Những sai lầm của Netflix khi đưa The Witcher lên màn ảnh nhỏ
The Witcher là “con gà đẻ trứng vàng” của Netflix, nhưng lại vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều từ phía người hâm mộ vì những sai lệch so với nguyên tác.
The Witcher là một trong những series ăn khách bậc nhất của Netflix ở thời điểm hiện tại. Được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Andrzej Sapkowski, cộng với thành công trước đó từ loạt game do CD Projekt RED sản xuất, series này đã nhanh chóng xây dựng được một cộng đồng người hâm mộ hùng hậu chỉ sau 2 mùa phim phát sóng.
Không chỉ chinh phục khán giả, The Witcher còn thu về những phản ứng tương đối tích cực từ các chuyên trang đánh giá lớn nhất thế giới. Trên IMDb, “gà cưng” của Netflix được chấm đến 8.2/10 điểm, đồng thời còn đạt độ “tươi” trên Rotten Tomatoes, như một bằng chứng đanh thép và thuyết phục về sức hút của series này.
The Witcher là một trong những series ăn khách nhất của Netflix – Ảnh: Netflix.
Tuy nhiên mới đây, Netflix lại khiến khán giả cực kỳ ngỡ ngàng và có phần bức xúc với thông tin nam chính Henry Cavill sẽ rút khỏi dự án The Witcher sau khi mùa 3 kết thúc. Nguyên nhân dẫn đến cuộc chia ly đáng tiếc này được cho là bởi những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa Henry và đội ngũ biên kịch của Netflix. Nam diễn viên muốn kịch bản phim bám sát nguyên tác nhất có thể thay vì đưa vào những yếu tố sáng tạo quá xa rời bộ tiểu thuyết gốc.
Người hâm mộ lâu năm của The Witcher có thể phần nào hiểu được nỗi lòng của Henry Cavill lúc này. Nhìn nhận một cách khách quan, series của Netflix dù được đón nhận rộng rãi, nhưng vẫn thiếu đi khá nhiều giá trị căn bản, cốt lõi của nguyên tác.
Bản chất của định mệnh trong mối quan hệ giữa Geralt và Ciri được khai thác quá hời hợt
Yếu tố “định mệnh” trong mối quan hệ giữa Geralt và Ciri được khắc họa khá mờ nhạt – Ảnh: Netflix.
Một trong những chủ đề lớn nhất chạy xuyên suốt mạch truyện của The Witcher là sức mạnh của định mệnh và niềm khao khát được giải thoát khỏi sự sắp đặt của số phận. Yếu tố này đã được đưa vào series của Netflix, nhưng lại không được khai thác quá sâu, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa Geralt và Ciri, vốn được xem là trái tim của The Witcher.
Trong nguyên tác, Geralt và Ciri bị trói buộc bởi định mệnh thông qua Luật Bất ngờ (The Law of Surprise). Tuy nhiên, trước khi gắn bó với nhau, cả 2 từng nhiều lần gặp gỡ một cách tình cờ mà không hề hay biết thân phận của đối phương. Đã có thời điểm, Geralt thậm chí còn chủ động quay lưng với định mệnh, chối từ Ciri. Thế nhưng sau tất cả, số phận lại đẩy 2 con người này về với nhau, tạo ra một hành trình cảm xúc sâu sắc và trọn vẹn.
Phiên bản truyền hình của Netflix cũng xây dựng kịch bản tương tự, với những yếu tố chủ chốt như Luật Bất Ngờ hay định mệnh. Thế nhưng, Geralt và Ciri lại chỉ gặp nhau trực tiếp một lần duy nhất mà thôi, và đó cũng chính là thời điểm cả 2 quyết định sẽ gắn bó với nhau trong mối quan hệ tương tự như cha – con. Điều đó khiến cho yếu tố “định mệnh” không được nhấn mạnh và không mang đến hiệu ứng bùng nổ lớn như trong nguyên tác.
Triết lý “cái ác nhỏ hơn” chưa thể làm người hâm mộ thỏa mãn
Triết lý về “cái ác nhỏ hơn” được đưa vào ngay tập phim mở màn của The Witcher – Ảnh: Netflix.
Video đang HOT
Series The Witcher mở màn với tập phim được chuyển thể từ truyện ngắn The Lesser Evil (cái ác nhỏ hơn) trong bộ truyện The Last Wish. Bối cảnh và nội dung của tập phim này khá giống với nguyên tác: Geralt đến thị trấn Blaviken để kiếm tiền sống qua ngày thì bất ngờ mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa pháp sư Stregobor và nhóm đạo tặc do Renfri cầm đầu. Cả 2 đều muốn Geralt đứng về phía mình và tự nhận đó mới là lựa chọn “cái ác nhỏ hơn” để tránh “cái ác lớn hơn” xảy ra.
Trong cả bộ tiểu thuyết lẫn phiên bản truyền hình, Geralt đều có cảm tình với Renfri hơn. Tuy nhiên, anh không đồng ý với kế hoạch thảm sát cả thị trấn Blaviken của cô để ép Stregobor phải ra mặt, để rồi cuối cùng đích thân Geralt phải ra tay ngăn cản và hạ sát Renfri.
Vấn đề nằm ở cách thức tiếp cận và khai thác vấn đề trong câu chuyện này. Bộ tiểu thuyết giải thích khá cặn kẽ về mâu thuẫn trong quá khứ giữa Renfri và Stregobor, về những khó khăn, những gì khủng khiếp khiếp nhất mà Renfri từng phải trải qua. Chính điều này đã khiến cho lý do trả thù của Renfri trở nên thuyết phục hơn, khiến Geralt gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phải đưa ra lựa chọn.
Hình ảnh Renfri của phiên bản truyền hình được xây dựng khá tốt và tạo được ấn tượng tích cực đối với người hâm mộ. Tuy nhiên, rất nhiều chi tiết liên quan đến quá khứ đen tối của cô đã bị lược bỏ. Trong khi đó, Stregobor lại xuất hiện với một thái độ khá khó ưa, khó gây thiện cảm với khán giả, đặc biệt là với những ai mới tiếp xúc với The Witcher. Điều đó khiến họ không khỏi băn khoăn vì sao Geralt không lựa chọn đứng về phía Renfri ngay từ ban đầu.
Series The Witcher thiếu đi chất cổ tích
Những câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới là nguồn cảm hứng lớn của The Witcher – Ảnh: Netflix.
Mùa phim đầu tiên, và tập mở đầu của mùa thứ 2, được chuyển thể từ những tập truyện ngắn trong 2 cuốn The Last Wish và The Sword Of Destiny của bộ tiểu thuyết The Witcher. Đây có thể coi là bộ sưu tập những chuyến phiêu lưu của Geralt trước khi bản thân bị định mệnh trói buộc với Ciri. Và nếu như để ý kỹ, chúng ta có thể nhận ra hầu hết những mạch chuyện trong đó đều là phiên bản u tối hơn của những câu chuyện cổ tích nổi tiếng.
Ví dụ, The Lesser Evil được lấy cảm hứng từ Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn; A Grain Of Truth là phiên bản tàn nhẫn hơn của Giai Nhân Và Quái Vật; hay A Little Sacrifice lại mang đậm màu sắc của Nàng tiên cá nhỏ. Nhà văn Andrzej Sapkowski đã vẽ nên mảng màu tối của những câu chuyện cổ tích màu hồng nổi tiếng mà bất cứ ai cũng đã từng đọc qua. Điều này khiến cho thế giới của The Witcher trở nên gần gũi hơn, thân thuộc hơn và cũng khốc liệt hơn.
Tuy nhiên, khi được đưa lên màn ảnh nhỏ, yếu tố cổ tích của The Witcher gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn, hoặc không được thể hiện quá rõ ràng. Ít ai nhận ra chi tiết Renfri, xuất thân là một công chúa, lại đi phiêu lưu cùng 7 tên đạo tặc khác, chính là tấm gương phản chiếu cho câu chuyện nàng Bạch Tuyết trứ danh. Và cũng không ai nhận ra rằng mối tình giữa Nivellen, người trúng phải lời nguyền và phải mang hình hài của loài quái thú, với ma cà rồng Bruxa, lại là phiên bản méo mó, biến dạng của Giai Nhân Và Quái Vật. Sẽ không quá lời khi cho rằng Netflix đã đánh mất đi một phần giá trị cốt lõi của nguyên tác khi chuyển thể The Witcher.
Bản chất mối quan hệ giữa Geralt và Yennefer chưa được khắc họa rõ nét
Mối tình của Geralt và Yennefer là yếu tố xuyên suốt của The Witcher – Ảnh: Netflix.
Tình yêu giữa Geralt và Yennefer là một trong những yếu tố trọng tâm của The Witcher, dù là phiên bản tiểu thuyết hay truyền hình. Bị trói buộc với nhau bởi định mệnh, hay chính xác hơn là bởi điều ước cuối cùng của Geralt, cặp đôi này liên tục trải qua những giây phút đoàn tụ rồi lại chia xa. Đó như thể một vòng lặp vô tận chạy xuyên suốt cốt truyện chính, và cũng là phép ẩn dụ cho mối tình của hai người: Khi thì ngọt ngào nồng ấm, khi thì cay nghiệt, ngang trái.
Tuy nhiên, tình yêu kỳ lạ này được khai thác sâu hơn và chi tiết hơn trong bộ truyện của Andrzej Sapkowski. Đã có những thời điểm, Geralt và Yennefer quyết định bỏ lại sau lưng tất cả để tận hưởng một cuộc sống yên bình bên nhau. Cũng có những khoảng thời gian, hai người bị chia cắt vì nhiều lý do, và thậm chí còn bị đặt vào thế buộc phải đối đầu với nhau. Sự ngang trái trong mối tình của Geralt và Yennefer cũng là một cách để thể hiện bản chất của định mệnh trong The Witcher.
Trong khi đó, phiên bản truyền hình đã đơn giản hóa mối quan hệ giữa hai người, loại bỏ nhiều chi tiết giá trị khác vì những hạn chế về mặt thời lượng. Ngoài ra, có không ít khán giả cho rằng “phản ứng hóa học” giữa Henry Cavill và Anya Chalotra – Geralt và Yennefer của series The Witcher, là chưa đủ lớn, chưa đủ chân thật, chưa đủ thuyết phục để đưa cặp tình nhân này lên màn ảnh nhỏ.
Netflix đầu tư quá ít thời gian để giải thích kỹ hơn về thế giới của The Witcher
The Witcher sở hữu một thế giới rất rộng lớn – Ảnh: Netflix.
Trong bộ tiểu thuyết gốc, hai cuốn đầu tiên là tập hợp của những mẩu truyện ngắn và ảnh hưởng không quá nhiều đối với cốt truyện chung của The Witcher. Những mẩu truyện này đóng vai trò giới thiệu nhân vật, thế giới đến với độc giả, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các sự kiện lớn sau này. Cho đến khi bước vào mạch truyện chính, độc giả đã phần nào đó quen thuộc với vùng đất Lục Địa (The Continent), với những địa danh và những sự kiện đang diễn ra tại đây.
Series của The Witcher lại tiếp cận vấn đề theo một hướng khác, đặc biệt là trong mùa phim thứ 2. Những địa điểm, nhân vật mới cứ liên tục xuất hiện theo cốt truyện, và đôi khi khiến cho khán giả cảm thấy ngột ngạt khi phải tiếp nhận quá nhiều thứ cùng một lúc. Ngay cả sự trở lại của một số cái tên quen thuộc như Yarpen Zigrin cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi vì đơn giản là nhân vật này chưa được khai thác quá sâu trong mùa phim trước đó.
Giới hạn về mặt thời lượng có lẽ là lời giải thích hợp lý nhất cho tình trạng này. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao, bên cạnh lợi nhuận, Netflix lại quyết định sản xuất nhiều series ăn theo The Witcher đến vậy. Những dự án đó sẽ là cơ hội để họ giúp khán giả hiểu rõ hơn, sâu hơn về vùng đất Lục Địa.
Yennefer phản bội Ciri là điều không thể chấp nhận được với người hâm mộ lâu năm của The Witcher
Yennefer là hình tượng người mẹ đối với Ciri – Ảnh: Netflix.
Geralt và Yennefer là 2 người quan trọng nhất trong cuộc đời của Ciri, được khắc họa như hình tượng cha và mẹ của cô bé. Những gì cả 3 cùng trải qua, đặc biệt là trong trận chiến cuối cùng của bộ tiểu thuyết, đã mang đến hình ảnh của một gia đình thực sự và để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả. Trong một thế giới hỗn loạn mà ai cũng muốn có được Ciri vì mục đích chính trị và sức mạnh, Geralt và Yennefer là 2 trong số ít những người mà cô bé có thể tin tưởng tuyệt đối.
Tuy nhiên, The Witcher mùa 2 đã biến tấu cốt truyện theo một chiều hướng hoàn toàn khác với sự xuất hiện của ác quỷ Voleth Meir. Sau khi mất sạch phép thuật của mình, Yennefer đã định bắt cóc và cống nạp Ciri cho con quái vật này để lấy lại toàn bộ quyền năng của mình. Mặc dù sau tất cả, Yennefer đã nhận ra sai lầm của bản thân và công khai đứng ra bảo vệ Ciri, nhưng chi tiết này đã khiến nhiều fan cứng cựa của The Witcher hụt hẫng. Đó cũng là một trong những thay đổi gây nhiều tranh cãi nhất mà mùa phim thứ 2 mang lại.
Netflix bóp méo tình bạn của Geralt và Jaskier
Jaskier là người bạn thân thiết nhất của Geralt trong The Witcher – Ảnh: Netflix.
Jaskier là một trong những người bạn thân hiếm hoi của Geralt, và thậm chí còn quen biết anh trước cả Yennefer hay Ciri. Trong nguyên tác, Geralt đặc biệt trân trọng tình bạn này. Bản thân anh cũng từng cùng với Jaskier trải qua nhiều chuyến phiêu lưu thú vị. Dù không mấy mặn mà với thơ ca, nhưng Geralt chưa bao giờ phản đối hay tỏ ra khó chịu với việc Jaskier sáng tác nghệ thuật dựa trên hành trình của họ.
Trong phiên bản truyền hình, tình bạn giữa Jaskier và Geralt được xây dựng theo hướng hài hước, tếu táo hơn, đúng với phong cách “trái dấu sẽ hút nhau”. Tuy nhiên trong suốt mùa phim đầu tiên, không ít độc giả lâu năm của The Witcher đã thực sự bất ngờ khi Geralt luôn tỏ ra khó chịu, thậm chí là cay nghiệt đối với Jaskier. Số lượng những cuộc trò chuyện mang ý nghĩa sâu xa giữa hai người cũng gần như không còn. Điều này chỉ thực sự được khắc phục trong mùa phim thứ 2, khi Geralt đã thoải mái hơn với việc Jaskier đồng hành cùng mình.
Hình tượng Geralt đã bị thay đổi rất nhiều
Geralt trên màn ảnh là một nhân vật lầm lì, ít nói, ít thể hiện quan điểm cá nhân – Ảnh: Netflix.
Geralt là một thợ săn quái vật lão làng. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi anh sở hữu khả năng chiến đấu ấn tượng cùng vốn kinh nghiệm đa dạng, phong phú. Và Netflix đã khắc họa rất tốt điều đó nhờ đội ngũ biên đạo, dàn dựng những phân cảnh hành động chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, điều mà họ chưa làm được chính là khai thác sâu về mặt trí tuệ của Geralt. Trong nguyên tác, chàng thợ săn quái vật không chỉ biết múa kiếm, mà còn là một người có nội tâm sâu sắc và thích “đấu khẩu” với người khác. Anh thường xuyên tranh luận với Jaskier và đưa ra những bình luận châm biếm khi cần thiết. Anh thậm chí còn không ngần ngại sử dụng lời nói để đối đầu với những vị vua, những pháp sư hùng mạnh.
Trong mùa phim đầu tiên, Netflix đã quyết định xây dựng Geralt theo hình tượng lạnh lùng, lầm lì, ít nói, ít hài hước hơn. Chính Henry Cavill đã phải đề xuất cho nhân vật của mình được đối thoại nhiều hơn, được thể hiện mặt trí tuệ, nội tâm sâu hơn trong mùa phim thứ 2 để bám sát nguyên tác.
'Em trai Thor' từng là bại tướng của Henry Cavill trong cuộc đua giành vai chính 'The Witcher'
Henry Cavill sẽ chính thức rút khỏi dự án truyền hình The Witcher sau khi mùa phim thứ 3 kết thúc. Và Netflix cũng đã nhanh chóng tìm được cái tên thay thế để viết tiếp câu chuyện của chàng thợ săn quái Geralt xứ Rivia, đó chính là Liam Hemsworth. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là lựa chọn ngẫu nhiên, bởi cách đây 4 năm, Liam đã từng súyt chút nữa bén duyên với vai diễn này.
Theo Redanian Intelligence, trang tin chuyên tổng hợp mọi thông tin liên quan đến vũ trụ witcher, cho biết: Vào năm 2018, Liam Hemsworth đã tham gia quá trình thử vai cho vai diễn Geralt. Nam diễn viên sinh năm 1990 thậm chí còn được xem là ứng viên nặng ký và rất được lòng đội ngũ sản xuất tại thời điểm lúc bấy giờ. Thế nhưng sau tất cả, họ cảm thấy Henry Cavill phù hợp hơn.
Liam Hemsworth, em trai của "thần sấm Thor" Chris Hemsworth, từng là một ứng cử viên nặng ký cho vai Geralt từ 4 năm trước (ảnh: Redanian Intelligence).
Nếu như bạn chưa biết, Henry Cavill đã trải qua một hành trình "rất gì và này nọ" để có thể trở thành Geralt xứ Rivia trên màn ảnh nhỏ. Nam diễn viên vốn là một người hâm mộ cứng cựa của The Witcher.
Vì vậy, ngay khi hay tin Netflix đang ấp ủ dự án chuyển thể loạt tiểu thuyết của nhà văn Andrzej Sapkowski, Henry đã lập tức liên hệ với họ để xin cơ hội thử vai. Vấn đề nằm ở chỗ tại thời điểm đó, Netflix thậm chí còn chưa hoàn thiện kịch bản cho dự án của mình, và dĩ nhiên là quá trình thử vai cũng chưa thể diễn ra.
Chia sẻ tại sự kiện San Diego Comic-Con 2019, trước khi mùa đầu tiên của The Witcher chính thức lên sóng, nhà sản xuất Lauren Hissrich cho biết đã có 207 diễn viên khác thử sức với vai Geralt. Tuy nhiên, sau tất cả, cô lại quyết định trao cơ hội của Henry chỉ bởi quá ấn tượng với chất giọng của nam diễn viên. Lauren nhấn mạnh bản thân đã "chốt đơn" ngay lập tức sau khi chứng kiến màn thử vai của Henry tại New York.
Chất giọng đầy ấn tượng cùng niềm đam mê vũ trụ witcher đã giúp Henry Cavill vượt qua 207 đối thủ khác, trong đó có cả Liam Hemsworth (ảnh: Netflix).
Như vậy, theo thông tin mới nhất của Redanian Intelligence, Liam Hemsworth là 1 trong số 207 nam diễn viên khác từng nuôi hy vọng được trở thành Geralt phiên bản truyền hình. Không rõ Liam lọt vào sâu đến mức độ nào của quá trình thử vai, nhưng anh cũng là cái tên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với Lauren Hissrich và các nhà sản xuất khác của The Witcher.
Đây chính là lý do vì sao sau khi Henry Cavill quyết định nói lời chia tay dự án, Netflix đã không tổ chức tuyển chọn lại diễn viên mới cho vai Geralt. Thay vào đó, họ liên hệ với Liam Hemsworth để đàm phán về thương vụ này khi mùa phim thứ 3 vẫn đang trong quá trình bấm máy.
Hiện tại, The Witcher mùa 3 đang trong quá trình hậu kỳ để kịp lên sóng vào giữa năm 2023. Trong khi đó, Netflix đã "bật đèn xanh" cho cả mùa 4 và mùa 5, 2 mùa phim sẽ được ghi hình song song và dự kiến bắt đầu lên sóng vào cuối năm 2024.
Netflix tung trailer đầu tiên cho series tiền truyện của The Witcher do Dương Tử Quỳnh thủ vai chính The Witcher Blood Origin, series tiền truyện lấy bối cảnh 1200 năm trước các sự kiện trong The Witcher, sẽ chính thức lên sóng trên Netflix vào ngày 25/12 tới đây. Để khai thác một vũ trụ rộng lớn như The Witcher, chỉ một bộ phim truyền hình thôi là không đủ. Đó chính là lý do vì sao trong vài năm qua,...