi không hợp lý không những làm cơ thể mệt mỏi mà còn làm hạn chế tầm nhìn, giảm khả năng điều khiển chân phanh, ga, côn. Ngồi quá gần hoặc quá xa vô-lăng làm giảm khả năng lái.
Những lúc trời mưa, không lau khô chân và giày trước khi lái xe, điều này rất dễ khiến người tài xế gặp sự cố bởi chân và giày ướt rất dễ khiến chân bị trượt khỏi các bàn đạp.
Một số sai lầm khác
Không thắt dây an toàn; vi phạm lỗi tốc độ; vượt, dừng, đỗ sai quy định. Không hạn chế tốc độ tối thiểu khi đi vào đường cong, đường sá không tốt… cũng ảnh hưởng đến mức độ an toàn.
Ngoài ra, việc trang bị nhiều thiết bị như tivi, LCD không chuyên dụng, phim cách nhiệt đậm màu… làm hạn chế tầm nhìn, mất tập trung dẫn đến dễ xảy ra tai nạn.
Người lái tự ý thay thế gương phản chiếu, kính chắn gió của xe, độ chế cửa xe sai quy định… sẽ làm tăng thêm nhiều góc khuất chữ A, hạn chế tầm quan sát, khiến người lái khó xử lý khi gặp sự cố.
Để hạn chế thấp nhất các tai nạn có thể xảy ra trong lúc vận hành xe, người lái phải tuyệt đối chấp hành nghiêm luật giao thông, tuyệt đối không thay thế hay hoán cải các thiết bị an toàn xe mà nhà sản xuất đã khuyến nghị chấp hành.
Theo Báo Giao Thông Vận Tải
Kiếm bạc tỷ từ nghề làm linh kiện xe máy giá bèo
Những phụ tùng, linh kiện xe máy như chân chống, nan hoa, vành, tay phanh, thậm chí cả lốc máy đều được người dân làng Rùa sản xuất; tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng đang bị bỏ ngỏ.
Những chiếc chân chống, nan hoa, vành, tay phanh, thậm chí cả lốc máy... các loại xe máy đều được người dân làng Rùa mày mò, chế tác. Nhiều người cho rằng, miền Bắc chỉ có riêng người dân làng Rùa mới sản xuất được những chi tiết phụ tùng xe máy phức tạp. Tiếng lành đồn xa nhiều, công ty, doanh nghiệp, thậm chí dân chơi xe "độc" tìm đến tận nơi đặt hàng sản xuất...
Đặt chân đến làng Rùa (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội), chúng tôi chứng kiến cả làng thành một xưởng sản xuất tiếng búa đe, tiếng máy cắt, máy dập... inh tai. Mỗi gia đình là một nhà xưởng sản xuất, dù mới 8 giờ sáng, công nhân vào guồng sản xuất, những tia lửa hàn vẫn phóng ra mạnh mẽ, trong những ánh mắt cười vui của những người công nhân cần cù.
Trong cơ chế thị trường, trong khi nhiều làng nghề truyền thống lúng túng không biết xoay sở để kiếm cơm ra sao, thì một số ít hộ dân năng động đã tìm cho mình một số mặt hàng khác để sản xuất và mưu sinh như nhận sản xuất đồ điện tử, cửa sắt, ốc vít, khoá,... và đỉnh cao là sản xuất phụ kiện xe máy.
Cũng như những làng nghề khác, nghề kim khí làng Rùa "khởi thủy" bằng nghề làm đinh trống, đinh thuyền. Những cụ cao tuổi nhất ở làng Rùa cũng không thể biết đích xác nghề này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng đã là người trong nghề thì khi lớn lên, ai cũng biết cầm búa và làm được nhiều đồ kim khí khác nhau, từ loại đơn giản như đinh mũ, đinh tôn... cho đến những sản phẩm phức tạp như ổ khoá, tay nắm cửa...
Trong những năm kháng chiến, người dân làng Rùa chuyển sang đúc vỏ gang cho lựu đạn, móng trâu, móng ngựa, cuốc xẻng... phục vụ sản xuất chiến đấu của người dân. Đến những năm 1990 của thế kỷ trước, Nhà nước mở cửa cho dân làm ăn, người làng Rùa mới bắt đầu bung ra sản xuất theo đơn đặt hàng. Mở màn là làm đinh ốc theo nghề cũ, rồi mua thêm tôn, chế thêm những chi tiết máy cơ khí, dần dần cứ thế mà phát triển theo nhu cầu của thị trường.
Từ khi xe máy Trung Quốc tràn vào Việt Nam, người làng Rùa xoay sang làm các phụ tùng xe máy giá rẻ
Khi những chiếc xe máy Trung Quốc bắt đầu nhập vào Việt Nam, rồi nhu cầu xe ba gác, ba bánh, xe tự chế, xe phân khối lớn... của người dân ngày càng lớn, thì cũng là lúc người dân làng Rùa có thêm nghề mới: sản xuất linh kiện, phụ tùng xe máy. Người khởi xướng là ông chủ trẻ Tạ Quốc Soái.
Vào đầu năm 1998, trong một lần lên Hà Nội bán cửa sắt hoa, anh nhận được lời đề nghị sản xuất phụ tùng, linh kiện cho xe máy như thùng đèo hàng, một số loại ốc, gacbaga, vành, nan hoa, chân chống... Về nhà, anh liền nghiên cứu rồi cho thợ làm thử. Lô hàng đầu tiên mang lên Hà Nội và một số tỉnh lân cận được chấp nhận ngay. Anh còn nhận được lời đề nghị sản xuất thử một số linh kiện khác, như tay phanh, cần phanh chân, gác đèo hàng...
Thấy hàng có đầu ra, anh Soái mạnh dạn bỏ ra số vốn trên 700 triệu đồng đầu tư các loại máy móc hiện đại như máy đột dập, máy bào, máy cắt và bể mạ tĩnh điện, đồng thời thuê thêm hàng chục lao động sản xuất theo quy mô lớn. Đến nay, xưởng của anh Soái có thể sản xuất được trên 10 loại linh kiện, phụ tùng xe máy khác nhau, trong đó có 5 chi tiết là chân chống, nan hoa, giỏ đèo hàng, cần phanh chân, tay phanh... Ngoài ra, anh còn được các chủ hàng đề nghị làm thêm một số chi tiết khác. Hiện nay, anh có số vốn trên chục tỷ đồng để thực hiện các hợp đồng lớn của các chủ buôn xe máy ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Huế, Sài Gòn...
Xưởng sản xuất của anh Tạ Quang Đẳng cũng là một xưởng cơ khí lớn chuyên sản xuất phụ tùng xe máy. Anh Đẳng cho biết, xưởng của anh gồm một phân xưởng cơ khí, một phân xưởng mạ, một phân xưởng cao su với 21 công nhân làm việc thường xuyên, sản xuất nhiều loại mặt hàng cơ khí như các loại tay cầm và nắm đấm cửa, linh kiện, phụ kiện xe máy Simson, Minsk...
Thành lập từ năm 1994 và bước vào sản xuất linh kiện, phụ kiện xe máy từ đầu năm 1999, tuy nhiên ban đầu anh sản xuất linh, phụ kiện cung cấp cho các ông chủ có cửa hàng kinh doanh xe Trung Quốc ở phố Huế, Tôn Đức Thắng (Hà Nội). Thấy nhu cầu càng lớn, cuối năm 2000, anh Đẳng mở rộng công việc tiếp thị ở một số địa phương khác như Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An... và sản xuất hàng loạt cung cấp cho thị trường những địa phương trên. Theo anh Đẳng, hầu hết các xưởng cơ khí ở trong làng đều lấy nguyên liệu từ làng Đa Hội (Bắc Ninh) và một số nơi khác như Hải Phòng, Thái Nguyên...
Nhiều phụ tùng xe máy được làng Rùa sản xuất bán ra thị trường
Đến nay, ở làng Rùa có trên 300 xưởng sản xuất phụ tùng xe máy với quy mô lớn như xưởng của anh Đẳng, anh Hiển, anh Thêm... Những ông chủ này đã có bạc tỷ trong tay nhờ nghề này.
Với nguồn nhân lực và máy móc hiện nay, mỗi tháng người dân làng Rùa có thể cung cấp cho thị trường cả vạn bộ linh kiện lắp ráp xe máy các loại. Thậm chí cả một số công ty của Trung Quốc cũng đến ký đơn đặt hàng. Ban đầu các hộ sản xuất ở đây cứ làm đại theo đặt hàng của khách, chất lượng đến đâu chưa được kiểm định. Nhưng trong thời gian gần đây, đơn đặt hàng nhiều nên nhiều xưởng sản xuất đã đăng ký chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều xưởng sản xuất nhỏ vẫn hoạt động mà không có đăng ký, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Lý giải chất lượng các loại linh kiện sản xuất tại làng nghề, một thợ lành nghề và cũng là người chuyên chạy các mối hàng ở đây cho biết: "Linh, phụ kiện mà các hộ nói trên sản xuất chủ yếu dùng cho các loại xe giá rẻ, vì vậy chất lượng có kém một chút cũng chẳng sao. Hơn nữa, các linh kiện như chân chống xe máy, tay phanh, bàn đạp, chân phanh, cần số... thường bị cho là phụ, không gây ảnh hưởng đến chất lượng của xe (!?) nên sản phẩm của làng Rùa vẫn "chạy", người dân vẫn kiếm được bát cơm từ nghề này".
Theo Nguyễn Hiếu
Infonet
Yêu cầu điều chỉnh thuế ôtô "sát thực tế" Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp kiểm điểm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về chính sách liên quan đến ngành công nghiệp ôtô. Phải có lộ trình thực hiện chính sách thuế ôtô trên nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch, dễ dự báo, phù...