Những quyết định sai lầm trả giá bằng tỷ USD
Nói “không” với Facebook vì nghe lời bố, “bán lúa non” cổ phiếu Apple… nhiều nhân vật đã khiến làng công nghệ thế giới nhớ mãi, không phải bởi thành công, mà bởi những quyết định sai lầm để vuột mất cơ hội kiếm hàng tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ USD.
Nếu có một quả cầu pha lê cho thấy trước tương lai, bạn có thể biết quyết định mình vừa đưa ra là đúng đắn hay chỉ là một sai lầm đáng tiếc. Trên thực tế, chẳng ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy đến với mình. Trong thế giới công nghệ, đã có những người bỏ qua cơ hội cực lớn trong cuộc đời, mà nếu là người “cả nghĩ”, họ hẳn sẽ hối hận mãi.
Trang Business Insider điểm qua những quyết định sai lầm “nhớ đời” trong làng công nghệ:
Nolan Bushnell đã có thể sở hữu 1/3 Apple
Nolan Bushnell, nhà sáng lập hãng công nghệ Atari, đã từ chối cơ hội đầu tư 50.000 USD vào Apple khi “quả táo” mới được thành lập. Khi nhà đồng sáng lập Apple, huyền thoại Steve Jobs, còn làm ở Atari, thì chính Bushnell là một trong những sếp đầu tiên của ông.
Nếu Bushnell đầu tư, thì giờ ông đã sở hữu 1/3 Apple, công ty hiện có giá trị vốn hóa trên 400 tỷ USD.
Ronald Wayne lẽ ra đã có 40 tỷ USD ngày nay
Ronald Wayne, nhà đồng sáng lập thứ ba của Apple, đã bán vội cổ phần 10% của ông trong hãng này để lấy 800 USD chỉ 2 tuần sau khi công ty ra đời. Sau đó, ông nhận được 1.500 USD để từ bỏ hoàn toàn quyền sở hữu trong Apple.
Nếu giữ cổ phần trong Apple, Wayne đã có khoảng 40 tỷ USD vào thời điểm hiện nay.
HP 5 lần từ chối sản xuất máy tính Apple
Hồi thập niên 1970, nhà đồng sáng lập thứ hai của Apple là Steve Wozniak còn làm việc cho hãng máy tính HP. Mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại tập trung thiết kế một chiếc máy tính mà sau này trở thành máy tính Apple.
Đã 5 lần Wozniak đề nghị các sếp ở HP khi đó mà dẫn đầu là CEO John Young sản xuất chiếc máy tính của ông. Nhưng họ từ chối. Vì thế, Wozniak đã rời khỏi HP và thành lập nên Apple cùng người bạn Steve Jobs.
Nghe lời bố, Joe Green nói “không” với Facebook
Video đang HOT
Joe Green, bạn cùng phòng với Mark Zuckerberg trong ký túc xá Đại học Harvard, đã từ chối đề nghị của Zuckerberg giúp đỡ lập nên Facebook.
Chuyện là, khi cả hai còn học ở Harvard, họ đã cùng nhau mở một trang có tên Facemash. Việc này khiến họ bê trễ học hành và bị nhà trường nhắc nhở. Khi Zuckerberg nhờ Green hỗ trợ lập Facebook, cha của Green đã khuyên con trai không nên tham gia vào dự án nào với Zuckerberg nữa.
Nếu Green gia nhập Facebook từ ngày đầu, hiện anh có thể đã có cổ phần khoảng 5% trong mạng này, với trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Battery Ventures từ chối rót vốn cho Facebook
Facebook khởi đầu trong ký túc xá Harvard của Zuckerberg. Và mạng này có lẽ sẽ nằm trong khu vực Boston nếu Battery Ventures, một công ty đầu tư vốn mạo hiểm hiểm ở đây, không từ bỏ cuộc đàm phán đầu tư với Zuckerberg vào năm 2004.
Ông Scott Tobin, một sếp của công ty này, về sau gọi Facebook là “con cá lớn nhất bị bỏ lỡ”.
David Cowan từ chối gặp hai nhà đồng sáng lập Google
Vài năm trước, quỹ đầu tư công nghệ Bessemer Venture Partners đã công bố một danh sách những công ty mà lẽ ra họ đã đầu tư vào. Một trong những câu chuyện thú vị nhất từ danh sách này là chuyện một sếp của Bessemer, ông David Cowan, bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Google ngay từ ngày đầu thành lập.
Bạn cùng học đại học của Cowan là Susan Wojcicki chính là người cho hai nhà đồng sáng lập Sergey Brin và Larry Page thuê garage để làm văn phòng đầu tiên của Google. Cô này đã cố thuyết phục Cowan tới gặp Brin và Page, nhưng Cowan không một đến bàn công việc trong một cái garage và kiên quyết từ chối.
Viddy từ chối lời đề nghị mua lại 100 triệu USD
Đầu năm ngoài, công ty mới thành lập Viddy của Brett O’Brien rất ấn tượng. Khi đó, ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram mới được Facebook thâu tóm với giá 1 tỷ USD, và Viddy – thường được gọi là “Instagram cho video” – có 30 triệu người sử dụng mỗi tháng.
Có tin mạng Twitter đề nghị mua lại Viddy với giá khoảng 100 triệu USD, nhưng Viddy từ chối. Đây là một sai lầm của O’Brien. Kể từ đó, lượng người dùng của Viddy lao dốc mạnh và O’Brien mới đây đã mất ghế CEO trong công ty.
BlackBerry nghĩ BlackBerry Storm có thể đọ được với iPhone
Đã 6 năm kể từ khi Apple tung ra chiếc điện thoại làm thay đổi cuộc chơi – iPhone. Trong khi đó, mãi tới gần đây BlackBerry mới đưa ra được một đối thủ xứng tầm với iPhone là chiếc BlackBerry 10. Giới quan sát cho rằng, BlackBerry đã quá chậm chân.
Vào năm 2008, khi còn là Research In Motion (RIM), BlackBerry lẽ ra đã có thể tự cứu lấy mình. Người tiêu dùng khi đó còn phát cuồng với điện thoại BlackBerry và nóng lòng được có trong tay chiếc điện thoại màn hình cảm ứng BlackBerry Storm. Tiếc thay, chiếc Storm có quá nhiều hạn chế, khó sử dụng, đẩy khách hàng chạy sang với điện thoại của Apple.
Vào cuối năm 2011, nhà đồng sáng lập Mike Lazaridis của RIM đã thôi chức đồng CEO. Gần đây, ông rời khỏi hội đồng quản trị BlackBerry, chính thức “đoạn tuyệt” với hãng này.
Jerry Yang từ chối lời chào mua Yahoo với giá 44 tỷ USD
CEO Jerry Yang của Yahoo bị đánh giá là đi một nước cờ sai khi từ chối lời đề nghị mua lại công ty với giá 44,6 tỷ USD mà Microsoft đưa ra năm 2009. Nhiều cổ đông tỏ ra không vui và muốn Yahoo “bán mình”. Sự việc đã khiến Yahoo rơi vào một vòng xoáy đi xuống trong mấy năm sau đó. Cho tới khi bà Marrisa Mayer, một cựu “nữ tướng” của Google, sang nhậm chức CEO ở Yahoo thì tình hình mới khởi sắc trở lại.
Ai mà biết được thị trường công cụ tìm kiếm sẽ ra sao ngày nay nếu Google và Yahoo “về chung một nhà” vào năm 2009.
CEO Andrew Mason của Groupon từ chối lời chào mua 6 tỷ USD từ Google
Andrew Mason, CEO của trang bán hàng theo nhóm mua Groupon đã từ chối lời chào mua 6 tỷ USD từ Google. Thay vào đó, Mason chọn con đường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Vụ IPO đã huy động được 700 triệu USD, và có lúc giá trị vốn hóa của Groupon vượt 12 tỷ USD. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Groupon lao dốc ngay sau đó do công ty không đạt được mức lợi nhuận như dự báo và gặp những rắc rối về kế toán. Tháng trước, Mason cho biết ông đã bị sa thải, trong khi người đồng sáng lập Groupon là Eric Lefkofsky và một thành viên hội đồng quản trị có tên Ted Leonsis trở thành đồng CEO.
Theo Dantri
Điểm mặt những ông chủ trẻ nổi tiếng không có bằng đại học
Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi không còn xem tấm bằng đại học như chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công. Thực tế đã chứng minh, nhiều người không phải là cử nhân nhưng vẫn trở thành những gương mặt giàu có và nổi tiếng.
Nhiều người hẳn đã biết chuyện Mark Zuckerberg bỏ ngang Đại học Harvard để xây dựng Facebook thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh, và anh cũng trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Một "kẻ bỏ học" nổi tiếng khác của Đại học Harvard là tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft.
Tỷ phú Peter Thiel, nhà đồng sáng lập công ty thanh toán trực tuyến PayPal, thậm chí còn đã khởi động các chương trình hỗ trợ những người trẻ không muốn học lên cao mà muốn tiến thẳng vào kinh doanh.
Cần phải khẳng định rằng, hầu hết những người bỏ học đều thua thiệt so với những ai theo học đến cùng. Theo thống kê tại Mỹ, tính trung bình, những người bỏ học phổ thông kiếm ít hơn những người có bằng cử nhân tới 80%. Ngoài ra, những người có bằng đại học cũng đối mặt với nguy cơ thất nghiệp thấp hơn.
Mặc dù vậy, vẫn có những trường hợp đặc biệt trong đó người không có bằng đại học vẫn đạt được thành công lớn trong kinh doanh. Họ chính là một lứa những doanh nhân mới, những người có tầm nhìn và khả năng vượt qua quy luật thông thường của cuộc sống:
Matt Mullenweg, nhà sáng lập WordPress
Mullenweg bỏ ngang Đại học Houston vào năm 2004 để theo đuổi niềm đam mê công nghệ. Năm đó, ở tuổi 20, anh đã phát triển World Press ở giai đoạn đầu và nhận được nhiều lời mời tới làm việc tại các công ty công nghệ. Mullenweg thôi học để tới làm việc cho CNET ở San Francisco vì công ty này hứa sẽ cho phép anh tiếp tục phát triển dự án riêng. Sau đó, Mullenweg lại rời CNET và thành lập Automattic, công ty đứng sau WordPress.
Hiện với chỉ 140 nhân viên, WorldPress đạt 140 triệu lượt truy cập mỗi năm. Tất cả các trang của Automattic đạt gần nửa tỷ người truy cập mỗi năm.
Kevin, Rose, nhà sáng lập Digg
Năm 1998, Rose nghỉ giữa chừng khi đang học Đại học Nevada. Khi đang học năm thứ 2 ở trường này, Rose đã viết chương trình phần mềm đầu tiên của mình và mở trang tin xã hội Digg với chi phí 1.200 USD. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2008, Digg có lượng khách truy cập khoảng 236 triệu người mỗi năm. Đã có lúc, Google suýt mua lại trang này với giá 200 triệu USD.
Sau khi rời Digg vào năm 2010, Rose đã đứng ra thành lập một số công ty khác. Sau đó, anh tới đầu quân cho Google và hiện đang làm ở bộ phận các dự án mạo hiểm Google Ventures.
Arash Ferdowsi, nhà đồng sáng lập DropBox
Năm 2007, Ferdowsi bỏ ngang khi đã học ở Học viện Công nghệ Massachusetts được 3 năm. Sau đó, anh thành lập DropBox, công ty dịch vụ lưu trữ trên mây và chia sẻ tập tin với hàng trăm triệu người sử dụng. Hiện anh đang giữ vai trò Giám đốc công nghệ của công ty được định giá ở mức khoảng 4 tỷ USD này. Mới 27 tuổi nhưng Ferdowsi đã sở hữu tài sản hàng trăm triệu USD.
David Karp, nhà đồng sáng lập Tumblr
Năm 16 tuổi, Karp đã là một nhà quản lý sản phẩm tại diễn đàn Internet dành cho các bậc cha mẹ có tên UrbanBaby. Trước đó 1 năm, vào năm 2001, anh đã bỏ học phổ thông để tự học ở nhà, và cho tới giờ vẫn chưa có bằng cấp ba. Tiếp theo, Karp bắt tay vào việc thành lập blog chia sẻ Tumblr. Hiện trang này đã trở thành trang web được truy cập nhiều thứ 9 tại Mỹ, còn bản thân Karp có số tài sản khoảng 200 triệu USD.
Pete Cashmore, nhà sáng lập trang Mashable
Năm 2012, Peter Cashmore được tạp chí danh tiếng Time đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Trang blog Mashable của anh hiện thu hút mỗi tháng hơn 20 triệu người sử dụng.
Khi còn là một cậu bé, do sức khỏe yếu, Cashmore chỉ biết dựa vào Internet để phát triển các mối quan hệ. Thậm chí, anh còn tốt nghiệp phổ thông muộn hơn bình thường 2 năm và anh chưa từng học đại học. Anh thành lập Mashable năm 19 tuổi.
Evan Williams, CEO của Twitter
Theo học Đại học Nebraska được một năm rưỡi thì Williams bỏ dở vào năm 1991 vì nhận ra rằng, trường đại học không phải là chỗ dành cho mình. Sau đó, anh thành lập công ty Pyra Labs. Dự án nền tảng blog có tên là Blogger của công ty này đã phát triển mạnh và được Google mua lại. Về sau, Williams rời Google để thành lập công ty truyền thông Odeo, "mẹ đẻ" của Twitter. Hiện nay, anh đang giữ cương vị Giám đốc điều hành (CEO) của Twitter.
Daniel Ek, nhà đồng sáng lập Spotify
Năm 2005, dù mới theo học ở Học viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển được 8 tuần, Ek đã quyết định thôi học. Vài năm sau, anh trở thành tỷ phú.
Năm 14 tuổi, Ek thành lập công ty riêng đầu tiên và khi 16 tuổi, anh đã nộp đơn xin vào vị trí kỹ sư ở Google. 5 năm sau đó, anh đồng sáng lập trang dịch vụ nhạc số Spotify. Hiện trang này có hơn 32 triệu người đăng ký sử dụng có trả tiền trên toàn cầu.
Josh James, nhà đồng sáng lập Omniture
Năm 1996, James bỏ ngang Đại học Brigham Young và 1 thập kỷ sau, anh là người điều hành công ty phân tích web Omniture. Đây là công ty do anh đồng sáng lập vào năm 2006 và đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Wiley Cerilli, nhà sáng lập SinglePlatform
Cerilli từng theo học Đại học New York và bỏ học ít nhất 5 lần trước khi thôi hẳn vào năm 1999. Sau đó, anh vào làm cho công ty dịch vụ giao đồ ăn Seamless. Với số tiền kiếm được từ đây, anh thành lập trang thông tin doanh nghiệp SinglePlatform. Chỉ 2 năm sau, công ty của anh được mua lại với giá khoảng 100 triệu USD và hiện anh đang vẫn giữ vai trò Phó chủ tịch công ty.
Shawn Fanning, nhà sáng lập Napster
Vào năm 1999, Fanning quyết định bỏ Đại học Northeastern để chuyển tới Thung lũng Silicon và phát triển trang dịch vụ âm nhạc Napster. Hiện anh sở hữu khối tài sản khoảng 7,5 triệu USD. Fanning đã thành lập Napster khi anh còn học phổ thông, dùng một chiếc máy tính Macintosh đã cũ kỹ.
Theo Dantri
Nữ sinh 12 tuổi có chỉ số IQ cao hơn Einstein Một cô bé 12 tuổi gốc Ấn Độ hiện đang sống tại vương quốc Anh đã khiến mọi người sửng sốt sau khi em đạt chỉ số IQ cao hơn cả thiên tài vật lý Einstein và nhà vật lý Stephen Hawking. Neha Ramu, con gái của một cặp vợ chồng bác sĩ người Ấn Độ, đã đạt số điểm 162 trong bài...