Những phát ngôn ấn tượng nhất tại nghị trường Quốc hội về rượu, bia
Ngày cuối tuần làm việc vừa qua, Quốc hội dành một buổi thảo luận về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Đã có nhiều Đại biểu Quốc hội phát biểu gây ấn tượng mạnh, Dân Việt tổng hợp lại những câu nói đó.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương, ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Thử một lần lắng nghe tiếng khóc của vợ mất chồng, con mất cha do rượu, bia
Trong bài phát biểu của đại biểu Nhân có đoạn: Phản biện đến mức cho rằng nếu thông qua luật này là khai tử ngành rượu, bia thì hãy xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành, hay thử một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng, con mất cha do bia, rượu gây ra, hay một lần đến chùa cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hẳn sẽ có sự sẻ chia nỗi đau thương với những người ở lại.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định): Nếu rượu, bia là tác hại chúng ta nghĩ gì khi dâng tổ tiên
Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định, ảnh quochoi.vn).
Góp ý vào tên gọi, vị đại biểu tỉnh Nam Định này cho rằng: Nếu tên gọi là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chẳng khác nào khẳng định rượu và bia là hoàn toàn có hại. Nếu rượu và bia là tác hại thì chúng ta nghĩ gì, trong những ngày giỗ tết với tấm lòng thành kính trời đất, tổ tiên, với người thân đã mất, tiễn năm cũ đón một năm mới với truyền thống văn hóa nghìn đời, mọi gia đình của dân tộc Việt Nam đều có bát cơm thơm, chén rượu cúng trên bàn thờ tổ tiên lúc giao thừa
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội): Ép người khác uống rượu, bia là hành động thiếu văn hóa, phản cảm
Video đang HOT
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội, ảnh quochoi.vn).
Trong phát biểu góp ý, đại biểu Hoa nói: Tôi cho rằng việc ép người khác uống rượu, bia là hành động thiếu văn hóa, phản cảm, gây nên những hậu quả không đáng có trong các mối quan hệ xã hội. Tôi đề nghị cần quy định cấm ép uống rượu, bia ở tất cả các thành phần, các lứa tuổi chứ không phải chỉ dưới 18 tuổi.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Với tình trạng sử dụng rượu, bia của Việt Nam, mong ước giảm lạm dụng khó thực hiện được
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang, ảnh quochoi.vn).
Sau nghe các ý kiến phát biểu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã tranh luận. Ông nói: “Các đại biểu phát biểu trước tôi kỳ vọng luật này ra đời sẽ giảm được tác hại và lạm dụng rượu, bia một cách rõ ràng. Theo tôi, luật này ban hành, với tình trạng sử dụng rượu, bia của Việt Nam hiện nay, mong ước của chúng ta sẽ khó mà thực hiện được”. Từ đó ông đề xuất: Vì tính cấp bách của tình hình lạm dụng rượu, bia ngày càng gia tăng tại Việt Nam, tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định về hành vi bị cấm, một nghị định có các quy định rõ ràng, đơn giản, học tập các nước trong khu vực.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Tôi vẫn mơ ước một ngày ở Việt Nam sẽ có những loại rượu ngon nổi tiếng thế giới
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội, ảnh quochoi.vn).
Góp ý vào Điều 16 của dự thảo Luật về quản lý sản xuất rượu thủ công, vị đại biểu này cho rằng, cần bổ sung thêm nội dung để khuyến khích sản xuất những loại rượu truyền thống, ngon, đã có thương hiệu ở Việt Nam một cách đúng, an toàn hơn. “Tại Quốc hội này cho phép tôi được bày tỏ, tôi vẫn mơ ước một ngày ở Việt Nam sẽ có những loại rượu ngon nổi tiếng thế giới, điều đó không có gì xấu và không có gì sai trái”, ông nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM): Chi phí bảo hiểm y tế với người nghiện rượu phải tính khác
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM, ảnh quochoi.vn).
Khi nói về vấn để giải quyết tác hại của lạm dụng rượu, bia, đại biểu Lan cho đã nói: Chi phí bảo hiểm y tế với người nghiện rượu cũng phải tính khác, bởi vì đây là đối tượng có nguy cơ cao về bệnh tật và cố tình hủy hoại sức khỏe của mình, đã biết mà vẫn uống.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Nếu không hạn chế chúng tôi mua rượu bổ về uống vậy
Đại biểu Dương Trung Quôc (Đồng Nai, ảnh quochoi.vn).
Là người giơ biển phát biểu tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc đã đặt câu câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế: Ngay khi luật được thông qua Bộ Y tế có hạn chế việc sản xuất các loại rượu bổ không? Bởi vì rượu bổ có tác dụng nhất định, nếu không thì chúng tôi sẽ mua rượu bổ về uống vậy.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Luật của chúng ta là mức trung bình hơi yếu về sự chặt chẽ
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh quochoi.vn).
Trong phần phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Hiện nay có những nước GDP rất cao, họ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu rượu, bia vào loại lớn nhưng họ đã xây dựng luật về rượu, bia từ 30 năm trước và 2 lần sửa đổi. Đến nay quốc gia đó lại sửa đổi nữa để siết chặt hơn. Còn dự luật này của chúng ta hiện đem so sánh với thế giới, chúng tôi đánh giá là mức trung bình hơi yếu về sự chặt chẽ.
Theo Danviet
ĐB Dương Trung Quốc tranh luận về rượu, Bộ trưởng Y tế trả lời sao?
Sáng nay (16.11), tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã giơ biển tranh luận. Ông nói đã có nhiều cơ hội phát biểu về vấn đề liên quan tới rượu, bia và tại diễn đàn Quốc hội, ông gửi tới cơ quan soạn thảo dự án Luật 3 câu hỏi.
Đại biểu Dương Trung Quốc (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Dương Trung Quốc nói: Trên thế giới có bao nhiêu nước đặt tên Luật phòng, chống tại hại của rượu, bia như chúng ta?; Chúng ta xếp thứ 3 Châu Á và lượng tiêu thụ rượu, bia là điều đáng lo, vậy Nhật Bản là quốc gia xếp thứ 2 về tiêu thụ rượu, bia, vậy họ có là quốc giá phát triển không cả về kinh tế và văn hóa?;
"Câu hỏi thứ 3 tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay sau khi Luật này được thông qua, Bộ Y tế có hạn chế việc sản xuất những loại rượu bổ không, rượu bổ có tác dụng nhất định", đại biểu Quốc nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh Lê Hiếu).
Trả lời vấn đề đại biểu Dương Trung Quốc nêu ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tên của tiếng Anh để dịch vừa sát, vừa dễ hiểu là khó, nếu dịch ra tên gọi đồ uống có cồn thì nhân dân cũng để ý. Từ kiểm soát là gốc của tiếng Anh, ở các nước bao giờ cũng là từ đó nhưng khi sang Việt Nam đều dịch ra thành từ phòng, chống. Nước ngoài họ không nói phòng chống dịch mà dùng từ kiểm soát. Còn chúng ta dùng từ kiểm soát dịch, nếu dùng từ kiểm soát dịch người dân khó hiểu. Chính vì thế ngôn ngữ dịch làm sao cho dễ hiểu nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời tiếp, ở Nhật Bản họ uống rượu, bia, quốc gia này có những loại rượu nổi tiếng nhưng luật của họ rất nghiêm, tuổi thọ người Nhật rất cao. Họ có luật dinh dưỡng được xây dựng từ năm 1926 và an toàn thực phẩm của họ rất nghiêm ngặt, văn hóa rượu của họ rất văn minh.
Về câu hỏi thứ ba của đại biểu Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Lúc đầu khi dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được xây dựng, những loại rượu thuốc có bổ nọ bổ kia được đưa vào quy định bị cấm. "Nhưng sau rất nhiều hội thảo, lắng nghe nhiều, chúng tôi đã bỏ nội dung trên. Nhưng không có nghĩa Luật này ban hành là đồng nghĩa với cấm rượu bia, trong luật không có từ nào cấm uống rượu, uống bia", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Về tên gọi của dự án Luật, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến qua phân tích, Ban soạn thảo mong muốn được giữ tên Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cách gọi này vừa dễ hiểu, vừa đơn giản, phạm vi là phòng, chống tác hại của rượu bia chứ không đả động tới văn hóa của rượu bia hiện nay. Chống tác hại trong tất cả các quá trình tiêu thụ, sản xuất, cách uống....
Theo Danviet
Đề nghị bổ sung hành vi "ép người khác uống rượu, bia" vào điều khoản cấm của luật! Các đại biểu Quốc hội đồng ý ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, nhưng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của dự luật. Theo dự kiến của Tổ chức Thương mại thế giới, năm 2025, trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ tiêu thụ 8,6 lít cồn/năm. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ngày càng...