Những phim dựa trên truyện tranh bị giới phê bình ghẻ lạnh
“Batman v Superman: Dawn of Justice” không phải là phim dựa trên truyện tranh đầu tiên bị giới phê bình chê bai, nhưng vẫn giành được tình cảm từ phía người hâm mộ.
Tank Girl (1995) (Điểm Rotten Tomatoes: 34%): Ra đời vào giữa thập niên 1990, câu chuyện kỳ lạ lấy bối cảnh hậu tận thế, nơi một cô gái trẻ nổi loạn chống lại tập đoàn tội ác mang tên “Nước & Sức mạnh” từng bị khinh thường và chê bai là “chẳng có gì ngoài mấy cảnh máu me”. Nhưng khi thời gian trôi qua, cả nguyên tác lẫn phiên bản chuyển thể Tank Girl được coi là tượng đài của phong trào nữ quyền, chứa đựng nhiều tình tiết táo bạo. Dẫu đây chưa phải là tác phẩm xuất sắc, số điểm 34% là quá thấp so với chất lượng thực sự của bộ phim. Ảnh: United Artists
The Phantom (1996) (Điểm Rotten Tomatoes: 43%): Vì The Phantom mà tài tử Billy Zane phải vật lộn để duy trì danh tiếng cũng như sự nghiệp. Khi đó, người ta tự hỏi liệu phép lạ nào đã khiến đạo diễn Simon Wincer thực hiện một tác phẩm về gã người hùng mặc đồ bó màu tím trông nực cười khó tả. Nhưng sau 20 năm, công chúng sẽ thấy The Phantom mang nỗ lực vượt ra khỏi dòng phim siêu anh hùng thông thường, cố gắng hướng đến dòng giễu nhại như Kick-Ass hay Deadpool sau này. Ngoài ra, phần hành động của bộ phim là khá tốt, có nhiều cố gắng trong việc tạo ra sự khác biệt.Ảnh: Paramount
Blade (1998) (Điểm Rotten Tomatoes: 54%):Đây là bộ phim siêu anh hùng mở đường cho sự ra đời của X-Men và Spider-Man sau này, nhưng lại bị giới phê bình chê bai khi ra mắt năm 1998. Trên thực tế, hình tượng nhân vật Blade của Wesley Snipes là rất hoàn hảo, với thanh kiếm sắc bén hạ gục nhiều sinh vật ma cà rồng độc ác. Gạt qua phần nội dung có phần “mỏng cơm”, các pha hành động trong Blade đến nay vẫn được coi là hiện đại và đẹp mắt. Ảnh: New Line Cinema
Blade 2 (2002) (Điểm Rotten Tomatoes: 57%):”Tái xuất giang hồ” sau 4 năm, nhưng Blade vẫn không thể chiều lòng giới phê bình. Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn kỳ tài Guillermo del Toro, Blade 2 đẩy cao sự kịch tính và bạo lực của phần trước, nhưng các bài bình luận dành cho phim vẫn chỉ ở mức trung bình. Hãy đừng để tâm quá nhiều tới cốt truyện, bởi chỉ riêng phần hành động của tác phẩm, với sự góp mặt của Chân Tử Đan, đã đủ giúp nó rất đáng xem. Ảnh: New Line Cinema
Video đang HOT
Constantine (2005) (Điểm Rotten Tomatoes: 46%): Khi mới ra mắt, Constantine bị cả giới phê bình lẫn công chúng tấn công, bởi nội dung phim đi quá xa với nguyên tác truyện tranh Hellblazer. Nhưng nếu nhìn nhận tác phẩm ở góc độ khác, đây thực sự là một phim noir siêu nhiên thành công, chủ yếu nhờ màn thể hiện của Keanu Reeves trong vai chính là một thám tử tâm linh. Cốt truyện của Constantine cũng chứa đựng nhiều tình tiết bất ngờ và giúp bộ phim điện ảnh sở hữu tiếng nói riêng so với “tiền bối” là phiên bản truyền hình mới đây. Ảnh: Warner Bros.
Man of Steel (2013) (Điểm Rotten Tomatoes: 56%): Tác phẩm đầu tiên thuộc thế giới phim siêu anh hùng DC gây ra nhiều tranh cãi khi mới ra mắt. Dẫu còn nhiều khiếm khuyết ở mặt kịch bản, các yếu tố kỹ thuật như dựng phim, quay phim, kỹ xảo hình ảnh hay âm nhạc hoàn toàn có thể giúp Man of Steel xứng đáng nhận điểm trên 60%. Henry Cavill rõ ràng hợp vai Siêu Nhân hơn nhiều so với Brandon Routh của Superman Returns (2006). Sự ghẻ lạnh mà giới phê bình dành cho bộ phim có lẽ đến từ kỳ vọng quá cao mà họ dành cho tác phẩm của đạo diễn Zack Snyder. Ảnh: Warner Bros.
Kick-Ass 2 (2013) (Điểm Rotten Tomatoes: 30%):Trước Deadpool, công chúng đã có một phim phản anh hùng vừa hài hước, vừa sâu sắc như Kick-Ass. Dẫu không hay bằng phần một của Matthew Vaughn, Kick-Ass 2 vẫn mang đậm tính giải trí dựa trên nền tảng bạo lực. Tài tử Aaron Taylor-Johnson và người đẹp Chlo Grace Moretz tiếp tục tỏa sáng, mang đến nhiều nét mới mẻ cho hai nhân vật Kick-Ass và Hit Girl. Sự thật là Kick-Ass 2 không tệ như số điểm 30% trên Rotten Tomatoes mà nó phải đón nhận. Ảnh: Universal
Sin City: A Dame to Kill For (2014) (Điểm Rotten Tomatoes: 43%): Thất bại của bộ phim có lẽ đến từ việc nó ra đời quá lâu sau phần một. 9 năm đủ khiến người ta quên mất Sin City hấp dẫn ra sao và thất bại tại phòng vé càng khiến công chúng nghĩ rằng A Dame to Kill For là một tác phẩm “thảm họa”. Nhưng sự thật không phải như vậy. Nếu ai là người yêu thích nguyên tác truyện tranh Sin City và mang thái độ cởi mở, họ hoàn toàn có thể tìm thấy nhiều điểm thú vị ở phần hai. Chưa kể, chỉ minh tinh Eva Green thôi cũng là một lý do xác đáng để bạn theo dõi A Dame to Kill For. Ảnh: Dimension Films
Theo Zing
Những phim siêu anh hùng bị gắn nhãn 17+
"Deadpool" là phim siêu anh hùng gắn nhãn R thành công nhất về mặt doanh thu. Song, đó không là tác phẩm điện ảnh đầu tiên thuộc thể loại này bị hạn chế khán giả dưới 17 tuổi.
The Crow (1994) - 50,6 triệu USD (riêng Bắc Mỹ): Tác phẩm siêu anh hùng đen tối được nhiều người biết đến bởi tai nạn khiến Brandon Lee - con trai duy nhất của Lý Tiểu Long, qua đời trên trường quay vì tai nạn liên quan tới súng đạo cụ. The Crow mang đậm không khí gothic với phần âm nhạc não nề, nội dung u ám. Trong nhiều năm qua, Hollywood ấp ủ kế hoạch remake bộ phim. nhưng các đạo diễn, tài tử cứ thế đến rồi đi và người ta vẫn chưa biết đến bao giờ mới được theo dõi The Crow phiên bản mới. Ảnh: Miramax
Spawn (1997) - 87,8 triệu USD: Mang âm hưởng kinh dị với tạo hình nhân vật thiếu "thân thiện", không ngạc nhiên khi Spawn bị gắn nhãn R. Al Simmons (Michael Jai White) là tay mật vụ chuyên thực hiện những "phi vụ bẩn", nhưng rồi bị chính thượng cấp ám hại. Xuống địa ngục, gã nhận được lời đề nghị hấp dẫn: Chúa quỷ sẽ hồi sinh Al. Nhưng đổi lại, gã phải trở thành thủ lĩnh đội quân địa ngục chống lại thiên giới. Al Simmons đồng ý và được trao cơ hội quay lại trần thế dưới vỏ bọc Spawn. Bộ phim có doanh thu rất cao, nhưng lại bị giới phê bình đánh giá là "thảm họa" của dòng phim siêu anh hùng. Ảnh: New Line Cinema
Blade (1998) - 131,1 triệu USD: Không phải bộ phim nào xoay quanh các ma cà rồng cũng "dễ thương" như loạt The Twilight Saga và Blade là minh chứng rõ ràng nhất. Dẫu mang trong mình một nửa dòng máu ma cà rồng, siêu anh hùng Blade vẫn quyết tâm theo đuổi nghiệp thợ săn, quyết truy diệt những con quỷ khát máu người và bảo vệ nhân loại. Ra đời từ năm 1998, đến giờ Blade vẫn sở hữu phần hình ảnh hiện đại và tạo hình nhân vật chính ấn tượng: áo khoác da dài, giáp chống đạn trước ngực, kính đen và một thanh kiếm bóng loáng. Thành công của bộ phim từng khiến nhà sản xuất tiếp tục thực hiện thêm hai phần phim nữa. Ảnh: New Line Cinema
The Punisher (2004) - 54,7 triệu USD: Tư tưởng của Punisher có thể coi là hoàn toàn đối nghịch với Batman. Cùng hứng chịu nỗi đau gia đình bị sát hại, trong khi Batman vẫn thượng tôn pháp luật, không ra tay giết hại tội phạm, thì Punisher sẵn sàng trừng phạt kẻ thủ ác bằng những phương thức tàn độc nhất. Có lẽ chính điều đó tạo ra nét hấp dẫn riêng cho nhân vật do Thomas Jane thể hiện ở bộ phim năm 2004. Bốn năm sau, vai Punisher được chuyển cho Ray Stevenson trong tập War Zone, nhưng thất bại nặng nề tại phòng vé. Giờ thì khán giả chuẩn bị được gặp lại nhân vật trong mùa hai series truyền hìnhDaredevil, với diễn xuất của Jon Bernthal. Ảnh: Lionsgate
V for Vendetta (2005) - 132,5 triệu USD: Dựa trên nguyên tác truyện tranh của Alan Moore, đây là bộ phim mang nặng màu sắc chính trị và bạo lực, nhưng sở hữu sức lan tỏa lớn lao, đến nỗi nhóm hacker nổi tiếng Anonymous quyết định chọn mặt nạ Guy Fawkes giống nhân vật V trong phim làm biểu tượng. V for Vendetta lấy bối cảnh nước Anh trong tương lai không xa, khi Đảng Bảo thủ nắm quyền với lối cai trị độc tài. V là nạn nhân của một chương trình thí nghiệm vũ khí sinh học nhiều năm trước. Gã lập nên kế hoạch tinh vi để trả đũa những kẻ đứng đầu đất nước, đồng thời thúc đẩy tinh thần đấu tranh của quần chúng. Ảnh: Warner Bros.
Watchmen (2009) - 185,2 triệu USD: Tác phẩm siêu anh hùng gây tranh cãi rất lớn bởi nội dung mang nặng tính chính trị, bạo lực, tình dục, ngôn từ tục tĩu... Dựa trên nguyên tác của Alan Moore và Dave Gibbons, Watchmen là bộ truyện tranh duy nhất được xếp vào hàng ngũ 100 tác phẩm văn học tiếng Anh hay nhất kể từ năm 1923 do tờ Time bầu chọn. Sự phức tạp trong cốt truyện và tầng ý nghĩa từng khiến các nhà làm phim Hollywood "đau đầu" trong việc chuyển thể Watchmen lên màn ảnh rộng. Nhưng rốt cuộc đạo diễn Zack Snyder đã giúp Warner Bros. làm được điều đó. Ảnh: Warner Bros.
Kick-Ass (2010) - 96,1 triệu USD: Nhóm nhân vật chính trong phim là những cô cậu học sinh "vắt mũi chưa sạch". Song, chúng có thể "giết người không gớm tay" và những phân cảnh bạo lực khiến Kick-Ass bị gắn nhãn R. Dù thuộc dòng siêu anh hùng, phim chủ đích giễu nhại hình tượng siêu nhân trong bộ đồ bó thông qua hình tượng Dave Lizewski (Aaron Taylor-Johnson) - cậu bé "mọt" truyện tranh với ước mong trở thành người hùng trừ gian diệt bạo. Ảnh: Lionsgate
Dredd (2012) - 35,6 triệu USD: Đây lại là một bộ phim dựa trên truyện tranh bị gắn nhãn 17 nữa lấy bối cảnh là tương lai đen tối dành cho nhân loại. Khi bọn ác ôn tung hoành khắp nước Mỹ, chỉ có vị thẩm phán tối cao Dredd cùng Hội đoàn của anh dám đối chọi lại chúng. Nhưng cái giá phải trả cho cuộc chiến ấy là những mất mát thương vong không gì có thể bù đắp. Được giới phê bình đánh giá cao, nhưng Dredd với tài tử Karl Urban trong vai chính lại thất bại nặng nề tại phòng vé. Phim chỉ có được hơn 35 triệu USD, so với kinh phí sản xuất là 50 triệu USD. Do đó, dự án Dredd 2 đến giờ vẫn bị "đắp chiếu". Ảnh: Lionsgate
Deadpool (2016) - 497,5 triệu USD: Trước khi Deadpool trình làng, ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ rằng một bộ phim bị gắn nhãn R có thể tiệm cận mức doanh thu nửa tỷ USD chỉ trong chưa đầy hai tuần lễ. Các chiến dịch marketing giàu sức sáng tạo của Fox đã cho thấy hiệu quả và họ lập tức lên kế hoạch gia tăng tính bạo lực cho Wolverine 3, chủ định để tác phẩm bị gắn nhãn R như Deadpool. Ảnh: Fox
Theo Zing
10 bộ phim giúp hồi sinh các thương hiệu bom tấn "Jurassic World", "Mad Max: Fury Road", "Fast Five", "Batman Begins"... là những tác phẩm thổi luồng gió mới cho các thương hiệu phim bom tấn đang có dấu hiệu chững lại. Creed (2015): Tác phẩm spin-off (ăn theo) của series Rocky hiện được giới phê bình Bắc Mỹ ca ngợi hết lời và có thể thu 40 triệu USD trong dịp Lễ Tạ...