Những quy định lạ về quần soóc
Nhiều tình huống, quy định hài hước xảy ra khi chiếc quần soóc “phủ sóng” ở nơi công sở và trường học.
1. Mặc quần soóc ở công sở để tiết kiệm điện
Chính quyền của Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang khuyến khích công chức thành phố này mặc quần soóc đi làm như một hình thức để chống nóng và tiết kiệm điện vào mùa hè.
Theo chính quyền Seoul, việc thay các bộ vest, quần tây dài, dày và bí bức bằng áo phông và quần soóc sẽ khiến cơ thể thoáng mát hơn. Do đó các văn phòng sẽ không nhất thiết phải để điều hòa ở nhiệt độ thấp (nguyên nhân gây hao phí điện năng), thậm chí không cần bật điều hòa.
Tháng 6 năm 2012, chính quyền Seoul đã tổ chức một buổi trình diễn thời trang công sở với sự xuất hiện vô cùng đặc biệt của ngài thị trưởng Park Won Soon trong chiếc quần soóc trên sàn catwalk. Ông thị trưởng nhấn mạnh, tất cả mọi người nên có trách nhiệm tham gia vào chiến dịch tiết kiệm của thành phố.
Giới công chức Seoul đang được khuyến khích mặc quần soóc đi làm
Chiến dịch quần soóc này sau đó nhận được hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên cho rằng kiểu ăn mặc này quá đời thường và suồng sã khi ứng dụng vào môi trường công sở. Điều này có thể dẫn tới việc nhân viên cẩu thả với công việc và làm ảnh hưởng tới hình ảnh công chức văn phòng nói chung.
Bên còn lại hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này. Họ cho rằng chính quyền đã có một ý tưởng tốt, thực tế, có trách nhiệm.
2. Bị cấm mặc soóc, nhân viên mặc váy
Ngay sau khi Công ty tàu điện Arriva của Thụy Điển cấm nhân viên mặc soóc khi đang làm việc, những công nhân lái tàu điện tuyến Roslagsbanan tại Thủ đô Stockholm đã thể hiện sự bức xúc bằng cách… mặc váy. Họ quyết định sẽ mặc váy vào ngày trời nóng và chỉ mặc quần dài khi lạnh để phản đối quyết định trên.
Trả lời phỏng vấn của BBC, anh Martin Akersten nói: “ Thời tiết quá nóng bức nên chúng tôi mong muốn được mặc quần soóc. Tuy vậy, do quy định của công ty là không được mặc quần ngắn nên chúng tôi đành mặc váy ngắn để cảm thấy dễ chịu hơn! Hành khách nhìn chúng tôi chằm chằm nhưng chẳng ai phản đối, quan trọng là chúng tôi thoải mái khi làm việc“.
Công ty tàu Arriva đã hội ý và quyết định thay đổi quy định. Nhân viên của họ từ nay có thể mặc quần dài, quần ngắn hay váy tùy ý thích.
Mặc váy để phản đối quy định cấm quần soóc
3. Bị cảnh sát hộ tống vì mặc nhầm quần
Video đang HOT
Một nhân viên bưu tá của Bưu điện Hoàng Gia tại Northampton (Anh) mặc một chiếc quần soóc xanh navy đậm giống hệt đồng phục nhưng chỉ thiếu phù hiệu của hãng. Bị phát hiện mặc nhầm song nhân viên này kiên quyết không chịu thay quần. Người này cho rằng quần soóc nào mà chả giống nhau.
Không thể thuyết phục nổi nhân viên trên, Bưu điện Hoàng Gia phải nhờ cảnh sát “hộ tống” anh này về nhà, thay đúng đồng phục trước khi tiếp tục công việc đang dang dở của mình.
4. Cấm mặc quần soóc vì sức khỏe nhân viên
Mặc quần soóc rộng rãi hẳn nhiên là thoải mái và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên điều này không đúng chút nào với những ngày mùa đông.
Bưu tá vẫn thích mặc quần soóc bất chấp thời tiết giá rét
Quan tâm tới sức khỏe của nhân viên, Bưu điện Hoàng gia tại Cheltenham, Gloucestershire (Anh) đã cấm nhân viên đưa thư mặc quần soóc khi làm việc vào những tháng giá rét.
Quyết định này được đưa ra sau khi một nhân viên của bưu điện này bị ngã và do anh này mặc quần soóc nên đã bị xây xước ở chân.
Thêm vào đó, bưu điện cũng giải thích thêm họ làm điều này vì quan tâm tới sức khỏe và sự an toàn của nhân viên. Theo lời giải thích đó, mặc quần dài vào mùa đông sẽ làm giảm nguy cơ nứt nẻ da và tê cóng đối với các bưu tá phải hoạt động liên tục ngoài trời.
Tuy nhiên, các nhân viên lại có vẻ không đồng tình với quyết định của bưu điện. Họ cho rằng, quần soóc là loại trang phục thoải mái và thích hợp nhất, dù trời có lạnh đến đâu. Quần dài khiến họ cảm thấy khó chịu.
Nhiều nhân viên còn dọa kiện lên Liên đoàn ngành thông tin liên lạc nếu Bưu điện Hoàng Gia không chịu hủy lệnh cấm. Họ cho rằng trong các điều khoản quy định về trang phục, không có khoản mục nào cấm mặc quần soóc khi đi đưa thư!
5. Nam sinh mặc váy phản đối luật cấm
Nam sinh cũng mặc váy để chống đối luật cấm mặc quần soóc đi học
Tháng 7 vừa qua, một nhóm nam sinh Trường trung học Whitchurch (Cardiff, Anh) đã mặc váy trong trường để yêu cầu ban giám hiệu cho phép mặc quần ngắn đi học. Nhóm nam sinh lớp 10 này đã mặc quần dài tới trường rồi vào nhà vệ sinh thay váy. Chưa hết, họ còn đi dọc hành lang và đồng thanh: “ Chúng em muốn mặc quần soóc“.
Nam sinh Tyrone Evelyn giải thích: “ Điều này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thời tiết. Trong những ngày qua, làn da của tôi bị rát do quá nóng và bị đau đầu. Nữ sinh được mặc váy ngắn, vậy tại sao chúng tôi lại không được mặc quần soóc?“.
Mặc dù vậy, Hiệu trưởng vẫn cương quyết giữ quy định cấm mặc quần soóc.
Hiện, các nam sinh trên đang có ý định viết thư kiến nghị lên Hội đồng Học sinh, sinh viên tại Anh để thay đổi lệnh cấm của nhà trường.
Ý kiến đưa quần soóc trở lại công sở đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Còn dưới góc độ của chuyên gia, nhà thiết kế, họ nghĩ gì về ý tưởng này? Đón đọc kỳ tiếp theo: Quần soóc đi làm – có đứng đắn không? vào 10h00 ngày 24/8
Thu Hương (Khampha.vn)
Quần soóc đi làm trở lại sau 50 năm?
Chiếc quần soóc từng được nhiều người mặc đến công sở, tiếp khách quốc tế... nhưng ít ai còn thấy kể từ năm 1960. Giờ là lúc chiếc quần soóc trở lại công sở?
Quần soóc biến mất từ 1960?
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ, từ xưa người Việt đã mặc quần lửng - quần ống ngắn. Đến thời Pháp thuộc, chiếc quần ống ngắn đi kèm theo giày, tất (gọi là quần soóc) trở nên phố biến. Bắt đầu từ các quan Pháp hay mặc quần soóc đi chơi, thậm chí đi làm việc.
Nếu xem lại những thước phim tài liệu về ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2/9 tại quảng trường Ba Đình, có thể thấy nhiều người mặc quần soóc đạp xe, đội binh từ chiến khu về mặc quần soóc... Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ cũng thường vận chiếc quần soóc ngay cả khi Bác tiếp khách quốc tế.
Bác Hồ mặc quần soóc tiếp khách quốc tế (Ảnh tư liệu)
Theo ông Vũ, chiếc quần soóc dần biến mất cùng các phong trào đấu tranh chống Pháp, bài trừ thực dân những năm 50 của thế kỷ trước. Cụ thể, giai đoạn năm 1954 đến 1960, cải cách ruộng đất làm đảo lộn giá trị xã hội, ai ăn mặc đàng hoàng bị coi như tầng lớp trên, bị đả phá. Do vậy, tạo nên "cách mạng không hay lắm" về trang phục ăn mặc của người Việt Nam.
"Trang phục quần soóc có thắt lưng, đi giày, tất... được coi giống với thời thực dân Pháp nên ít ai dám mặc. Từ đó, trang phục này bị bỏ dần".
Theo ông Vũ, giai đoạn năm 1954 - 1960, không chỉ chiếc quần soóc mà cả áo dài, comple... cũng bỏ để thay vào đó là những bộ trang phục giống Tôn Tung Sơn - Trung Quốc (hay còn gọi là áo đại cán). Sau này, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường mặc trang phục này, kể cả trong những buổi lễ.
Tuy nhiên, thời nay, ai mặc áo "đại cán" như vậy bị coi là bảo thủ, lạc hậu do vậy, từ năm 1992 trở về đây, trang phục đi làm chủ yếu là bộ comple. Như vậy, lại trở về cách ăn mặc thời Pháp, đó và vòng quay lịch sử.
Ông Trịnh Quang Vũ đồng tình với đề xuất mặc quần soóc
Theo họa sỹ Trịnh Quang Vũ, đề xuất mặc quần soóc đi làm của ông Dương Trung Quốc không mới. Bởi lịch sử đã diễn ra, ông Quốc chỉ là đề xuất mặc quần soóc trở lại giống như bộ comple từng biến mất, nay lại phổ biến.
Bây giờ là lúc thay đổi?
Ông Trịnh Quang Vũ đồng tình với đề xuất mặc quần soóc bởi phù hợp với khí hậu Việt Nam, nóng ẩm, mưa nhiều. Chiếc quần soóc sẽ làm người mặc thấy gọn gàng, thoải mái, thoáng mát vào mùa hè và mùa thu.
Bên cạnh đó, người Việt có thêm một trang phục công sở để lựa chọn mặc tùy từng hoàn cảnh và điều kiện làm việc trong những thời điểm thích hợp.
"Tại sao đi làm không được mặc quần soóc? Quần áo nào không phải là vấn đề, tư cách nhân phẩm của người lao động mới quan trọng", ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, vấn đề khó nhất là thói quen và quan niệm ăn mặc. Người Việt hiện tại đã quá quen đến công sở bằng những bộ trang phục được coi là lịch sự, kín đáo như comple. Không dễ để chấp nhận ngay chiếc quần soóc đến công sở. Do vậy, cần thay đổi thói quen, không nên quan niệm chiếc quần soóc là không đứng đắn.
"Người dân ta thường ăn mặc theo phong trào, ai cũng phải giống nhau. Trong khi đó, trang phục cứ nên để trăm hoa đua nở mới thoải mái", ông Vũ nói.
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, trừ những cơ quan có tính chất đặc thù còn những công sở khác không nên bó buộc vào một kiểu trang phục nào
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, trừ những cơ quan có tính chất đặc thù phải mặc đồng phục như công an, quân đội, hàng không... còn những công sở khác không nên bó buộc vào một kiểu trang phục nào. Tùy từng hoàn cảnh mà có những bộ trang phục phù hợp.
Ví dụ, ông chủ tịch xã, cần có bộ veston để mặc khi họp, tiếp khác, ngày lễ...
"Nhưng nếu một vị chủ tịch xã mặc comple đen, đi giày bóng lộn... đến thăm thửa rộng bà con nông dân đang cày cấy dưới bùn... tôi thấy phản cảm".
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, có ý kiến mặc quần soóc không hợp với người có cặp chân xấu, nhưng điều đó sẽ làm cho họ phải có ý thức tập luyện, chăm chút hơn cho bộ giò của mình hơn.
Họa sỹ Đinh Công Đạt đề xuất, nếu ai có cặp giò đẹp có thể mặc quần soóc đi làm bình thường. Nếu ai chân xấu, lại "nhiều hoa" nên cân nhắc hơn. Ăn mặc nơi công sở cần đáp ứng yêu cầu hài hòa về mặt thẩm mỹ.
Nhiều chuyên gia ủng hộ đề xuất mặc quần soóc đi làm, nhưng cũng có những ý kiến tỏ ra lo ngại. Đón đọc kỳ tiếp theo "Đầu gối củ lạc" mặc quần soóc ra sao? vào 10h00 ngày 22/8
Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Thời trang ngày mưa "cực chất" với quần soóc nữ đẹp Trời mưa gió khiến bạn lúng túng trong việc lựa chọn trang phục để làm sao vừa thời trang lại vừa hợp thời tiết. Quần soóc là trang phục không chỉ đẹp, trẻ trung mà còn có thể phù hợp với nhiều kiểu thời tiết khác nhau, đặc biệt khi trời mưa. Mặc quần soóc những ngày mưa giúp bạn cảm thấy thoải...