Những phụ nữ vượt khó làm giàu trên mảnh đất quê hương
Tận dụng lợi thế của địa phương cùng sự ham học hỏi, mạnh dạn thay đổi phương thức làm ăn, phát triển kinh tế, nhiều hội viên phụ nữ tỉnh Nam Định đã vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động nữ ở nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thu (bên trái) tại xã Xuân Châu (Xuân Trường, Nam Định) giới thiệu sản phẩm của gia đình.
Thu tiền tỷ
Với lợi thế ở ven sông Hồng (xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường), gia đình bà Nguyễn Thị Thu đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Bà Thu chia sẻ, nhận thấy độ sâu, chất lượng nước thuận lợi cho việc nuôi cá, năm 2015, sau khi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt ở nhiều địa phương, gia đình bà đã quyết định đầu tư nuôi cá lồng trên sông.
Ban đầu, gia đình lắp đặt 24 lồng cá (mỗi lồng 36m2) thả các loại cá diêu hồng, lăng, chép. Xác định nuôi cá trên sông phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước, ngoài việc chú trọng quan trắc độ sâu, phân tích nguồn nước, gia đình bà đầu tư máy sục ô-xy để cá không nhiễm bệnh từ môi trường nước. Khi thời tiết thay đổi, cá ăn kém, mưa nhiều hoặc nước mặn xâm nhập, chất lượng nước không đảm bảo sẽ tạm dừng việc cho cá ăn. Khi chất lượng nước ổn định mới cho cá ăn trở lại kết hợp bổ sung vitamin, tăng đề kháng cho cá.
Nhờ việc thường xuyên tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, việc nuôi cá của gia đình bà khá thuận lợi. Năm 2018, qua nghiên cứu thị trường nhận thấy cá chép giòn được người tiêu dùng, các nhà hàng, khách sạn ưa chuộng, giá thành cao hơn cá chép thường từ 2 – 3 lần, gia đình bà đã chuyển sang nuôi thử nghiệm loại cá này.
Bà Thu cho biết, mỗi loại cá có đặc tính và thời gian sinh trưởng khác nhau. Cá diêu hồng từ lúc nuôi đến lúc bán mất khoảng một năm, cá lăng hai năm nhưng cá chép giòn phải nuôi trong ba năm khi mỗi con từ 5 kg trở lên mới được xuất bán. Với cá chép giòn, trong hai năm đầu, bà cho ăn cám bình thường. Bắt đầu từ năm thứ ba để tạo độ giòn cho cá, gia đình bà chỉ cho ăn bằng hạt đậu tằm. Đây là thức ăn dinh dưỡng giàu đạm cho cá, kích thích tăng trưởng nhanh, thịt cá giòn, chắc, thơm ngon. Với 8 lồng cá chép giòn, mỗi lần, bà cho ăn từ 1 -1,2 tạ đỗ ngâm, cho ăn một lần/ngày. Sau khi cá ăn xong, lồng nuôi phải làm vệ sinh sạch sẽ, vớt, hút bỏ vỏ đỗ, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước.
Video đang HOT
Hiện tại, gia đình bà nuôi 30 lồng cá, trong đó có 8 lồng cá chép giòn, 4 lồng cá diêu hồng còn lại là cá lăng. Trung bình mỗi lồng cho thu hoạch từ 5 – 7 tấn cá. Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình bà chỉ xuất bán cá lăng với số lượng khoảng 100 tấn, giá trung bình 27.000 đồng/kg. Cá chép giòn và cá diêu hồng cho thu hoạch vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Với độ dinh dưỡng cao, chất lượng thịt cá ngon, khi đến mùa thu hoạch các thương lái từ Hà Nội và cá tỉnh lân cận về tận nơi thu mua với giá cá chép giòn là 150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm sau trừ chi phí, gia đình bà thu lãi từ việc nuôi cá khoảng 1 tỷ đồng. Gia đình bà tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Trần Thị Diệm (người thứ hai, từ trái qua phải) hướng dẫn cho hội viên phụ nữ trong xã chăm sóc thỏ.
Chị Trần Thị Diệm (xóm 4, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu) là người đầu tiên đưa thỏ về nuôi tại địa phương. Gần 20 năm nuôi thỏ, gia đình chị không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương, hướng dẫn chị em trong thôn, xã cùng sản xuất mà còn thành lập Hợp tác xã chăn nuôi thỏ liên kết với các hộ nuôi trên địa bàn huyện Hải Hậu cùng làm giàu.
Năm 2005, gia đình chị khởi nghiệp nuôi thỏ với 300 con thỏ sinh sản. Mới đầu, chưa có kinh nghiệm, thỏ chết dần do bệnh xuất huyết. Không nản chí, chị tìm hiểu nguyên nhân, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Năm 2009, chị thuê 11.000 m2 đất đấu thầu của xã, xây dựng trang trại theo mô hình: vườn – ao – chuồng, trong đó chuồng nuôi thỏ được xây theo công nghệ khép kín với diện tích 1.800 m2, quy mô 1.000 thỏ sinh sản.
Khi chưa tìm được đầu mối tiêu thụ, thỏ đến kỳ xuất chuồng gia đình chị chỉ biết mang thỏ ra chợ bán, giá thành không ổn định. Năm 2016, gia đình chị liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Zoki (Công ty Nhật Bản có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình). Công ty này cung cấp con giống, cám và thu mua sản phẩm của trang trại với mức giá ổn định. Để đảm bảo nguồn hàng cho công ty, gia đình chị đã liên kết với các hộ nuôi thỏ trên địa bàn các xã: Hải Minh, Hải Tây, Hải Tân, Hải Xuân (huyện Hải Hậu) thành lập Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam với 18 thành viên, quy mô chăn nuôi trên 2.000 thỏ sinh sản. Với việc thành lập hợp tác xã, chị đã giúp đỡ những hộ thành viên về kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp sản phẩm dịch vụ đầu vào và đảm bảo đầu ra ổn định cho thành viên.
Hiện tại, gia đình chị đang chăn nuôi ổn định với 1.000 con thỏ sinh sản, khoảng 7.000 con thỏ thương phẩm. Thỏ sau khi nuôi khoảng 4 tháng, đạt trọng lượng khoảng 2,5kg được xuất bán. Mỗi tháng, gia đình xuất bán từ 1.500 – 2.000 con thỏ thịt, với giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, sau trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 50 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Diệm còn giúp đỡ, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi thỏ cho 10 hội viên phụ nữ trong xóm, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định cho biết, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 của Chính phủ (Đề án 939), 5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức đào tạo được 304 lớp cho trên 10.600 người, có hơn 9.000 lao động có việc làm sau đào tạo, đạt 86%. Các cấp hội tích cực, chủ động phối hợp và thực hiện tốt các nội dung ủy thác với các ngân hàng, các tổ chức tài chính nhằm tăng trưởng dư nợ vốn hỗ trợ cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Tính đến hết tháng 9/2022, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do Hội Phụ nữ trực tiếp quản lý là trên 2.500 tỷ đồng, hỗ trợ gần 237.000 hộ vay tại hơn 5.770 Tổ vay vốn và tiết kiệm để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 226 ý tưởng, dự án tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” của tỉnh; trong đó có 123 ý tưởng tiêu biểu cấp tỉnh, 52 tập thể, cá nhân có các ý tưởng khởi nghiệp khả thi tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp Trung ương. Các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thành lập 8 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác, tổ liên kết phát triển sản xuất kinh doanh do phụ nữ quản lý, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất, giúp phụ nữ vươn lên làm giàu cho gia đình, xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn.
Người cựu chiến binh gương mẫu, hết lòng vì cộng đồng
Trở về quê với hai bàn tay trắng sau khi tham gia và bị thương nặng ở chiến trường miền Nam, ông Vũ Văn Vỹ (sinh năm 1954, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất đồ mộc dân dụng.
Hiện, cơ sở sản xuất của ông Vỹ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập khá. Với những cống hiến của mình, ông Vỹ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.
Ông Vũ Văn Vỹ quan sát các lao động làm việc.
Ông Vũ Văn Vỹ sinh ra trong một gia đình thuần nông từ vùng quê nghèo giàu truyền thống cách mạng xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1972, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên Vũ Văn Vỹ làm đơn lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 429, thuộc Bộ Tư lệnh miền B2 tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Năm 1975, trong một trận chiến khốc liệt với kẻ thù tại tỉnh Long An, ông Vỹ bị thương ở mắt phải và một vết thương bên mạn sườn, tỷ lệ thương tật 32%.
Năm 1976, ông Vỹ trở về quê hương và xây dựng gia đình. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hướng phát triển kinh tế dù đã làm đủ thứ nghề từ việc tận dụng những cánh đồng màu ở quê để sản xuất nông nghiệp, cho đến làm nghề xây dựng, cơ khí rồi quay sang buôn bán... Thế nhưng tất cả những nghề đó chỉ giúp ông có được cuộc sống đủ ăn chứ không có được tích lũy để vươn lên làm giàu.
Trong lúc chưa tìm được phương hướng phát triển kinh tế, tình cờ ông gặp lại một người bạn trong quân ngũ đang làm nghề mộc, sau nhiều cuộc nói chuyện và tìm hiểu về nghề này, ông Vỹ quyết định theo học nghề mộc và buôn một số mặt hàng mộc thô từ các làng nghề nổi tiếng tại Nam Định như: làng nghề La Xuyên, Trung Đông, Hải Minh...về địa phương để bán. Những năm 1990, khi đất nước mở cửa hội nhập, từ số tiền ít ỏi tích góp được, ông Vỹ quyết định vay mượn thêm người thân, bạn bè để mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng với các sản phẩm như: sập gụ, tủ chè, salon, trường kỷ...
Sản phẩm đồ mộc của gia đình ông Vỹ đã có thể cạnh tranh được với một số làng nghề làm gỗ truyền thống.
Xưởng sản xuất khi ấy chỉ là lán trại tạm với diện tích vỏn vẹn 50m. Nguồn vốn hạn chế lại ít kinh nghiệm trong sản xuất đồ mộc nên ông đã gặp rất nhiều khó khăn, những sản phẩm làm ra mẫu mã không đa dạng mà giá thành lại cao nên bán rất chậm, hàng tồn dư rất nhiều. Ông Vỹ rơi vào bế tắc, đôi lúc cũng đã nghĩ đến chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm của người lính không ngại khó ngại khổ, ông Vỹ đã bôn ba khắp nơi để quảng bá thương hiệu sản phẩm đồ gỗ của gia đình. Sau hơn 10 năm chật vật, đến năm 2000, sản phẩm đồ gỗ của cơ sở đã có những chỗ đứng nhất định tại thị trường Nam Định và một số tỉnh lân cận.
Ông Vỹ chia sẻ, để sản phẩm đồ mộc của gia đình có thể cạnh tranh được với một số làng nghề làm gỗ truyền thống, ngoài giá thành sản phẩm rẻ nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, ông đã thuê một số thợ có tay nghề cao tại những nơi có làng nghề mộc nổi tiếng ở La Xuyên (Nam Định) hay tại Hà Tây (cũ) về làm và cũng là để quảng bá thương hiệu. Vượt qua bao khó khăn vất vả, đến nay cựu chiến binh Vũ Văn Vỹ đã có hai cơ sở sản xuất và trưng bày sản phẩm đồ mộc dân dụng với diện tích hơn 800m tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận bình quân đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm.
Bà Vũ Thị Dung, trú tại xã Nam Dương do sức khỏe yếu nên ngoài cấy hai vụ lúa, bà xin vào xưởng mộc của gia đình ông Vỹ để làm thời vụ với công việc đánh giấy giáp làm bóng sản phẩm thô. Đây là công việc phù hợp với những người đứng tuổi không còn sức khỏe. Với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, đây là số tiền mơ ước đối với những người đã hết tuổi lao động.
Hai cơ sở sản xuất và trưng bày sản phẩm đồ mộc dân dụng của ông Vỹ đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, ông Vỹ tích cực tham gia ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ Bảo trợ trẻ em... với mong muốn được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các thương, bệnh binh. Với những thành tích trong chiến đấu, lao động - sản xuất, ông Vỹ đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND tỉnh Nam Định...
Ông Vũ Văn Khởi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Dương, huyện Nam Trực đánh giá, từ khi là thành viên của hội cựu chiến binh xã tới nay, ông Vũ Văn Vỹ luôn là hội viên tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh. Với các hoạt động khác của địa phương, ông Vỹ luôn gương mẫu và tích cực tham gia, là tấm gương điển hình để thế hệ trẻ trên địa bàn học hỏi, noi theo.
Nam Định: Vùng đất nhà nhà trồng lan, có gần như đủ mặt hoa lan đột biến Từ xa xưa, hoa lan được biết đến là vua của các loài hoa. Hoa lan không chỉ đẹp về màu sắc, hình dáng mà còn thu hút bởi hương thơm quyến rũ. Giờ đây chơi lan đã trở thành một trào lưu rộng khắp và được nhiều người ưa chuộng. Có người chơi phong lan vì yêu thích loài hoa này, có...