Những phim bom tấn nào ’sống sót’ và ‘chết yểu’ vì báo chí?
Giới phê bình được cho là ngày càng có sức ảnh hưởng đến thành công hay thất bại của một bộ phim – dù là quy mô nhỏ hay bom tấn – tại các rạp chiếu.
Nhưng tất nhiên, đôi khi báo chí và giới phê bình phải lắc đầu ngán ngẩm khi một bộ phim dở tệ mà họ chỉ trích không tiếc lời lại thành công vang dội tại phòng vé. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trái ngược này.
Một trong số đó là sức ảnh hưởng quá lớn của bộ phim và lượng fan đông đảo từ tác phẩm gốc vượt lên trên chất lượng của nó. Tháng 8 năm ngoái, tháng thấp điểm nhất trong mùa phim hè của Hollywood “ nóng” lên với bom tấn Suicide Squad thuộc Vũ trụ Điện ảnh DC (DCEU).
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi ra rạp, Suicide Squad nhận cơn mưa “bom” chỉ trích của giới phê bình với số điểm rất tệ hại: 40% trên trang Metacritic và 25% trên Rotten Tomatoes.
Trước phản ứng tiêu cực của giới phê bình và báo chí, đạo diễn David Ayer đăng đàn với câu trích dẫn nổi tiếng của người anh hùng Mexico Zapata (từng được lên phim do huyền thoại Marlon Brando đóng): “Thà chết đứng còn hơn sống quỳ”.
Ý ông Ayer muốn nói là ông không quỵ lụy giới phê bình và làm bộ phim này “vì khán giả và fan của bộ truyện tranh”. Tức giận trước làn sóng chỉ trích của giới truyền thông, những người hâm mộ bộ truyện tranh DC cũng khiêu chiến trực tiếp với giới phê bình và thậm chí còn kích động “đánh sập” trang Rotten Tomatoes.
Bị báo chí dội bom, phim vẫn sống khỏe
Nhưng bất chấp phản ứng tiêu cực của giới phê bình và những ồn ào xung quanh bộ phim, Suicide Squad vẫn có màn xuất quân ấn tượng với 267 triệu USD từ 59 quốc gia trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên, lập kỷ lục là phim ăn khách nhất trong tháng 8 từ trước đến nay.
Suicide Squad kết thúc với tổng doanh thu lên đến 745 triệu USD khắp toàn cầu). Tương tự, Batman vs. Superman: Dawn of Justice, một siêu phẩm của DC tung ra vào tháng 3 năm 2016, cũng nhận số điểm thấp của giới phê bình (27% Rotten Tomatoes) nhưng thu về tới 873 triệu USD doanh thu toàn cầu.
Chiến thắng của Batman vs. Superman và Suicide Squad khiến giới phê bình đặt ra câu hỏi tại sao một bộ phim dở vẫn chiến thắng phòng vé? Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do sức ảnh hưởng từ hai bộ truyện tranh của DC quá lớn. Khán giả bất chấp những phản ứng tiêu cực của giới phê bình để đến rạp ủng hộ những người hùng của họ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không phải là giới phê bình không có tác động đến sự thành công về doanh thu của hai bộ phim này. Nếu chúng được đánh giá tích cực, chắc chắc doanh thu không chỉ dừng lại ở mức trên dưới 800 triệu USD toàn cầu mà có thể vượt mốc 1 tỷ USD, điều mà những bom tấn của Marvel – đối thủ của DC – làm được khá dễ dàng trong vài năm qua.
Và nhận định đó càng được củng cố khi mùa hè năm nay Wonder Woman – bộ phim siêu anh hùng đầu tiên của DC được giới phê bình khen ngợi – đã có chiến thắng giòn giã tại phòng vé và hiện đang dẫn đầu doanh thu phim ăn khách nhất mùa hè năm nay.
Batman v Superman: Dawn of Justice gây thất vọng nhưng vẫn đạt doanh thu tốt. Ảnh: DC.
Video đang HOT
Thành công của hai siêu phẩm DC hè năm ngoái khiến những người quan tâm đến thị trường điện ảnh lục lại những trường hợp tương tự trong quá khứ và đưa ra những phân tích về thị hiếu của khán giả cũng như văn hóa đại chúng.
Năm 1988, sau khi Top Gun đưa Tom Cruise trở thành siêu sao có sức ảnh hưởng toàn cầu, bộ phim lãng mạn Cocktail của anh ra mắt. Phim bị giới báo chí chê bai thậm tệ, nhận số điểm thấp kỷ lục là 5% trênRotten Tomatoes.
Một trong những nhận xét “cay độc” nhất là của cây bút Ben Yogoda thuộc tờ Philadelphia Daily News: “Triết gia Hannah Arendt từng viết trong một tác phẩm về sự tầm thường của ác quỷ. Sau khi xem xong bộ phim Cocktail, tôi muốn viết về… ác quỷ của sự tầm thường”.
Mặc những chỉ trích dữ dội, nụ cười quyến rũ của Tom Cruise vẫn lôi kéo phụ nữ đến rạp và thu về tới 171 triệu USD (tính trượt giá là 337 triệu USD ở thời điểm hiện nay) so với mức kinh phí 20 triệu USD. Cocktail một lần nữa củng cố quyền lực của Tom Cruise.
Nhờ fan cứu vớt
Nếu không có siêu sao quyền lực như Tom Cruise, một phim dở cũng phải có một “bí quyết” nào đó để chiến thắng phòng vé, như người ta từng lý giải thành công của thảm họa điện ảnh The Last Airbender(2010) của đạo diễn gốc Ấn M.N. Shyamalan.
The Last Airbender nhận số điểm 6% Rotten Tomatoes. Trên báo The Guardian, nhà phê bình Peter Bradshaw viết đầy hài hước: “Sau khi chỉ xem năm phút đầu tiên, bạn sẽ có cảm giác như bạn vừa bị tra tấn suốt hai tiếng rưỡi. Theo đó nhân lên, bạn có cảm giác như vừa trải qua bốn ngày rưỡi để xem hết bộ phim này”.
Mặc dù vậy, The Last Airbender vẫn thu về tới 319 triệu USD và các nhà sản xuất vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra cho M.N. Shyamalan làm phim, bất chấp số lượng Mâm xôi vàng mà đạo diễn này được đề cử qua mỗi bộ phim ngày càng tăng.
Một bộ phim bị ném “cà chua thối” khác nhưng thành công phòng vé là Sex and the City 2 (2010) với điểm số 15% trên Rotten Tomatoes và 308 triệu USD doanh thu. Phim bị chỉ trích là ăn theo “thấy bở đào mãi”, “vô vị, vô mục đích”, “mô tả đời sống tình dục sống sượng của phụ nữ trung niên ở đô thị”. Nhưng sức hấp dẫn từ loạt phim truyền hình nhiều năm trước vẫn là lý do lôi kéo nhiều chị em đến rạp để được sống lại những ký ức “tình dục và đô thị” của họ.
Lượng fan hùng hậu từ tác phẩm văn chương mà bộ phim chuyển thể, độ phổ biến của series truyền hình mà phim ăn theo, quyền lực của ngôi sao… Nói chung là “quyền lực của văn hóa pop” đại chúng là những nguyên nhân giúp các bộ phim điện ảnh chiến thắng phòng vé, bất chấp sự chê bai của giới phê bình.
Thảm họa điện ảnh The Last Airbender thể hiện không quá tệ ở phòng vé. Ảnh: Collider.
The Da Vinci Code và Angels and Demons, hai phần đầu của loạt phim chuyển thể từ tiểu thuyết Dan Brown, với ngôi sao Tom Hanks thủ vai giáo sư biểu tượng học Robert Langdon, nhận hai số điểm tiêu cực là 24 và 37% trên trang Rotten Tomatoes, nhưng lần lượt đạt mức doanh thu ấn tượng là 758 và 473 triệu USD.
Lượng fan nữ hùng hậu có sẵn từ tác phẩm văn chương cũng là nguyên nhân đem lại thành công cho những loạt phim chuyển thể, nổi bật nhất là Twilight (Chạng vạng) và Fifty Shades of Grey (50 sắc thái).
Loạt phim Cướp biển vùng Caribbean với quyền lực của ngôi sao Johnny Depp lúc đang còn ở đỉnh cao cũng thành công lớn bất chấp những lời chê bai.. Pirates of the Caribbean: At World’s End nhận số điểm 45% trên Rotten Tomatoes thu về 961 triệu USD, Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest có số điểm 53% kiếm được tới 1,66 tỷ USD. Và Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides chỉ đạt 33% điểm vẫn bỏ túi 1 tỷ USD toàn cầu…
Trong khi đó, thành công vang dội về doanh thu tỷ lệ nghịch với số điểm cà chua thối của cả bốn phần loạt phim Transformers (Người máy biến hình) của nhà sản xuất – đạo diễn Michael Bay. Lý do là độ phổ biến của trò chơi hãng Hasbro và phần nào là khả năng chế biến của ông hoàng cháy nổ khi chuyển thể chúng lên phim.
Chết vì giới phê bình
“Nhưng đừng coi thường sức mạnh của giới phê bình, ngay cả khi sở hữu một thương hiệu mạnh”. Nhận định trong một bài phân tích trên trang Boxofficemojo ngày càng đúng với ngay cả những bộ phim bom tấn có đủ các công thức thành công, nhất là ở thị trường Bắc Mỹ.
Thất bại của Pirates of Caribbean 5 và Transformers 5 trong mùa hè năm nay là những minh chứng xác thực nhất. Hai phần tiếp theo của hai thương hiệu mạnh tỷ đô này đạt doanh thu kém cỏi: 171 và 129 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với các phần trước.
Và không chỉ hai thương hiệu phần tiếp theo nói trên, một loạt phim bom tấn ngã ngựa trong mùa hè doanh thu giảm kỷ lục như năm nay cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của những trang tổng hợp bài phê bình như Rotten Tomatoes và Metacritic.
Những bom tấn được kỳ vọng đạt doanh thu cao trước đó đều thất bại, từ phim sử thi King Arthur: Legend of the Sword đến phim hài làm lại từ series truyền hình cùng tên Baywatch, từ The Mummy (với ngôi sao Tom Cruise) đến The Dark Tower (với Matthew McConaughey).
Doanh thu đáng thất vọng của Transformers The Last Knight cho thấy những lời chê bai của giới phê bình cũng có tác động đáng kể. Ảnh: CBR.
Cũng phải kể đến siêu phẩm khoa học giả tưởng đầy tham vọng của đạo diễn Pháp Luc Besson là Valerian and the City of a Thousand Planets có nguy cơ lỗ khoảng 150 triệu USD. Tất cả các bom tấn ngã ngựa này đều có một điểm chung là không được lòng giới phê bình và báo chí, nếu không nói là bị “dội bom” từ khi mới ra mắt.
Phải chăng quyền lực của ngôi sao, lượng fan hùng hậu từ các bộ truyện hay series phim truyền hình gốc, sức mạnh của kỹ xảo CGI… đã hết phát huy tác dụng. Và sức mạnh, tiếng nói của giới phê bình ngày càng có sức ảnh hưởng đến quyết định của khán giả khi bỏ tiền ra để mua tấm vé vào rạp?
Theo Zing
Muzu không chỉ làm "cà chua thối" mà còn một cộng đồng điện ảnh
Muzu có tham vọng không chỉ làm một Rotten Tomatoes (cà chua thối dùng để bày tỏ trước những cuộc biểu diễn tồi) của Việt Nam, mà còn là một cộng đồng điện ảnh.
Đây là điều không hề dễ dàng khi thị trường điện ảnh Việt Nam dù sôi động, nhưng thói quen của khán giả khi tìm hiểu và đọc về phim còn quá ít. So với Hàn còn chưa thấm nói chi đến Hollywood... Thế Giới Tiếp Thị có cuộc phỏng vấn với anh Tuấn, CEO của Muzu (trang web: muzuco.com).
Nguyễn Thể Tuấn, giám đốc dự án điện ảnh Muzu.
Câu chuyện của Muzu làm tôi tò mò, những bài phê bình điện ảnh, và nói chung, lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật, hiện nay rất hiếm thậm chí không còn có "trao đổi học thuật" nghiêm túc nữa. Anh có thấy mình quá liều hay không?
Cách đây nhiều năm, khi mà thế giới đã thưởng thức những tác phẩm kinh điển như Pulp Fiction, Gladiator, In The Mood For Love thì khán giả Việt Nam chỉ có thể xem phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong trên màn ảnh nhỏ. Rất hiếm những người yêu phim và hiểu thế nào là điện ảnh có thể xem những bộ phim kinh điển, nhưng với số lượng rất hạn chế, ở những cụm rạp hiếm hoi như Fansland hay Fafim Cinema và sau này là Cinematheque do những cá nhân yêu điện ảnh mở ra, nhưng tất cả đã bị đóng cửa vì nhiều lý do.
Lúc đó, đồng hành cũng một số ít rạp chiếu phim kinh điển là những forum do những người yêu điện ảnh lập nên như Movieboom, Movie fan club... đó gần như là những nơi duy nhất mà người hâm mộ có thể vào và cùng nhau nói về một bộ phim họ yêu thích, nói với nhau nghe thế nào là điện ảnh, là truyền hình. Những forum đó gần như là những nơi đầu tiên lan truyền tình yêu điện ảnh dành cho người Việt, vốn dĩ rất thụ động với văn hoá phương Tây lúc bấy giờ. Nhưng với sự phát triển đến chóng mặt của Facebook, mạng xã hội, cách thức tiếp cận điện ảnh của giới trẻ đã khác, những forum không còn tồn tại, hoặc tồn tại nhỏ lẻ và không còn được chú ý nữa.
Tôi kể điều đó không phải để nói rằng điện ảnh đích thực rất khó sống ở Việt Nam. Mà tôi muốn nhìn ở khía cạnh tích cực là luôn luôn có một bộ phận những người trẻ, những người giàu nhiệt huyết họ đầu tư cho điện ảnh với tất cả khả năng của mình để mong sao, mở rộng thị hiếu xem phim, và đưa đến cho khán giả đại chúng thêm một phương tiện giải trí có chất lượng về mặt nhân văn trong đời sống. Điều đó áp dụng cho cả thời bây giờ, khi mà điện ảnh vốn rất dễ dàng tiếp cận khán giả qua nhiều nguồn như những rạp chiếu phim mọc lên khắp nơi, các nhà phát hành tư nhân Việt Nam nhập rất nhiều phim ngoại, và bản thân phim Việt cũng được sản xuất với số lượng rất lớn. Tuy nhiên, điều đó chỉ dừng lại ở việc, điện ảnh như một dịch vụ giải trí, chứ chưa thực sự tạo thành cộng đồng, điều mà những người yêu điện ảnh luôn hướng tới.
Nhưng dù vậy, điện ảnh vẫn là một món ăn phụ trong menu của các tờ báo giấy và báo mạng từ lớn đến nhỏ. Nó không thể lôi kéo người đọc như những chuyên mục về thời sự, hoặc về ngôi sao. Báo nào cũng có nó, nơi nào cũng nói đến nó, nhưng chưa bao giờ nó là nhân vật chính được đầu tư đúng mực. Cho đến khi những người yêu điện ảnh thực sự, muốn tạo nên sự khác biệt, và tạo ra danh tiếng cho bộ môn nghệ thuật này tại Việt Nam. Và đó là lý do tôi và một nhóm các bạn trẻ yêu điện ảnh đã thành lập Muzu - để có một tầm nhìn xa, và những hy vọng tốt đẹp cho điện ảnh, những bạn trẻ điều hành Muzu muốn tạo nên một nền phê bình chất lượng cho điện ảnh nói chung, và đặc biệt là theo chân những bậc đàn anh đi trước hòng tạo ra một cộng đồng những người yêu điện ảnh đích thực. Muzu, một cái tên đọc lên cho ta liên tưởng đến MovieZoom, một sự mổ xẻ vào điện ảnh từ góc nhìn của người phê bình và khán giả.
Cách Muzu sẽ tiếp cận với các bạn trẻ thế nào?
Có một nghịch lý là, vì thị trường điện ảnh của chúng ta đang manh nha phát triển, nên thói quen phê bình và tìm đọc phê bình còn rất hạn chế. Điều đó khiến cho nhiều dự án không thể đi được lâu và đã thất bại. Điều đó vừa là thử thách mà lại vừa là điểm có lợi cho chúng tôi, vì chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm từ các dự án khác và đặc biệt khi điện ảnh đi lên, thì cần nền phê bình đi lên, đó chính là cơ hội để tôi nắm bắt lấy. Có quá nhiều thứ để làm, và càng nhiều thứ để làm thì chúng tôi càng có nhiều cơ hội. Tôi luôn nghĩ đi một mình mặc dù đi nhanh nhưng sẽ sớm mệt và khó lòng đi xa, nhưng đi thành một cộng đồng thì chắc chắn sẽ đi xa và làm được nhiều điều tốt đẹp cho điện ảnh nước nhà. Nên tôi nghĩ điều tiên quyết ở đây là sự điềm tĩnh và kiên trì, để vừa tạo thói quen cho các bạn trẻ, và còn để hiểu rõ các bạn trẻ hòng mang đến một cộng đồng điện ảnh thực sự.
Những cảm nghĩ của bạn về điện ảnh Việt Nam đã được bạn nói rõ ở phần đầu câu chuyện, tuy nhiên, là một người tâm huyết với điện ảnh, bạn nhìn thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay ở mức nào, nó đem lại những giá trị văn hoá gì cho người Việt hay chủ yếu là giải trí?
Chúng ta đang giống như Hàn Quốc vài chục năm về trước. Và giờ bạn thấy nó đang ở đâu rồi đó. Nó có sức ảnh hưởng lớn đến nỗi Hollywood cũng phải nể trọng. Nên tôi nghĩ, nếu đầu tư đúng cách, thì điện ảnh Việt khoảng vài chục năm nữa hoàn toàn sẽ thay đổi diện mạo. Quan trọng vẫn là có những người dám làm, cả về lĩnh vực làm phim lẫn phê bình. Vàng thau lẫn lộn là điều khó tránh, nhưng không thể phủ nhận, nhiều tác phẩm mang tính nhân văn và giàu chất nghệ thuật đã được làm ra, dù không chỉn chu nhưng rất đáng khích lệ.
"Thị trường điện ảnh Việt đang khởi sắc" luôn là lối nói động viên của truyền thông, tuy nhiên nếu văn hoá Việt đi xuống thì nền điện ảnh Việt có thể đi lên được không? Cảm nghĩ của bạn về điều này thế nào?
Vẫn là nếu có người đủ giỏi, và có những người thực sự mất ăn mất ngủ vì điện ảnh, vì đam mê, thì luôn luôn có chỗ cho sự phát triển. Có những loài cây mọc được trên đá cơ mà. Tôi rất lạc quan về điện ảnh Việt Nam, có lẽ đó cũng là động lực giúp tôi trở về đây làm việc. Bi quan sẽ giết chết động lực, nên tin tưởng là điều duy nhất tôi muốn nghĩ tới khi theo theo đuổi dự án Muzu.
Bạn hãy nói về đam mê điện ảnh của bạn. Vì sao bạn học ngành khác mà lại chọn điện ảnh để làm con đường "khởi nghiệp" sau khi về Việt Nam?
Tôi tiếp cận điện ảnh rất muộn, và lúc đó, dù đã năm thứ 2 đại học mà tôi vẫn không biết điện ảnh là gì. Điều đó khiến tôi luôn luôn trăn trở một điều, làm sao, phải làm mọi cách để từ một đứa trẻ cũng hiểu điện ảnh là gì, còn thanh thiếu niên sẽ biết đến những tác phẩm kinh điển như 12 Angry Men, Some Like It Hot và thưởng thức chúng một cách thích thú và yêu mến. Nên dù học xây dựng, tôi vẫn viết review phim hàng ngày, hầu như xem phim nào xong tôi cũng viết, lúc viết ngắn, lúc viết dài, chỉ để chia sẻ cảm nhận của mình, và giới thiệu cho mọi người biết phim này, phim kia hay lắm, nên xem lắm. Cứ vậy, tôi đi du học với chuyên ngành về bảo tồn đô thị. Nhưng rồi cuối cùng, đam mê dành cho điện ảnh quá lớn, lớn đến mức, tôi từ bỏ tất cả, tôi cố gắng thuyết phục ba mẹ tôi vốn đang mong đợi tôi trở thành một tiến sĩ, để về đây, về Việt Nam, và khởi nghiệp bằng Muzu - một startup về phê bình điện ảnh.
Theo Ngân Hà (thực hiện) (Thế Giới Tiếp Thị)