Những phim độc lập Việt giành giải tại Liên hoan phim Quốc tế
Cùng điểm lại những phim độc lập Việt từng được vinh danh tại các Liên hoan phim Quốc tế.
Không đóng khung trong những khuôn mẫu cũ kỹ, những đề tài mang tính chất “phục tùng” tuyệt đối với lễ giáo hay đạo đức chính thống; phim độc lập khai thác nhiều góc khuất bình dị nhất của mỗi con người, phô bày thẳng thắn hiện thực bằng sự trau chuốt đầy nghệ thuật, trân quý con người nhưng không phủ nhận những giá trị đạo đức.
Một số bộ phim độc lập của Việt Nam đã tạo nên tiếng vang trên trường quốc tế như Trần Anh Hùng với Xích Lô, Phan Đăng Di với Bi, Đừng sợ, Tony Bùi – Ba mùa, Nguyễn Võ Minh Nghiêm và Mùa len trâu, Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên… Gần đây nhất là Đập Cánh Giữa Không Trung của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp.
Hãy cùng điểm lại những phim độc lập Việt từng được vinh danh tại các Liên hoan phim Quốc tế!
Đập Cánh Giữa Không Trung
“Đập Cánh Giữa Không Trung là một câu chuyện buồn về nỗi cô đơn đến tận cùng” theo lời đạo diễn cũng là tác giả của bộ phim – Nguyễn Hoàng Điệp. Phim là câu chuyện của 3 người đàn ông xoay quanh một cô gái tuổi teen tên Huyền. Trong một phút bồng bột, Huyền đã mang thai với bạn trai – một kẻ đam mê cá cược chọi gà, không hề quan tâm đến cô.
Trong lúc đau đớn định phá thai, Huyền gặp Hoàng – một người đàn ông hào hoa, giàu có nhưng đam mê kì lạ với thai nhi. Những biến đổi tâm lý thú vị dẫn dắt câu chuyện của Huyền đến một kết thúc bất ngờ cho người xem. Theo như dự kiến, phim sẽ ra mắt khán giả Việt Nam vào cuối năm nay.
Thanh Duy Idol vào vai “chị” bạn thân nhất của Huyền
Trần Bảo Sơn vào vai người đàn ông hào hoa có sở thích kỳ lạ
Đập cánh giữa không trung được Hội đồng tuyển phim của LHP Venice lựa chọn công chiếu trong Tuần lễ phê bình phim năm nay tại Ý ngay khi còn là bản thô (chưa nhạc, chưa hòa âm, chỉnh màu…). Tác phẩm lọt vào Top 7 phim được đề cử cho giải Luigi De Laurentiis dành cho các phim truyện đầu tay xuất sắc với giải thưởng trị giá đến 100.000 USD (2,1 tỷ đồng).
Bi, Đừng Sợ
Bi, Đừng Sợ của Phan Đăng Di là một bộ phim tạo ra cơn sốt dư luận trái chiều tại Việt Nam trong suốt một thời gian dài công chiếu chính thức và cho đến tận bây giờ. Nhiều cảnh phim đã bị cắt bỏ với lý do không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, điện ảnh thế giới đã công nhận Bi, Đừng Sợ là một tác phẩm nghệ thuật thành công vang dội qua một loạt các giải thưởng lớn nhỏ trong các kì liên hoan phim quốc tế: LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển, 2 giải), LHP Quốc tế Cannes (Pháp), Giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver và giải phim hay nhất tại LHP châu Á – Hongkong.
Hình ảnh trong veo của Bi
Bộ phim là câu chuyện xoay quanh một gia đình Hà Nội. Một gia đình với nhiều thế hệ, những khác biệt về tư tưởng và những mối quan hệ chồng chéo, những bế tắc và ẩn uất sâu trong tâm tưởng của mỗi thành viên. Đối nghịch với tấm màn đen u ám bao phủ người lớn và những viên đá buốt lạnh xuất hiện xuyên suốt bộ phim là Bi, ánh mắt trẻ thơ, trong trẻo của em làm ám ảnh và nhức nhối trái tim người xem. Từng nhân vật hiện lên vừa đáng giận, vừa đáng thương, những khát khao dục vọng tầm thường được cho là dung tục và trái đạo đức của người cô giáo, cách cư xử lạnh nhạt của người con dâu với bố mẹ chồng… được mổ xẻ theo một góc nhìn khác, rất nhân văn.
Bữa cơm gia đình lạnh lẽo
Video đang HOT
Xích Lô
Xích Lô là tác phẩm mang “án oan” của đạo diễn Trần Anh Hùng trong bối cảnh nền điện ảnh Việt Nam năm 1995. Phim bị cấm chiếu do nội dung được xem là trái thuần phong mỹ tục và quá nhạy cảm ở thời kì đó.
Xích Lô được hợp tác sản xuất bởi hãng phim Giải Phóng và Salon Film Studio (Hongkong). Một sự kết hợp độc đáo giữa tài tử hàng đầu Hongkong Lương Triều Vĩ và một anh chàng lơ xe 20 tuổi tên Lê Văn Lộc, chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm diễn xuất nào. Các nhân vật trong phim hầu như không hề có tên họ: vai chị của Xích Lô được gọi là Chị, tên bà trùm là Buồn và tên người yêu của Chị là Nhà Thơ – một tên giang hồ tàn ác và cũng là một nhà thơ. Phim đã đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venezia vào năm 1995.
Cảnh Xích Lô (Lộc) săm soi dao găm trong Cyclo khá đáng sợ
Chuyện phim xoay quanh cuộc đời của anh đạp xích lô chất phác, bị cuốn vào băng đảng tội ác một cách bất đắc dĩ, cầm đầu là Nhà Thơ làm vô số chuyện tàn ác xấu xa: cướp của, giết người… Những giằng xé nội tâm cùng cực của nhân vật Xích Lô khi bước qua lằn ranh tội lỗi, trở thành con rối trong tay bà Buồn và cánh tay phải đắc lực của bà ta là Nhà Thơ, khiến khán giả rung động.
Nhân vật Xích Lô khiến người xem liên tưởng đến nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, càng cố vùng vẫy thoát ra khỏi bùn lầy tội lỗi càng tuyệt vọng. Đến cuối cùng, khi những thế lực tàn ác kìm kẹp cuộc đời Xích Lô biến mất cũng là lúc anh và Chị trở lại là những con người lương thiện như phút ban đầu. Phim kết thúc trong bản hợp tấu đàn manđôlin của một lớp tiểu học mang tênRửa mặt như mèo với nhiều suy ngẫm.
Chơi Vơi
Chơi Vơi khai thác một chủ đề nhạy cảm “giới tính”. Chuyện kể về Duyên, một cô gái xinh đẹp, kết hôn với một cậu ấm nhỏ hơn mình 2 tuổi. Những ẩn uất trong đời sống vợ chồng đẩy cô ngã vào vòng tay Thổ – một tên sở khanh đến với Duyên chỉ vì tình dục và vụ lợi. Kịch tính của bộ phim được đẩy lên cao khi Duyên và Cẩm (bạn thân của Duyên) nảy sinh mối quan hệ đồng giới.
Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giành giải thưởng của Hiệp hội phê bình điện ảnh thế giới (Fipresci) tại LHP Venice; 3 đề cử Giải thưởng phim châu Á 2010; giải đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam 2009 và được tuyển chọn chính thức vào các LHP Toronto 2009, London 2009, Vancouver 2009, Pusan 2009, Bangkok 2009, Jerusalem 2010 và nhiều Liên hoan phim trên thế giới.
Chơi Vơi khai thác mối quan hệ đồng giới nữ nhạy cảm
Nhìn chung, những bộ phim độc lập đã thổi một làn gió mới vào nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Đây là mảnh đất màu mỡ để các đạo diễn sáng tạo nhưng cũng đầy chông gai vì khán giả Việt Nam cần có thời gian để thẩm thấu giá trị của những sáng tạo táo bạo, đầy ẩn ý mà tác giả muốn truyền tải đến người xem.
Theo sách Lịch sử điện ảnh thế giới của Kristin Thompson và David Bordwell, cụm từ phim độc lập xuất phát từ Mỹ – một quốc gia mà nền điện ảnh bị thống trị bởi Hollywood, nơi mà phim được xem là những thương phẩm không hơn không kém, nghệ thuật bị bó buộc trong một công thức nhất định để đảm bảo doanh thu. Những bộ phim độc lập ra đời là sự bứt phá lớn trong lịch sử điện ảnh thế giới; có thể xem đây là một cuộc cách tân điện ảnh của những hãng phim nhỏ, những nhà làm phim cá nhân cực kỳ nhiệt huyết với nghệ thuật và tính thương mại hoàn toàn không có khả năng chi phối niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của họ. Nhiều bộ phim độc lập đã đoạt những giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín như Slumdog Millionaire, The Hurt Locker…
Theo Mask online
Góc khuất người chuyển giới trong phim Việt đoạt giải Venice
Thanh Duy Idol bảo từng khóc như con nít ngay tại trường quay khi đạo diễn hô chuyển cảnh, vì những dồn nén tâm lý nặng nề do nhân vật gây ra.
Đập cánh giữa không trung không chỉ là góc nhìn nhân văn về giới LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) mà ẩn trong đó là những thông điệp hiện thực về giới trẻ, về những tâm hồn cô đơn...
"Vai diễn không để mua vui"
- Chúc mừng bộ phim điện ảnh đầu tay mà Thanh Duy tham gia vừa nhận giải Phim hay nhất từ Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải, tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice (Liên hoan phim quốc tế Venice) năm nay. Mặc dù đây là giải phụ nhưng cảm xúc của anh lúc này thế nào?
- Tôi mừng lắm. Phim được lọt vào đề cử đã mừng rồi. Đây là cảm xúc rất khó tả. Tôi thấy vui giùm cho chị Điệp (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) và ê-kíp làm phim. Vì dự án phim này chị Điệp đã ấp ủ tới 5-6 năm. Bây giờ là lúc chị hái được "quả ngọt".
- Anh đã phải dốc bao nhiêu "nội công" cho vai diễn đầu tay này?
- 100%. Vì cảm giác của người lần đầu tiên được làm điều gì đó mới mẻ và thú vị thì lúc nào cũng muốn cống hiến cho hết, có bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu.
Đóng phim xong về lại Sài Gòn, tôi đã trở thành con người khác hẳn, tới độ bạn bè gặp đều nói "Trời ơi sao mày khác dữ vậy". Cách mà tôi cười, cư xử với mọi người khác hẳn. Lúc đó, tôi cảm giác là Linh đang cười chứ không phải Duy nữa. Vì vai này quá nặng so với một "tay ngang" mới chạm ngõ điện ảnh như tôi.
Để vào vai đó, tôi phải là Linh cả ngoài đời sống. Cho nên thời gian tôi ở Hà Nội đóng phim, tôi là Linh luôn.
Thanh Duy (trái) vào vai chuyển giới trong phim. (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp).
- Anh đã phải sống là Linh bao nhiêu lâu sau vai diễn này?
- Cũng mất khoảng một năm sau đó.
- Tôi được biết trong phim có cảnh nóng của anh với một người đàn ông. Đây có là cảnh quay khó và ám ảnh nhất của anh không?
- Không. Những cảnh ám ảnh tôi nhất lại là những cảnh mang màu sắc tối tăm và tâm lý nặng nề. Cảnh hai người hôn nhau quay ở Hà Nội, ngay khu đường tàu lúc tàu chạy qua và cảnh đó diễn ra rất nhanh trong phim. Chỉ có điều bạn diễn của tôi gặp lúng túng vì đây là lần đầu anh ấy quay cảnh hôn một đàn ông. Chúng tôi đã phải rất cố gắng để hoàn thành sớm đúp này.
Gam màu trầm như cuộc sống của Linh trong phim. (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp).
- Làm phim về tài đồng tính không còn là mới ở Việt Nam. Vậy theo anh, điều gì ở "Đập cánh giữa không trung" sẽ hấp dẫn khán giả?
- Với riêng vai diễn của mình, tôi nghĩ Linh là nhân vật có số phận đặc biệt và tương đối khác lạ so với những nhân vật đồng tính của điện ảnh Việt Nam từ trước tới giờ.
Đây là vai chuyển giới duy nhất của điện ảnh Việt Nam tính tới thời điểm này. Như chia sẻ từ đầu, đây không phải là vai diễn chỉ để mua vui. Những người đồng tính nói chung sẽ không thích một vai đồng tính chỉ để mua vui cho khán giả, để mọi người hiểu sai về thế giới của họ.
Tôi nghĩ, với vai diễn này, tôi sẽ nhận được sự đồng cảm của người chuyển giới. Vì Linh là cô gái đã phải đối mặt với nhiều vấn đề mà người chuyển giới phải đối mặt, như ánh nhìn của người ngoài, tình yêu sâu kín trong lòng... Tôi tin rằng, những người chuyển giới ai cũng gặp phải những vấn đề đó và họ sẽ thương cô Linh như cách mà họ thương chính bản thân họ vậy.
- Vậy theo anh, những người bạn đồng tính của anh và cộng đồng LGBT ủng hộ góc nhìn cũng như cách khai thác tâm lý nhân vật của đạo diễn?
- Đúng vậy. Tuy nhiên, tôi không muốn khẳng định đây là bộ phim nói lên tiếng nói của người đồng tính. Phim chỉ nói về những nỗi cô đơn của người trẻ. Nhưng vai Linh hay ở chỗ, cô ấy không muốn lên tiếng, không đấu tranh, không gào thét rằng tôi cần sự công bằng hay tôi muốn mọi người hãy xem tôi là người bình thường trong phim.
Linh chỉ sống cuộc sống của cô ấy, là hằng ngày mặc áo con gái, độn ngực, trang điểm, đội tóc giả, đi làm móng, đi chơi với bạn và đi làm gái bán hoa... Những người hàng xóm ở khu cô ở quen với hình ảnh đó của Linh và họ chấp nhận cô. Bản thân những người đồng tính, chuyển giới còn mong chờ gì hơn điều đó ở cộng đồng.
- Đó hẳn cũng là những điều sâu sắc nhất còn đeo bám anh kể cả khi đã chia tay đoàn làm phim để quay về với cuộc sống của chính mình?
- Ngày đó, khi bộ phim đã đóng máy về lại Sài Gòn, Linh vẫn theo tôi. Tới bây giờ khi nhắc lại tôi còn nổi da gà. Nhân vật Linh có ý nghĩa rất sâu sắc với tôi và tôi đang mong chờ xem hình ảnh của Linh trên màn ảnh sẽ như thế nào. Chắc là tôi sẽ khóc khi coi phim quá, khóc và thương cho Linh và những người như Linh.
"Khóc để thoát khỏi nhân vật"
- Đúng là nhiều diễn viên, kể cả diễn viên chuyện nghiệp trên thế giới cũng từng lâm vào trạng thái đó như anh, mất nhiều thời gian mới thoát khỏi nhân vật để trở về với cuộc sống bình thường. Thế trong quá trình quay phim có khi nào anh khóc vì Linh, vì sự đồng cảm với nhân vật chưa?
- Có chứ. Trong phim, Linh không được khóc. Trong phim, Linh là người mà người khác không đoán được cô ấy đang nghĩ gì, ngoài mặt nói cười nhưng bên trong thì rất đau, hoặc có những lúc nói những câu rất vô duyên, vô thưởng vô phạt nhưng bên trong lại chất chứa nhiều tâm sự. Linh giống như con ma xó mà người khác không biết, không đoán được (cười). Đôi khi, nó xuất hiện rất bất ngờ và phá đi hoàn toàn không gian trầm buồn của phân cảnh.
Có những cảnh Linh không được rớt nước mắt, mà phải khóc bằng biểu cảm của ánh mắt, để người khác nhìn vào thấy Linh đang phải dồn nén nỗi đau. Có những cảnh nặng đến mức, khi đạo diễn vừa hô cắt là tôi khóc luôn, khóc như chưa từng được khóc.
Bạn biết đấy, có những đúp phải quay 5-6 lần để phục vụ cho những cảnh cận, trung và toàn cảnh, tôi phải nén tất cả những nỗi đau đó vào trong nhiều lần như thế, cho đến khi đạo diễn hô chuyển cảnh thì cảm xúc mới được bung ra. Tôi cứ thế ngồi khóc quá trời như một đứa con nít. Quá mệt, quá khổ, quá đau đớn... vì những dồn nén của chính nhân vật.
Nếu tôi mà giữ "quả bóng" đó về nhà là dễ bị điên, nên phải xả ra ngay lúc đó. Mấy chị phụ trách phục trang thấy vậy hỏi "em có sao không", tôi chỉ nói "chị đừng đụng vào người em". Lúc đó, tôi không cần bất cứ sự chia sẻ, quan tâm nào. Tôi chỉ cần khóc ra cho hết, thoát ra cho hết. Qua đó tôi mới hiểu vì sao nhiều diễn viên trên thế giới tự tử sau những vai diễn quá nặng nề, vì họ không thoát được khỏi vai diễn.
Địa điểm mà Linh thường phải đứng làm "gái bán hoa." (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp)
- Khi vào vai Linh, Duy có nghĩ bản thân cũng tự khám phá được nhiều góc khuất ẩn chứa sâu trong con người mình không?
- Có chứ. Ban đầu tôi nghĩ mình được chọn chỉ vì có ngoại hình giống nhân vật nhưng sau ba tháng làm phim ở Hà Nội, tôi thấy mình cũng có khả năng diễn xuất.
Ngoài ra, cũng phải cảm ơn nhân vật Linh để khi hoàn thành vai diễn tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều.
- Sau vai diễn này, liệu anh có dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy, hay tiếp tục làm ca sĩ, hay sẽ chọn một loại hình nghệ thuật khác để phô diễn khả năng của mình?
- Thực ra, tôi không xem việc đi đóng phim là cuộc dạo chơi mà xem đây là cơ hội, là cách để khám phá bản thân. Nên nếu chị Điệp có dự án phim nào mới mời, tôi chắc chắn sẽ không từ chối.
Tôi muốn trở thành nghệ sĩ đa năng, chứ không chỉ gò mình trong một loại hình nghệ thuật nào. Giống như chị Phương Thanh, chị hát rất hay và đóng phim cũng giỏi. Hay như nhiều ca sĩ tài năng trên thế giới họ đều đóng phim rất hay.
Thậm chí, những diễn viên tài năng trên thế giới cũng hát rất hay như Anne Hathaway. Tôi từng hết hồn khi cô ấy đóng Những người khốn khổmà thể hiện xuất thần ca khúc I have dream. Đó là những hình tượng tôi muốn hướng tới.
Thanh Duy Idol muốn hướng đến hình tượng nghệ sĩ đa tài.
Theo ChiLê/Vietnam
3 bộ phim độc lập của điện ảnh Việt nên xem Phim độc lập tại Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công bước đầu với những tác phẩm điện ảnh có đề tài mới mẻ, đáp ứng yếu tố nghệ thuật, nhân văn nhưng vẫn rất mới mẻ, thời sự. Làm phim độc lập đã và đang tạo nên những bước khởi sắc cho dòng phim nghệ thuật tại Việt Nam. Những tác...