Những quân nhân Nga trong Duyệt binh Chiến thắng
Nga triển khai hơn 14.000 quân nhân ưu tú cùng các khí tài hiện đại trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít.
Quân đội Nga hôm nay tổ chức lễ duyệt binh quy mô với sự tham gia của hơn 14.000 quân nhân cùng gần 300 phương tiện cơ giới, máy bay quân sự để kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức.
Mở đầu lễ duyệt binh là đội rước quốc kỳ Liên bang Nga, Lá cờ Chiến thắng tiến qua Quảng trường Đỏ trên nền nhạc “Cuộc chiến tranh Thần thánh”.
Giới chức Nga cho biết duyệt binh năm nay được tổ chức cùng ngày diễn ra lễ Duyệt binh Chiến thắng đầu tiên năm 1945. Lễ duyệt binh này được Liên Xô được tổ chức hơn một tháng sau ngày Đức quốc xã đầu hàng vào 9/5/1945, bởi Hồng quân phải đợi các sư đoàn từ châu Âu trở về sau khi giành thắng lợi.
Trong ảnh là khối mang cờ hiệu của các phương diện quân Liên Xô trong Thế chiến II, phía sau là các khối mặc quân phục và lễ phục Hồng quân Liên Xô.
Khối nữ học viên các học viện và trường quân sự Nga. Hình ảnh các nữ quân nhân Nga được coi là điểm nhấn trong lễ Duyệt binh Chiến thắng.
Binh sĩ lục quân Nga diễu qua trước lễ đài. Những người lính này mang theo súng trường AK-74M, vũ khí tiêu chuẩn của lục quân Nga hiện nay.
Lực lượng đổ bộ đường không, những người lính tinh nhuệ bậc nhất của Nga, mặc trang phục chiến đấu Ratnik diễu qua lễ đài.
Video đang HOT
Một cựu chiến binh Nga giơ tay chào kiểu nhà binh mỗi khi các khối duyệt binh đi qua lễ đài.
Dẫn đầu khối khí tài cơ giới duyệt binh là xe tăng hạng trung T-34-85, một trong những biểu tượng dễ nhận thấy nhất của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Dòng T-34 đã giúp cán cân sức mạnh nghiêng về Liên Xô trên mặt trận thiết giáp, góp phần đẩy quân Đức khỏi biên giới nước này bằng các chiến thắng vang dội, trong đó có trận đại chiến xe tăng lớn nhất trong lịch sử ở vành đai Kursk.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM diễu qua trước lễ đài.
Quân đội Nga năm nay ra mắt nhiều khí tài được hiện đại hóa, gồm xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM và T-90M, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 và T-15 Armata trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa với pháo tự động 57 mm, pháo phản lực phóng loạt Tornado-S và TOS-2, các hệ thống phòng không Buk-M3, S-300V4 và S-350.
Xe chở đạn kiêm bệ phóng của tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars, phía sau là xe thiết giáp chở quân Bumerang.
Biên đội trực thăng vận tải bay qua Quảng trường Đỏ, mở màn cho phần duyệt binh trên không.
4 tiêm kích tàng hình Su-57 chuẩn bị bay qua lễ đài.
Đây là lần xuất hiện thứ hai của dòng Su-57, cũng là lần đầu tiên tiêm kích tàng hình Nga bay với đội hình 4 chiếc trong Duyệt binh Chiến thắng.
Biên đội cường kích Su-25SM phun khói tạo thành quốc kỳ Nga trên bầu trời Quảng trường Đỏ, kết thúc phần duyệt binh trên không.
Cuộc Duyệt binh Chiến thắng đầu tiên 75 năm trước
Liên Xô lần đầu tổ chức Duyệt binh Chiến thắng ngày 24/6/1945, hơn một tháng sau khi phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh.
Quân đội Nga ngày 24/6 sẽ tổ chức lễ Duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ với sự tham gia của 14.000 binh sĩ, hơn 200 khí tài cơ giới và 75 máy bay, nhằm tái hiện cuộc duyệt binh huyền thoại ngày 24/6/1945 của những người lính Hồng quân đã chiến đấu bảo vệ Liên Xô và đánh bại Đức quốc xã 75 năm trước.
Lễ Duyệt binh Chiến thắng đầu tiên của Liên Xô được tổ chức hơn một tháng sau ngày Đức quốc xã đầu hàng vào 9/5/1945, bởi Hồng quân phải đợi các sư đoàn, binh sĩ và sĩ quan từ châu Âu trở về sau khi giành thắng lợi.
Quyết định tổ chức Duyệt binh Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ được lãnh đạo Joseph Stalin đưa ra vào ngày 22/5/1945, ngay sau khi cụm tàn quân cuối cùng của phát xít Đức bị đánh bại vào ngày 13/5. "Để kỷ niệm chiến thắng quân Đức trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, tôi ra lệnh tổ chức duyệt binh đối với Lục quân, Hải quân và lực lượng phòng thủ Moskva - Duyệt binh Chiến thắng 24/6/1945 tại Quảng trường Đỏ", sắc lệnh số 370 của Stalin nêu rõ.
Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/1945, Hồng quân Liên Xô đã tích cực chuẩn bị cho lễ duyệt binh. Đầu tháng 6, mọi lực lượng tham gia đã được trang bị lễ phục mới. Lực lượng từ mỗi quân binh chủng được huấn luyện ở một địa điểm riêng rẽ tại Moskva.
Thành phần duyệt binh gồm 12 trung đoàn hỗn hợp, đại diện cho các phương diện quân Liên Xô ở cuối cuộc chiến. Mỗi trung đoàn gồm hơn 1.000 chiến sĩ Hồng quân xuất sắc nhất, trong đó có nhiều người là Anh hùng Liên Xô, được dẫn đầu bởi các chỉ huy phương diện quân.
Đội hình duyệt binh được xếp theo thứ tự phương diện quân ngoài mặt trận, trong đó mỗi trung đoàn được chọn hành khúc theo ý mình. Buổi tổng duyệt diễn ra ở Quảng trường Đỏ. Lá cờ treo trên nóc nhà quốc hội Đức sau trận đánh cuối cùng cũng được hạ xuống để mang đến lễ duyệt binh.
Các khối duyệt binh đi qua trước lễ đài sáng 24/6/1945. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Sáng 24/6/1945, lễ duyệt binh đầu tiên kỷ niệm chiến thắng trước phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại diễn ra, dưới sự chủ trì của nguyên soái Georgy Zhukov, Phó tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô kiêm tư lệnh Phương diện quân Belorussia số 1. Chỉ huy duyệt binh là nguyên soái Konstantin Rokossovsky, tư lệnh Phương diện quân Belorussia số 2.
Đúng 10h, nguyên soái Zhukov và Rokossovsky cưỡi ngựa trên Quảng trường Đỏ. Dàn quân nhạc 1.400 người do tướng Sergei Chernetsky chỉ huy đã chơi bản nhạc "Slavsya" (Vinh quang). Sau khi nhận báo cáo từ chỉ huy duyệt binh Rokossovsky, nguyên soái Zhukov đi một vòng quanh các khối binh sĩ để kiểm tra đội hình và trở về lăng Lenin.
Trên bục phát biểu, nguyên soái Zhukov thay mặt chính phủ và đảng Cộng sản Liên Xô chúc mừng những người lính và toàn thể nhân dân trong chiến thắng vĩ đại trước phát xít Đức. Quốc thiều Liên Xô được cất lên, đánh dấu khởi đầu cuộc duyệt binh long trọng.
Sau khối các trung đoàn hợp thành và hải quân, khối binh sĩ Hồng quân cầm 200 lá cờ của Đức quốc xã đi qua trước lễ đài. Họ đeo găng tay, thể hiện sự căm phẫn với kẻ thù khi không muốn chạm trực tiếp vào những lá cờ. Chúng được ném xuống trước lăng Lenin để tượng trưng cho thất bại của những kẻ xâm lược, các binh sĩ còn đốt găng tay sau buổi duyệt binh. Những lá cờ phát xít này sau đó bị đội hình kỵ binh cưỡi ngựa trắng xéo qua.
Các đơn vị đóng quân ở Moskva sau đó tiến vào Quảng trường Đỏ gồm trung đoàn hợp thành của Bộ dân ủy Quốc phòng, học viện quân sự, nhà trường quân đội, các lữ đoàn kỵ binh, pháo binh, bộ binh cơ giới và các đơn vị xe tăng và đổ bộ đường không.
Pháo tự hành di chuyển trước lễ đài sáng 24/6/1945. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
23h ngày 24/6, bầu trời Moskva rực sáng ánh đèn pha. Hàng trăm quả bóng bay được thả lên không trung cùng với màn bắn pháo hoa đặc sắc. Điểm nhấn của ngày hôm đó là tấm vải mang hình ảnh Huân chương Chiến thắng xuất hiện trên bầu trời giữa ánh đèn sân khấu.
Ngày hôm sau, Điện Kremlin tổ chức tiệc chiêu đãi mừng Duyệt binh Chiến thắng. Sau lễ kỷ niệm long trọng ở Moskva, một cuộc diễu binh nhỏ của quân Đồng minh được tổ chức ở Berlin vào tháng 9/1945 theo đề xuất của chính phủ và Bộ tư lệnh Tối cao Liên Xô. Cuộc diễu binh có sự tham gia của các binh sĩ Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp.
Lễ Duyệt binh Chiến thắng của Liên Xô cũng chứng kiến một số sự kiện đáng chú ý. Lãnh đạo Stalin dự kiến cưỡi ngựa thị sát cuộc duyệt binh, nhưng ông bị ngã ngựa và đau lưng trong quá trình tập luyện. Vai trò này sau đó được chuyển sang nguyên soái Zhukov.
Lễ duyệt binh còn có sự tham gia của những con chó chuyên làm nhiệm vụ dò mìn, một trong đó là con chó Dzulbars, giống béc giê với chiến công phát hiện 7.000 quả mìn và 150 quả bom. Nó bị thương và không đi được nên Stalin quyết định đưa áo khoác của mình cho những người lính để mang con chó này theo lễ duyệt binh.
Duyệt binh Chiến thắng chỉ được tổ chức 4 lần dưới thời Liên Xô vào các dịp kỷ niệm lớn trong năm 1945, 1965, 1985 và 1990. Ngày nay, đây là sự kiện được tổ chức ngày 9/5 hàng năm tại Quảng trường Đỏ và nhiều thành phố của Nga, Belarus và một số nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (SNG).
"Nước Nga được bảo vệ trước bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài" Tuyên bố được Tổng thống Putin đưa ra trong một cuộc phỏng vấn phát sóng nhân dịp Nga kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến 2. Trong một cuộc phỏng vấn với đài Rossiya 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đảm bảo rằng, nước Nga "được bảo vệ một cách hoàn toàn đáng tin cậy" trước bất...