Những quán bún riêu cua lâu đời, ngon có tiếng ở Hà Nội
Bún riêu cua là món thanh mát thích hợp cho những ngày nóng bức, nhưng cũng phù hợp để làm ấm bụng thực khách ngày mưa rét. Nếu vẫn còn cảm giác ngấy vì đồ ăn nhiều dầu mỡ từ dịp Tết vừa qua, thực khách hãy tìm ngay những hàng bún riêu dưới đây để đổi vị.
Hàng bún riêu mỗi ngày bán hơn một tạ bún
Nếu đến Hà Nội mà bỏ qua món bún riêu cua quả thật là một thiếu sót lớn đối với mỗi du khách. Bạn có thể tìm thấy quán hàng ăn này ở nhiều con phố, tuy nhiên có một quán bún bình dân mà những người sành ăn ở Hà thành không thể bỏ qua đó là quán bún riêu Hoàng Kỳ ở phố Tô Hiệu với bát bún đạm đà, đầy đủ chất, nước dùng ngọt thanh và chua dịu, thích hợp cho một ngày thời tiết chuyển mùa ẩm ương vào tháng 3 này.
Quán ăn lâu đời, có thâm niên khoảng 30 năm và được lòng nhiều thực khách quen thuộc. Nếu lần đầu tiên ăn ở đây, bạn sẽ có cảm giác không quen với vị nước dùng vì điểm khác biệt là đã gia giảm giấm bỗng để không làm mất đi vị ngọt tự nhiên của nước xương. Do vậy, nước dùng trong và thanh hơn. Khách hàng nếu muốn tăng vị chua có thể tự cho thêm giấm tỏi.
Quán có thời gian dài bán ở Hàng Than, mới chuyển về Tô Hiệu được 7 năm nhưng vẫn không bị mất khách. Ảnh: VNE
Tùy vào loại nguyên liệu khách chọn mà mỗi bát bún có giá khác nhau. Suất bún riêu đầy đủ ở quán có giá cao nhất, 35.000 đồng. Thành phần bao gồm thịt bò, chả cá, riêu cua, đậu phụ chiên giòn và miếng giò nấm khá to. Quán không phục vụ ốc, một nguyên liệu quen thuộc của món bún riêu nên bạn cần xác định trước khi đến ăn. Thịt bò hơi ít bởi quán chọn loại thịt ngon và tươi nhất nên giá có nhỉnh hơn. Quan trọng nhất là phần riêu, chủ quán chia sẻ phải lựa kỹ cua có nhiều gạch, mang xào sơ với hành phi khi chưa ngả vàng để cả gạch và hành cùng chín ruộm đồng màu, sau đó mới trút tiếp thịt cua vào đảo đều.
Mỗi ngày quán bán khoảng hơn một tạ bún, phục vụ khách hàng liên tục từ 7h sáng đến 9h đêm. Tuy nhiên, bạn vẫn nên căn thời gian phòng trường hợp quán hết hàng từ sớm. Quán luôn đông khách vào thời gian phổ biến của ba bữa chính trong ngày.
Bún riêu Thanh Hồng
Quán bún riêu cua Thanh Hồng có thâm niên hơn 20 năm, hiện tại có bán thêm lẩu riêu cua, miến trộn… Ban đầu, hàng phục vụ bún riêu cua truyền thống, về sau có bổ sung các đồ ăn kèm như đậu rán, thịt bò, giò, quẩy, chả…
Một tô bún riêu có giá từ 35.000 đến 60.000 đồng. Ảnh: I.T
Video đang HOT
Khi mới mở, quán ở đường Thi Sách, sau nhiều năm người chủ chuyển qua một số địa điểm, đến hiện tại địa chỉ chính thức nằm trên đường Hòa Mã với không gian rộng, khá sạch sẽ. Tô bún bưng lên nóng hổi, nghi ngút khói và đầy màu sắc của riêu cua, cà chua, đậu rán luôn làm thực khách nóng lòng muốn ăn ngay. Bát bún riêu ở quán này không khi nào thiếu một phần rau sống đã chần.
Quán mở từ 6h30 tới 22h nên thực khách có thể ghé qua bất kỳ buổi nào. Một tô bún riêu có giá từ 35.000 đến 60.000 đồng, tùy đồ ăn kèm khách gọi thêm.
Bún riêu Quang Trung
Quán cô Huyền nằm ở ngõ 2F Quang Trung có tiếng cả về chất lượng và giá cả, với mỗi tô bún có giá từ 25.000 đến 70.000 đồng. Tuy vậy, quán vẫn hút khách xa gần nhờ có nước dùng vừa miệng, riêu đậm vị bởi không pha đậu phụ. Khi ăn, bạn thêm chút dấm bỗng, ớt chưng và rau sống.
Tô bún riêu cua ở đây đắt hơn cũng vì quán phục vụ thêm nhiều đồ ăn chất lượng không kém như ốc nhồi quê, thịt lõi bò, bắp bò, giò tai. Quán chỉ bán buổi sáng và trưa từ 6h tới 14h, nhưng khách đến ăn sáng muộn một chút có thể phải tìm nơi khác vì hết hàng từ 9h30 – 10h.
Bún riêu ngõ Hồng Phúc
Nằm giữa Hồng Phúc – con ngõ nhỏ cắt với đường Nguyễn Trung Trực và Hòe Nhai, quán bún riêu này chỉ là một gánh hàng vỉa hè nhưng thực sự nổi tiếng và rất hút khách. Bún riêu ở đây khá đơn giản, thường chỉ thêm một chiếc giò, quẩy và rau sống cho khách ăn kèm.
Theo VNE, Điểm hấp dẫn là nước riêu vừa đủ vị ngọt, chua, cay và nồng không thể thiếu của chút mắm tôm. Dù mở bán nhiều năm, gánh bún riêu vẫn đơn sơ với nồi nước dùng, ghế nhựa xếp dãy cho khách ngồi bên vỉa hè. Cô chủ mở hàng từ 15h đến tối khuya, giá mỗi bát khoảng 25.000 – 50.000 đồng.
Theo Dân Việt
Ấm lòng "bún ziu căm thù" giữa phố cổ Hà Nội, quán 30 năm nép mình dưới gốc đa vẫn nườm nượp khách
Quán bún riêu gánh được đặt cạnh di tích tấm bia "Khắc sâu căm thù" trên phố Hàng Bún là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ người Hà Nội. Với hơn chục chiếc ghế nhựa kê gọn gàng ở vỉa hè, cùng bếp nước dùng lúc nào cũng đỏ lửa, gia đình cô Yến chủ quán vẫn níu chân khách hàng suốt hơn 30 năm qua.
Người ta vẫn nói tới Hà Nội qua những con phố cổ kính, con người thanh lịch. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến ẩm thực đường phố, không chỉ đơn thuần là đồ ăn mà đó đã trở thành văn hóa. Ở đất Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta, không khó để bắt gặp những bà cụ với thúng xôi ở góc phố mỗi buổi sáng tinh mơ, những quán phở hay bún đậu tấp nập người, và những hàng bún riêu gánh không kém phần hấp dẫn, không kể ngày hè nóng nực hay ngày đông rét buốt.
Cũng như hầu hết các quán bún riêu cua đang hiện diện trên mảnh đất này, "bún ziu căm thù" chỉ là một gánh nhỏ nằm khiêm tốn trên vỉa hè đầu ngõ 50 phố Hàng Bún, quận Ba Đình, một trong ba mươi sáu phố cổ của Thủ đô. Điều làm nên cái tên đặc biệt vì gánh bán bên cạnh di tích tấm bia "Khắc sâu căm thù" từ khi được cô Yến mở ra cách đây hơn 30 năm.
Tuy chỉ là một quán nhỏ lề đường, nhưng theo quan sát, chủ quán luôn luôn giữ gìn khoảng sân xung quanh tấm bia cũng như vị trí khách ngồi luôn luôn sạch sẽ và không làm mất đi sự thiêng liêng của khu vực tưởng niệm. Theo duy tâm, đó chính là cách thành kính tôn trọng và tri ân "lộc" mà hàng bún riêu này đã và đang được hưởng.
Thứ hấp dẫn đầu tiên khi bước chân vào quán là mùi hương của nồi nước dùng đang sôi. Ngày trước, quán sử dụng bếp than tổ ong và sau này là nồi điện - một phương pháp hiện đại, tiện lợi và thân thiện với môi trường để đun nấu, đảm bảo cho nước dùng luôn nóng bất kể thời tiết.
Hương thơm tôi đang nhắc đến có phần đóng góp từ dấm bỗng (loại gia vị đặc trưng trong ẩm thực truyền thống miền Bắc được lên men từ bã rượu) cùng với cách gia giảm khác biệt của cô Yến đã khiến biết bao thực khách phải nhớ thương.
Gánh bún nhỏ của gia đình cô Yến cho chúng ta có kha khá lựa chọn để tự tạo ra một bán bún riêu cho riêng mình như gạch cua đồng, đậu phụ rán, thịt bò chần tái, giò tai hay chả cá loại mỏng và ốc vặn.
Ở Hà Nội, luôn có hai nhóm thực khách với định nghĩa về tô bún riêu khác nhau, một là nhóm khách hàng truyền thống chỉ thích bát bún riêu với một nguyên liệu duy nhất là gạch cua ăn kèm, nhóm còn lại thích sự phong phú và lựa chọn một tô bún đủ đầy. Nếu muốn đậm đà hơn, có thể xin nhà chủ quán một chút mắm tôm.
Dù pha trộn các loại nhân đủ loại hay chỉ độc gạch cua và nước dùng đúng kiểu truyền thống, bát "bún ziu căm thù" vẫn hoàn thành "trách nhiệm" của mình suốt hơn 3 thập kỷ qua là làm vừa lòng thực khách nhưng vẫn vẹn nguyên hương vị năm xưa.
Một bữa bún riêu sẽ không tròn vị nếu thiếu đi sự góp mặt của rổ rau sống ăn kèm. Dù không được điểm tên trong nhiều tài liệu ẩm thực song cái cay cay của tinh dầu, cái tươi mát riêng biệt của mỗi loại rau thơm cùng với cách tùy biến khéo léo qua từng món ăn và vùng miền để tạo ra những phiên bản độc đáo và có một vị trí khó thay thế trong bữa ăn truyền thống của người Việt.
Không chỉ giúp cân bằng khẩu phần và kích thích vị giác, các loại rau thơm còn được biết đến như những vị thuốc có tác động tích cực đến sức khỏe. Đối với bún riêu Bắc, rau sống là hỗn hợp được thái sợi của rau xà lách, hoa chuối non, tía tô và các loại rau gia vị được làm sạch cẩn thận.
Khác với nhiều quán ăn tự phát, rau ăn kèm ở "bún ziu căm thù" luôn phải là rau thơm mới, tuyệt đối không tái sử dụng của khách đã ăn xong. Theo chia sẻ của anh con trai chủ quán, việc lựa chọn và sơ chế rau ăn kèm là một trong những công đoạn mất thời gian bậc nhất của gia đình.
Hiện nay, cô Yến đã không còn trực tiếp bán tại địa điểm này nữa mà thay vào đó là vợ chồng người con trai. Ở vị trí một khách hàng quen, tôi nhận thấy không có gì đổi khác trong cách thức phục vụ hay chất lượng của đồ ăn. Và điều đặc biệt hơn cả, nét đôn hậu và cách tiếp đón khách nhẹ nhàng, từ ánh mắt tới lời nói khiến tôi cứ phải nhớ mãi.
Anh kể, từ ngày mở quán đến nay, toàn bộ công đoạn chế biến và bán hàng đều do gia đình phụ trách chứ không hề thuê nhân viên. Người ta nói nhà anh dại khi gánh có tiếng lâu đời nhưng không mở rộng, còn với cô Yến - mẹ anh và cả gia đình thì đây chẳng những là nơi kiếm tiền, mà còn là kỷ niệm của những ngày vất vả, không thể vì chạy theo doanh thu mà đánh mất hương vị và nét riêng của mình. Một bát bún riêu ở quán này có giá 30 - 40 nghìn đồng, không rẻ nhưng cũng phù hợp cho bữa ăn giữa khu phố cổ sầm uất.
Người Hà Nội ghé quán ăn "bún ziu" chẳng kể thời tiết, chẳng kể giàu nghèo và chẳng ai phiền lòng vì những ghế nhựa chật chội hay chỗ ngồi bình dân vì đó mới chính là cái thú, cái nét thân thuộc của ẩm thực đường phố. Xã hội đổi thay từng ngày, cuộc sống vật chất ngày một phong phú nhưng gánh "bún ziu" dưới gốc cây đa già cạnh tấm bia di tích vẫn sẽ tiếp tục hành trình lưu giữ văn hóa của mình.
Trời bắt đầu vào đông rồi, làm ngay một bát thôi nào. Quán bán từ sáng sớm đến chiều tối, nên bạn không phải ngại nếu bất chợt nổi hứng muốn đến nếm thử bún riêu ở đây nhé!
Theo Helino
Dù có thích giá đỗ hay không thì cũng phải công nhận nó góp mặt trong quá nhiều những món ăn Việt Nam Có người thích giá đỗ, có người không, nhưng chẳng thể chối bỏ rằng loại rau này là một điểm rất đặc trưng của ẩm thực nước nhà. Chúng ta có bánh quẩy là món ăn kèm "đa zi năng", có tương ớt là món nước chấm "làm dâu trăm họ", có các loại rau thơm mà nếu thiếu thì chẳng còn gì...