Những quốc gia nổi lên là trung gian cho đàm phán hoà bình Nga – Ukraine
Mặc dù quan điểm của các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine thường xuyên mâu thuẫn, nhiều quốc gia vẫn nổi lên như những trung gian tiềm năng có thể đóng vai trò hỗ trợ trong các cuộc đàm phán.
Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là một nhà trung gian hoà giải để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Newsweek ngày 11/9, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đã gây ra nhiều đau thương và thiệt hại, và việc tìm kiếm một con đường hòa bình trở nên ngày càng cấp bách. Mặc dù quan điểm của các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine thường xuyên mâu thuẫn, nhiều quốc gia vẫn nổi lên như những trung gian tiềm năng có thể đóng vai trò hỗ trợ trong các cuộc đàm phán. Dưới đây là những nước được xem xét có khả năng làm trung gian hòa giải để chấm dứt cuộc xung đột.
Áo
Áo đã trở thành quốc gia mới nhất bày tỏ ý định làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Thủ tướng Áo Karl Nehammer tuyên bố rằng Vienna có thể “ủng hộ một nền hòa bình công bằng và lâu dài dựa trên luật pháp quốc tế và đóng vai trò là nơi diễn ra các cuộc đàm phán”. Là nơi có nhiều cơ quan của Liên hợp quốc và có lịch sử trung lập về chính trị, Áo được xem là địa điểm lý tưởng cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, chuyên gia Peter Rough, Giám đốc Trung tâm châu Âu và Á-Âu tại Viện Hudson nhận định rằng vai trò của Áo sẽ bị hạn chế do thiếu sức ảnh hưởng thực sự đối với các bên tham gia.
Hungary, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Viktor Orbán, đã tự định vị mình là một bên trung gian tiềm năng nhờ mối quan hệ gần gũi với Nga. Thủ tướng Orbán đã có cuộc hội đàm với cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông kêu gọi một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, mâu thuẫn kéo dài giữa Budapest và Kiev khiến Hungary khó có thể được chấp nhận như một trung gian khách quan. Những nỗ lực của ông Orbán bị coi là chỉ mang tính chính trị nhằm ghi điểm trong nước hơn là một sáng kiến hòa bình thực sự.
Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ
Video đang HOT
Tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, Tổng thống Putin đã đề cập đến Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ như những quốc gia có thể đóng vai trò trung gian. Tuy nhiên, mỗi quốc gia này đều có những hạn chế riêng.
Trung Quốc, với mối quan hệ gần gũi với Nga, khó có thể đảm bảo vai trò trung gian khách quan, đồng thời Mỹ cũng sẽ không để Trung Quốc giành được vị thế như một nhà gìn giữ hòa bình.
Ấn Độ có lợi thế vì có mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu New Delhi có thực sự muốn đảm nhận vai trò này hay không. Ấn Độ, với chính sách không liên kết, không thể cung cấp những đảm bảo an ninh cần thiết để duy trì một lệnh ngừng bắn lâu dài. Mặt khác, Brazil dù được ông Putin nhắc đến, nhưng cho đến nay vẫn chưa có động thái rõ ràng nào thể hiện sự sẵn sàng hoặc khả năng làm trung gian hòa giải.
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đã từng đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán ngũ cốc giữa Nga và Ukraine, cho thấy tiềm năng của Ankara trong việc tổ chức và hỗ trợ các cuộc đàm phán. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần thể hiện mong muốn đóng góp vào quá trình hòa bình, mặc dù mối quan hệ phức tạp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và NATO đã khiến vai trò của họ bị đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào các cuộc đàm phán hòa bình sẽ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ và Tây Âu để đảm bảo tính khả thi.
Thụy Sĩ
Thụy Sĩ, với truyền thống trung lập lâu đời, cũng đã từng tổ chức hội nghị hòa bình để thúc đẩy công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky nhằm chấm dứt cuộc chiến. Mặc dù hội nghị này không có sự tham gia của Nga, nhưng nó cho thấy Thụy Sĩ có khả năng tạo ra một môi trường trung lập và an toàn cho các cuộc đàm phán tiềm năng. Việc không có mối liên hệ đặc biệt thân cận với bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột giúp Thụy Sĩ trở thành một ứng viên sáng giá cho vai trò này.
Indonesia hoặc New Zealand
Ngoài các quốc gia đã đề cập, một số chuyên gia còn cho rằng Indonesia hoặc New Zealand có thể đóng vai trò trung gian biểu tượng, nhất là trong bối cảnh Mỹ có thể ủng hộ sự tham gia của các quốc gia này vào các cuộc đàm phán. Cả hai quốc gia đều có kinh nghiệm trong việc làm trung gian cho các cuộc xung đột quốc tế và có vị thế trung lập, không gây tranh cãi.
Tóm lại, dù có nhiều quốc gia sẵn lòng và tiềm năng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, câu hỏi quan trọng vẫn là liệu các bên liên quan, đặc biệt là Nga, Ukraine và các nước lớn như Mỹ, có sẵn sàng tham gia và chấp nhận vai trò của các trung gian này hay không.
Trung Quốc định hình vai trò trung gian hoà bình toàn cầu
Trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc gặp người đồng cấp Ukraine thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc họp giữa các phe phái đối địch của Palestine.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Ukraine Ukraine Dmytro Kuleba trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 24/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ukraine (mfa.gov.ua)
Theo tờ Wall Street Journal ngày 25/7, Trung Quốc đang định vị mình là nhà trung gian hòa bình trong các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên với Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra năm 2022.
Theo đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc hôm 24/7 để đàm phán trong nhiều giờ trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên của ông tới Bắc Kinh kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, và trong bối cảnh Kiev tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh để chấm dứt xung đột.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến trong cuộc gặp tại thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, người cho biết Kiev sẽ đàm phán khi Moskva sẵn sàng tham gia một cách thiện chí. "Hiện tại, chưa quan sát thấy phía Nga có sự sẵn sàng nào như vậy", ông Kuleba nói.
Ngược lại, người phát ngôn của Điện Kremlin trả lời rằng Nga luôn duy trì cởi mở đối với quá trình đàm phán.
Những nỗ lực khởi động đối thoại giữa Nga và Ukraine đã bị chững lại trong cuộc chiến làm đảo lộn an ninh châu Âu và gây ra cú sốc giá hàng hóa trên toàn thế giới. Một số quốc gia đã tìm cách làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình, bắt đầu với Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần sau khi giao tranh nổ ra vào tháng 2/2022.
Trung Quốc đã liên tục kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine và đưa ra kế hoạch hoà bình với Brazil vào tháng 5 năm nay về việc giải quyết xung đột. Nhưng cuộc đàm phán ở Quảng Châu diễn ra sau khi Tổng thống Zelensky công khai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến thăm Singapore vào tháng trước, cáo buộc Bắc Kinh "vận động các nước tẩy chay" hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ, nơi Ukraine tìm cách gây áp lực lên Nga để chấm dứt giao tranh theo các điều khoản của Kiev. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng bất kỳ hội nghị hòa bình nào cũng phải được cả Ukraine và Nga ủng hộ, nhưng Moskva đã không được mời.
"Điều tốt nhất mà Ukraine có thể hy vọng là hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc", Lucian Kim, một nhà phân tích cấp cao của Ukraine tại International Crisis Group cho biết.
Theo mô tả về cuộc họp hôm 24/7 tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị lưu ý: "Trung Quốc tin rằng mọi xung đột phải được giải quyết bằng cách quay lại bàn đàm phán, và mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị. Gần đây, phía Nga và Ukraine đã, ở các mức độ khác nhau, ra hiệu rằng họ sẵn sàng đàm phán".
Đối với Ukraine, cuộc đàm phán ở Trung Quốc cũng như tín hiệu về đàm phán với Nga diễn ra khi những câu hỏi ngày càng tăng về việc Washington có tiếp tục hỗ trợ cho Kiev hay không nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump đã không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu Mỹ có cắt giảm tài trợ cho Ukraine hay không trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News được phát sóng vào tối 23/7. Ông lặp lại tuyên bố của mình rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine nếu ông vẫn còn tại nhiệm. Ông đã nói với Tổng thống Zelensky trong một cuộc điện đàm vào tuần trước: "Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến này".
Đến nay, Bắc Kinh đang tìm cách thể hiện mình là nhà trung gian hoà bình toàn cầu. Tuần này, Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc họp giữa các phe phái đối địch của Palestine, bao gồm cả Hamas và Fatah, vốn đã tách biệt nhau trong nhiều năm. Đại diện của 14 nhóm ở Palestine đã ký một thỏa thuận hướng tới thống nhất và thành lập một chính phủ hòa giải lâm thời.
Tại sự kiện, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã đề xuất cách tiếp cận 3 bước để giải quyết vấn đề Palestine: Bước đầu tiên là thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài và bền vững ở Dải Gaza càng sớm càng tốt. Bước thứ hai là duy trì nguyên tắc "người Palestine quản lý Palestine" và cùng nỗ lực thúc đẩy quản trị hậu chiến ở Gaza. Bước thứ ba là thúc đẩy Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc và bắt đầu thực hiện giải pháp hai nhà nước.
Cuộc phản công của Kiev có thể 'dọn đường' cho cuộc đàm phán hòa bình với Nga? Một số quan chức Mỹ và châu Âu tin rằng chiến dịch phản công của Ukraine có thể "dọn đường" cho các cuộc đàm phán giữa Kiev - Moskva vào cuối năm nay, và Trung Quốc có thể là bên trung gian đưa Nga vào bàn đàm phán. Binh sĩ Ukraine tập luyện bắn súng máy từ xe bọc thép chở quân (APC)...