Những ‘quả bom’ về Trump chực chờ phát nổ
Trump nổi tiếng là tổng thống Mỹ với nhiều quyết sách bất ngờ và khó đoán. Nhưng nhiều người tự hỏi còn điều gì chưa biết về ông.
Đối với tất cả tổng thống Mỹ, khoảng cách giữa bức tranh mà họ muốn cho cả thế giới thấy và thực tế rối loạn, chao đảo tại Nhà Trắng luôn tồn tại. Tổng thống Donald Trump cũng không phải ngoại lệ.
Bên cạnh những “bức tranh màu hồng” mà Trump muốn tô vẽ, John F. Harris, bình luận viên của Politico, nhận định có một bức tranh bí mật về ông chưa được khám phá.
Harris luôn tự hỏi bức tranh đó như thế nào và ẩn chứa bí mật gì về Trump. Điều này đã thôi thúc ông tìm gặp nhiều nhà báo, nhà sử học, các nhà xuất bản, để có được gợi ý cho những thắc mắc về Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Trump tại căn cứ không quân Andrews, ở Maryland, Mỹ hôm 23/6. Ảnh: Reuters.
Gợi ý đầu tiên mà Harris có được là về xuất thân “phi chính trị” của Trump. Trước khi trở thành tổng thống, Trump đã là một nhà kinh doanh, một tỷ phú nổi tiếng.
Các nhà sử học muốn dựng lại nhiệm kỳ của Trump sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để hiểu được “bản chất chưa từng có của một tổng thống doanh nhân“, theo Jonathan Karp, giám đốc điều hành công ty xuất bản Simon & Schuster, người từng biên tập hồi ký về các thượng nghĩ sĩ nổi tiếng như Edward M. Kennedy hay John McCain và giám sát xuất bản hồi ký của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ.
Trump được bầu làm tổng thống năm 2016 một phần nhờ ưu thế của một doanh nhân thành đạt với khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, ông đã không giữ lời cam kết công khai thuế và tài chính cá nhân, như các ứng viên tổng thống đã làm. NYTimes thậm chí từng thực hiện dự án điều tra gây chấn động về lịch sử đóng thuế của gia đình Trump và mối quan hệ phức tạp của ông với Ngân hàng Deutsche của Đức.
Nhiều nghi vấn về sự nghiệp kinh doanh của Trump cũng được đặt ra: số tài sản chính xác của Trump là bao nhiêu và liệu nó có khớp với các tuyên bố của ông; bản chất của các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của gia đình Trump trong quá khứ và hiện tại; hay công việc kinh doanh của Trump có thể tăng lợi nhuận như thế nào nhờ nhiệm kỳ tổng thống.
Trước Trump, tổng thống Bill Clinton cũng từng bị một công tố viên độc lập điều tra, về các giao dịch kinh doanh tương đối nhỏ được thực hiện trước thời điểm ông vào Nhà Trắng hơn 10 năm.
“Chúng ta cuối cùng sẽ tìm ra tất cả việc họ làm, thậm chí các khoản thuế của họ. Đáp án cho những câu hỏi mà chúng ta chưa biết đều nằm trong đầu của họ”, Mary Jordan, phóng viên Washington Post, nói.
Ngoài khối tài sản khổng lồ, Nga cũng là vấn đề khiến nhiều người hoài nghi về Trump. Dù công tố viên Robert Mueller không thể chứng minh Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, không có nghĩa nghi vấn Moskva can thiệp bầu cử chỉ là “trò bịp bợm” như Tổng thống Mỹ thường nói, theo Harris.
Peter Baker, phóng viên của NYTimes, người từng viết sách về các nhiệm kỳ tổng thống của cha con Bush, Obama và Clinton, khẳng định cuộc điều tra của Muller rất quan trọng, giúp làm rõ mối quan hệ giữa Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhà bình luận Harris cho rằng có rất nhiều câu hỏi về vấn đề này cần làm rõ như lý do Nga thúc đẩy các cuộc tấn công vào hòm thư điện tử của Hillary Clinton, cũng như tuyên truyền trên mạng xã hội, tạo thêm lợi thế cho Trump. Hoặc tại sao sau khi đắc cử, Trump lại sa thải những người ghi chép cuộc họp với Putin.
“Chúng ta vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa tìm ra lời giải thích”, Baker nói.
Theo Harris, cuộc sống đời tư của Trump cũng là vấn đề khá bí ẩn đối với nhiều người. Tác giả Mary Jordan tháng này phát hành cuốn “Nghệ thuật thỏa thuận của bà: Chuyện chưa kể về Melania Trump”. Cuốn sách đã tiết lộ chi tiết đáng chú ý là đệ nhất phu nhân Mỹ đã đàm phán lại về thỏa thuận tiền hôn nhân với Trump sau cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy nhiên, cuốn sách cũng nhấn mạnh mọi người còn biết rất ít về Trump, như các mối quan hệ cá nhân, cũng như ông thích làm gì khi không xem tivi hoặc vào Twitter.
Jordan chia sẻ bà bị sốc khi biết Trump thường có nhiều thời gian ở một mình và “không có bạn bè thực sự”. Các mối quan hệ của Trump thường được xây dựng dựa trên các thỏa thuận bí mật, hay các động cơ về pháp lý và tài chính.
Các tổng thống luôn có các hồ sơ mật muốn cất giấu càng lâu càng tốt, bởi nó thường chứa đựng rất nhiều câu chuyện về nhiệm kỳ của họ. Nếu hồ sơ về các cuộc gặp và nói chuyện điện thoại của Trump bị tiết lộ, chúng sẽ mang đến nhiều câu chuyện về thời gian Trump ở Nhà Trắng, về mối quan hệ thực sự giữa ông và thành viên đảng Cộng hòa, hay với các lãnh đạo khác.
Ngoài ra, hồ sơ về vai trò thực sự của Phó tổng thống Mike Pence, hay các quan chức cấp cao, cùng nhiều công việc liên quan tới các chính sách hay quy định quan trọng, cũng có thể trở thành vấn đề gây chú ý nếu được tiết lộ.
Trump gặp khó khăn khi uống nước và rời lễ đài ở trường West Point hôm 13/6. Video: Twitter/Atrupar.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/6 đến Học viện quân sự West Point, bang New York để phát biểu chúc mừng các sĩ quan lục quân mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, hàng loạt biểu hiện của Trump trong sự kiện này đã gây nghi ngờ về tình trạng sức khỏe thực sự của ông. Trump gặp khó khăn khi muốn uống nước và phải dùng cả hai tay để đưa cốc lên miệng. Sau khi kết thúc bài phát biểu, ông rời lễ đài với những bước đi ngắn, rất cẩn trọng và dường như không vững vàng.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu chuyến đi bất ngờ tới Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed hồi tháng 11 năm ngoái có phải liên quan tới vấn đề sức khỏe của Trump hay không.
Trump luôn cố gắng xóa đi hình ảnh yếu đuối và chứng minh ông ổn cả về thể chất lẫn tâm hồn. Tuy nhiên, hoài nghi về sức khỏe thực sự của Tổng thống Mỹ ngày càng nhiều hơn.
“Trump rất giỏi trong việc khiến chúng ta tập trung vào phần nổi của tảng băng. Tôi không nói rằng ông ấy đang giấu một phần lớn, nhưng rõ ràng có rất nhiều điều chúng ta chưa biết”, nhà sử học Jon Meacham nhận định.
Biden lo giẫm 'vết xe đổ' của Hillary Clinton
Kết quả thăm dò cho thấy Biden "vượt mặt" Trump, nhưng đảng Dân chủ lo ngại nguy cơ thất bại vì "mộng du" trong tự mãn như năm 2016.
Một loạt cuộc thăm dò gần đây đều mang tới tín hiệu tích cực cho đảng Dân chủ, khi tỷ lệ ủng hộ của cựu phó tổng thống Joe Biden thậm chí lớn hơn Trump ở mức hai con số. Tại nhiều bang chiến địa, Biden cũng dẫn trước Trump, dù sự cách biệt nhỏ hơn. Biden ngày càng lạc quan hơn về triển vọng đảng Dân chủ của ông sẽ chiếm đa số ghế ở Thượng viện, điều mà trước đây họ thậm chí không nghĩ tới.
Từ một người bị Trump bỏ xa về chiến dịch gây quỹ, Biden giờ thường xuyên thu hút hàng triệu đôla. Trong tháng 5, Biden và đảng Dân chủ đã gây quỹ được gần 81 triệu USD, cao hơn Trump 10%, dù chiến dịch tranh cử của Trump đã quyên được tổng số tiền nhiều hơn.
Trong khi đó, Trump đang đối mặt với một trong những giai đoạn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất mà tổng thống Mỹ từng trải qua. Phản ứng sai lầm trong giai đoạn đầu đại dịch của chính quyền Trump khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu, với hơn 123.000 người chết, đe dọa nỗ lực mở cửa và phục hồi nền kinh tế. Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát Minneapolis ghì gáy gần 9 phút, khiến Trump lún sâu trong khủng hoảng.
Tranh cãi xung quanh hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và hình ảnh những hàng ghế trống trơn trong buổi vận động tranh cử ở Tulsa, bang Oklahoma tuần trước càng khiến nhiều cố vấn của Trump hoài nghi về triển vọng thắng cử.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Darby, bang Pennsylvania, tuần trước. Ảnh: AP.
Dù có nhiều lợi thế, đảng Dân chủ cho rằng chính sự tự tin rằng họ đang làm tốt lại tiềm ẩn nhiều mối lo ngại. Họ lo rằng đại dịch và các biện pháp hạn chế khiến việc bầu cử trở nên khó khăn hơn. Một số khác e ngại về một chiến dịch thông tin sai lệch trong thời gian tới và nguy cơ đảng Dân chủ đang đánh giá thấp khả năng của Trump. Nhiều người khác thì cho rằng đảng Dân chủ có thể chưa hoàn toàn hiểu lý do khiến cử tri ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nhưng hơn hết, điều khiến phe Dân chủ lo sợ nhất chính là thái độ tự mãn về kết quả thăm dò khiến họ "mộng du" về triển vọng thắng cử và phải trả giá bằng thất bại, giống 4 năm trước.
"Cảm giác hiện giờ rất giống năm 2016. Việc cho rằng bạn đã nắm chắc phần thắng trong tay không phải chuyện hay. Điều này chính xác đã xảy ra trong cuộc bầu cử trước", Andrew Werthmann, thành viên hội đồng thành phố Eau Claire, bang Wisconsin, nói.
Nhóm vận động tranh cử của Biden tin rằng con đường dẫn đến chiến thắng của họ đi qua các bang vùng công nghiệp Trung Tây, như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, ba bang mà bà Hillary Clinton đã thua Trump năm 2016. Nhưng họ cũng ngày càng lạc quan về chiến thắng ở các bang chưa từng được nghĩ tới như Arizona, Texas và Georgia. Mục tiêu kép mà họ đặt ra là vừa thu hút cử tri da màu ở vùng đô thị, vừa lôi kéo được cử tri đại học ở vùng ngoại ô, nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ.
"Bản đồ vận động tranh cử mở rộng mà tôi hình dung gồm cả Texas, thậm chí là Nam Carolina và Georgia. Chúng tôi sẽ không bỏ qua bất kỳ phiếu bầu nào", nghị sĩ Cedric L. Richmond, đồng chủ tịch chiến dịch tranh cử của Biden, nói.
"Chúng ta phải chạy đua như thể đang bị bỏ lại phía sau, dù thực tế là chúng ta đang dẫn trước. Đừng quan tâm về kết quả khảo sát dù chúng chỉ ra chúng ta đang nhiều hơn 2, 5 hay thậm chí 10 điểm", ông nói thêm.
Dù chiến dịch tranh cử của Biden có vẻ tốt hơn Clinton, gần 5 tháng trước ngày bầu cử vẫn là khoảng thời gian đầy thách thức với ông, theo Matt Viser, biên tập viên của Washington Post. Thực tế cho thấy Biden đã thất bại trong việc lôi kéo ủng hộ của người Mỹ gốc Latinh và nhiều cử tri trẻ người da màu vẫn còn nhiều hoài nghi về ứng viên Dân chủ.
Trong khi đó, Trump vẫn duy trì được nhóm cử tri ủng hộ vững chắc. Hai tuần trước, báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp cải thiện đã cho thấy tín hiệu tích cực về triển vọng khôi phục nền kinh tế, khía cạnh mà Trump luôn nhận được ủng hộ nhiều hơn Biden.
Không ít thành viên đảng Dân chủ ở một số bang chủ chốt tin rằng Trump có khả năng phát triển nhóm cử tri ủng hộ không thể lay chuyển. Theo quan điểm của họ, chìa khóa giúp Biden thắng cử nằm ở việc lôi kéo sự ủng hộ của nhóm cử tri Dân chủ không tham gia bỏ phiếu năm 2016.
Chiến dịch tranh cử của Biden đang bắt đầu phối hợp với thành viên đảng Dân chủ ở các bang và kỳ vọng có khoảng 600 nhà tổ chức tranh cử làm việc tại các bang chiến địa vào đầu tháng sau. Chỉ trong tuần qua, chiến dịch của Biden đã tổ chức 39 sự kiện ở Wisconsin, Florida, Arizona và Michigan.
Một số thành viên Dân chủ vẫn lo ngại liệu việc chỉ trích phong trào "Cắt ngân sách cảnh sát" của Biden có khiến ông mất đi thiện cảm của nhóm người biểu tình ở Mỹ.
Chiến dịch tranh cử của Biden cũng đối mặt với thách thức về việc làm thế nào để không "mộng du" trong các tin tức có lợi. Nhiều thành viên thuộc nhóm tranh cử của Biden thậm chí đã kêu gọi người ủng hộ không để tâm quá nhiều đến các thông tin khả quan về triển vọng thắng cử của phe Dân chủ.
Plouffe, người phụ trách chiến dịch tranh cử đầu tiên của tổng thống Barack Obama, cũng cảnh báo rằng đảng Dân chủ nên lường trước khả năng Trump sẽ giành lại sự ủng hộ khi cuộc bầu cử bước vào giai đoạn gay cấn hơn.
"Tôi có chút lo lắng rằng mọi người đang quá hào hứng về các kết quả thăm dò. Tất nhiên điều này tốt hơn là bạn không có. Nhưng nếu nhìn vào kết quả cuối cùng trong ngày bầu cử, bạn sẽ thấy tỷ lệ rất sát sao", ông nói.
Cựu phó tổng thống Joe Biden (giữa) tại một sự kiện ở thành phố Des Moines, bang Iowa, tháng 8/2019. Ảnh: AP.
Nancy Quarles, ủy viên hạt Oakland, bang Michigan, vẫn nhớ cảm giác bất ngờ khi biết kết quả ủng hộ dành cho Trump ở các hạt quan trọng mà bà không ngờ tới. "Tôi rất lo lắng về cuộc đua này. Tôi thấy đảng Dân chủ hoàn toàn có cơ hội chiến thắng, nhưng tôi cũng đánh giá thấp Tổng thống Trump. Ông ấy rất quyết tâm chiến thắng", bà nói.
Nỗ lực thu hút cử tri trong chiến dịch tranh cử của Biden ở các bang chủ chút cho thấy họ không muốn đi vào "vết xe đổ" của Clinton năm 2016. "Bà Hillary từng vấp chỉ trích vì không đến bang Wisconsin. Nhưng bạn có thể thấy chiến lược của Biden rất khác biệt khi không bỏ qua bang này", David Bowen, nhà lập pháp bang Wisconsin ở thành phố Milwaukee, cho hay.
Trong khi đó, nghị sĩ Dân chủ Ruben Gallego của Arizona bày tỏ lạc quan rằng Biden sẽ trở thành ứng viên Dân chủ đầu tiên giành chiến thắng ở bang của ông, sau Bill Clinton.
"Thời gian đang dần cạn. Cuộc bầu cử sẽ không kết thúc vào tháng 11. Nó sẽ kết thúc ngay đầu tháng 10, khi vòng bỏ phiếu sớm bắt đầu ở các bang dao động", ông nói. "Nếu Trump không thay đổi bản thân và chiến lược tranh cử trước đầu tháng 10, ông ấy sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trump từng thắng năm 2016, nhưng có thể đó chỉ là may mắn".
Hồi ký Bolton: Ông Moon không được chào đón trong cuộc gặp Trump-Kim Cựu cố vấn an ninh Mỹ cho rằng ông Trump không muốn Tổng thống Hàn Quốc tham gia cuộc gặp Mỹ-Triều ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 6/2019. Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton trong cuốn hồi ký có tựa đề "The Room Where It Happened: A White House Memoir" (tạm dịch "Căn phòng nơi điều đó xảy ra:...