Những phi vụ nghìn tỷ của Huyền Như vì sao “lọt lưới” Kiểm toán?
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, những vụ việc “kiểu Huyền Như” là một bài học với ngành kiểm toán trong việc tăng cường năng lực và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của ngành.
Vụ án Huyền Như được ngành kiểm toán coi như một bài học trong nghiệp vụ (Ảnh minh họa: Hồng Kỹ)
Trả lời sau buổi công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014 (ngày 18/2), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Lê Minh Khái cho biết: những vụ việc kiểu Huyền Như là một bài học với ngành kiểm toán, trong việc nâng cao trách nhiệm, tăng cường năng lực để giảm thiểu rủi ro nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán.
“Đối với các hành vi lừa đảo chưa được phát hiện, khi kiểm toán chọn mẫu thì không chọn được mẫu đúng (việc chọn mẫu mang tính xác suất – NV), bởi vậy sai phạm xảy ra ở chi nhánh này, nhưng KTNN lại tiến hành kiểm toán ởchi nhánh khác, hoặc cũng có thể thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi nên không thể phát hiện được ngay. Ngay trong nội bộ ngân hàng, cũng có bộ phận kiểm soát nội bộ nhưng sai phạm diễn ra cả năm trời mà không phát hiện được, đến khi vỡ lở mới biết”, ông Khái giải thích.
Bình luận về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, ông Khái cho rằng phán quyết của tòa án và phản biện của các luật sư dư luận cũng đã được nghe hết.
Cũng theo vị Phó Tổng KTNN, hoạt động kinh tế – tài chính luôn có những bấtcập, và bên cạnh những hoạt động đúng pháp luật thì vẫn có những người luôn có mưu đồ lừa dối. “Chúng ta tìm mọi cách để phát hiện, ngăn chặn tối đa sai phạm, nhưng con người không phải là thánh để phát hiện được hết”, ông Khái cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với các ngân hàng vốn nhà nước, hoặc nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần chi phối, ông Khái đánh giá cao hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các đơn vị này. “Các bộ phận này có cơ cấu hoạt động tương đối tốt, hoạt động độc lập với Ban Tổng Giám đốc, và phục vụ công tác thông tin giám sát cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị ngân hàng. Họ cũng giúp KTNN nhiều trong công tác, và chúng tôi coi các bộ phận này như cánh tay nối dài của KTNN trong công tác kiểm toán”, ông Khái cho biết.
Video đang HOT
Báo cáo của KTNN về hoạt động năm 2013 cho thấy, năm vừa qua KTNN đã thực hiện 151 cuộc kiểm toán, phát hành 150 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 22.778 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu 4.014,4 tỷ đồng, các khoản giảm chi 5.290,8 tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước 2.587,5 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN là 9.817,5 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 1.067,9 tỷ đồng.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng, KTNN qua các cuộc kiểm toán các ngân hàng và các công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn và tổng công ty (TCT) nhà nước đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc sang cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật.
Cụ thể, KTNN đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra – Bộ Công an về việc thất thoát vốn tại Công ty Tài chính Sông Đà (thuộc TCT Sông Đà), việc thất thoát vốn tại TCT Thủy sản VN (Seaprodex), việc cho vay một số dự án có dấu hiệu không chấp hành quy định của pháp luật dẫn đến mất vốn tại hai chi nhánh Agribank Bình Phú và TP.HCM.
Trong năm nay, KTNN đã lên kế hoạch triển khai 185 cuộc kiểm toán. Ngoài kiểm toán lĩnh vực ngân sách nhà nước đối với hàng chục bộ – ngành – địa phương, kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khối các cơ quan Đảng; còn có 17 cuộc kiểm toán chuyên đề; 35 cuộc kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại các dự án lớn; 42 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
Đáng chú ý, trong chuyên đề huy động và sử dụng vốn, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán tại 5 công ty cho thuê tài chính thuộc 4 ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước nắm tỷ lệ cổ phần khống chế là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank.
Các “địa chỉ” được kiểm toán báo cáo tài chính và quản lý, sử dụng vốn có thể nhắc đến Tập đoàn Hoá chất VN, TCT Xi-măng VN, TCT Dược VN, TCT Đường sắt VN, TCT Thép VN, Tập đoàn Bảo Việt, BHXH VN, SCIC, TCT cổ phần Bảo Minh, PJICO, DATC, ngân hàng TMCP Phát triển nhà ĐBSCL (MHB), HUD, Handico,Sabeco, TCT Bưu điện VN…
Hồng Kỹ
Theo Dantri
Sẽ kiểm toán nhiều tập đoàn, tổng công ty
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2014 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố hôm qua (18-2), sẽ có 42 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nằm trong danh sách được kiểm toán. Trong đó, KTNN sẽ tập trung vào kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.
Lĩnh vực tài chính, bảo hiểm tiếp tục nằm trong "tầm ngắm" của Kiểm toán Nhà nước Ảnh minh họa: Phú Khánh
Kiểm toán chặt chẽ hơn
Ông Lê Minh Khái - Phó Tổng KTNN cho biết: "Theo kế hoạch kiểm toán 2014, tổng số đầu mối kiểm toán năm nay là 185. Như vậy, so với năm 2013 tổng số cuộc kiểm toán của KTNN năm 2014 sẽ tăng 11 cuộc, đồng thời KTNN cũng đổi mới trong xây dựng kế hoạch, mở rộng để kiểm toán chặt chẽ hơn".
Trong số 185 đầu mối sẽ được kiểm toán trong năm nay, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2013 tại 42 tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Dược, Tổng công ty Thép, Tập đoàn Bảo Việt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam...
Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm như Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex, Công ty Mua bán nợ (DATC), Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex, Bảo hiểm xã hội, Tổng công ty Bảo Minh... cũng sẽ được tập trung kiểm toán.
Theo kế hoạch, KTNN sẽ thực hiện 17 cuộc kiểm toán chuyên đề với các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội như quản lý và sử dụng nguồn thu phí, học phí và các khoản thu khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách giá xăng dầu giai đoạn 2011-2013 tại các đầu mối nhập khẩu. Chuyên đề quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ 2013...
Kiểm toán Nhà nước cũng đưa các công ty tài chính như Công ty cho thuê tài chính I, II; Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển... vào danh sách trong chuyên đề huy động và sử dụng vốn.
KTNN sẽ thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư tại một số dự án đầu tư lớn. Ông Lê Minh Khái nhấn mạnh: &'Từng đầu mối trong kế hoạch kiểm toán năm nay được lựa chọn kỹ càng, khắc phục tình trạng kiểm toán dàn trải, thiếu tập trung, nên có thời gian thu thập bằng chứng đối với các vi phạm liên quan đến lãng phí, tham nhũng".
Kiến nghị xử lý gần 23.000 tỷ đồng
Chia sẻ về kết quả kiểm toán năm 2013, Phó Tổng KTNN - Lê Minh Khái cho biết: "KTNN đã thực hiện 151 cuộc kiểm toán, trừ 1 cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012 đang được thực hiện và kết thúc vào tháng 3-2014 thì tổng hợp kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.778 tỷ đồng".
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 71 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Kiến nghị xử lý trách nhiệm 30 cá nhân và nhiều tập thể liên quan tới sai phạm.
Với kế hoạch kiểm toán năm 2014, KTNN cho biết sẽ tiếp tục chủ động thu thập, củng cố bằng chứng, đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo ANTD
Quảng cáo của BigC Thanh Hóa có hình bánh pháo nổ Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện hai loại ấn phẩm quảng cáo bán hàng cho hệ thống siêu thị BigC có in hình quảng cáo các dây, bánh pháo nổ. Trên cơ sở báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 25/1, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hỏa tốc về việc yêu cầu...