Những rủi ro tiềm ẩn khi phun, xăm môi
Phun, xăm môi là phương pháp làm đẹp đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện, nhưng bạn vẫn cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng nếu không muốn “tiền mất tật mang”.
Phun, xăm môi thực chất là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Hiện nay có 2 phương thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy, trong đó phun, xăm môi bằng máy khá phổ biến và mang lại hiệu quả cao hơn vì dễ thao tác, điều chỉnh lớp xăm nông sâu tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Theo bác sĩ Cao Ngọc Bích, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mĩ Bệnh viện An Sinh, dù phun xăm môi là phương pháp làm đẹp đơn giản, dễ thực hiện, nhưng cũng cần cân nhắc kỹ các ưu và khuyết điểm của thủ thuật làm đẹp này trước khi quyết định thử qua.
1. Xăm, phun: Giải pháp thẩm mĩ hiệu quả cho nàng môi thâm
Ưu điểm vượt trội của phương pháp thẩm mĩ này là giúp chị em môi thâm bẩm sinh nhanh chóng sở hữu làn môi mới tươi sáng và rạng rỡ, với chi phí không quá đắt đỏ.
Với những bạn gái có sắc môi nhợt nhạt, màu môi không tươi hoặc bị thâm do cơ địa bẩm sinh, xăm, phun môi được xem là giải pháp hiệu quả giúp khắc phục nhanh chóng khiếm khuyết ngoại hình này.
Ngoài ra, phun xăm môi còn giúp chị em lười trang điểm không bị “kém sắc” khi để mặt mộc, vì màu môi ảnh hưởng nhiều đến sắc diện toàn khuôn mặt. Phương pháp thẩm mĩ này còn có một lợi thế so với son môi, đó là không bị phai màu sau khi ăn uống, vận động, sinh hoạt, vì vậy giúp bạn luôn sở hữu làn môi tươi tắn, rạng rỡ.
2. Các rủi ro về sức khỏe khi phun, xăm môi
Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm môi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mĩ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể liệt kê một số mối nguy mà chị em có thể gặp phải khi thực hiện thủ thuật làm đẹp đơn giản này:
- Nhiễm trùng tại chỗ xăm. Sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu, nổi mụn, môi bị tụ mủ là những hậu họa khó lường sau khi xăm môi, bên cạnh biểu hiện hay gặp như sưng nề trong vài ngày đầu tùy cơ địa của từng người. Thông thường, nếu sưng khoảng 2 – 3 ngày bạn không cần phải lo lắng quá vì chỗ sưng sẽ tự lành, nhưng nếu môi vẫn sưng sau 5 – 6 ngày tiếp đó thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.
Video đang HOT
Nhiễm trùng tại chỗ xăm là một trong những nguy cơ dễ để lại sẹo xấu trên môi.
- Bị dị ứng với mực xăm. Dị ứng khi phun, xăm môi thường biểu hiện bằng việc da bị viêm, tróc kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Bác sĩ Cao Ngọc Bích cho biết, hầu hết những loại mực xăm hiện có trên thị trường đều chứa các thành phần hóa học độc hại. Những sản phẩm sản xuất ở Âu Mỹ, hoặc chiết xuất từ thành phần thảo mộc thường ít gây tác dụng phụ hơn các loại mực xăm xuất xứ không rõ ràng, đặc biệt là các loại mực xăm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở phun xăm quy mô nhỏ lại hay chọn mực xăm trôi nổi, không nhãn mác. Do vậy rất dễ xảy ra tình trạng cơ thể phản ứng với mực xăm, đặc biệt là với những khách hàng có cơ địa nhạy cảm.
- Lây các bệnh truyền nhiễm. Nếu không tiệt trùng đúng cách, vật dụng, máy móc dùng trong quá trình phun, xăm có thể là nguyên nhân lây truyền các bệnh nguy hiểm như giang mai, HIV, viêm gan B,C …, nhất là khi thực hiện tại các cơ sở nhỏ không hiểu tầm quan trọng của việc khử trùng hoặc không có điều kiện khử trùng dụng cụ đầy đủ.
3. Khó sở hữu làn môi đẹp như ý
Để có được làn môi đẹp với các đường nét phù hợp tổng thể khuôn mặt, màu sắc hài hòa, đòi hỏi chuyên viên phun xăm không chỉ có tay nghề cao, khéo léo mà còn phải được đào tạo về kỹ thuật phun, xăm, hiểu rõ nhân tướng học. Chưa kể các rủi ro có thể gặp phải như môi không đều màu, viền môi bị lệch, màu xăm bị biến đổi không như màu mực gốc đã chọn trước đó … Lạm dụng phun, xăm quá nhiều lần còn khiến chị em bị trơ da, da không ăn mực dẫn đến việc xăm màu lên môi trở nên vô cùng khó khăn và không đạt hiệu quả thẩm mĩ như mong muốn.
Bên cạnh đó, màu môi sau khi đã phun xăm rất khó thay đổi, lâu phai, nên nếu muốn có màu môi “thời thượng” hợp với xu hướng mốt theo từng mùa, bắt buộc bạn vẫn phải dùng vận dụng đến son và mĩ phẩm.
Hiệu quả xăm, phun môi phụ thuộc nhiều vào tay nghề, kỹ thuật và khiếu thẩm mĩ của người thực hiện.
4. Không dễ xóa xăm môi như vẫn tưởng
Một vấn đề quan trọng buộc chị em khi có nhu cầu phun, xăm môi cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, theo bác sĩ Cao Ngọc Bích, chính là việc xóa phun, xăm môi không hề dễ dàng và đơn giản.
Có nhiều nguyên nhân khiến chị em dễ suy nghĩ đến việc xóa màu môi sau phun xăm, thường là do phun xăm bị hỏng, do mực xăm bị nhạt màu, không đúng màu nguyên bản, hoặc màu môi không còn hợp thời trang … Khi đó, biện pháp can thiệp duy nhất khả quan và ít ảnh hưởng đến thẩm mĩ là xăm chồng màu da lên màu xăm cũ. Tuy nhiên, hướng giải quyết này dù không quá kỳ công nhưng lại dễ khiến chị em khó hài lòng, vì nhiều khả năng màu mực bị biến đổi sau khi vào cơ thể, khó sở hữu được màu môi tự nhiên như ban đầu.
Với phương pháp dùng tia laser được quảng cáo nhiều trên các phương tiện truyền thông, bác sĩ Cao Ngọc Bích khẳng định, rất khó để áp dụng cách này xóa vết xăm môi, kể cả ở mí mắt, lông mày mà không để lại sẹo. Vì bản chất của việc dùng tia laser xóa vết xăm là sử dụng sóng laser đốt nóng làm mực bay màu, giúp vết xăm mờ dần. Do đó nguy cơ bị bỏng, để lại sẹo khi áp dụng cách thức này xóa xăm môi là rất dễ xảy ra.
Chính vì vậy, nếu đã cân nhắc cẩn thận các lưu ý trên mà vẫn muốn áp dụng xăm, phun môi để mau chóng có được làn môi hồng rạng rỡ, chị em cần hiểu rõ cơ thể có tiền sử dị ứng với hóa chất lạ hay không, cũng như nên đến các cơ sở thẩm mĩ uy tín, có tay nghề cao, và yêu cầu tiệt trùng dụng cụ, thay kim xăm … để quá trình làm đẹp vừa đạt được hiệu quả như mong muốn, vừa phòng tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Theo Zing
Hậu quả không tưởng từ phun xăm môi, lông mày
Nghệ thuật phun xăm môi, lông mày được xem là phương pháp làm đẹp dễ thực hiện nên rất nhiều chị em sử dụng. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Tróc da, lồi sẹo vì phun xăm
Làm đẹp mí mắt, lông mày, môi bằng phương pháp phun xăm không mới nhưng không ít chị em đã gặp rắc rối vì cách làm đẹp này.
Nghe lời bạn bè rủ rê, chị Hân ở Lục Ngạn, Bắc Giang quyết định đến thẩm mỹ viện bình dân ngoài thị trấn sửa sang đôi lông mày mọc không có hàng lối. Giao nhan sắc cho chuyên gia thẩm mỹ phun xăm, tùy ý tu bổ, bản thân chị cũng vô cùng hồi hộp trong suốt suốt một giờ đồng hồ.
Chị ra về với đôi mắt sưng húp, mỗi khi đi ra đường phải đeo kinh đen nhưng chị vẫn thấy vui vì được củng cố niềm tin sẽ sở hữu đôi lông mày lá liễu tôn lên vẻ đẹp sắc sảo của đôi mắt trong một vài ngày tới.
Ảnh minh họa.
Sau một tuần, vết xăm tróc mày, hết sưng nhìn vào gương chị bàng hoàng phát hiện hai bên lông mày quá xếch không hài hòa với khuôn mặt, chị trở lại thẩm mỹ viện yêu cầu sửa. Tuy không mất thêm tiền nhưng chị phải chịu đựng cái đau rát do tác động của tia laser xóa xăm để tạo vết phun xăm mới.
Sau lần phun xăm đó, đẹp thì chưa thấy, chỉ biết hiện tại trên đôi mắt chị Hân có thêm những vết sẹo lõm, liên tục bị sưng, dị ứng khi thay đổi thời tiết khoặc khi bị bụi bặm bám vào. Thậm chí có lần chị còn bị sưng, nổi mụn và chảy mủ ở hai bên lông mày trong gần một tuần.
So với chị Hân, chị Tâm kém may mắn hơn rất nhiều. Thấy bạn bè có đôi môi đầy mọng, quyến rũ chị Tâm ở Từ Liêm, H Nội cũng muốn nâng cấp đôi môi mỏng dẹt của mình trở nên đầy đặn hơn. Đến cửa tiệm phun xăm cách nhà không xa khi chủ tiệm đang làm cho một vị khách khác. Sau 15 phút chờ đợi, nhân viên làm xong cho khách, rửa qua dụng cụ rồi thực hiện luôn cho chị.
Vì làm đẹp, chị phải xin nghỉ việc gần một tuần chờ vết thương lành lại. Tuy nhiên, hơn hai tuần trôi qua vết thương không lành còn bong tróc da kéo dài, thậm chí môi trên còn xuất hiện những chùm mụn mủ, có triệu chứng rát và ngứa.
Đến chuyên khoa da liễu khám, làm xét nghiệm máu bác sĩ kết luận chị mắc phải bệnh Herprs, một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
BS chuyên khoa da liễu Lê Quang Lộc (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng trường hợp như bệnh nhân Tâm không phổ biến nhưng khả năng có thể lây bệnh từ dụng cụ như kim, ngòi xăm, chất dịch màu xăm... là có thật.
Khi phun xăm, tác nhân gây bệnh chủ yếu nằm chính là chất dịch màu. Trong dịch màu có chứa một số tác nhân gây bệnh như vi-rút, vi trùng gây ra bệnh Herpes ở môi, HIV, viêm gan B, bệnh giang mai,...
Nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm
Phun xăm môi, lông mày là trào lưu làm đẹp khá phổ biến, phương pháp làm đẹp này cũng khiến không ít chị em dở khóc, dở mếu vì giấc mơ làm đẹp không thành, thậm chí còn đối diện với nguy cơ nhiễm những căn bệnh nguy hiểm rất cao.
Rất nhiều chị em tìm đến chuyên khoa da liễu cầu cứu trong tình trạng vết xăm môi, mắt bị sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn... thậm chí đã kết mủ. Thông thường chỉ sau 1-2 ngày, vết xăm bị dị ứng hay nhiễm trùng đã có dấu hiệu bất thường, nhưng cũng có người sau 2 tuần mới phát hiện và gây khó khăn trong xử lý.
Theo BS Lộc, xăm thực chất là dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da, các chất này chính là muối kim loại nên việc xóa hình xăm để đưa da trở về trạng thái ban đầu rất khó khăn.
Ngoài nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, dị ứng da, viêm đỏ da, tróc da kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, lạm dụng phun xăm nhiều lần mà không có khoảng cách thời gian an toàn dễ dẫn tới trơ da, không ăn mực thì chị em còn phải gánh chịu những di chứng mà người xóa vết xăm phải chịu đựng như sẹo vĩnh viễn, chàm da, thậm chí có người bị dị ứng tái đi tái lại, gây ngứa ngáy, mất thẩm mỹ.
Đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như giang mai, HIV, viêm gan B, viêm gan C... Các bệnh phong, lao, đậu mùa, hạt cơm, u mềm... cũng có thể lây bằng con đường xăm trổ.
Vì vậy, BS Lộc khuyên phụ nữ nên giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, bởi đã xăm thì khó mà tẩy hết. Nếu đã lỡ xăm, 3 tháng sau nên đi thử máu để tìm xem có bị nhiễm các mầm bệnh hay không.
Khi làm đẹp bằng phương pháp phun xăm môi, lông mày, chị em nên tìm đến những cơ sở thẩm mỹ có uy tín. Để tránh phun xăm không như ý, nên chọn kỹ thuật viên lành nghề, muốn tái phun cần chờ từ 3 tháng tới một năm cho da phục hồi.
Theo Alobacsi
Bí quyết để có bờ môi hoàn hảo Để đôi môi đẹp hoàn hảo, bạn cần phải dành nhiều thời gian chăm sóc và nuôi dưỡng, bởi lẽ đây là phần da nhạy cảm nhất trên cơ thể. Thế nào là đôi môi hoàn hảo? Bạn có chắc rằng bạn đã chăm sóc môi đúng cách? Thời tiết thay đổi chút ít, môi đã dễ bị khô nứt. Vì vậy, việc...