Những sai lầm nghiêm trọng khiến Italy phải trả giá đắt vì dịch Covid-19
Italy đã mắc phải một số sai lầm trong cuộc chiến chống Covid-19, khiến nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng do dịch bệnh.
3 tuần cách đây, Italy mới chỉ có 3 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Một tuần sau đó số người nhiễm tăng lên 231 và bây giờ các con số đang gia tăng “chóng mặt”. Tính đến ngày 17/3, Italy đã ghi nhận 27.980 ca nhiễm và 2.158 ca tử vong, theo dữ liệu từ Worldometers. Mọi chuyện diễn ra “quá nhanh, quá nguy hiểm” và tình hình tại Italy dường như đã mất kiểm soát.
Italy ban hành lệnh phong tỏa trên cả nước (Ảnh: Getty).
Nhiều ý kiến cho rằng Italy đã phản ứng quá chậm và điều đó tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 “ăn sâu bám rễ” trong lòng đất nước. Nhưng thực tế, Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm các chuyến bay từ Trung Quốc. Tuần trước, nước này cũng tiên phong áp đặt các biện pháp y tế quyết liệt, ban hành lệnh phong tỏa 60 triệu dân, cấm việc di chuyển không cần thiết để ngăn chặn Covid-19. Cho đến nay, chưa một chính phủ phương Tây nào thực hiện biện pháp mạnh mẽ như vậy. Vậy điều gì đã khiến virus SARS-CoV-2 “phát nổ như một quả bom” tại Italy?
Người dân Italy đã quá chủ quan?
Khi các phương tiện truyền thông Italy bắt đầu đưa tin về việc gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, giống như nhiều công dân Italy khác, anh Olmo Parenti – một nhà làm phim trẻ, đã không quan tâm đến mối đe dọa của đại dịch. “Tôi và nhiều bạn bè đã chế giễu những người cho đây là vấn đề nghiêm trọng ngay từ đầu”. Một nữ công dân khác thì thừa nhận rằng cô thường xuyên chê cười những người đeo khẩu trang: “Kịch bản tồi tệ nhất ư? Đó chính xác là những gì sẽ xảy ra”, cô nói.
Chỉ vài ngày sau đó Parenti cảm thấy anh đang sống trong một thế giới khác. Số lượng các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã gia tăng đột biến. Cả đất nước ngừng hoạt động. Nền kinh tế bị tê liệt. Các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân Covid-19. Số lượng bệnh nhân nhiều đến nỗi nhân viên y tế buộc phải đưa ra quyết định đau lòng: Những người nào có cơ hội sống sót cao hơn sẽ được ưu tiên chữa trị.
Parenti và bạn bè của anh thực sự hối hận vì họ đã quá chủ quan đối với tình hình dịch bệnh – một yếu tố mà có lẽ đã góp phần khiến virus lan rộng. “Đây là một bài học kinh nghiệm. Bạn có thể học hỏi từ những sai lầm của chúng tôi và đừng đánh giá thấp dịch bệnh”, Parenti chia sẻ.
Một bác sỹ gây mê tại Bergamo – một trong những thành phố có nhiều ca mắc Covid-19 nhất tại Italy cũng phải thừa nhận rằng: “Trước khi dịch bệnh tấn công, tôi nghĩ bản thân đã hành động hợp lý qua việc sàng lọc và xử lý rất nhiều thông tin liên quan đến Covid-19. Tôi biết về virus này nhưng cảm thấy vấn đề không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôi, xét về mặt cá nhân”.
“Những gì xảy ra cho thấy chính phủ đã thực hiện chưa đủ trong việc ban hành những thông báo khẩn kêu gọi người dân thay đổi thói quen tương tác xã hội. Và khi dịch bệnh đã trở nên mất kiểm soát thì đã quá muộn. Trước đó tôi và nhiều người Italy không nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi thói quen đối với một mối đe dọa mà chúng tôi không thể thấy được”, bác sỹ này cho biết thêm.
Phải mất vài tuần sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, người dân Italy mới nhận ra rằng việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm túc là cần thiết.
Video đang HOT
Theo một số nhà khoa học, Italy đi trước Tây Ban Nha, Đức, Pháp khoảng 10 ngày trong tiến trình dịch bệnh, và đi trước Anh, Mỹ từ 13 đến 16 ngày. Điều đó có nghĩa là các quốc gia nói trên vẫn còn cơ hội thực hiện những biện pháp kiểm soát tình hình.
Trong một thông điệp trên trang Facebook cá nhân gửi đến người Mỹ và người dân ở các nước, Cristina Higgins sống tại Bergamo, Italy cho biết: “Bạn có cơ hội tạo ra sự khác biệt và ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại đất nước của các bạn. Hãy làm việc ở nhà, hủy bỏ các buổi tụ tập. Hãy làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lan rộng trong cộng đồng”.
Không tiến hành xét nghiệm rộng rãi
Theo CNN, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được biết đến là phương thức hiệu quả làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc tăng cường xét nghiệm sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý nhanh các ổ dịch. Nhiều chuyên gia y tế đã liên kết việc xét nghiệm rộng rãi với việc thống kê số người qua khỏi đại dịch Covid-19. Sự liên kết này là hợp lý khi xem xét tình hình tại hai quốc gia có sự bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng là Hàn Quốc và Italy.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ xét nghiệm khá cao, 3.692 xét nghiệm trên 1 triệu dân, tính đến ngày 8/3, và tỉ lệ tử vong trong số những người nhiễm bệnh khá thấp (khoảng 0,6%). Thực chất, Hàn Quốc đã sử dụng chiến lược phối hợp giữa chủ trương xét nghiệm quy mô lớn với việc tuyên truyền và thông tin. Kể cả người thân của những ca dương tính cũng được tìm kiếm và đưa đi xét nghiệm.
Ngược lại, Italy chỉ làm xét nghiệm cho khoảng 826 người/ 1 triệu dân và tỷ lệ tử vong trong số những người bị chẩn đoán nhiễm bệnh cao hơn gấp 10 lần.
Vì không tiến hành xét nghiệm rộng rãi nên Italy có lẽ đã không phát hiện ra những trường hợp mắc Covid-19 ở thể nhẹ. Chúng ta có lẽ không biết có bao nhiêu trường hợp đã thực sự bị nhiễm bệnh”, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Y tế Công cộng Temple Krys Johnson nói. Những người có triệu chứng nhẹ hơn hoặc những người trẻ hơn có thể đã không được xét nghiệm.
Để xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong bệnh viện
Trong bài viết đăng tải trên Euobserver, cây bút Valentina Saini cho rằng một sai lầm nữa mà Italy mắc phải là để xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong các bệnh viện. Theo nhà phân tích này, các quốc gia châu Âu khác nên khuyến khích những người dương tính với virus SARS-CoV-2 không xuất hiện triệu chứng hoặc có ít triệu chứng nên tự cách ly và điều trị ở nhà nhiều nhất có thể. Nếu không các bệnh viện sẽ quá tải và trở thành ổ dịch khiến virus lây lan, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cả nhân viên y tế.
Hiện nay, tình hình tại các bệnh viện ở Italy, đặc biệt là tại Lombardy rất nghiêm trọng, không có đủ khẩu trang và máy thở. Khi các nhân viên y tế đang trở nên kiệt sức, các bệnh viện mới tìm cách giảm bớt áp lực cho họ. Theo nhà phân tích Valentina Saini, một trong những bài học rút ra ở đây là hãy dừng tất cả các hoạt động không cần thiết trong bệnh viện, chẳng hạn như phẫu thuật thẩm mỹ.
Để hỗ trợ hệ thống y tế, chính phủ Italy đã tuyên bố điều động các nhân viên y tế trong quân đội, đồng thời thành lập 2 bệnh viện dã chiến do quân đội điều hành. Đây là sự huy động lớn chưa từng có trong lịch sử Italy sau năm 1945./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Euobserver, The Atlantic
Khác biệt giữa lệnh phong tỏa của Italy và Trung Quốc
Italy ban hành lệnh cấm di chuyển toàn quốc ngày 9/3 nhằm ngăn Covid-19, tuy nhiên biện pháp phong tỏa của nước này không quyết liệt như Trung Quốc.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ký thông qua luật yêu cầu dân chúng ở nhà đến ngày 3/4, dừng di chuyển trên toàn quốc trừ lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe. Mọi hoạt động tập trung đông người bị cấm và toàn bộ trường học phải lập tức đóng cửa.
Khoảng 60 triệu người Italy bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Trước đó, Italy ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ vùng Lombardy và một phần vùng Veneto, Piedmont, Emilia-Romagna và Marche để ngăn Covid-19.
Các biện pháp của Conte phần nào được mô tả là giống với lệnh phong tỏa gần 50 thành phố và 4 tỉnh để ngăn Covid-19 phát tán của giới chức Trung Quốc. Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/1, toàn bộ các chuyến bay đi và đến thành phố bị hủy, giao thông công cộng bị dừng và dân bị hạn chế đi lại. Lệnh hạn chế đi lại của Trung Quốc vẫn còn hiệu lực trên toàn quốc.
Khác biệt lớn nhất giữa lệnh phong tỏa tại Trung Quốc và Italy là việc cho phép người nước ngoài ra vào khu vực bị ảnh hưởng. Những nơi áp lệnh phong tỏa ở Trung Quốc cấm các chuyến bay, chuyến tàu và xe khách đường dài đi tới và rời khỏi địa phương. Giới chức Hồ Bắc cấm người nước ngoài rời tỉnh trừ khi quốc gia của họ tổ chức các chuyến bay đưa công dân rời khỏi đây như Mỹ, Đức và Anh.
Cảnh sát và binh sĩ Italy kiểm tra hành khách lên tàu rời Milan ngày 9/3. Ảnh: AP.
Trong khi đó, chưa rõ Italy sẽ ban hành lệnh phong tỏa thế nào khi nước này vẫn cho phép người có lý do công việc, nhu cầu y tế hoặc trong trường hợp khẩn cấp di chuyển. Những người cần di chuyển cần điền vào đơn giải thích lý do và mang bên mình. Nếu bị phát hiện gian dối, họ có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.
Italy đã triển khai lực lượng quân cảnh (Carabinieri), cảnh sát địa phương để giám sát lệnh cấm di chuyển trên cao tốc và các tuyến đường nhỏ hơn. Cảnh sát đường sắt, nhân viên y tế và nhân viên phòng vệ dân sự giám sát thực hiện lệnh cấm đi lại trên đường sắt. Tuy nhiên, nhiều chuyến bay vẫn đến và đi từ thành phố Milan thuộc vùng Lombardy bất chấp lệnh cấm.
Tại các địa phương Trung Quốc bị phong tỏa, những địa điểm đông người như rạp chiếu phim, chợ trung tâm và các cơ sở giải trí khác phải đóng cửa. Giới chức một số nơi như thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang chỉ cho phép một thành viên trong mỗi gia đình ra ngoài sau hai ngày để mua nhu yếu phẩm.
Trong khi đó, Italy vẫn cho phép các nhà hàng hoặc quán bar có thể mở cửa từ 6h-18h nếu đảm bảo khách hàng ở cách nhau ít nhất một mét. Các trung tâm thương mại vừa và lớn phải đóng cửa vào cuối tuần, các cửa hàng thực phẩm không bị hạn chế thời gian mở cửa.
Chính sách của Thủ tướng Conte cho lãnh đạo các địa phương quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa nào. Điều này khác với Trung Quốc khi lãnh đạo trung ương điều phối các chính sách toàn quốc và chỉ đạo cấp dưới ở các địa phương thi hành lệnh phong tỏa.
Các địa phương Italy nằm trong "vùng đỏ" bị hạn chế đi lại trước lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 9/3. Đồ họa: CNN.
Hệ thống y tế tại Italy có dấu hiệu khủng hoảng vì Covid-19. Các ca phẫu thuật không khẩn cấp và hoạt động kiểm tra y tế thông thường ở "vùng đỏ", nơi bị cách ly từ trước, đã bị ngừng lại. Người đứng đầu đơn vị ứng phó khủng hoảng vùng Lombardy, Antonio Pesenti, cảnh báo tình hình "chỉ còn cách ngưỡng sụp đổ một bước chân".
Giới chức các địa phương miền nam Italy, nơi có thu nhập thấp hơn khu vực miền bắc, lo ngại hệ thống y tế có nguy cơ bị Covid-19 áp đảo. Thống đốc Sicily Nello Musumeci cảnh báo hệ thống y tế của vùng không thể đối phó tốt với Covid-19 như các địa phương phía bắc, yêu cầu bất cứ ai từ "vùng đỏ" tới hòn đảo đều phải thông báo cho bác sĩ và tự cách ly.
Chưa rõ dân Italy sẽ chịu đựng lệnh phong tỏa toàn quốc để chống dịch Covid-19 thế nào và họ sẽ hợp tác với chính quyền ra sao. Nhiều người tháo chạy khỏi vùng Lombardy khi nghe tin chính phủ Italy áp lệnh phong tỏa hơn 16 triệu dân.
"Dân Italy quan tâm nhiều đến tự do cá nhân trong khi người Trung Quốc có tính kỷ luật. Dân Italy chưa có ý thức cộng đồng cao, ngay cả ở vùng dịch phía bắc đất nước. Không ai coi trọng vấn đề, không ai đeo khẩu trang và không có dung dịch vệ sinh tay tại nơi công cộng", doanh nhân Pietro Borsano nói.
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán từ tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 115 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 114.000 ca nhiễm, hơn 4.000 ca tử vong và hơn 64.000 người đã hồi phục.
Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nặng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. 21 vùng tại Italy đã ghi nhận Covid-19 với hơn 9.100 ca nhiễm, hơn 460 ca tử vong và hơn 720 ca đã hồi phục.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP, Reuters)
Theo vnexpress.net
Người Italy thấy ngột ngạt vì Covid-19 hơn cả chiến tranh Một số bệnh nhân chưa đến mức phải chăm sóc tích cực cảm thấy như đang bị cầm tù trong các phòng bệnh quá tải. Một cựu bác sĩ quân y nói rằng ông cảm thấy tình hình hiện giờ tệ hơn cả chiến tranh Kosovo năm 1999. Các nhân viên ở Bergamo, Italy, vận chuyển quan tải của một bệnh nhân Covid-19...