Những sai lầm của Intel
Việc sa thải 12.000 nhân viên vừa qua cho thấy Intel đã có những bước đi chiến lược chưa đúng đắn.
Intel vừa công bố sa thải 12.000 nhân viên nhằm tiết kiệm hơn 1,1 tỷ USD. Đây không phải là lần đầu tiên hãng làm điều này, bởi việc cắt giảm nhân sự cũng từng diễn ra nhiều lần. Trong một thập kỷ qua, Intel đã cho nghỉ việc hơn 26.000 nhân viên, bao gồm 20.000 người giai đoạn 2005 – 2009 (tương đương 20% lực lượng lao động), 5.000 người trong năm 2014 và hơn 1.000 người vào năm ngoái.
Intel vừa sa thải một lượng lớn nhân viên.
Tại sao Intel giảm nhân sự?
Trước đây, Intel chủ yếu sản xuất vi xử lý cho máy tính để bàn cũng như hợp tác với Microsoft trong nhiều sản phẩm khác. Dưới thời của CEO Paul Otellini, Intel đã bỏ qua thị trường vi xử lý cho điện thoại di động, vốn được đánh giá là “màu mỡ”.
Vào năm 2012, trong một bài phỏng vấn, Otellini cũng từng nói rằng, Intel “đã lỡ chuyến tàu di động” nhưng “đang bắt một chuyến tàu khác”. Tuy nhiên, mọi thứ cho đến nay có vẻ vẫn chưa tiến triển nhiều.
Số liệu từ IDC cho thấy, 2015 là năm được đánh giá ở mức tồi tệ về doanh số PC, khi số lượng bán ra nằm dưới mốc 300 triệu chiếc, thấp nhất kể từ 2008 và giảm khoảng 10%. Trong khi đó, doanh số điện thoại thông minh lại đạt đến 1,4 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2013.
Những con số này có thể sẽ khiến Otellini buồn lòng, nhất là khi Intel từng được Apple đề nghị làm vi xử lý cho iPhone trước khi nó ra mắt vào năm 2007.
Ngày cuối cùng đảm nhận cương vị giám đốc điều hành Intel (tháng 5/2013), Otellini đã thú nhận với The Atlantic rằng: “ Thế giới có thể đã thay đổi nếu như chúng tôi nhận lời hợp tác với Apple trong việc cung cấp vi xử lý cho iPhone. Tuy nhiên, chúng tôi đã lo sợ, bởi mức giá sản xuất thấp hơn kỳ vọng và Intel không thể sản xuất số lượng lớn. Hơn hết, chúng tôi cũng không thể biết trước được rằng iPhone sẽ thành công đến như vậy”.
Intel đã cố gắng sửa sai sau đó bằng một loạt dòng chip cho điện thoại di động. Tuy nhiên, là “lính mới” nên hãng chưa làm được gì nhiều. Kiến trúc chip x86 bị chỉ trích vì quá “ngốn” điện, trong khi dòng Atom sau đó tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa thể so sánh với dòng A của Apple, Snapdragon của Qualcomm, thậm chí là Exynos của Samsung…
Không những thế, khả năng sửa chữa sai lầm của Intel sẽ vất vả hơn bởi hàng loạt đối thủ đang nâng cấp công nghệ, cũng như cơ sở hạ tầng nghiên cứu chip. Như Samsung vừa công bố đầu tư thêm 14,3 tỷ USD để xây dựng tổ hợp nhà máy bán dẫn có diện tích bằng khoảng 400 sân bóng đá.
Video đang HOT
Khó khăn chồng chất, và việc sa thải nhân viên đến như một điều tất yếu.
Máy chủ sẽ là “vị cứu tinh” của Intel
Mặc dù có những bước đi sai lầm trên con đường chip cho điện thoại di động nhưng Otellini đã đúng khi tập trung vào thị trường máy chủ. Hiện chip Xeon dựa trên kiến trúc x86 của hãng đang có mặt trên hơn 95% máy chủ thế giới. Rất nhiều hãng công nghệ lớn đang sử dụng sản phẩm của Intel như Google, Facebook và Amazon. Theo báo cáo từ Stacy Smith, Giám đốc tài chính Intel, vi xử lý máy chủ đang mang lại lợi nhuận lớn nhất cho hãng.
Tuy nhiên, chip ARM cũng đang là cái tên bắt đầu sinh lời, đe dọa đến vị thế gần như tuyệt đối của Intel. Mặc dù đi sau, nhưng theo Giám đốc công nghệ Mike Muller của ARM Holdings, đơn vị sản xuất ra chip ARM, đến năm 2020, hãng đặt mục tiêu chiếm 25% thị phần vi xử lý cho máy chủ.
Tất nhiên, Intel sẽ phải làm mọi cách để điều đó không xảy ra. CEO hiện tại, Brian Krzanich, đang có những bước đi chiến lược nhằm khẳng định vị thế, cũng như bắt đầu sản xuất những dòng chip mới. Với công nghệ và kinh nghiệm về vi xử lý cho máy chủ hiện tại, Intel vẫn sẽ giữ được ngôi vương trong tương lai gần.
CEO Brian Krzanich sẽ chèo lái con thuyền Intel đi đúng hướng.
Intel vẫn ăn nên làm ra
Trước đây, mảng ăn nên làm ra nhất của Intel là máy tính để bàn. Tuy nhiên, việc phát triển của smartphone, máy tính bảng và các thiết bị thông minh khác đang khiến thị phần của chúng thu hẹp lại. Hãng đã nhận ra điều đó, và bắt đầu có những bước tiến quan trọng ở các lĩnh vực mới, đặc biệt là Internet of Things hay các trung tâm dữ liệu.
Theo báo cáo quý I/2016, mảng Internet of Things đã mang về cho Intel 651 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi các trung tâm dữ liệu cũng đã mang lại doanh thu 4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tổng thể, lợi nhuận hoạt động của Intel tăng 3% lên 2 tỷ USD, tổng thu nhập tăng 7% lên 13,7 tỷ USD, lợi nhuận thuần đạt 2,6 tỷ USD.
Có thể hiện tại, Intel đang đối mặt với nhiều thách thức và phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, hãng vẫn cho thấy mình sống tốt ở thời điểm hiện tại. Con tàu Intel vẫn còn rất nhiều nhiên liệu để chạy.
Bảo Lâm
Theo VNE
Dự án đặc biệt mang lại cho Intel 2 tỷ USD/năm
Hầu hết nhân viên Intel đều không biết gì về "Quark" - dự án bí mật mang về cho hãng chip số một thế giới khoản lợi nhuận lên tới 2 tỷ USD/năm.
Người góp công lớn trong dự án này là Brian Krzanich, CEO hiện tại của Intel. Trước khi lên nắm quyền năm 2013, ông đã có hai thập kỷ làm kỹ sư tại hãng này. Krzanich đã chứng kiến đủ mọi thăng trầm của Intel, trong suốt một quá trình dài vươn lên trở thành hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới với trị giá lên tới 160 tỷ USD, đồng thời là tên tuổi lớn trong lĩnh vực PC và máy chủ dữ liệu hiện nay.
'Thay đổi hay là chết'
Cách đây 4 năm, Krzanich nhận thấy một xu hướng mới trong giới kỹ sư trẻ mà ông lo sợ nếu Intel không bắt kịp, hãng sẽ không thể tồn tại. Đó chính là thực tế không ai trong số các kỹ sư trẻ sử dụng cấu trúc x86 nổi tiếng của Intel để tạo ra các con chip cho thị trường Internet of Things (IoT). Khái niệm này là sự tập hợp các hạng mục thiết bị cực lớn có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau. Còn x86 chính là chuẩn áp dụng cho toàn bộ kiến trúc vi xử lý PC ngày nay.
"Chúng tôi dần đánh mất sự kết nối với cộng đồng người sẽ sáng chế ra những cỗ máy tuyệt vời mà chúng ta sẽ yêu thích và sử dụng. Đây đều là những người sẽ tạo ra công nghệ trong 10 hoặc 15 năm tới, và thật không may không ai trong số họ sử dụng kiến trúc Intel x86. Thay vào đó, họ sử dụng kiến trúc ARM đối thủ để thiết kế chip", Krzanich nhớ lại thời khắc cam go cách đây 4 năm khi Intel buộc phải quyết định thay đổi nếu không sẽ "chết".
2 năm ẩn mình
Krzanich và một nhóm nhỏ các kỹ sư Intel đã âm thầm làm việc tại một dự án bí mật mà rất ít người của Intel biết đến. Dự án này sử dụng vốn ngoài ngân sách xây dựng nhà máy và hạ tầng nên càng bí mật hơn. Trong suốt hai năm đầu tiên, người ta hoàn toàn không biết gì về nó.
Mục đích của dự án là tạo ra con chip mới sử dụng cho các thiết bị không phải PC, chẳng hạn như thiết bị đeo và các ứng dụng gia đình có khả năng kết nối web, nhưng lại yêu cầu phải xây dựng trên nền tảng x86 của Intel.
"Tôi phải tập hợp một nhóm kỹ sư tài năng và chỉ cho mọi người thấy rằng có một công nghệ như thế, và nó là độc nhất vô nhị. Chúng tôi buộc phải phát triển nền tảng x86, nếu không chúng tôi sẽ phải đối mặt với tương lai vô định", Krzanich cho biết.
Phải mất gần 2 năm, dự án bí mật mới cho ra đời dòng sản phẩm có tên là "Quark". Đây chính là hệ thống thiết kế chip để tạo ra những con chip cực nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng và có thể tích hợp với những thiết bị di động linh hoạt như thiết bị đeo và thiết bị IoT. Intel giới thiệu về Quark lần đầu tiên năm 2013.
Sự ưu việt của Quark
Kể từ khi ra mắt, Quark đã trở thành kim chỉ nam cho hướng tiếp cận của Intel với thị trường IoT. Kết quả là sự ra đời của con chip Edison có kích cỡ chỉ to bằng quả bóng chơi golf, hoặc chip Curie có kích cỡ chỉ to bằng chiếc cúc áo vừa được giới thiệu hồi đầu năm 2015.
Trong một sự kiện giới thiệu các con chip Quark mới hồi đầu tháng 11/2015, Intel cho biết nhà phát triển có thể dùng nền tảng này để tạo ra các ứng dụng riêng chỉ trong vòng 10 phút. Đây được xem là kỷ lục nếu so với các sản phẩm đối thủ trên thị trường hiện nay. Ngoài ra, nó còn giúp các nhà phát triển dựng mẫu thử thiết bị IoT và phần mềm tương ứng, đồng thời có thể chạy thử sản phẩm trước khi triển khai chính thức.
Quark cũng cho phép các doanh nghiệp có thể kết nối toàn bộ thiết bị trong hoạt động kinh doanh, từ hệ thống máy móc phân xưởng tới các thiết bị trong dây chuyền cung ứng, rồi tải toàn bộ dữ liệu lên đám mây để vận hành hoạt động doanh nghiệp trơn tru và hiệu quả hơn.
Sự xuất hiện của IoT kéo theo nhiều sản phẩm hỗ trợ như phần cứng, phần mềm và dịch vụ IoT. Microsoft cũng có riêng hệ điều hành Windows IoT Core OS dành cho các thiết bị phần cứng, trong khi ARM có Mbed - bao gồm hệ điều hành và các dịch vụ đám mây.
Theo số liệu của công ty phân tích IoT Analytics, Intel hiện là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực IoT, đứng trên cả Microsoft, Cisco và Google, và được rất nhiều người dùng biết đến. Mặc dù chip IoT chỉ chiếm 5% trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của Intel nhưng Krzanich tin rằng nó sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều trong tương lai tăng trưởng của hãng này. Hiện thị trường IoT đang tăng trưởng với tốc độ 10% mỗi năm.
Gia Nguyễn
Theo Zing
CEO huyền thoại của Intel qua đời Andy Grove người dẫn dắt Intel từ lúc còn là một công ty nhỏ bé ở thung lũng Silicon vừa qua đời ở tuổi 79. Cựu CEO của Tập đoàn Intel qua đời ở tuổi 79 sau nhiều năm tháng chiến đấu với bệnh tật. Ông là một trong những nhân sự đầu tiên của Intel, là nhân tố quan trọng đưa công...